C

 

Ca Ðoàn

(= Chorale)

Trong phụng vụ giáo xứ, ca đoàn có nhiệm vụ làm chỗ dựa cho cộng đoàn hát theo và họ chỉ hát riêng những phần khó hơn. Việc điều phối những phần vụ của chủ tế, của cộng đoàn và của ca đoàn không phải là chuyện đơn giản: phải tránh đừng để những buổi cử hành phụng vụ trở thành dịp trình diễn nhạc đạo. Nhưng hiển nhiên là trong toàn bộ hòa điệu của phụng vụ, vì lợi ích tinh thần của cộng đoàn, một vài phần ca hát phải được dành cho những giọng ca điêu luyện.

 

Ca Tiến Cấp

(= Graduel)

Xuất phát từ tiếng La-tinh gradus nghĩa là cấp, bậc. Thánh vịnh tiến cấp là những thánh vịnh dân Ít-ra-en hát trong khi bước lên các bậc Ðền thờ, trong dịp hành hương về Giê-ru-sa-lem (Tv 119-133). Trong phụng vụ Rô-ma, các thánh vịnh tiến cấp hay các thánh vịnh khác được hát giữa bài thánh thư và bài Tin mừng. Người ta có thói quen hát thánh vịnh này ở giảng đài, vị trí hơi cao, có nhiều bậc bước lên, trong khi cung nghinh Tin mừng.

Ca tiến cấp Ghê-gô-ri-ô là bài hát xen giữa bài đọc đầu tiên và Tin mừng. Ðó là một bài xướng đáp: phần thứ nhất mọi người đều hát và một câu do các ca viên hát. Ðể tôn trọng bản chất hát đối đáp trong thánh lễ, có thể lặp lại phần thứ nhất sau câu do ca viên hát. Phần lớn các bản văn trong sách hát Ghê-gô-ri-ô đều được trích từ tập thánh vịnh.

Vào ngày chúa nhật, ca tiến cấp được cất lên giữa các bài đọc một và hai, trừ mùa Phục sinh người ta hát Ha-lê-lui-a ở đầu. Ngày thường trong tuần và ngoài mùa Phục sinh, có thể hát ca tiến cấp hoặc Ha-lê-lui-a giữa bài đọc đầu tiên và bài Tin mừng. Mùa chay chỉ được hát ca tiến cấp. Vì ca tiến cấp là bài hát hoa mỹ nhất của nhạc Ghê-gô-ri-ô trong thánh lễ, nên trở thành tên gọi chung cho một tập gồm những bài hát khi cử hành thánh lễ: ca Nhập lễ, ca Tiến cấp, ca Tiếp liên, Ha-lê-lui-a, ca Tiến lễ, ca Hiệp lễ, kinh Thương xót. Do đó, ca tiến cấp là sách hát Ghê-gô-ri-ô được sử dụng trong thánh lễ. Theo như công đồng Va-ti-ca-nô II mong ước (PV 117), ca tiến cấp phổ thông đã được xuất bản gồm những giai điệu đơn giản hơn dùng cho những nhà thờ nhỏ, nơi không thuận tiện để hát những bài công phu.

 

Ca Tiếp Liên

(= Séquence)

Tiếng La-tinh sequentia nghĩa là tiếp theo, liên tiếp. Ca tiếp liên là bài ca có nhịp điệu tiếp nối và kéo dài câu Ha-lê-lui-a. (xc. Câu tung hô).

 

Ca Tiếp Liên Mùa Chay

(= Trait)

Tiếng La-tinh tractus, hay đầy đủ hơn là psalmus tractus nghĩa là thánh vịnh hát một mạch. Trong phụng vụ Ki-tô giáo sơ khai, ca tiếp liên khác ca tiến cấp ở chỗ chỉ có một người đơn ca chứ cộng đoàn không hát. Hiện nay, loại ca tiếp liên này được hát vào ngày chúa nhật và các ngày lễ trong mùa chay, giữa bài đọc hai và bài Tin mừng, thay thế cho Ha-lê-lui-a. Bản văn ca tiếp liên này hầu như bao giờ cũng trích từ thánh vịnh, thậm chí lấy nguyên cả một thánh vịnh (như Chúa nhật I mùa Chay và Chúa nhật Thương khó).

 

Ca Tụng

(= Louange)

Tiếng La-tinh, laus có nghĩa là ca tụng, vinh quang, kính trọng. Tán tụng là một trong những chiều kích chính yếu của kinh nguyện phụng vụ, đến nỗi sách thánh vịnh, tập sách diễn tả rõ rệt nhất hình thức cầu nguyện này còn được gọi là Tohillim, tiếng Híp-ri nghĩa là ca tụng. Ca tụng là vui thích vì vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết chúng ta vào cuộc sống của Người, trong khi chờ đợi Người dẫn đưa chúng ta vào vinh quang của Người (xc. Vinh tụng ca).

