Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


33- Lãnh Ðạo

 

1. "Ánh sáng thế gian"

* Lãnh đạo là dấu hiệu hữu hình của quyền bính. Người lãnh đạo phải ý thức sứ mệnh chỉ huy của mình, sứ mệnh đại diện cho uy quyền và bổn phận làm cho kẻ khác trọng uy quyền của mình. Làm như thế là phục vụ quần chúng (ÐHV 840).

* Tai họa lớn nhất của con khi lãnh đạo là sợ nói và hành động như một nhà lãnh đạo (ÐHV 841).

* Không có hành động nào mà không phải là "thánh giá", nếu không vác nổi thánh giá thì không được gì cả (ÐHV 849).

Tháng 9 năm 1939, nhà độc tài Phátxít Hitler xua quân xâm lược Tiệp Khắc, rồi tiếp đó thôn tính Ba Lan, thi hành những thủ đoạn cướp bóc, tàn phá, diệt chủng...

Với ý ngay lành và nhằm mục đích cứu vãn Giáo Hội phần nào, một vị Hồng Y Giáo chủ Ðông Âu đã có những lời tuyên bố có vẻ xu thời, xoa dịu, hoà hoãn với chính quyền Phátxít và đã bị Hitler lợi dụng để xuyên tạc che mắt thế giới, cũng như gây bao hoang mang cho giáo dân đang quằn quại giữa lòng cuộc chiến ghê tởm.

Biết được tin ấy, Ðức Piô XI đánh điện tín khẩn trương mời vị Hồng Y Giáo chủ về Roma. Ngài lắng nghe, thông cảm với ý ngay lành của vị Hồng Y, nhưng không nhất trí với thái độ và lập trường của nhà lãnh đạo ấy. Theo ý Ðức Thánh Cha, Hồng Y Giáo chủ phải là người lãnh đạo dân Chúa, phải là "ánh sáng thế gian" như lời Chúa dạy trong Phúc Âm. Ngọn hải đăng không cần tuyên bố rùm beng, nhưng chỉ cần sáng lên giữa phong ba bão táp, kiên vững giữa gầm sóng vỗ, để người ta thấy rõ con đường trước mặt mà hăng hái tiến đi. Một người khác có thể nói lời hoà dịu với Hitler và ai hiểu sao thì hiểu; nhưng người lãnh đạo dân Chúa thì không được phép làm vậy, không thể có thái độ ba phải, dù phải gian nan khổ cực, dù phải hy sinh mạng sống. Chúa Giêsu đã nói: "Ta là Mục tử tốt lành... thí mạng sống mình vì chiên... Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta" (Jn 10). Nhưng nếu tiếng của ta mập mờ, sinh nhiều rối loạn thì ai biết ngã nào theo nữa!

Hồng Y Giáo chủ nghe Ðức Thánh Cha giải thích đã hiểu được trách nhiệm của mình. Ngài cám ơn Ðức Thánh Cha và hứa sẽ vâng lời Ðức Thánh Cha trong hết mọi sự, bất chấp mọi nguy hiểm sa đọa. Ngài đã trở lại quê hương, nói rõ lập trường của Giáo Hội đối với những tội ác xâm lược, tàn sát người vô tội đến độ diệt chủng do nhà độc tài Phátxít Hitler gây nên.

Thế giới lấy làm kính phục tâm hồn quả cảm của vị Hồng Y Giáo chủ ấy. Riêng Hitler, ông ta gầm thét căm thù, gây nên cho ngài nhiều chuyện khó dễ, rắc rối; nhưng ngài vẫn kiên trì đứng vững, thinh lặng và sáng chói như ngọn hải đăng. Giáo dân vững tâm nhìn lên ngài như vị lãnh đạo tinh thần rất xứng đáng của họ.

 

2. Sẵn sàng đối thoại chân thành

* Chúa Giêsu không loại bỏ các Tông Ðồ vì họ không hiểu Ngài hay cứng đầu đối với Ngài. Con đừng nản lòng, cứ nhẫn nại, tử tế với hạng người ác ý, ác tâm, đê tiện. Ơn Chúa sẽ thu phục họ (ÐHV 876).

* Nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn chỉ dùng lưỡi để đối thoại với nhau. Nếu biết dùng lưỡi để đối thoại với nhau. Nếu biết dùng quả tim đối thoại đứng đắn, tâm hồn họ sẽ xích lại gần nhau (ÐHV 877).

