Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 
 

Tình Yêu

 

Hồi còn ở Ðại Học, các cô cậu sinh viên thường hay hỏi tôi về người yêu của họ, các bạn trẻ ấy làm như tôi là chuyên gia cố vấn về chuyện này không bằng!

Tại sao các cô cậu sinh viên lại đi hỏi về người yêu của mình chứ? Bởi vì chính họ cũng không tự tin cho lắm khi chọn người yêu. Nhưng họ chỉ hỏi tôi: người yêu của con, thầy (1) coi có được không? Hoặc là hỏi: anh ta giàu lắm, chịu chơi lắm, nhưng rất yêu con, thầy thấy thế nào?... ...và rất nhiều câu hỏi khác... nhức óc nữa. Nhưng chẳng có một cô cậu nào hỏi đúng trọng tâm của vấn đề: Ðây có phài là tình yêu không?

"Ðây có phải là tình yêu không?", đố ai mà biết được đó có phải là tình yêu không chứ, người trong cuộc mà cũng không biết được, thì người ngoài cuộc làm sao mà biết được, chỉ có cách là đừng yêu nữa để khỏi lo lắng, khỏi bận tâm... yêu, và để thời giờ mà học hành, có khỏe hơn không?

Các chuyên gia về tâm lý đã phân tích nhiều về qúa trình "đường đi nước bước" của tình yêu. Các chuyên viên cố vấn về tình yêu cũng đã giải gỡ cho rất nhiều chuyện tình yêu éo le, ly kỳ, lâm li bi đát... ...nhưng chính họ cũng có lúc lúng túng trước vấn đề rất xưa, rất mới và rất tế nhị này.

Người ta định nghĩa rất nhiều về tình yêu, người ta giải thích rất hay về tình yêu, người ta ca tụng rất nhiều về tình yêu. Ðố các bạn trẻ tại sao như vậy, dể ợt à, bởi vì tình yêu đã làm cho người ta đau khổ, càng đau khổ, người ta càng ca... tụng tình yêu, càng đau khổ, người ta càng thấy tình yêu là tuyệt vời, rất tuyệt vời nữa là khác, kì cục và kỳ diệu thật.

Yêu, đồng nghĩa với hi sinh.

Khi tôi yêu, là tôi chấp nhận không còn mình nữa, mà hòa lẫn trong người tình của tôi, nàng (chàng) vui, tôi vui, nàng (chàng) buồn, tôi cũng thấy nổi buồn ấy là của tôi. Chấp nhận hi sinh chính mình là làm cho người mình yêu nổi bật lên, mặc dù người yêu tôi có rất nhiều khuyết điểm, và khuyết điểm nầy, có lúc làm cho tâm hồn tôi đau đớn hơn cả lúc người yêu giận dổi, nhưng vì yêu, tôi đón nhận những khụyết điểm ấy như đón nhận món quà tình yêu của người yêu trao tặng. Ðó đúng là tình yêu thật sự.

Yêu, cũng là chết đi.

Chết ở trong tình yêu, chính là quên đi mức độ yêu thương của mình dành cho người mình yêu, là tan biến trong giới hạn của ngôn ngữ, của vật chất.

Chết đi cũng có nghĩa là không đem tình yêu của mình so sánh với tình yêu của người mình yêu, để coi ai là người yêu nhiều nhất, nhưng đem mức độ tình yêu của mình, biến thành ánh sáng chiếu vào tình yêu, để cho viên-ngọc-tình-yêu của người mình yêu được sáng lên, long lanh lấp lánh với vô vàn tia sáng kỳ diệu.

"Ðường" vào tình yêu có rất nhiều ngõ, ngõ sắc đẹp, ngõ giàu có, ngõ duyên dáng, ngõ đẹp trai, ngõ tài cao, ngõ chịu chơi và thậm chí có ngõ... du côn, tất cả các ngõ ấy đều luôn mở cửa, và tùy "tuýp" người mà chọn. Các cô gái thời nay phần đông thì chọn ngõ giàu có, có cô thì lãng mạn hơn, chọn ngõ chịu chơi, ngõ du côn... ...còn các chàng trai thì hầu hết đều chọn ngõ sắc đẹp, bởi vậy mới có câu: trai tài gái sắc.