 

Ca Viên

(=Choriste)

Ngay từ thế kỷ IV đã xuất hiện những ca đoàn thiếu nhi góp tiếng trong trẻo vào giọng ca của các bậc đàn anh. Các em có nhiệm vụ đọc sách, xướng ca hay xướng thánh vịnh, được qui tụ thành từng nhóm hát thánh ca thánh vịnh cạnh nhà thờ chính tòa hay đan viện. Tại đây, các em được đào tạo về âm nhạc, huấn luyện về nhân bản và tôn giáo.

Từ ngữ này thường được dùng để chỉ một cậu bé trong ban thánh ca thi hành nhiều nhiệm vụ khác nhau để giúp vị chủ tế. Ngày xưa gọi là cậu bé hát thánh ca.

 

Ca Viên Tu Viện

(= Schola)

Từ La-tinh schola phát xuất từ tiếng Hy-Lạp scholè có nghĩa là niềm vui chuyên chú vào việc học. Về sau có nghĩa là trường lớp nơi người ta theo học. Schola cantorum hoặc trường ca viên là một trường âm nhạc do thánh Ghê-gô-ri-ô Cả thiết lập ở Rô-ma để dạy các thiếu niên hát trong phụng vụ. Khi cử hành phụng vụ, các thiếu niên này đứng ở một vị trí đã chỉ định trong nhà thờ. Ngày nay, ca viên tu viện chỉ một nhóm các ca xướng viên. Trong các đan viện, các ca xướng viên đứng ở giữa cung nguyện để hát một vài phần trong thánh lễ hoặc trong kinh thần vụ (xc. Ca xướng viên, Ca đoàn).

 

Ca Xướng Viên

(=Chantre)

Tiếng La-tinh cantor có nghĩa là ca sĩ, người có giọng tốt, giữ nhiệm vụ xướng cung hoặc hát những bài ca phụng vụ. Các ca xướng viên họp thành ca đoàn hay ca hội. Người đứng đầu nhóm gọi là ca trưởng, có trách nhiệm lĩnh xướng những phần quan trọng và lo cho việc ca hát khi cử hành phụng vụ được tốt đẹp.

Trừ những lúc họ hợp thành ca đoàn, tùy theo tầm quan trọng của các cộng đoàn, chỗ của các ca xướng viên thường được bố trí giữa các hàng ghế dành cho ca đoàn, để họ dễ thi hành phận vụ của mình. Trong các lễ trọng, hai hoặc bốn ca xướng viên mặc trang phục riêng, tức là áo choàng, đứng ở một vị trí đặc biệt. Lúc đó, sẽ có việc hát đối đáp giữa các ca xướng viên với thành phần còn lại của ca đoàn.

 

Cải Táng

(= Translation)

Cải táng là chuyển cốt một vị thánh sang một nơi khác. Thường ngày cải táng được giữ làm ngày lễ kính vị thánh đó. Chẳng hạn ở Pháp, lễ thánh Biển Ðức, ngày 11 tháng 7, bắt nguồn từ cuộc lễ cải táng người sang đan viện Fleury (Saint-Benoit-sur-Loire).

 

Canh Thức - Vọng Lễ

(= Vigile)

Tiếng La-tinh vigilia có nghĩa là buổi canh thức, giờ canh thức. Ðối với người Do Thái, bữa ăn Vượt qua vào chiều ngày 14 tháng Nisan không chỉ là kỷ niệm ngày được giải phóng khỏi Ai cập, nhưng còn là buổi canh thức mong chờ Ðấng Cứu thế (xc. Phục sinh, Vượt qua). Tương tự như vậy, canh thức lễ Vượt qua (xc. Nến Phục sinh), vào đêm thứ bảy Tuần Thánh rạng Chúa nhật Phục sinh, là để cầu nguyện trong tâm tình chờ mong Ðức Ki-tô Phục sinh. Ðỉnh cao của buổi canh thức này là việc cử hành lễ Tạ ơn, gặp gỡ Ðấng đã chiến thắng sự chết. Mọi thánh lễ đều mang chiều kích này, tức là chờ mong Chúa quang lâm, hoặc ngày Chúa Ki-tô trở lại vĩnh viễn.

Một vài lễ trọng cũng có thánh lễ vọng (canh thức), cử hành vào buổi chiều hôm trước cùng với kinh Chiều I.

 

Canh Thức Cầu Cho Người Quá Cố

(= Veillée)

Phụng vụ cầu hồn quy định có một buổi cầu nguyện bên cạnh người vừa được gọi về nhà Cha. Buổi canh thức này gồm việc đọc kinh Lạy Cha, thánh vịnh, và Lời Chúa, trong bầu khí thanh bình lặng lẽ (xc. Người quá cố).

 

Câu Chuyển Nghĩa

(= Trope)

Trong tiếng Hy Lạp, tropos có nghĩa là vòng xoay. Câu chuyển nghĩa là một câu ngắn, xen kẽ, dùng để lấp đầy những chỗ có dấu ngân dài (neuma) trong một số bài nhạc bình ca Ghê-gô-ri-ô. Kiểu khai triển này - rất thịnh hành thời Trung cổ - do người ta không hiểu giá trị diễn cảm của những âm ngân dài theo cung nhạc. Ðến thế kỷ VI, công cuộc canh tân phụng vụ của đức Thánh Cha Pi-ô V đã loại bỏ kiểu câu chuyển nghĩa này, chỉ còn lại dưới hình thức một số câu tung hô hay ca tiếp liên. Một số kinh Thương xót vẫn còn được gọi là những câu chuyển nghĩa cổ (xc. Câu tung hô; Bình ca, Ghê-gô-ri-ô).

