Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 
 

Cầu Nguyện

 

Ít có bạn trẻ cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể, và có rất ít bạn trẻ say mê cầu nguyện đến nỗi quên cả người chung quanh.

Nhưng tôi thấy rất nhiều cụ già cầu nguyện rất lâu trước bàn thờ Ðức Mẹ, trước bàn thờ Thánh Cả Giuse, và tôi cũng đã từng quan sát một phụ nữ cầu nguyện hơn cả tiếng đồng hồ trước tượng đài thánh Martin de Porres trong nhà thờ Huyện Sĩ, quận I, thành phố Sàigòn.

Cầu nguyện, khỏi phải giải thích dài dòng, vì ai cũng hiểu cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, thật đơn giản biết bao. Nói chuyện với Chúa, đó là một diễm phúc, một hạnh phúc vô cùng to lớn, thế thì tại sao chúng ta lại dè xẻn thời giờ khi nói chuyện với Chúa thế? Nếu chúng ta chỉ hiểu: cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, thì không lạ gì khi chúng ta dành cho Ngài rất ít thời gian, bởi vì chúng ta cứ nghĩ như thế này: Chúa Mẹ là Ðấng thiêng liêng, thông hiểu mọi sự, nói ít các Ngài cũng biết, nói chi cho nhiều, mất giờ. Vâng tôi đồng ý với các bạn trẻ về điều ấy, nhưng chúng ta quên mất một điều: trong khi cầu nguyện thì phải kiên trì, nhẫn nại, phục tùng thánh ý Chúa, không phải Thiên Chúa muốn "làm eo" chúng ta đâu, mà chính chúng ta "làm eo" với Ngài đấy, chúng ta coi Ngài như một cô thư ký luôn biết ý ông chủ để mà làm việc nầy việc nọ, cho nên, khi cầu nguyện, chúng ta nói với Thiên Chúa rằng: Lạy Chúa, con cần một chiếc xe dream II; lạy Chúa, con muốn lấy cô ấy làm vợ, nhưng sao cô ta khó quá, xin Chúa giúp con...  rồi nghĩ rằng, Chúa biết mọi sự và không thèm cầu nguyện nữa. Như vậy thì đâu có phải là cầu nguyện, mà là ông chủ ra lệnh cho cô thư ký đấy.

Có người nói: cầu nguyện là kết hợp với Chúa; có người nói: cầu nguyện là tôn vinh Thiên Chúa, tạ ơn Chúa, và cầu xin Chúa ban ơn lành cho mình...  ai nói cũng đúng cả, chỉ thiếu một điểm nhỏ mà quan trọng, đó là: Cầu nguyện là chấp nhận, là xin vâng theo thánh ý Chúa. Tại sao vậy, bởi vì trước hết là Ðức Trinh Nữ Maria đã cầu nguyện và đã thưa "vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1, 38).sau hết, trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện, và Ngài cũng đã nói: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mt 26, 39).

Có phải là Ðức Maria và Chúa Giêsu đã cầu nguyện và đã xin vâng theo ý Cha trên trời không? Thưa vâng.

Cầu nguyện, vâng, chỉ có cầu nguyện với tâm tình yêu mến và xin vâng mới đẹp lòng Thiên Chúa, mới có sức mạnh để kéo ơn Chúa xuống trên chúng ta. Cầu nguyện là hơi thở, là dưỡng khí làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng khỏe mạnh, tiến triển trên con đường thánh thiện.

