Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


38- Con Có Một Tổ Quốc

 

1. Tạm biệt quê hương tôi

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có rất nhiều dịp để nói lên lòng yêu mến tổ quốc Balan của ngài. Ở đây, chúng ta hãy suy niệm những lời nói chân thành của ngài đã được truyền đi trong bầu không khí cảm động ở phi trường Bilace, lúc ngài từ biệt quê hương để trở về Roma:

"Giờ phút đã điểm, tôi phải từ giã giáo phận Cracovie và tổ quốc Balan. Mặc dù sự chia ly này không thể cắt đứt những mối dây thiêng liêng sâu đậm và những tâm tình thắm thiết ràng buộc tôi lại với thành phố của tôi, quê hương của tôi và đồng bào của tôi giờ đây tôi vẫn cảm thấy đau đớn về sự chia ly ấy. Nhưng bây giờ tòa Giám mục của tôi là Roma, và tôi phải trở về đó, nơi mà không người con nào của Hội Thánh và chúng ta có thể nói rằng: không một người nào, Balan hay quốc tịch nào bị xem là xa lạ cả.

"... Tôi xin cám ơn tất cả anh chị em; tôi muốn tiếng "cám ơn" đến tận những người tôi mang ơn, và tôi không biết có ai trong nước Balan này mà tôi không mang ơn họ.

"Những ngày ngắn ngủi ở Balan càng làm cho tôi gắn bó hơn nữa những sợi dây thiêng liêng kết hiệp tôi với quê hương yêu quý, với Giáo hội Balan, Giáo hội mà tôi muốn phục vụ với tất cả tâm hồn tôi, với tất cả sức lực tôi qua thừa tác vụ Giáo Hoàng của tôi.

"Tôi cám ơn anh chị em đã hứa cầu nguyện cho tôi. Từ nơi xa xăm ấy, bên kia núi Alpes, tâm trí tôi sẽ lắng nghe tiếng chuông kêu gọi giáo dân cầu nguyện, nhất là lúc nguyện kinh Truyền tin, lúc mà tôi nghe nhịp tim của đồng bào tôi...

"Tôi xin tạm biệt Cracovie. Tôi xin chúc Cracovie một mùa xuân mới. Tôi cầu chúc cho Cracovie mãi mãi là một chứng tích cao đẹp của lịch sử đất nước, của Giáo Hội, trước mặt dân Ba Lan, Âu châu và thế giới những ngày hôm nay...

"Tôi xin tạm biệt nước Ba Lan, quê hương yêu quý của tôi! Giờ ra đi này, tôi xin hôn kính đất Ba Lan, mảnh đất mà lòng tôi không bao giờ có thể xa rời được.

"Xin Thiên Chúa Toàn năng chúc lành cho anh chi em: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". (ÐHV. Con có một tổ quốc).

 

2. Hai nhà ái quốc Công giáo Việt Nam

Tiếng chuông ngân trầm,

Việt Nam nguyện cầu.

Tiếng chuông não nùng,

Việt Nam buồn thảm.

Tiếng chuông vang lừng,

Việt Nam khởi hoàn.

Tiếng chuông thanh thoát,

Việt Nam hy vọng. (ÐHV... Con Có Một Tổ Quốc)

Là người Công giáo Việt Nam chúng ta luôn luôn hãnh diện đã góp phần xây dựng đất nước từ khi đạo Công giáo đến Việt Nam. Chúng ta đặc biệt hãnh diện vì có lắm khuôn mặt Công giáo yêu nước chân chính đã được ghi công trong lịch sử: Hai khuôn mặt nổi bật nhất, trong số đó là ông Nguyễn Trường Tộ và Linh mục Ðặng Ðức Tuấn.