 

Câu Tung Hô

(= Prose)

Trong tiếng La-tinh prosus hay prorsus có nghĩa là hướng về phía trước (pro: phía trước; versus: quay). Prosa oratio là một bài diễn từ đều đều, là lối phối hợp các từ ngữ một cách đơn giản. Trong số các bản văn phụng vụ, Câu Tung hô hoặc Ca Tiếp liên là một bài sáng tác theo thể thơ tự do, nhằm giúp kéo dài các dấu neuma trong bài Ha-lê-lui-a. Âm cuối bài Ha-lê-lui-a được ngân dài giúp cho thầy phó tế có đủ thời gian tiến lên giảng đài. Vì các đan sĩ Pháp không quen điệu hát Jubilus có âm vực rộng này, nên các ông hát nuốt chữ. Ðó là nguồn gốc của kiểu sắp xếp từ ngữ prosa theo sau (sequentia) bài Ha-lê-lui-a. Chính vì thế, nếu trước đó đã hát bài Ha-lê-lui-a, thì mới hát tiếp một trong bốn Ca Tiếp liên của sách lễ Rô-ma: Ca Tiếp liên tuần Phục sinh, lễ Ngũ tuần, lễ Mình Máu Thánh Chúa và lễ Ðức Mẹ Bảy sự. Các câu tung hô hoặc Ca Tiếp liên khác đôi khi được hát lúc chầu Thánh Thể hay trong những buổi cử hành á phụng vụ, như việc lần chuỗi, tôn kính trong tháng Ðức Mẹ (xc. Á phụng vụ). Sách nghi thức La-tinh, trừ sách nghi thức Ghê-gô-ri-ô, vẫn đặc biệt duy trì các câu tung hô của đan sĩ Notker thuộc đan viện Saint Gall (thế kỷ IX-X) và Adam St Victor (thế kỷ XII).

 

Câu Xướng Ðáp

(= Verset)

Tiếng La-tinh versus có nghĩa là luống, hàng chữ, câu thơ. Ðể sắp xếp các bản văn, Kinh thánh không những được chia thành quyển, chương, nhưng còn thành câu, tức là những phần nhỏ gồm một hay vài hàng. Trong các bài thơ, chẳng hạn như thánh vịnh hay thánh ca dùng trong Phụng vụ, câu thường gồm một hay hai câu thơ. Trong khi đọc hay hát thánh vịnh kiểu đối đáp, mỗi bên hát một câu xen kẽ nhau. Việc hát đáp ca, Ca tiến cấp và Ha-lê-lui-a gồm có phần chung dành cho cộng đoàn, sau đó là câu do một người hay một nhóm xướng lên. Cuối thánh vịnh kinh Sách hay kinh Trưa, ca xướng viên sẽ đọc câu xướng, tức là một câu ngắn, thường rút ra từ thánh vịnh, rồi cả cộng đoàn đáp lại, như một hình thức tung hô nối tiếp vào câu xướng.

 

Cầu Mùa

(= Rogations)

Tiếng La-tinh rogatio có nghĩa là cầu xin, khẩn cầu, cầu nguyện. Các lễ cầu mùa xuất hiện từ thế kỷ thứ V. Trong những thời kỳ đói kém, thánh Mamert, giám mục Vienne, đã ấn định một hình thức chay tịnh và những buổi rước kiệu có hát thánh ca suốt ba ngày trước lễ Thăng thiên. Khi qua cơn nguy biến, tục lệ đó vẫn tồn tại và được phổ biến sang các giáo phận khác. Những lời khẩn cầu long trọng này đặc biệt xin Chúa chúc lành cho công việc đồng áng để mùa thu hoạch sắp tới được tốt đẹp.

Thánh lễ và cuộc rước cầu mùa không nhất thiết phải cử hành vào ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư trước lễ Thăng thiên. Các hội đồng giám mục có quyền xác định một hoặc nhiều ngày cầu mùa và cho phép các cộng đoàn giáo xứ được tự do chọn lựa những ngày thuận tiện. Hát Kinh Cầu là phần chính yếu của các lời kinh được hát trong buổi rước cầu mùa.