Cầu nguyện là một sức mạnh bí mật mà không ai có thể hiểu nổi bí nhiệm của nó. Chỉ có những ai thâm tín như các thánh, hay nói cách phàm tục hơn một chút, chỉ có ai đã yêu, mới hiểu thế nào là sự thầm thỉ của con tim, mới có thể hiểu được sự bí nhiệm của cầu nguyện, bí nhiệm đây chính là tình yêu. Cầu nguyện cũng có nghĩa là tìm hiểu ý muốn của người yêu (Thiên Chúa), không yêu thì không thể nào nhìn thấy cái khuyết điểm của anh em mà thông cảm, mà nhắc nhở. Khi cầu nguyện là chúng ta đem cái xấu, cái bất lực, cái thiếu thốn của mình mà "báo cáo" cho Chúa nghe với tất cả yêu thương và xác tín. Và Thiên Chúa, Ngài cũng đem yêu thương đáp trả, lắng nghe và... im lặng. Ðây không phải là sự im lặng đáng sợ của cửa quan, của người có quyền, mà là im lặng của tình yêu.

Khi yêu nhau, người ta không nói nhiều lời, họ chỉ nói ngắn gọn 3 chữ: Anh yêu em hoặc em yêu anh, là đủ rồi, và im lặng. Im lặng để nghe nhịp đập của con tim, mà con tim là biểu hiện của tình yêu.

Cầu nguyện là hiệu quả của tình yêu, không yêu, không ai thèm nhiều lời với nhau, chỉ đấu võ miệng với nhau thì có. Cầu nguyện cũng là cách tỏ tình với... Chúa, mặc dù Ngài đã biết chúng ta sẽ nói như thế nào rồi. Như người tình mong mỏi bạn mình nói lên những lời âu yếm, yêu thương, mặc dù cũng chỉ bấy nhiêu lời ấy mà thôi. Chúa Giêsu vẫn thích chúng ta nói chuyện với Ngài, xin với Ngài những gì mình muốn, bởi vì, như Ngài nói: "Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn" (Ga 16, 24).

Như vậy, cầu nguyện không phải là việc khó khăn gì cho lắm mà không làm được, cái khó chính là chúng ta có yêu thích sự cầu nguyện không mà thôi. Cầu nguyện, đối với các linh mục, các tu sĩ nam nữ đếu là bổn phận hàng đầu của họ, khỏi bàn tới. Nhưng đối với các bạn trẻ chúng ta, cầu nguyện chính là nguồn an ủi khi cô đơn, là sức mạnh khi yếu đuối, là hy vọng khi thất vọng ê chề, là niềm vui trong cuộc sống đầy những lo âu và chán chường.

Cầu nguyện là chúng ta "mời" Chúa đi với mình, ở với mình và làm việc với mình, tắt một lời là chia sẻ những vui buồn, khốn khó, hạnh phúc của mình. Nếu chúng ta yêu Chúa nhiều, nếu chúng ta thấy sự cầu nguyện là cần thiết cho đời sống của mình, thì việc cầu nguyện dài lâu, hay cầu nguyện ngắn chút chút... đều không ăn nhằm gì cả, chỉ cần chúng ta có một đức tin, một tình yêu mến Chúa, và một sự phó thác tin tưởng - như em bé tin vào bố mẹ - trong khi cầu nguyện thì đủ rồi.

Phải cầu nguyện lúc nào?

Phải cầu nguyện luôn, cầu nguyện không ngừng, bởi vì cầu nguyện là hơi thở, mà không thở thì phải chết. Nếu chúng ta không cầu nguyện, thì coi như đời sống tâm linh của chúng ta đã chết rồi vậy.

                    Cầu nguyện trong thánh lễ.

                    Cầu nguyện nơi học đường.

                    Cầu nguyện khi vui chơi.

                    Cầu nguyện khi ăn uống.

                    Cầu nguyện khi làm việc.

Mọi nơi và mọi lúc, chúng ta đều có thể cầu nguyện với Chúa, dù cha sở đóng cửa nhà thờ vì hết giờ hành chánh, dù đến nhà thờ trể vì vừa tan ca làm việc, dù mưa to, dù bảo lụt, dù nắng cháy khét trên công trường... chúng ta cũng đều có thể cầu nguyện được, bởi vì có Chúa ở trong ta, và ta ở trong Chúa, thì có gì mà phải sợ chứ?

 

                                                                                Lm. Nhân Tài, csjb.

 


Back to Home Page