* Tìm đâu ra bí quyết của đối thoại làm tâm hồn được giải thoát, cởi mở, trí khôn sáng suốt? - Hãy tìm trong Phúc Âm (ÐHV 879).

* Chúa Giêsu không từ khước một ai đối thoại với Ngài. Ngài đối thoại với bạn hữu, với người lạ, với dân ngoại, với người tội lỗi, với người chống đối (ÐHV 880).

Một trong những thành tựu lớn lao đời Giáo Hoàng của Ðức Phaolô VI là việc bình thường hoá quan hệ với các nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Ðông Âu và sinh hoạt của Hội Thánh tại các nước ấy.

Ngài đã thành lập "Văn phòng liên lạc với các nước vô thần" để tiếp tục công trình riêng của ngài và nhất là công trình của Công đồng Vatican II. Chính ngài đã niềm nở, can đảm và chân thành đối thoại với các vị lãnh tụ của các nước Chủ Nghĩa Xã Hội. Người ta còn nhớ vào tháng 6 năm 1977, ông Janes Kadar, Bí Thư thứ nhất của ban chấp hành Trung ương Ðảng Công Nhân Xã Hội Chủ Nghĩa Hungari; đã chính thức viếng thăm Toà Thánh Vatican cùng hội kiến thân mật với Ðức Phaolô VI. Liền sau cuộc tiếp kiến, khi được các phóng viên báo chí phỏng vấn, ông Kadar đã nói lên với họ một câu vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa: "Tôi không phải là Kitô hữu nhưng tôi thuộc Kinh Thánh rất nhiều. Tôi nhớ có chuyện bà Lót, trên đường chạy thoát, đã ngoái nhìn phía sau và liền bị biến thành một bức tượng. Ta cùng đừng nhìn lại phía sau như vậy".

Ðức Phaolô VI muốn hướng về tương lai, muốn lãnh đạo Hội Thánh trên con đường mới nên, cũng như ông Janes Kadar, ngài chỉ muốn nhìn tới trước để tiến lên mãi.

 

3. Lãnh đạo là phục vụ công lý tạo tác hoà bình

* Lãnh đạo là phục vụ: phụng sự Thiên Chúa, phục vụ người mình điều khiển, phục vụ công ích. Lãnh đạo là nô bộc tình nguyện (ÐHV 835).

Năm 1965, giữa lúc Johnson cho chiến tranh leo thang tại Việt Nam, thì Ðức Phaolô VI được Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, qua vị Chủ Tịch Amintore Fanfani và vị Tổng Thư Ký U-Thant, mời sang Nữu-Ước (4.10.1965). Trước sự hiện diện của Tổng Thống Johnson, Ðức Phaolô VI không ngần ngại nói thẳng đến vấn đề hoà bình, nhắc lại lời của một vị Tổng Thống mà ông Johnson đang kế nghiệp:

"Từ nay đừng còn cảnh người này chống lại người kia, vâng, đừng bao giờ nữa! Chẳng phải vì chính mục đích này mà Liên Hiệp Quốc được thành lập sao? Xin hãy lắng nghe lời lẽ sáng suốt của một vĩ nhân quá cố, ông John Kennedy, đã nói cách đây bốn năm: Nhân loại phải chấm dứt chiến tranh, bằng không, chiến tranh sẽ chấm dứt nhân loại... Xin quý vị nhớ cho rằng máu của hằng triệu con người, những nỗi thương đau chưa từng thấy, những cuộc tàn sát dã man và những tàn phá kinh khủng đang phê chuẩn cái hiệp ước đã liên kết quý vị lại, trong một lời thề khiến lịch sử thế giới mai hậu phải đổi thay: Ðừng chiến tranh, đừng bao giờ còn chiến tranh nữa. Mà chính là hoà bình. Hoà bình phải hướng dẫn số phận các dân tộc và toàn thể nhân loại."

Ngài luôn có những hoạt động nhằm chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Với các Giám mục Việt Nam đến Roma, ngài thường nói: "Tôi làm tất cả những gì có thể được để vãn hồi hoà bình ở Việt Nam. Việt Nam có một chỗ đặc biệt trong trái tim và lời cầu nguyện của tôi. Mỗi tối trước khi ngủ, tôi mở cửa sổ, hướng về Việt Nam, cầu nguyện và chúc phúc lành cho Việt Nam!".