 

Công Trình Thiên Chúa

(= Oeuvre de Dieu)

Trong tiếng La-tinh Opus Dei nghĩa là công trình Thiên Chúa hay các kỳ công của Thiên Chúa, những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện với dân củaNgười để cứu độ họ (xc. St 2,2-3; Is 55,15; 26,12; 28,21; 2,23; Gr 48,1; Gv 11,5). Trong Tin mừng, người Do Thái đặt vấn đề: "Chúng tôi phải làm gì để phục vụ công trình của Thiên Chúa?". Ðức Giê-su trả lời: "Công trình của Thiên Chúa là anh em hãy tin vào Ðấng Người đã sai đến" (Ga 6,28-29). Ðối với thánh Phao-lô, sứ vụ của vị tông đồ là cộng tác vào công trình của Thiên Chúa (1 Cr 3,9; 15,58; 16,10) và tiếp tục công trình của Ðức Ki-tô (Pl 2,3) đã được hoàn tất trong mầu nhiệm Vượt qua, tuyệt phẩm của công trình yêu thương. Toàn bộ đời sống Ki-tô hữu có đặc tính là một công trình cộng tác giữa Thiên Chúa và Dân Người; nó hệ tại ở việc sống những hồng ân của Thiên Chúa cho tới khi chúng được viên thành trong vinh quang bất diệt. Tuy nhiên, nếu Ki-tô hữu được kết hợp với công việc của Thiên Chúa bằng đời sống đức Tin, thì còn có một hoạt động mang giá trị chủ yếu trong số những hoạt động khác: đó là đời sống phụng vụ. Thực vậy, phụng vụ là toàn bộ những hành vi nối kết hoạt động của Thiên Chúa với hoạt động của con người, đó là thời khắc trọn vẹn và sâu sắc nhất của sự kết hợp này. Chính vì thế, suốt thế kỷ V và VI, nhất là trong qui luật của thánh Biển Ðức, từ ngữ la-tinh Opus Dei đồng nghĩa với phụng vụ. Nhờ có hai nghĩa - khách quan và chủ quan - của thuộc từ Dei. Opus Dei có thể chỉ đồng thời và duy nhất, công việc của Dân Thiên Chúa thực hiện dâng lên Thiên Chúa. Kiểu nói cổ điển: công trình Thiên Chúa rất thích hợp để giải thích phụng vụ như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Người, để cử hành Giao ước (xc. Phụng vụ, Giao ước).

Trong cuộc hội họp Thánh Thể, nhiều lời nguyện trong thánh lễ gợi lên toàn bộ thực tại của Opus Dei: "Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn tham dự thực sự vào mầu nhiệm Thánh Thể này, vì mỗi lần hy tế tưởng niệm được cử hành, là công trình cứu độ chúng con được hoàn tất" (lời nguyện tiến lễ, Chúa nhật Thường niên). "Lạy Chúa, sau khi đã được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, chúng con nài xin Chúa cho mỗi lần chúng con cử hành mầu nhiệm này là mỗi lần làm lớn lên trong chúng con công trình cứu độ của Ngài" (lời nguyện hiệp lễ, Chúa nhật XV Thường niên).

 

Cộng Ðoàn

(= Synaxe)

Tiếng Hy Lạp sumaxis có nghĩa là tụ họp để cử hành phụng vụ (xc. Cộng đoàn phụng vụ).

 

Cộng Ðoàn Phụng Vụ

(= Assemblée)

Là một thực tại cốt yếu của phụng vụ, Cộng đoàn phụng vụ là một cuộc họp mặt Dân Chúa do Thiên Chúa quy tụ đối diện với Người để cử hành Giao ước.

Ở chung cuộc, Công trình Thiên Chúa luôn là việc quy tụ đoàn Dân thuộc về Người. Người không ngừng giải thoát những kẻ thuộc về Người "để họ thờ phượng Người" (xc. Xh 7,16.26; 8,16; 9,1.13; 10,3.7.11.26). Tức là để họ cùng với Người đi vào phụng vụ. Khi thất bại không thể giải thoát và hợp nhất người Híp-ri, ông Mô-sê đã cảm nghiệm thấy sự bất lực của những cố gắng thuần túy nhân loại (Xh 2,1-15). Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người khỏi ách nô lệ mọi thứ ngẫu tượng để dẫn vào sự cao cả của việc phụng vụ. Việc ký kết Giao ước tại Xi-nai làm cho dân Ít-ra-en trở thành Dân của Thiên Chúa, được qui tụ do Người và vì Người: qehal Yahvé (Ðại hội của Ðức Chúa). "Chính các ngươi thấy Ta đã xử với người Ai Cập như thế nào, và đã mang các người như trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta" (Xh 19,4). Ðối với dân Ít-ra-en, cuộc cử hành phụng vụ vĩ đại, Giao ước Xi-nai, vẫn là "Ngày Ðại hội tuyệt hảo" (Ðnl 9,10; 10,4; 18,1-16). Mọi cộng đoàn phụng vụ chỉ là nhắc lại, hiện tại hóa Ngày đầu tiên, ngày Thiên Chúa làm cho Ít-ra-en thành Dân Hiền thê.