* Nguyễn Trường Tộ (1827-1871)

Ông người thôn Bùi Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, theo học chữ Nho từ thuở nhỏ, tuy có tài về thơ văn, nhưng vì chán lối học từ chương và có khuynh hướng về lối học thực dụng, nên ông không theo đường cử nghiệp. Nhờ có đạo, nên một Nhà Dòng ở Tân Ấp mời ông làm thầy dạy chữ Hán, do đó ông gặp được một giáo sĩ thừa sai là Ðức Giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu). Vị Giám mục này dạy ông học tiếng Pháp và các khoa học phổ thông, rồi sau đó đem ông qua Ý, qua Pháp một thời gian để ông quan sát học tập thêm nữa. Khi về nước, giữa lúc người Pháp đang đánh lấy Gia Ðịnh (1859), ông có giúp việc cho Soái phủ Nam Kỳ trong ít lâu, chú tâm góp phần vào việc giảng hòa hai chính phủ Pháp và Việt. Rồi ông về quê, đem các điều đã sở đắc giúp người đồng hương khẩn đất, lập ấp và kiến trúc, đồng thời viết nhiều bản điều trần để xin Triều đình canh cải mọi việc.

Năm 1866 (Năm Tự Ðức thứ 19), ông được cử đi tìm mỏ ở Nghệ An, Hà Tịnh. Tháng 6 năm ấy ông được Quan Tổng đốc Hoàng Tố Viêm giao cho việc cắm lối để đào sông thiết cảng, một công trình thủy lợi quan trọng thời bấy giờ. Ðến tháng 9, ông lại cùng với Ðức Giám mục Gauthier sang Pháp để mướn chuyên viên kỹ thuật và mua máy móc. Nhưng vì việc giao thiệp giữa Triều đình Việt Nam với Soái phủ Nam Kỳ trở nên gay go, nên khi ông đang lo các việc ở Pháp thì nhận được lệnh đình chỉ việc mướn chuyên viên và mua máy móc mà về.

Ðến năm 1868, Vua Tự Ðức lại phái ông sang công tác bên Pháp, nhưng ông đau không đi được. Năm 1871, Vua lại triệu ông vào Kinh (Huế) để đem học sinh sang Pháp, nhưng ông cũng đang đau nên phải từ chối. Giữa năm ấy thì ông mất, thọ 44 tuổi. Trước khi mất, ông còn viết nhiều bản điều trần nữa.

Nội dung các bản điều trần đó (viết từ năm 1863-1871) là trình bày những điều ông đã xem thấy, hiểu biết về thế giới văn minh khoa học, kỹ thuật cho Triều đình hay và thảo ra một chương trình cải cách để giúp cho việc phát triển Quốc gia và đối phó với hoàn cảnh đương thời. Những bản quan trọng nhất là về chính sách Tôn giáo (1863), về việc phái học sinh du học ngoại quốc (1866), về việc giao thiệp với nước ngoài (1868), về cải cách nông nghiệp, về việc tu chỉnh võ bị (1871), đào tạo nhân tài (1871), về việc phát triển kỹ nghệ, về việc dùng Quốc văn (1867)...

Lời lẽ các bản điều trần cho thấy ông là một người học thức rộng, kiến văn nhiều, lại có lòng nhiệt thành yêu nước, muốn đem những điều sở đắc mà giúp vào việc canh tân đất nước cho giàu mạnh phú cường. Lúc đầu, nhà vua thấy kế hoạch của ông có nhiều điều hay, cũng có ý muốn đem ra thực hành, nên có lần giao cho việc đi tìm mỏ và phái ông sang Pháp mua máy móc và tuyển chuyên viên (1866). Nhưng tiếc thay Triều thần bấy giờ phần nhiều không hiểu thời cuộc, chỉ một mực thủ cựu, không tán thành các việc ông xin, lại tìm cách bài bác công kích, nên chương trình hay ho của ông đành phải bỏ đó.

* Cha Ðặng Ðức Tuấn

Cha Ðặng Ðức Tuấn cũng là người đồng thời với ông Nguyễn Trường Tộ. Thời ấy Vua Tự Ðức và triều đình Huế, như hai triều vua trước, đều xem đạo Công giáo là một dị đoan, là tà thuyết mê hoặc nhân tâm, xúi dân phản quốc và chạy theo giặc Pháp, nên đã ra sắc chỉ cấm đạo (từ năm 1848).