Các đoàn hành hương biết "chỗ ngứa" của ngài, nên trong các buổi triều yết chung, mỗi khi ngài nhắc đến "Việt Nam" thì họ vỗ tay vang dội cả đền thờ Thánh Phêrô. Họ biết làm thế ngài rất vui thỏa. Không danh xưng một quốc gia, dân tộc nào được Ðức Phaolô VI nhắc đến bằng hai chữ Việt Nam. Ngài đã có 92 diễn từ về Việt Nam.

Mặc cho thế lực nào phản đối, mặc cho chế độ nào phiền trách. Ðức Phaolô VI vẫn ý thức sáng suốt sứ mệnh rao truyền chân lý, hoà bình, công chính của ngài và đã can đảm thực hiện sứ mệnh ấy. Lịch sử tôn vinh ngài, bao nhiêu quả tim trên thế giới yêu mến ngài. Ngài đã kiên cường lãnh đạo Hội Thánh đi theo con đường Công lý Hoà bình vậy.

 

4. Ai muốn đi đạo hãy đến với Giám mục Phanxicô Salêsiô

* Chinh phục được con tim của tùy viên, người lãnh đạo dám:

- Ðể tùy viên nhìn gần mà không sợ mất mát,

- Hạ mình họ mà vẫn cao thượng,

- Tự do từ tốn mà kính phục,

- Cương quyết đòi hỏi mà được vâng lời triệt để (ÐHV 866).

* Chúa Giêsu không nhằm biến đổi tức khắc các Tông Ðồ bằng mệnh lệnh, nhưng Chúa để họ tuần tự canh tân. Con hãy tin tưởng và làm cho người ta tin tưởng, sống và làm cho người ta thích sống như con (ÐHV 873).

* Chúa Giêsu không định giờ để ra lệnh, hay mở lớp huấn luyện tinh thần. Ngài dùng cơ hội thực tế trong đời sống để cho các tông đồ những bài học thiết thực: lúc đi ngang vuờn nho, cây vả, đồng lúa, lúc các em bé đến chơi, lúc các Tông Ðồ tranh giành địa vị (ÐHV 874).

Ðức Cha Bossuet (1627-1704), Giám mục giáo phận Meaux (Pháp), là một người sống gần thời thánh Phanxicô Salêsiô (1567-1622). Giám mục giáo phận Annecy (Pháp) và thành Genève (Thụy Sĩ).

Ngài vừa là một văn hào vừa là một nhà hùng biện lỗi lạc nổi tiếng khắp Châu âu. Trong văn chương nước Pháp ngày nay người ta vẫn còn học tác phẩm của ngài (ngài được xem như một trong những văn sĩ cổ điển thượng thặng). Ngài chuyên về các điếu văn, bài giảng, lịch sử và nhất là tranh biện tôn giáo. Chính ngài đã viết một pho sách lớn công kích các giáo hội Tin lành. Nghe danh ngài, ai ai cũng nể phục.

Trong khi đó Ðức Cha Phanxicô Salêsiô, một người cũng thông minh xuất chúng, lại có một lối bênh đạo khác hẳn. Ngài rất nhân từ, bình dân, giản di, niềm nở đón tiếp mọi người, nghe ngóng mọi người, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ sẵn sàng đối thoại ngay cả đối với những anh em lạc giáo có ác tâm muốn bắt bẻ ngài nhưng cuối cùng chính họ là những kẻ bị ngài chinh phục. Ngài không ngại mất thời giờ nhẫn nại nghe họ, như thể chỉ có mình ngài với họ thôi. Có người góp ý: "Ðức Cha tiếp họ làm gì cho mất công, họ có ý đến để bài bác Ðức Cha đó!..." Ngài trả lời: "Mỗi linh hồn đã là một giáo phận đối với một Giám mục". Nhờ tìm hiểu đón tiếp từng cá nhân như vậy mà ngài đã làm cho trên 10.000 người theo lạc giáo trở lại Công giáo (nên nhớ miền Chablais và thành Genève thuộc giáo phận Annecy là trung tâm hoạt động của Tin lành Calvino Thụy Sĩ).

Giám mục Bossuet khiêm tốn nhận thức điều ấy và tuyên bố công khai: "Ai muốn tranh luận về giáo lý thì hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý. Nhưng ai muốn đi đạo thì đi đến Ðức Cha Phanxicô Salêsiô; ngài hiền từ, không tranh luận, nhưng có một khả năng chinh phục lạ thường".