Nhưng dân Ít-ra-en không trung tín với Ðức Chúa được lâu. Giao ước chẳng mấy chốc đã bị phá vỡ vì họ đã phản bội Chúa, tức là thờ lạy con bò vàng. Dù Giao ước đã được phục hồi và không ngừng được mừng kính suốt thời gian Cựu ước, Lời Thiên Chúa phán qua các ngôn sứ luôn cố gắng gợi cho tâm hồn con người nỗi khao khát có một Giao ước mới, Giao ước duy nhất có khả năng qui tụ Dân một cách bền vững quanh Thiên Chúa và đối diện với Người. Ðức Ki-tô là Thiên Chúa và là con người; mọi con cái Thiên Chúa đã tản mác được "qui tụ thành một" (Ga 11,52). Hy lễ trên núi Can-vê là một hành vi tuyệt mức của tình yêu; qua hy lễ đó, Ðức Giê-su, Lời của Chúa Cha, mời gọi Hội Thánh đã được Người đổ máu ra cứu chuộc đến tham dự vào trong chính sự duy nhất của Chúa Ba Ngôi (xc. Cv 20,28; Ga 17,11.21.22).

Trước khi trở về với Chúa Cha, Ðức Ki-tô đã để lại cho Hội thánh một cách thế để tưởng niệm Hy lễ của Người; Hy lễ đó là nguồn mạch và là cách diễn tả sự hiệp nhất một cách đầu đủ. Thánh Thể - và toàn thể phụng vụ xuất phát từ đó - là hành vi chủ yếu liên kết Tân nương với Tân lang trong việc cử hành Giao ước. Khi cộng đoàn phụng vụ nghe Lời Thiên Chúa và nghe linh mục, phó tế giải thích, khi cộng đoàn tung hô, xướng đáp để nói lên lòng mình gắn bó với Công trình cứu độ được hiện tại hóa trong việc cử hành, khi cộng đoàn hát kinh Lạy Cha và rước Mình Máu Chúa, tất cả những lúc đó, cộng đoàn đã xử sự với tư cách là Hiền thê, đồng thời thể hiện phẩm giá của mình một cách sâu xa nhất.

Nhờ chức tư tế, linh mục vừa là bí tích của Ðức Ki-tô, vừa là phát ngôn viên của cộng đoàn. Không thể có sự qui tụ các Ki-tô hữu đúng nghĩa mà lại thiếu vắng giám mục và các cộng tác viên của người. Thánh Xíp-ri-a-nô đã chẳng định nghĩa Hội thánh như là đoàn Dân được liên kết với vị tư tế và là đoàn chiên gắn bó với vị chủ chăn của mình (Plebs sacerdoti adunata et pastori suo grex adhaerens) (69,8)? Vì được kết hợp với Ðức Ki-tô như Tân nương với Tân lang, cộng đoàn các tín hữu chỉ là một với Người. Do đó, cộng đoàn có thể bày tỏ thái độ hiếu thảo một cách tự phát và hướng về Chúa Cha một cách trọn vẹn. Tóm lại, cộng đoàn phụng vụ là một cuộc tham dự vào  sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, theo một công thức khác của thánh Xíp-ri-a-nô về Hội thánh: "Dân đã được hiệp nhất do chính sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (De unitate Patris et Filii et Spiritus Sancti plebs adunata - De oratione dominica, 23; so với lời Tiền tụng số 8 các Chúa nhật Thường niên).

Nếu cộng đoàn phụng vụ mang tính chất sinh động và chung cuộc đối với các Ki-tô hữu như thế, thì ta có thể hiểu tại sao thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a đã nhắn nhủ các tín hữu Ê-phê-xô: "Anh em hãy siêng năng họp mặt nhau nhiều hơn nữa để cử hành Thánh Thể và dâng lời ca tụng Thiên Chúa" (13,1).

 

Cộng Tác

(= Synergie)

Tiếng Hy Lạp sunergia hoặc sunergeia có nghĩa là hợp tác hoặc cộng tác: (Sun: với và ergon công việc). Phụng vụ là một công việc chung giữa Thiên Chúa với Dân của Người (xc. Phụng vụ, Công trình Thiên Chúa). Cộng tác là một kiểu nói đặc biệt để chỉ hành vi trọng yếu, tức là việc cử hành Giao ước. Thiên Chúa hành động vì Hội thánh của Người và Hội thánh hành động vì Thiên Chúa của mình: cả hai cùng hành động.

 

Cốp (Nghi Thức)

(= Copte)

Xc. Phụng vụ (các nghi thức).

 

Của Ăn Ðàng

(= Viatique)

Trong tiếng La-tinh, viaticum có nghĩa là lương thực cho cuộc hành trình (via: con đường). Của ăn đàng là Thánh Thể được trao cho một bệnh nhân sắp qua đời, nhằm nâng đỡ người ấy để họ vượt qua đời này về thiên quốc. Ðức Ki-tô đã nói Người là Ðường (Ga 14,6), vì thế, việc lãnh nhận Thánh Thể đây là một sự nâng đỡ tuyệt hảo trong hành trình tiến về nơi chính Người đã chuẩn bị cho chúng ta. Nghi thức rước lễ như của ăn đàng được trình bày chi tiết trong nghi thức hiệp lễ và việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ, hay trong nghi thức bí tích Xức dầu bệnh nhân. Sau lời chào mở đầu và nghi thức sám hối - có khi là bí tích Sám hối - là một bài đọc Lời Chúa ngắn, nhắc lại lời tuyên xưng đức tin của bí tích Rửa Tội theo công thức ngắn, lời nguyện cộng đồng cầu cho bệnh nhân đang bị cái chết rình rập, kinh Lạy Cha, hiệp lễ, lời nguyện kết thúc và phép lành. Sau phần sám hối hay bí tích Sám hối, linh mục có thể ban ơn toàn xá trong trường hợp nguy tử. Nếu bệnh nhân không thể dùng thức ăn, có thể cho hiệp lễ dưới hình rượu.