Nhưng tất cả các ngõ ấy đều không phải là tình yêu, càng không phải là tình yêu khi chỉ nhìn thấy dáng vẻ bên ngoài ấy, rồi mê say mê đắm và tuyên bố với đối tượng rằng: Anh (em) rất yêu em (anh). Nhưng nếu không được lời đáp trả, thì bảo đảm với các bạn trẻ là, chỉ trong vài ngày, "anh rất yêu em" sẽ trở thành: "đồ làm phách, thấy mà chán", cho mà coi!

Thánh Phaolô Tông Ðồ đã khuyên nhủ các ông chồng (và cũng là khuyên bảo với các bạn trai) rằng: "Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh" (Ep 5, 25). Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh đến mức độ nào, thì thánh Phaolô đã nói, nhưng có hai diểm mà chúng ta - các bạn trẻ - cần lưu ý và học hỏi, để tình yêu của mình được tốt đẹp như ý của Chúa:

1/-  Chúa Kitô yêu mà không cần điều kiện. Ngài không có quan niệm yêu là cùng nhìn về một hướng, bởi vì khi Ngài yêu chúng ta, thì chúng ta đâu có nhìng về một hướng như Ngài, trái lại, chúng ta nhìn đủ thứ hướng, mà hướng nào cũng "chọi" lại với sự thánh thiện của Ngài, vậy mà Ngài vẫn yêu thương chúng ta. Ngài yêu, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi (Rm 5, 8), để nhờ tình yêu của Ngài, chúng ta được thánh hóa, chúng ta được cứu rỗi.

Cũng vậy, trong tình yêu, chúng ta cũng đừng tìm cho được người "cùng nhìn về một hướng" như mình, bởi vì: Một, "cùng nhìn về một hướng", một hướng đây có phải là hạnh phúc không, mà nếu là hạnh phúc, thì trên thế gian nầy, ai cũng mong muốn được hạnh phúc khi kết hôn, vậy thì mọi người ai cũng là người cùng hướng với mình cả, cần gì phải chọn cho mệt óc chứ! Hai, nếu nói "cùng nhìn về một hướng", hướng đây là sở thích, sở thích như mình thích thì chẳng còn gì là thú vị nữa, hơn nữa, cùng sở thích chẳng qua chỉ là để vui thú, giãi trí nhất thời, mà nhất thời thì chóng qua, dể nhàm chán và đơn điệu...

Nếu người yêu không cùng hướng với mình, thì đó là cơ hội để cho mình chứng tỏ tình yêu trung thành, và thăng tiến người yêu theo "hướng" của mình. "Hướng" mà tôi nói đây, chính là những khụyết điểm, những cái "tật" nho nhỏ của người mình yêu mà mình không hài lòng mấy. Ðem tình yêu của mình hướng cái khuyết điểm, cái tật nho nhỏ ấy, trở thành những đức tính khả ái, dịu dàng, lịch sự... ...thì lo gì mà không có hạnh phúc chứ?

2/-  Như đã nói ở trên, yêu là hi sinh, Chúa Kitô đã nêu gương trước, Ngài vì yêu chúng ta và hi sinh mạng sống cho chúng ta. Hi sinh đến chết, đó là mức độ cao nhất của tình yêu, con người ta chỉ cò thể hi sinh vật chất khi yêu, rất ít người hi sinh mạng sống của mình (chỉ có các thánh), và đôi lúc, dùng hi sinh giả tạo để chiếm đoạt tình yêu, hi sinh giả tạo là dùng "con tép bắt... con người", nghĩa là chịu hi sinh nhậu vài trăm đô la, chịu hi sinh một chiếc dream II để câu-một-tình-yêu, mà không bao giờ biết thông cảm cho tình yêu ấy, hoặc chưa hề nhìn nhận hoặc thăng tiến tình yêu "câu" ấy, cũng có nghĩa là họ chỉ thấy cái "hi sinh to lớn" của họ hơn tình yêu của người yêu. Bởi vì tình yêu ấy được "câu" bằng hi sinh giả tạo, cho nên, tình yêu nầy cũng sẽ khô héo theo thời gian tróc nước sơn của chiếc dream II.