Ðể sửa đổi những quan niệm sai lầm ấy, cha Ðặng Ðức Tuấn, một linh mục địa phận Qui Nhơn, đã làm một bản điều trần bày tỏ mọi căn nguyên rồi định ra Huế, để trình cho Vua ngự lãm (khoảng 1860-1861). Ðang khi đi đường thì ngài bị bắt và bị giải lên huyện Mộ Ðức, tỉnh Bình Ðịnh. Quan huyện cho điệu ngài lên tỉnh. Ở đây nhân vua có hai vị quan ở Kinh vào kinh lý, nên bản điều trần của cha Ðặng Ðức Tuấn được xem qua và rồi cha bị giải ra Huế để trực tiếp cung khai với Triều đình đúng như lòng ngài sở nguyện.

Ðến Huế, ngài được gặp Ðại thần Phan Thanh Giản và Thượng thư Lâm Duy Tiếp. Hai ông hỏi đạo Công giáo dạy những gì và vì sao "Tây dương" đến gây hấn quấy rối. Cha Tuấn liền phân giải hai vấn đề quan trọng đã gây bao tai hại lớn lao trong thời kỳ ấy bằng những lời lẽ như sau:

"Ðạo Công giáo dạy phụng sự Thiên Chúa linh thiêng, tạo thành thiên địa, cầm quyền sinh tử; phàm người thế có tinh linh vâng theo đường chính tất hưởng trường sinh cõi thọ.

"Ðạo dạy phục quyền vua thay mặt Thiên Chúa trị dân; đạo dạy hiếu kính phụ mẫu, đền ơn sinh thành.

"Các lý thật lẽ ngay bên đạo do ở pho sách Kinh Thánh rút ra, thành thử xưa nay vẫn một mực; và tuy truyền giáo tứ phương nhưng tựu trung đâu đó vẫn dưới quyền Ðức Giáo Hoàng ngự tại Roma.

"Nếu việc (gây hấn) do ở Roma, thì xin chịu Ðạo phá rây, nhưng không phải; chiến tranh mà có là do bởi ở nước ngoài vì đường danh lợi mà tạo nên. Nếu truyền giáo mà hoành hành như thế, thì xin Triều đình xét năm kia tàu lại, như đạo nội ứng cho giặc tất nhiên sẽ rủ nhau bỏ xứ chạy ùa theo giặc. Nhưng bởi không có cái nhị tâm đó nên đâu đó vẫn ở yên giữ luật Nước Nhà..."

Sau đó, cha Ðặng Ðức Tuấn còn làm thêm vài bản điều trần nữa và được chính vua Tự Ðức đọc. Xem xong, nhà Vua truyền mở gông giải xiềng và ban thưởng cho ngài, rồi cha được tự do thăm viếng các giáo hữu đang bị giam cầm vì đức tin trong ngục thất.

Ðến tháng 3 năm 1862, cha Tuấn lại dâng thêm hai bản điều trần nữa. Lần này vua Tự Ðức thuận theo những lời yêu cầu của ngài nên hạ lệnh cho tha các giáo hữu đang bị bách hại và bị tống ngục.

Lúc đó, miền Nam đã bị Pháp chiếm, miền Bắc lâm cảnh nổi loạn và tàu Pháp đang ra Huế, đợi ký kết Hoà ước với Việt Nam. Triều đình bàn tán xôn xao, không biết phái ai đi Ðại sứ. Thượng thư Bộ binh Lâm Duy Tiếp bèn mời cha Tuấn đến dò ý kiến. Ngài đề nghị cụ Phan Thanh Giản cùng ông ta đi, và ngài cũng xin đi tháp tùng làm cố vấn. Vua Tự Ðức y theo lời xin. Từ ngày ấy cha Tuấn được ra vào Tả viện và Hoàng thành để bàn bạc chuyện thương thuyết với hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp. Ðến tháng 5 thì cả ba cùng Phái Bộ vào Sài gòn ký hoà ước Nhâm Tuất.

Sau cha Ðặng Ðức Tuấn được về Bình Ðịnh và mỗi lần phải tra hỏi, Vua Tự Ðức lại ra chỉ triệu ngài về Huế. Nhờ ngài mà Triều đình bớt ác cảm với Ðạo và biết rõ quan niệm yêu nước chân chính của người Công giáo. Phần ngài thì cũng được dịp góp phần vào việc chính sự quốc gia.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page