 

Cúi

(= Inclination)

Cúi đầu hay cúi mình là một dấu chỉ tự nhiên để tỏ lòng kính trọng và lịch sự. Trong phụng vụ, cử chỉ đó nói lên phẩm tính của những mối quan hệ: giữa chúng ta với Thiên Chúa, với các thánh và với những người đang cùng chúng ta cử hành công trình của Thiên Chúa (xc. Phụng vụ). Có ba hình thức: cúi đầu, cúi mình và cúi sâu. Cử điệu của thân thể cũng là một thành tố cốt yếu của phụng vụ; nó đóng góp một cách rõ rệt vào vẻ đẹp của phụng vụ (xc. Cử điệu).

 

Cung Hiến

(= Dédicace)

Có lẽ việc cung hiến thánh đường là một trong những nghi lễ phụng vụ đầy đủ nhất và có ý nghĩa nhất. Khi dâng kính một công trình kiến trúc để làm địa điểm hội họp cử hành Giao ước, nghi thức cung hiến này hân hoan ca mừng toàn thể mầu nhiệm hôn lễ, liên kết chúng ta với Chúa Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần, cho phép chúng ta cùng với Chúa Con thưa lời "Lạy Cha!"

Một nghi lễ như vậy đòi buộc toàn thể cộng đoàn hội thánh liên quan phải qui tụ quanh vị giám mục, các linh mục và phó tế. Người ta đi rước tới tòa nhà sắp được thánh hiến; các cửa được mở ra một cách trịnh trọng. Vị giám mục làm phép nước dùng để rảy trên dân chúng, trên những bức tường bên trong và bàn thờ của thánh đường. Ðây là nghi thức giống như nghi lễ Rửa tội. Sau kinh Vinh danh và lời tổng nguyện, đức giám mục cầm sách bài đọc, nâng lên cho dân chúng nhìn và nói: "Ước chi Lời Chúa luôn vang dội ở chốn này; ước chi đây là nơi mặc khải Mầu nhiệm Ðức Ki-tô và ban ơn cứu độ cho anh chị em trong Hội thánh". Cần ghi nhận là cách diễn tả trên nhằm nhấn mạnh ơn cứu độ là Công trình Thiên Chúa và Lời của Người.

Sau kinh Tin kính; đọc kinh cầu Các Thánh thay cho lời nguyện chung: Hội thánh dưới thế liên kết với Hội thánh trên trời. Hài cốt các thánh tử đạo và các thánh khác được đính vào bàn thờ, biểu tượng sự hiệp nhất của Nhiệm thể trong Chúa Ki-tô. Tiếp theo là lời nguyện thánh hiến trọng thể, gồm tóm toàn bộ mầu nhiệm Hội thánh hiến trọng thể, gồm tóm toàn bộ mầu nhiệm Hội thánh và phụng vụ. Như muốn nói lên tính kiên vững của việc thánh hiến, đức giám mục xức dầu bàn thờ bằng năm hình thánh giá, đồng thời xức dầu toàn thể bàn thờ, rồi 12 dấu thánh giá (hoặc ít là bốn) để cung hiến thánh đường. Dầu dùng để xức là Dầu Thánh. Sau đó, đốt hương trên bàn thờ, biểu tượng cho lời cầu nguyện không ngừng dâng lên Thiên Chúa làm cho thánh đường nức hương thơm Chúa Ki-tô (2 Cr 2,14-16). Việc xông hương cộng đoàn cho thấy chính cộng đoàn là đền thờ sống động, còn đền thờ vật chất chỉ là hình ảnh. Tiếp theo, trải khăn lên bàn thờ, ý nói đây là bàn dâng hy lễ Thánh Thể; nến được thắp lên, gần bàn thờ hay trên bàn thờ, và trước mỗi dấu thánh giá ghi dấu thánh hiến, cùng với tất cả các đèn nến khác, biểu tượng cho Ðức Ki-tô là Ánh sáng soi thế gian (Ga 8,12; 9,5). Sau cùng là cuộc cử hành hiến tế Thánh Thể, phần chính yếu của lễ cung hiến. Sau hiệp lễ, đức giám mục long trọng khánh thành nhà chầu: qua hiến tế thánh lễ từ nay Ðức Ki-tô mãi mãi hiện diện giữa các tín hữu của Người.

Cần phân tích đôi chút về những nghi tiết của lễ cung hiến, vì đó là cả một khối biểu tượng và cử chỉ chính yếu của phụng vụ. Những gì các bí tích Khai tâm thực hiện nhằm vào một con người, thì nghi lễ cung hiến thực hiện hướng đến ngôi thánh đường, dấu chỉ hữu hình của việc qui tụ con cái Thiên Chúa trong Nhà Cha.

