Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 
 

Thánh Lễ ... Ôm

 

          Chúng ta thường nghe nói cafe ôm, cơm ôm, xe ôm, nhậu ôm... chứ chưa bao giờ nghe nói đến thánh lễ... ôm bao giờ cả, các bạn đừng hiểu lầm thánh lễ ôm là vào nhà thờ... ôm nhau đâu nhé.

          Thánh lễ ôm mà tôi nói đây, chính là những bạn thanh niên nam nữ (bồ bịch), khi tham dự thánh lễ thì không vào nhà thờ như những tín hữu khác, mà cùng nhau ngồi ngoài nhà thờ trên chiếc Honda, chiếc Cub hoặc xịn hơn nữa là chiếc Dream II. Họ đi dự thánh lễ mà giống như đi hóng mát dưới Thanh Ða-Bình Qưới, từng cặp, từng cặp ngồi ôm nhau trên chiếc xe của mình, gác giò lên nhau, cười cười nói nói, không kể gì những người chung quanh nhìn họ bằng cặp mắt khó chịu; trong nhà thờ, thánh lễ tới phần nào họ cũng chẳng hay chẳng biết, họ chỉ biết là khi nào rước lễ là sắp hàng đi lên như những người khác, thế thôi.

        Thánh lễ là gì? Là diễn lại cuộc Hi tế của Chúa Giêsu ngày xưa trên thập giá, là bàn tiệc Nước Trời mà chúng ta được mời gọi tham dự, là thông phần khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Vì thế, khi chúng ta tham dự thánh lễ, là chúng ta đóng vai trò của:

- Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã dâng lên Thiên Chúa Cha, hai của lễ đẹp lòng Ngài: một là dâng chính con mình làm của lễ hi sinh đền tội cho nhân loại; hai là dâng những đau khổ tự tâm hồn mình, tuy hai nhưng là một.

- Cũng vậy, khi chúng ta đi dâng thánh lễ, là chúng ta đem những lao công vất vả trong ngày của mình, những khổ đau trong tâm hồn, đem những tâm tình vui tươi, hớn hở của mình, hợp với của lễ trên bàn thờ - Ðức Kitô- dâng lên Thiên Chúa Cha, để nhờ Ðức Kitô, xin Ngài ban ơn cho chúng ta, tha tội cho chúng ta.

- Chúng ta cũng đóng vai trò của thánh Gioan Tông đồ đã gan dạ đứng dưới chân thập giá, chứng kiến cảnh hấp hối của Thầy mình, ông không chạy trốn, không đứng xa xa mà nhìn, cũng không ngồi bên ngoài như những người qua đường coi cuộc tử hình của một-tội-nhân-vô-tội, nhưng ông đứng dưới chân thập giá, nghĩa là dưới chân bàn thờ, sát bên, kề bên.

       "Chứng" có nghĩa là làm chứng, chứng nhận; "kiến" có nghĩa là thấy, nhìn. Vậy chứng kiến có nghĩa là người làm chứng, mà làm chứng là phải mắt thấy tai nghe rõ ràng. Ði dâng thánh lễ, cũng có nghĩa là chúng ta đi làm chứng, làm chứng niềm tin của chúng ta vào Ðức Kitô, làm chứng tôi là một người công giáo có đức tin, làm chứng sự hiệp nhất của Giáo Hội Công Giáo, tôi đang hiệp nhất với cộng đoàn để dâng thánh lễ.

        Thế nhưng, đi dâng thánh lễ mà không vào trong nhà thờ, nghĩa là không đứng dưới bàn thờ thì làm sao mà dâng lễ được, đi dâng thánh lễ mà không hiệp thông, không thấy cái gì trên bàn thờ cả, thì làm sao gọi là chứng nhân được chứ ? Ði dâng thánh lễ là chia sẻ Lời Chúa là lời hằng sống, mà không nghe linh mục đọc Phúc Âm, cũng không nghe ngài giảng, thì sao gọi là dâng lễ được chứ? Ði dâng thánh lễ là biểu hiện sự hiệp nhất công khai của người Công giáo, nhưng đến nhà thờ mà từng cặp ngồi ôm nhau trên chiếc Honda, Dream II... chỉ biết có anh và em mà thôi, thì sao gọi là hiệp nhất cộng đoàn được chứ ? Hoặc có những cặp nam nữ đi dự lễ, nơi tai mang một headphone để nghe nhạc, thân hình thì cựa quậy theo điệu nhạc được phát ra từ chiếc cassette bỏ túi trên chiếc xe của họ, thì thà rằng chở nhau đi nghe nhạc nơi quán cafe máy lạnh, hoặc vào công viên Ðầm Sen nghe nhạc sống, nhảy nhạc Pop cho rồi!

        Thánh lễ là một bữa tiệc Nước Trời, mà tiệc thì có trò chuyện và ăn uống. Không ai đi dự tiệc mà chỉ đến nói chuyện qua loa rồi đi về mà không ăn uống gì cả; cũng chẳng có ai đi dự tiệc mà vừa tới nơi là ăn uống một... lèo rồi ra về mà không nói với ai một câu nào cả! Hồi tôi còn giúp xứ cho một họ đạo nhỏ ở trung tâm Saigon, trong một lớp giáo lý vỡ lòng, sau khi nói cho các em  biết sơ qua về những phần quan trọng trong thánh lễ, tôi liền hỏi một em bé gái 11 tuổi: "Thánh lễ có mấy phần quan trọng?" - Em trả lời rất nhanh, gọn mà thông minh: "Thưa thầy có 2 phần, phần ăn uống và phần nói chuyện!" - Cả lớp cười to lên, tôi cũng không ngờ là em bé trả lời dí dỏm như thế.