 

5. Lãnh đạo là răn bảo trong yêu thương

* Biết điều con muốn và cách cương quyết. Nếu không cương quyết định đoạt, con sẽ làm các tùy viên tê liệt. Ðể các tùy viên tự do quyết định, con sẽ gây hỗn loạn (ÐHV 846).

* Lãnh đạo là sống kỷ luật, tìm hiểu lệnh trên, khôn khéo hành động theo mệnh lệnh. Lãnh đạo là tìm kiếm phương thế thực hiện và giàu nghị lực để thắng các trở ngại (ÐHV 847).

Dòng Salésiens (Institut des Prêtres Salésiens, lấy tên Thánh Phanxicô Salêsi) do thánh Gioan Boscô thiết lập năm 1868 (với mục đích mở trường dạy các em mồ côi nghèo khổ) đã phát triển mạnh mẽ, có nhiều chi nhánh tại Tây Ban Nha. Một hôm trong giấc ngủ, cha Giám đốc của một trường thuộc nhà dòng nghe thánh Gioan Boscô nói về mình rõ ràng từng tiếng: "Con lãnh đạo nhà này, nhưng con sơ suất để nhiều học sinh lỗi luật, hãy cải thiện nếp sống trong nhà lập tức". Lúc ấy thánh Boscô đang hoạt động ở nhà mẹ tại Turinô (Ý) nhưng Chúa hay ban cho ngài cùng một lúc có mặt ở hai chỗ.

Cha Giám đốc trường bận rộn nhiều công việc, vì thế tâm trí phải xao lãng, không nhớ lời thánh Boscô. Vài hôm sau ngài lại nghe tiếng thánh nhân bảo như lần trước. Nhưng rồi, ngài cũng quên nốt. Ít ngày sau, thỉnh thoảng ngài có nhớ đến chỉ thị của thánh Boscô, nhưng ngài lại tự nhủ: "Mình đã phấn đấu làm hết phận sự, lại được các tu sĩ khác cùng cộng tác, cùng chia sẻ trách nhiệm cả mà... Hay đây chỉ vì mình bị in trí, ám ảnh? Không nên vội tin những giấc mơ!"

Ðã mấy ngày trôi qua mà ngài chẳng khởi sự cải cách một điều gì cả! Sáng hôm ấy, ngài dâng lễ như thường lệ. Lúc bắt đầu đọc kinh Cáo mình, ngài nghe tiếng thánh Boscô nói rõ ràng: "Hãy mau cải thiện kỷ luật trong nhà, nếu không thì đây là Thánh lễ cuối cùng của đời con". Kinh khiếp quá!

Lễ xong ngài liền bàn hỏi với các linh mục, tu sĩ phụ tá ai cũng lắng lo, suy nghĩ, nhưng thảo luận suốt ngày mà vẫn không tìm được nơi nào hoặc học sinh nào lỗi luật cả. Tối hôm ấy, cha Giám đốc trằn trọc trên giường, thao thức, hồi hộp, không sao nhắm mắt được. Lời thánh Gioan Boscô phán bảo ban sáng vẫn còn vang vẳng bên tai: "...nếu không thì đây là Thánh lễ cuối cùng của đời con!". Ngài vắt tay lên trán, tính nhẩm từng giờ, từng khắc, từng phút đang trôi qua chầm chậm... "mai tôi còn sống để dâng lễ nữa không?"

Bỗng chốc mắt ngài sáng rực lên: thánh Gioan Boscô đứng ngay cạnh giường từ hồi nào:

Hãy chỗi dậy, mặc áo vào và đi theo cha!

Cha Giám đốc nửa mừng nửa sợ vâng lời chỗi dậy, mặc áo vào và lẻo đẻo theo sau thánh Gioan Boscô. Ði đến đâu các cửa đã khoá đều tự động mở ra cả. Thánh nhân đưa tay chỉ từng phòng học, từng nhà ngủ, từng nhà chơi, phòng khách... chỉ đến đâu ngài phê bình đến đó: phòng này được, đáng khen, có lòng đạo đức, học hành tiến bộ; phòng kia kỷ luật lỏng lẻo, học tập lôi thôi... Cuối cùng, thánh nhân đưa cha Giám đốc tới một phòng và chỉ cho ngài thấy:

- Xem kìa, chúng nó thật vô kỷ luật: bỏ việc học hành, biếng lười lao động, xao nhãng kinh nguyện, thậm chí còn có đứa trẻ trở thành sa đọa, xấu xa... Cha Giám đốc trông thấy rõ ràng từng đứa từng lỗi, từng sự việc xảy ra... thánh Boscô tiếp:

- Cha nhắc lại: Phải yêu thương chúng nó, hoà mình với chúng nó, tìm hiểu chúng nó, cùng ăn, cùng giải trí, cùng cầu nguyện, cùng đối thoại với chúng nó. Sự hiện diện đầy yêu thương của chúng ta khiến chúng được đặt vào một tình trạng không thể phạm tội. Phải cương quyết ngăn chận sự dữ với bất cứ giá nào...