Ngày được chọn làm kỷ niệm giáp năm cung hiến thánh đường là ngày lễ trọng đối với thánh đường đó. Ngày kỷ niệm cung hiến nhà thờ chính tòa được mừng như ngày lễ kính trong toàn thể giáo phận (xc. Lễ riêng). Ngày 9 tháng 11, toàn thể Hội thánh liên kết với niềm vui của các tín hữu Rô-ma, chung quanh đức thánh cha, cũng là giám mục của họ, để tạ ơn dịp cung hiến đền thờ La-tê-ra-nô, Mẹ và Bà Chúa của mọi thánh đường, vì đó là vương cung thánh đường của giám mục Rô-ma. Ngoài thành Rô-ma chỉ mừng lễ này như lễ kính.

 

Cung Nguyện

(= Choeur)

Tiếng Hy Lạp choros ban đầu có nghĩa là một vũ điệu theo vòng tròn, từ đó được sử dụng để chỉ vòng tròn các vũ công, rồi vòng tròn các ca sĩ, vì một vũ điệu luôn kèm theo các bài hát. Trong phụng vụ, từ ngữ cung nguyện chỉ vòng tròn những ca xướng viên, ca đoàn và theo nghĩa rộng hơn, chỉ tất cả đan sĩ hay các kinh sĩ của nhà thờ, là những người có nhiệm vụ hát khen Thiên Chúa.

Theo sự tiến triển thông thường của nghĩa ngữ, danh xưng cung nguyện từ chỗ chỉ nhóm các ca viên, được dùng để chỉ nơi họ đứng hát. Do đó, cung nguyện trong một nhà thờ chính tòa hay một đan viện là khu vực phía trước cung thánh, và bàn thờ. Ðây là cách sắp xếp của phần lớn các nhà thờ Tây phương. Nhưng trong những vương cung thánh đường cổ xưa, cung nguyện được xếp thành vòng tròn, trong lòng nhà thờ, bao quanh hai bên ngai giám mục. Các linh mục ngồi tại vị trí này, quây quần bên vị giám mục (xc. Hc 50, 12).

Vì được đặt trước bàn thờ, nên cung nguyện không thể có hình tròn, vì vậy, các hàng ghế cung nguyện tại các nhà thờ chính tòa hay các đan viện thường được xếp song song với nhau: hai bên cung nguyện đối diện nhau; khi các xướng viên đứng thành ca đoàn để hát, vị trí vòng cung thuận tiện cho họ hơn.

 

Cung Thánh

(= Sanctuaire)

Tiếng La-tinh sanctuarium có nghĩa là nơi thánh, phát xuất từ chữ sanctus. Trong các thánh đường, cung thánh là nơi linh thánh nhất, có đặt bàn thờ dâng lễ. Trong Cựu ước, Lều Hội ngộ hay Ðền thờ Giê-ru-sa-lem, cũng như mọi đền đài thánh trong các tôn giáo khác, có một nơi cực thánh (xc. Nơi thánh và Nơi cực thánh 1V 6,16; Ed 41,4). Cung thánh trong các nhà thờ là biểu tượng cho nơi cao vời thánh thiện, tức là cung thánh không do tay người phàm làm ra: đó là chính thiên đàng nơi Ðức Ki-tô đã vào (Dt 9,11-12.24), là Nhà Cha (Ga 14,2), là cung lòng Chúa Cha (Ga 1,18), nơi Chúa Con đang ngự trị và đợi chờ chúng ta.

 

Cùng Hiệp Thông (Kinh)

(= Communicantes)

Lời cầu nguyện trong phần đầu của lễ qui Rô-ma - kinh Tạ Ơn thứ nhất - bắt đầu bằng từ ngữ La-tinh communicantes nghĩa là hiệp cùng toàn thể Hội thánh. Ðây là lời van xin sự chuyển cầu của các thánh, theo danh sách: Ðức Trinh nữ Ma-ri-a, thánh Giu-se, các thánh Tông đồ, một số vị thánh thuộc Hội thánh Rô-ma. Trong giây phút trang trọng của hy tế Thánh Thể. Hội thánh trần thế hiệp nhất với Hội thánh trên trời và thể hiện mầu nhiệm các thánh thông công (đây là một tín điều trong kinh Tin kính các Tông đồ) (xc. Bìa xếp).

Trong một số lễ trọng, phần đầu của lời cầu nguyện này được soạn riêng (lễ Giáng sinh và tuần bát nhật, Hiển linh, Phục sinh và tuần bát nhật, Thăng thiên, Ngũ tuần). Một danh sách khác nêu danh tánh các vị thánh, được đọc trong kinh Nobis quoque pecatoribus (cả chúng con nữa, những người tội lỗi) ở cuối phần hai của lễ qui Rô-ma.

 

Cử Chỉ

(= Geste)

Phụng vụ đưa toàn thể con người vào cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế phụng vụ gồm chứa toàn bộ những cử chỉ, của cá nhân cũng như của cộng đoàn, diễn tả thái độ đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa. Một số cử chỉ dành riêng cho linh mục trong vai trò làm trung gian cho hai bên. Cần phân biệt những cử chỉ có tính tạm thời vơiùi những thái độ hoặc tư thế phụng vụ có tính bền vững hơn (xc. Tư thế).

