Niềm Tin

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 046 -

Bức Tranh Bình Yên Nhất

 

Bức Tranh Bình Yên Nhất

Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP.

(RVA News 13-04-2023) - Xưa có một ông vua tổ chức một cuộc thi tìm ra người nào vẽ được bức tranh yên bình nhất. Nhiều họa sĩ đã tham gia và nộp bài. Nhà vua xem xét tất cả các bức tranh và ông chọn ra hai bức ông thích nhất. Nhưng ông vẫn phải chọn ra một bức tranh đạt giải.

Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước tĩnh lặng đến mức có thể thấy những ngọn núi cao vút xung quanh soi bóng dưới hồ. Bên trên là bầu trời trong xanh, mây trắng. Ðó là một bức tranh mà ai nhìn vào cũng phải mê mẩn.

Bức tranh thứ hai cũng vẽ cảnh núi, nhưng nó mấp mô và trần trụi. Bên trên là bầu trời u ám, vần vũ như sắp có mưa bão, sấm chớp. Phía dưới một ngọn núi là thác nước đổ xuống ào ào. Nhưng khi nhà vua nhìn kỹ, ông thấy bên cạnh thác nước là một bụi cây nhỏ nằm trong một kẽ đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang làm tổ. Giữa thác nước đang gào thét, chim mẹ ngồi yên bình trong tổ.

Nếu như bạn, bạn sẽ chọn bức tranh nào?

Nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai và giải thích:

- "Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những thứ đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Ðó mới là yên bình thực sự".

Kính thưa quý vị và các bạn,

Bình an được xem là nền tảng của cuộc sống hạnh phúc và là tài sản quý giá nhất của nhân loại, là thứ mà ai cũng muốn có. Cho nên, theo truyền thống của người dân Việt, những giây phút linh thiêng như đầu năm mới, hay những giờ phút quan trọng, chúng ta luôn trao nhau những ước muốn bình an và hạnh phúc đến người thân yêu của chúng ta. Nói cách khác, trong mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta luôn cần đến sự hiện diện của bình an. Ðặc biệt Bình an được xem như là hành trang, là món quà mà người lữ khách cần mang theo trong suốt hành trình cuộc đời. Bình an theo suy nghĩ thường tình, đó là không gặp phải đói khát, chiến tranh, hận thù, tai nạn, đau khổ, bệnh tật, thất bại, bất an và đỉnh cao của nỗi sợ đó chính là cái chết.

Thế nhưng, câu chuyện trên cho ta một cái nhìn mới về sự bình an, cụ thể sự bình an ở đây không có nghĩa là vắng bóng sự ồn ào, nguy hiểm, khó khăn hay cực nhọc... ngay cả những lúc phong ba bão táp ta vẫn tìm thấy sự bình an trong tâm hồn như mọi người vẫn hay lưu truyền câu triết lý sống "Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến". Ðây chính là thứ bình an đích thực. Giữa cuộc sống bộn bề, nhiều toan tính ngày nay con người cần lắm một nội tâm an bình không bị dao động, hoang mang trước những đổi thay của thế giới.

Trong niềm tin Công giáo thì sự bình an đích thực này được khơi nguồn từ Ðấng Tạo Hoá, từ Ngôi Lời Sáng Tạo, Ngôi Lời Nhập Thể và cũng chính là Ðức Giêsu Kitô. Ngay giây phút đầu tiên khi Ngài nhập thể các Thiên Thần hát mừng "Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" và lần đầu tiên Ðức Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ, lời đầu tiên Ngài ban cho các ông đó chính là "bình an cho anh em". Bình An của Ðức Kitô Phục Sinh ban tặng không như bình an của thế gian trao ban cho chúng ta. Bình an ấy được thiết lập từ chiến thắng trên sự dữ, sự đau khổ và thần chết, để rồi cái chết giờ đây chẳng còn quyền chi đối với Ngài, mọi đau khổ đã được thanh hóa. Ngài chính là sự bình an cho nhân loại, vì ở đâu có sự hiện diện của Ngài, thì đau khổ và sự dữ phải lui đi nhường chỗ cho Ðấng Bình An hiện trị.

Ước chi mỗi người chúng ta trong Mùa Phục Sinh này đón nhận được sự bình an của Ðấng Phục Sinh, nhờ đó mọi khía cạnh trong cuộc đời chúng ta luôn có sự hiện diện của Ngài là nguồn Bình An đích thực.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con sức mạnh và Bình An của Ðấng Phục Sinh để chúng con hân hoan ra đi mang bình an của Ngài đến với những hoàn cảnh nghèo đói, đau khổ, chiến tranh, hận thù, loạn lạc, bất công để cho thế giới chúng con ngày càng tốt đẹp hơn. Amen.

Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page