Cha Giám đốc lúng túng cám ơn thánh Gioan Boscô đoạn hứa sẽ làm theo lời khuyên bảo của ngài. Thánh nhân đưa cha trở lại tận giường, chúc lành cho cha rồi vụt biến đi.

Vừa tảng sáng, cha Giám đốc triệu tập Hội đồng các tu sĩ trong nhà lại, thuật lại tỉ mỉ câu chuyện thánh Gioan Boscô đến thăm cùng nói lại những điều, những biện pháp thánh nhân đã đề nghi. Cả nhà nhất trí, phân công tác theo dõi các học sinh cách chặt chẽ. Họ đã bắt gặp quả tang mọi việc đúng hệt như thánh Boscô đã cho thấy. Họ thi hành kỷ luật ngay: một số ít bị loại ra khỏi nhà, số còn lại phải chịu kỷ luật nặng nhẹ tùy trường hợp. Từ ngày ấy trở đi, tinh thần trong nhà, từ tu sĩ đến học sinh đã có những bước cải tiến rõ rệt. Ngôi trường từ đó trở thành một gia đình hạnh phúc, gương mẫu.

 

6. Những lời nhắn nhủ người lãnh đạo

* Hãy khiêm tốn quảng đại nếu Chúa muốn chọn con lãnh đạo trong môi trường của con. Sứ mệnh cao cả, quan trọng. Con cần ý thức hạnh phúc của các Tông Ðồ khi nghe Chúa Giêsu nói: "Thầy sẽ làm cho các con chinh phục người ta" (ÐHV 837).

Cha Joan Habillon (1632-1707) Dòng Biển Ðức, Tu viện Saint Maur, Paris, là một diễn giả danh tiếng, một thầy dạy đàng nhân đức rất ảnh hưởng, đã để lại nhiều tác phẩm giá trị. Qua các tác phẩm đó, người ân cần khuyên nhủ những người lãnh đạo bằng lời lẽ thật thâm trầm, sáng suốt, khiến mọi người đều phải nghiêm chỉnh lắng nghe:

"Ôi, bao nhiêu là bó buộc trong chức vụ lãnh đạo! Con chỉ nhận nhiệm vụ ấy khi đức vâng lời kêu gọi con, và chỉ ở trong chức vụ ấy với tất cả lòng run sợ của con.

Con hãy đem hết nỗ lực và khi cần, phải hy sinh cả mạng sống con để mưu ích cho các tu sĩ, nhưng cũng đừng giảm bớt sự lo lắng cho chính linh hồn con.

Con hãy phân phối các hoạt động con bên ngoài cũng như bên trong tu viện, đồng thời cũng đừng làm mất sự thinh lặng nội tâm.

Con hãy mở lòng rộng rãi đối với anh em, với người nghèo túng, đừng sợ sẽ thiếu thốn gì.

Con hãy có một đức bác ái rộng lớn, đến nỗi bao quát được các sự cần thiết của anh em con, một đức quảng đại đến nỗi lướt thắng mọi khó khăn xảy đến.

Con hãy bền chí đến nỗi không bao giờ chán nản và buông xuôi.

Con hãy siêu thoát đến nỗi không bao giờ tìm lợi cho bản thân mình.

Con hãy hoà hợp với tầm ức mọi người, hãy âu yếm giúp đỡ những người mới tập sự.

Con hãy thương xót những ai yếu đuối với một tâm lòng chiếu cố đầy bác ái, con hãy khuyến khích những người mạnh mẽ bằng những lý do xác đáng, cao thượng.

Con hãy xa lánh khác nào thuốc độc mọi thái độ thống trị độc tài.

Con chỉ ra lệnh sau khi đã sốt sắng cầu nguyện và đem hết lý lẽ để thuyết phục.

Con chỉ quở trách với tất cả tâm lòng yêu thương.