Về cử chỉ của các tín hữu, xin xem: Tôn thờ, Hôn chúc bình an, Bái gối, Cúi, Rước kiệu, Phủ phục, Ðền tội, Thánh giá. Những cử chỉ của linh mục chủ yếu là ở hai bàn tay, xin xem: Xá giải, Rảy nước, Pép lành, Trừ tà, Dìm xuống nước, Ðặt tay, Tẩy rửa, Xức dầu, Thánh tẩy vắn tắt. Về những điều liên quan đến thánh lễ, xin xem: Xông hương, Lễ vật, tế phẩm, Rửa tay, Nâng lên, Chính nhờ Ðức Ki-tô..., Bẻ bánh, Hòa chung, Chấm, Hiệp lễ.

 

Cử Hành

(= Célébration)

Cử hành một nghi lễ, một lễ kính hay một lễ kỷ niệm tức là sống cách sung mãn một biến cố, làm cho biến cố ấy nổi bật và hoàn tất nó cách trang trọng. Thực vậy, một cử hành bao gồm tính chất toàn vẹn nào đó: tính công khai, tưng bừng biểu lộ rõ ràng bằng những nghi thức, của dịp kỷ niệm trong gia đình hay ngày lễ của một quốc gia hoặc mừng một chức vụ trong dòng. Ðặc tính toàn diện ấy là thành phần của phụng vụ và của điều linh thánh được phụng vụ thể hiện: cử hành tức là thực hiện tất cả một công cuộc, nhằm mang lại mọi chiều kích cho một hành vi trang trọng.

Thiết tưởng cần khảo sát một chút về từ nguyên của một khái niệm khá quan trọng song đã bị phai nhạt một khi trở nên thông dụng. Tiếng La-tinh celeber nghĩa là nhiều, một số đông: một nơi nổi tiếng là nơi có rất nhiều người lui tới; một cuộc lễ nổi tiếng bởi vì có cả một khối đông người tham dự: các nhân vật hay các sự việc được coi la nổi tiếng vì được một số đông người biết đến.

Bởi đó, celebrare hay cử hành trước tiên có nghĩa là nhiều người thường xuyên lui tới một nơi, hoặc vây quanh một người nào; rồi có nghĩa là nhiều người tham dự một cuộc lễ, hành lễ long trọng với một số đông người tham dự; kế đến còn có nghĩa là lan tỏa giữa một số đông, công bố cho đám đông biết; và sau cùng có nghĩa là sử dụng thường xuyên hay thực hành.

Trong ý nghĩa đó, celebratio hay việc cử hành có thể hiểu là đổ xô về, sự hội họp đông người, sự qui tụ; rồi sau đó được hiểu cách rộng rãi là lễ trọng, lễ mừng.

Những nhận xét về phương diện tầm nguyên này có lợi điểm là qui chiếu về thực tại nền tảng của Dân Thiên Chúa trong Thánh kinh, Dân được Thiên Chúa triệu tập, nhằm thực thi một cách sung mãn đời sống theo Giao ước. Một cuộc cử hành là một tác động toàn diện, nối kết Dân Giao ước với Thiên Chúa của họ, và làm cho dân ấy bước vào đời sống của Thiên Chúa. Bất kể có bao nhiêu người tham dự, mỗi cuộc cử hành đều liên quan đến toàn thể Hội thánh, tập thể anh em đông đúc (Rm 8,20) đã được Ðức Ki-tô cứu chuộc bằng Bửu huyết (Mt 26,28) và đưa vào cuộc hiệp nhất vơiùi Thiên Chúa Ba Ngôi.

Khi linh mục hành lễ, người luôn thực thi vai trò qui tụ - như Ðức Ki-tô và trong Ðức Ki-tô - mọi người trong mối dây hiệp nhất của Thánh Thần (xc. Chủ sự); sau cùng, với linh mục và trước mặt linh mục, cộng đoàn càng ngày càng trở nên đúng với bản chất của mình: Dân Thiên Chúa, Thân Mình Ðức Ki-tô, Ðền thờ Chúa Thánh Thần (xc. Kinh Tiền tụng số 8 các Chúa nhật Thường niên).

Các bậc lễ cử hành phụng vụ theo thứ tự sau đây: lễ trọng, lễ kính, lễ nhớ (buộc hoặc tự do).

 

Cửa

(= Portes)

Trong các nhà thờ Ðông phương, bức bình phong đặt ảnh thánh có ba cửa khi cử hành phụng vụ, các cửa này dành cho các giới. Ở giữa là cửa ngọ môn hay cửa thánh, có hai cánh, dành riêng cho giám mục hay linh mục. Nếu nhìn lên bàn thờ, thì phía bên phải là cửa phó tế, dành cho các thầy phó tế; còn bên trái, là cửa chung, dành cho các giáo sĩ khác.

 


Back to Home