Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 
 

Học Và Hành - Tri Thức

Người Trung Quốc có câu nói rất là ý nghĩa: "Hoc đến già, sống tới già". Có nghĩa là học hoài học mãi, học cho đến già, râu tóc bạc phơ cũng còn học. Mùa thi Ðại học năm 1999 tại Ðài Loan, có một cụ già 84 tuổi, tay xách nách mang... sách đi thi đại học với tụi con cháu, được báo chí coi như mẫu mực của tri thức. Con người ta ai cũng sống đến già thì... chết, như thế cũng có nghĩa là học cho đến lúc chết mới thôi vậy! Ðúng là một câu thành ngữ rất có ấn tượng.

Sự học thì vô cùng, xã hội thì phức tạp, khoa học kỹ thuật thì phát triển nhanh như phù thủy biến hóa, mà đời người thì có hạn. Vì thế, có người học cả đời không biết mệt, càng học càng thấy mình chưa học, và thấy mình chưa học thì phải học, như vậy không phải là họ học cả đời sao? Và cũng có người mới học xong một vài môn căn bản không đủ để... dằn túi, mà đi đâu cũng khoe khoang, lòe loẹt với mọi người rằng mình đã học xong hết cả rồi.  Nhưng một tờ báo đọc cũng không hết một hàng chữ, và không bao giờ rờ tới một quyển sách gì khác, ngoại trừ duy nhất một quyển sách giáo khoa.

Tại trường đại học tôi có quen một vài bạn trẻ, đối với họ việc học rất là quan trọng, ngoài việc học chính thức ở nhà trường, họ còn đọc rất nhiều sách báo, những giờ nghỉ, họ ngồi "lỳ" cả ngày trong thư viện đọc rất nhiều tác phẩm văn chương và sách kỷ thuật, vậy mà họ vẫn cảm thấy mình lạc hậu. Tôi cũng thấy có rất nhiều linh mục, ngoài việc nghiên cứu Thánh Kinh, soạn bài giảng, các vị ấy còn đọc những tác phẩm "đời", vì các vị ấy cho rằng, cần cập nhật hóa kiến thức mới mong hướng dẫn các "con chiên" có trí thức trong họ đạo của mình, mà không sợ bị nói: "Chuyện nầy (chuyện của xã hội) các cha biết gì mà nói".

Học, không phải là lãnh nhận tấm bằng tốt nghiệp rồi đem nó "gác lên giàn khói", rồi thỏa mãn với cái "mảnh giấy vô tri" ấy mà không thèm học hỏi thêm trong cuộc sống đời thường, không thèm ngó đến một quyển sách, một tờ báo, thì coi như mất đi 3/4 cuộc đời. Ðáng tiếc thật!

Cái gì cũng phải học, ở đời cái gì cũng đáng để cho chúng ta học, đừng nói tôi không có thời giờ đến trường để học, cũng đừng đổ lỗi tại tôi không có giờ để học. Ðến trường để học, đó là một cách học để lấy bằng cấp, để "coi" trình độ chuyên cần, học lực của người đi học, nhưng cũng có khi chưa chắc đã đúng 100%, bởi vì có nhiều người lúc đi học thì ngồi xe con (loại xe 4 chổ ngồi sang trọng,  mà các nhà báo hay nói) có tài xế lái, thay vì lái đến trường học, thì lái "lộn đường" đến nhà hàng, vũ trường, cafe máy lạnh, hát ka-ra-ô-kê gác tay với mấy "em". Rồi đến kỳ thi khảo, điểm danh cả... nửa ngày mà chẳng thấy mặt mày đâu cả, nhưng cũng có tấm bằng tốt nghiệp loại ưu như ai vậy (mua được bằng tiền bạc), và tấm bằng nầy trở thành "mảnh giấy vô tri" chứng nhận một đầu óc vô tri đúng như  của họ vậy. Học như thế thì ở nhà làm vườn để trồng rau cải, nuôi gà vịt phụ cho vợ con e rằng có ích lợi cho gia đình và cho nước nhà hơn.

Chúng ta cũng đừng nói là không có thời gian để học. Có rất nhiều bạn trẻ, sau một ngày làm việc vất vả, tối đến lại cắp sách đến trường học thêm sinh ngữ, trau dồi kiến thức, hi sinh những tiệc trà, hi sinh những giờ bên người yêu, đúng là những mẫu gương đáng để cho chúng ta khâm phục.

Hồi tôi còn ở nơi phân hội viện của nhà dòng tại Việt Nam, cứ mỗi ngày chủ nhật là các anh em trong dòng được ra các giáo xứ giúp, có giáo xứ mời anh em đến giúp sinh hoạt thiếu nhi, có anh em thì về giúp cho cha bố của mình. Có một thầy nọ, mỗi lần đi giúp xứ xong trở về nhà khoe với tôi là hôm nay cha bố cho 500 ngàn đồng xài chơi, lần khác thì cho vài chục ngàn mua đồ lặt vặt.v.v... chứ tôi chưa hề nghe thầy ấy nói cha bố nhắc nhở học hành thế nào, hoặc khuyên bảo ra sao trong đời sống tu trì của mình, hoặc truyền đat kinh nghiệm mục vụ cho mình!!