        Ðúng, thánh lễ là tiệc cưới, nên có phần trò chuyện. Phần trò chuyện hay nói chuyện cũng thế, tức là chúng ta cùng với Thiên Chúa trò chuyện với nhau, trước tiên là phần chúng ta nói với Ngài: chúng ta cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi để xứng đáng tham dự tiệc Thiên Quốc (kinh cáo mình, kinh thương xót), sau đó chúng ta tôn vinh Thiên Chúa, chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài là Ðấng đáng chúc tụng (kinh vinh danh) và cao điểm của phần trò chuyện là lời chúc tụng, cầu xin và cảm tạ (lời nguyện đầu lễ)... Sau đó là phần Thiên Chúa nói với chúng ta: Ngài nói với chúng ta qua bài đọc Thánh thư của các Tông Ðồ, qua bài cựu ước của các tiên tri, các hiền nhân, và quan trọng nhất chính là bài Phúc Âm, nghe Phúc Âm tức là nghe lời của Chúa Giêsu, nghe lời Ngài nói, thì thấy việc Ngài làm và đem lời của Ngài thực hành trong cuộc sống.

         Thánh lễ là một tiệc cưới thiên Quốc, nên cũng có phần ăn uống, nhưng rượu thịt ở đây không phải là thịt bò 7 món, lẩu dê hay gà rút xương; rượu cũng chẳng phải là rượu đế Gò Công hay của hãng bia rượu Saigon, những thức ăn nầy ăn hoài cũng chán, uống nhiều cũng cứ khát. Nhưng thứ rượu thịt mà chúng ta tham dự đây chính là Mình và Máu Thánh của Chúa Giêsu, là lương thực ban sự sống đời đời cho những ai ăn và uống thứ bánh rượu ấy: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống". (Ga 6, 51).  Ăn hoài không thấy chán, uống hoài không thấy khát, cho nên không thể đổi món khác được, mà ở trần gian nầy làm gì có thứ món ăn nào qua mặt được thứ lương thực hằng sống nầy mà đổi chứ, hơn nữa ai dại gì đem của ăn trường sinh đi đổi lấy món ăn dở khẹt bao giờ chứ?

        Tham dự thánh lễ trọn vẹn là tham dự đầy đủ phần Phụng Vụ lời Chúa và phần Phụng Vụ Thánh thể.

        Nếu đi dâng thánh lễ mà ngồi xa xa bên ngoài nhà thờ, hoặc cùng ngồi ôm nhau trên chiếc xe Honda để mà dự thánh lễ, thì chẳng được ơn ích gì cả, bởi vì họ không cùng chia sẻ tấm bánh Ðức Kitô, không cùng chia sẻ Lời Chúa, không cùng hiệp nhất với cộng đoàn, thì làm gì mà có ơn với ích cho mình?

       Nếu chúng ta quan niệm, dự thánh lễ là do tâm hồn mình nhớ đến Chúa là được rồi, cần gì phải vào trong nhà thờ mới gọi là dâng thánh lễ ? Có những bạn trẻ vì một lý do nào đó mà không thích ông cha sở của mình, hoặc giận ông cha sở quá hách, nên chẳng thèm đi tham dự thánh lễ, chỉ ở nhà dự lễ qua radio nghe đài Veritas (đài phát thanh Chân Lý Á Châu), thì chẳng khác chi đi lễ... ôm vậy, nhưng không ôm cô bồ, mà ôm cái radio Sony 3 bands có Twin speaker system nghe thật đã đời. Quan niệm nhớ Chúa Mẹ ở trong tâm hồn nầy cũng đúng đấy, nhưng chỉ đúng cho những người... dốt giáo giáo lý, hoặc cho những người có lương tâm rộng như... biển Thái Bình, hay là lương tâm phóng túng cũng thế mà thôi. Những người nầy tôi tưởng tượng là họ rất ốm nhom gầy còm, vì mỗi lần đến giờ ăn cơm thì họ chỉ ăn... tưởng tượng, hoặc chỉ nhớ đến những món ăn là no rồi, khỏi cần ngồi vào bàn ăn như những người khác. Mà ăn tưởng tượng, thì sao sao mà mập tròn béo tốt, xinh tươi cho được? Phải không các bạn trẻ, thật tội nghiệp cho họ.

         Thánh lễ... ôm, tuy là một hiện tượng chưa được phổ biến lắm, nhưng nếu chúng ta không ý thức đủ tầm quan trọng của việc tham dự thánh lễ, thì có nguy cơ... bành trướng nơi các nhà thờ, đặc biệt là nơi các nhà thờ lớn tại các thành phố lớn. Mọi người đều có bổn phận xây dựng sự hiệp nhất của cộng đoàn Dân Chúa, sự hiệp nhất nầy được biểu lộ ra nơi các ngày Chúa Nhật và các ngày đại lễ (lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Hiện Xuống...) và ngay cả trong thái độ tham dự thánh lễ của mỗi người chúng ta.

        Vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta nên bắt chước những người Do Thái thời các tổ phụ, họ rất vui mừng khi tiến lên đền thánh của Thiên Chúa:

        Vui chừng nào khi thiên hạ bảo tôi :

        "Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa !"

        Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,

        cửa nội thành, ta đã dừng chân. (Tv 122, 1-2)

Thật là cảm động và phấn khởi khi nghe hát câu thánh vịnh nầy trong thánh lễ./.

                                                                          

                                                                                Lm. Nhân Tài, csjb

 


Back to Home Page