Hồi tôi còn giúp xứ tại một họ đạo nhỏ ở trung tâm Saigon, trong 13 năm, tôi đã dạy giáo lý cho rất nhiều đôi hôn phối, trẻ có, già có, và có cả "đôi vợ chồng trẻ thiếu niên" chồng 18 tuổi và vợ chưa tới... 16 tuổi. Trong những cặp vợ chồng này, có những đôi khác đạo, có đôi sắp theo đạo, có đôi thì hứa sẽ theo đạo sau khi làm đám cưới. Trước khi học giáo lý hôn nhân, tôi thường hỏi đùa họ: "Tại sao anh chị yêu nhau?"- Và có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng tôi để ý nhất câu trả lời của một ông chồng trẻ: "Thầy coi cô ấy như thế làm sao không yêu được cho" - Tôi trả lời : "Tôi chẳng thấy gì cả". Ông chồng trẻ ấy nói tiếp: "Cô ấy hi sinh cho con rất nhiều".  Và những lần dạy giáo lý sau đó, tôi mới thật sự nghe được cái "hi sinh rất nhiều" của cô gái: cô đã quên mất mình là thiên kim tiểu thơ, được giáo dục rất tốt; cô cũng đã quên mất mình là người rất nguyên tắc, rất ghét những thói hư tật xấu, vậy mà cô ta lại yêu một anh chàng có đủ "thói hư tật xấu" ấy mới chết chứ, đúng là ghét của nào trời trao của ấy. Nhưng chính cô ta đã hi sinh tất cả, đã đem tất cả khả năng nhạy bén của tình yêu mà "hướng" anh ta đi theo hướng của mình, thật không dể dàng, nhưng tình yêu chân thật của cô ta đã được đền bù xứng đáng, anh ta trở nên một người tốt, và đã trở thành một Kitô hữu, tôi cũng tin chắc anh ta là một Kitô hữu tốt. Ðúng là trong tình yêu, chỉ có sự hi sinh chân thành mới có một tình yêu chân thật.

Tất cả mọi tình yêu ở thế gian nầy: tình yêu của bố mẹ dành cho con cái, tình yêu bạn hữu, tình yêu vợ chồng, hay mọi thứ tình yêu chân chính khác đều quy về Thiên Chúa, hay nói cách khác, từ Thiên Chúa mà ra và phản ảnh lại tình yêu của Ngài. Vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 8). Thánh Phaolô Tông Ðồ không khuyên bố mẹ hãy yêu con cái như Chúa Kitô yêu Hội Thánh, bởi vì tình yêu phụ tử là tình yêu tự nhiên, bố mẹ nào mà lại không yêu thương con cái của mình? Nếu bố mẹ không yêu thương con cái thì là đi ngược với tự nhiên, là chống lại Thiên Chúa, là bá đạo, là ác ôn... ... Thế nhưng, thánh Phaolô chỉ khuyên các ông chồng hãy yêu thương vợ mình (không phải vợ của người khác), vì trước khi nên vợ nên chồng, thì họ đều là hai kẻ xa lạ, xa lạ mà ăn đời ở kiếp với nhau thì thật là anh hùng, nhưng cũng có lúc họ trở thành những người nhát gan, vì họ đã chửi nhau, cấu xé nhau, làm khổ nhau, và cuối cùng thì... đào ngũ, tức là li dị. Do đó mà thánh Phaolô phải khuyên bảo như thế.

Vậy thì, khi yêu các bạn trẻ khoan hỏi ai về việc: "Ðây có phải là tình yêu không?" - Nhưng trước hết hãy hỏi lòng mình: "Tôi có dám hi sinh, dám tự mình chết đi, để những khuyết điểm của người tôi yêu được đổi mới chăng?", và sau đó, thảnh thơi, hân hoan giang tay ôm một tình -yêu-đầy-khuyết-điểm vào lòng, và dùng tình yêu chân thật, rộng lượng, bao dung của mình, mà bao tròn tình-yêu-đầy-khuyết-điểm đó lại, để vui cùng vui, khổ cùng khổ với người mình yêu, đó gọi là chia ngọt xẻ bùi trong tình yêu ấy mà. Chẳng có gì là mới cả, chỉ là chuyện tình yêu xưa như trái đất, nhưng rất mới, như mới có... tình yêu vậy.

Chúc các bạn hiểu được thế nào là tình yêu chân thật, và khi hiểu rồi, thì là hạnh phúc vậy, khỏi chúc "hạnh phúc" làm gì nữa, vì các bạn đã có rồi vậy ./.

 

Lm. Nhân Tài, csjb.

 

Ghi chú :   (1). Hồi đó tôi còn là một Chủng Sinh.

 


Back to Home Page