Trái lại có những cha bố thì không những quan tâm đến việc học, mà luôn quan tâm đến đời sống tu đức của đứa con mà mình chịu trách nhiệm cho đi tu, dù nó phục vụ nơi đâu chăng nữa. Tôi may mắn được một vị linh mục đỡ đầu (cha bố), ngài đúng là một nhà mô phạm, trong 13 năm giúp xứ cho ngài, hình như mọi khả năng tiềm tàng trong tôi đều nhờ ngài mà phát triển, khi giao công việc cho tôi, ngài không bao giờ thúc ép, không bao giờ kiểm soát, mặc tôi muốn làm như thế nào đó thì làm, miễn là không sai chủ đề, không lạc đạo và tăng thêm sự hiểu biết cho giáo dân là tốt. Nhưng không phải vì thế mà ngài không quan tâm đến công việc của tôi làm, cứ mỗi lần tôi "bí", thì ngài đã chuẩn bị hổ trợ, hoặc những lúc mệt quá tôi làm qua loa cho xong, thì ngài nhẹ nhàng chỉ cho tôi những cái chưa tốt, bởi vì ngài chỉ biết tôi chỉ có thể làm tới sức đó mà thôi. Ngài luôn nhắc nhở tôi phải học, học để làm, và làm để học, và cách học đầu tiên của tôi là đọc báo, và nếu như ngày nào mà tôi không đọc sách hay đọc báo, thì con người tôi uể oải khó chịu như người thiếu... cafe vậy. Tôi vẫn còn nhớ mãi câu ngài nói với tôi: "Cần phải học, không học họ sẽ khinh". Họ đây, chính là nhừng người lớn tuổi trong giáo xứ đã học xong lớp 12 thời chế độ trước, rất ngang tàng với trình độ "cao trung" của mình. Hôm nay tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ như thế, cần phải học, học như thể chưa bao giờ được đi học, học cách hăng say, học với mục đích rõ ràng: Phục vụ.

Chúng ta nói là không có thời giờ để học, nhưng chúng ta có rất nhiều giờ ngồi lai rai trong quán cafe hàng tiếng đồng hồ mà không biết chán, con đường đến trường tuy gần mà xa, nhưng con đường đến vũ trường ka-ra-ô-kê, quán nhậu, đến cafe ôm, tuy xa mà gần. Thế mới biết, xa hay gần không phải tại không gian, địa hình hay địa thế, mà chính là tại lòng ta vậy.

Học để biết, học để thực hành cái mình biết, đem cái học giúp ích cho mình, cho gia đình và cho xã hội, chúng ta gọi là thực hành. Học mà không thực hành thì không phát huy được cái hay cái tốt của cái đã học, học và hành phải luôn đi với nhau như hình với bóng. Cầm cái văn bằng bác sĩ trong tay, mà không đi thực tập, không thực hành nghề bác sĩ, thì làm sao mà chữa cho người bệnh, và chính bản thân cũng không dám tự tin nơi mình nữa, thì sao gọi là bác sĩ lành nghề được?

Bất kỳ học môn gì, nghề gì, việc gì, cũng đều phải thực hành mới mong "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" được. Không ai đến chữa bệnh nơi một bác sĩ "còn non" tay nghề, cũng chẳng ai đến nhà người nghèo để vay mượn vàng bạc cả. Nhưng người ta chỉ đến chữa bệnh nơi vị bác sĩ giàu kinh nghiệm, và phó sinh mạng mình trong tay họ.

Sự học, nói mãi không cùng, chỉ mong chúng ta biết lợi dụng thời gian, hoàn cảnh và mọi phương tiện để học tập, để mở mang kiến thức, thêm tri thức cho mình và để mình khiêm tốn hơn. Tại sao lại khiêm tốn hơn? Thưa, tại vì càng học thì càng thấy mình ngu, càng thấy mình cần phải học, mà đã biết mình ngu cần phải học, thì làm sao mà vênh vênh tự đắc, kiêu ngạo với anh em chứ?

Tôi có tham dự một buổi lể tốt nghiệp của các sinh viên thần học tại viện thần học của trường Ðại học Phụ Nhân-Ðài Loan, trong bài phát biểu của mình, linh mục viện trưởng (dòng Tên) viện Thần học đã nói: "Sau ba năm học, với những lần thi cử, những lo lắng, những vui buồn..., hình như chúng ta cảm thấy mình hiểu rất ít trong những gì mình đã học được..." Ngài là một chuyên gia về khoa luân lý (là giáo sư của tôi về môn luân lý sự sống) kiến thức thâm sâu, đã khiêm tốn phát biểu như thế để nhắn nhủ các linh mục tương lai, các tu sĩ nam nữ và giáo dân, luôn tìm tòi nghiên cứu và phát huy những gì mình đã gặt hái được tại viện Thần học nầy.

Như vậy, có phải là càng học càng thấy mình dốt không chứ?

 

                                                                                Lm. Nhân Tài, csjb

 


Back to Home Page