Mỗi Ngày Một Câu Chuyện

Linh Mục Juse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Ngày 24.05.2002

 

Hiếu Tử Nói Nghèo

 

Có một người đi an ủi nhà tang, và nghĩ rằng nên đem ít đồ đến giúp đỡ. Bèn hỏi người khác:

- "Có thể đem theo những thứ gì?"

Một người kia mau mắn trả lời:

- "Tiền, lương thực, vải vóc, tơ lụa đều có thể, cái quan trọng là anh có những thứ đó hay không, còn cho như thế nào thì cũng được, tùy ý anh".

Nghe rồi, người ấy liền mang 10 thùng đậu lớn bỏ ngay trước người con có hiếu, nói với anh ta:

- "Chẳng có gì cả, nên đem ít lễ mọn 10 thùng đậu lớn đến tương trợ".

Hiếu tử nhìn thấy người quen, bèn vừa khóc vừa nói: "Làm sao đây?"

Người ấy liền nghĩ là Hiếu tử muốn biết phải làm sao với số đậu này, liền trả lời:

- "Có thể nấu với cơm ăn".

Người con có hiếu vẫn còn khóc, vừa khóc vừa nói: "Nghèo" - (thời xưa chữ này còn có hàm chứa ý nghĩa  khác là: tận cùng, không có đường ra).

Người ấy nghe xong liền nói:

- "Vừa biếu anh xong sao lại còn nói nghèo, thế thì để tôi đem biếu tiếp anh thêm 10 thùng lớn nữa".

                                                                                (Tiếu lâm)

 

Suy tư:

Lời nói là để diễn đạt tư tưởng của mỗi người, và cũng là diễn tả cá tính của mỗi cá nhân.

Có những người hay dùng những lời bóng gió để châm chích, xỏ xiên người khác khi trò chuyện; có người khi trò chuyện thì hay dùng những câu nói tục tỉu, hàm ý bẩn thỉu để mua vui với mọi người, để ra vẻ ta đây có "một bụng" chuyện tiếu lâm...; có người khi trò chuyện thì "cướp" hết  lời của người khác; có người thì nữa ngày không nói ra một tiếng khi trò chuyện...; có người khi trò chuyện thì chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, la lối thóa mạ...

"Lời nói (thì) không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Lựa lời mà nói chính là "uốn lưỡi" bảy lần, để mỗi một lời nói  của chúng ta trở thành hữu ích cho mọi người. Thánh Phaolô Tông Ðồ đã khuyên bảo chúng ta: "Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là người trong dân thánh" (Ep 5, 3). - Và ngài còn nhấn mạnh đến điều màcon người ta thường mắc phải trong lúc trò chuyện: "Ðừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên; trái lại phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn" (Ep 5, 4).

Bởi vì tất cả những lời chúng ta nói ra, tự nó, đều có thể lên án chúng ta trước tòa phán xét. như lời Chúa Giêsu đã "ngăm đe": "Tôi nói cho các người hay: đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án" (Mt 12, 35-37).

Một người bình thường hay nói lời tục tỉu, thóa mạ, thì người ta đã khó chịu và chê trách, huống hồ là một kitô hữu. Khi một kitô hữu mà nói những lời la lối, thóa mạ, những lời tục tỉu bẩn thỉu, thì càng làm cho người ta khinh chê, xa lánh và càng nên cớ vấp phạm cho nhiều người.

 

                                                                                Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

                                                                                (dịch và viết suy tư)


Back to Home Page