Nếu buộc lòng con phải cương quyết quở trách, thì con cho hành động vì đam mê.

Con hãy dùng hình phạt vì bất đắc dĩ và hối tiếc.

Con chỉ làm cho người ta yêu mến để tránh sự dữ và tội ác.

Con hãy xác tín rằng con chỉ có quyền chuẩn luật dòng khi có lý do chính đáng vì bác ái hay khẩn cấp.

Sau khi con đã đem hết thiện chí chu toàn nhiệm vụ, con hãy xem mình là tôi tớ và nhìn nhận: vì khuyết điểm của con mà bề dưới phạm lỗi và thiếu nhân đức".

 

7. Bị phản đối, được cảm phục rồi được luyến tiếc

* Lãnh đạo là người: - Biết - Muốn - Thực hiện. Và đồng thời gây cảm hứng cho kẻ khác: - Biết - Muốn - và thực hiện (ÐHV 834).

* Con hãy đặt mình vào địa vị các cộng sự viên, trao đổi quan điểm thân mật với họ, đón tiếp ân cần, tỏ cho họ, thái độ nhân hậu ấy sẽ làm cho họ yêu thuong con, tin tưởng con (ÐHV 863).

* Công trạng con không ghi trong huy chương trên ngực, trong các bản tuyên dương, các diễn văn ca ngợi con. Phần thưởng của con được ghi trong cái nhìn, trong quả tim của các cộng sự viên của con (ÐHV 864).

Ðó là trường hợp của Ðức Cha Hsu, Giám mục giáo phận Hồng Kông.

Là một người ngoại đạo, gốc ở Thượng Hải, Francis Hsu đã học tại Ðại học Oxford, Anh quốc, rồi về làm một công chức cao cấp tại Hồng Kông. Nhờ ơn Chúa soi sáng và hướng dẫn, ngài đã trở lại đạo Công giáo, dâng mình làm linh mục, sang học tại Ðại chủng viện dành cho những người tu muộn ở Roma.

Sau khi thụ phong linh mục, ngài trở về Hồng Kông, làm Giám đốc Caritas. Công việc đang phát triển tốt đẹp thì một ngày kia, Ðức Cha Biauchi thuộc Hội truyền giáo Pime đã già yếu, muốn chọn cha làm Giám mục phụ tá cho ngài.

Ða số giáo sĩ tại Hồng Kông, đều tỏ thái độ phản đối kịch liệt. Họ đưa ra nhiều lý lẽ thật vững chắc:

- Chúng tôi không muốn chấp nhận một người mới vào đạo làm Giám mục của chúng tôi. Cha Francis Hsu mới hôm qua đây là công chức của Nhà Nước Hồng Kông ai cũng còn nhớ cả! Hơn nữa, ngài là người Thượng Hải, mà tại Hồng Kông đa số là người Quảng Ðông, nói tiếng Quảng Ðông; cha Hsu nói tiếng Quảng Ðông với giọng Thượng Hải, ngài giảng thì ai nghe cho được!

Người khác lại bảo:

- Hồng Kông thiếu gì linh mục đạo đức, anh tài mà lại chọn người mới làm linh mục cố mấy năm, chưa biết công việc mục vụ trong giáo xứ... lên làm Giám mục!

Cả một phong trào nổi lên phản đối rầm rộ. Họ viết thỉnh nguyện thư gởi sang Toà Thánh, lại còn xin các Giám mục ở Ðài Loan can thiệp giùm để tránh được sự khốn nạn là được một người "nước rửa tội trên trán chưa ráo" lên làm Giám mục của một giáo phận lớn lao và phức tạp như Hồng Kông.

Sau khi cân nhắc kỹ càng, Toà Thánh cương quyết phong cha Francis Hsu làm Giám mục Hồng Kông. Ngài làm phụ tá hai năm rồi lên Chánh toà. Vì đức tin và lòng vâng phục, hàng giáo sĩ Hồng Kông phải chấp nhận nhưng trong thâm tâm người nào cũng đầy thất vọng, lo lắng. Ai cũng chờ xem ông "đạo mới" hành động ra sao... Một ít lâu sau, họ bắt đầu thấy Ðức Cha Hsu bắt tay vào việc.

Ngài trùng tu ngôi nhà thờ Chánh toà cho khang trang và mỹ thuật, phù hợp với phụng vụ mới, phân phối lại các giáo xứ, mở thêm nhiều trung tâm Caritas để phục vụ giới nghèo, tạo điều kiện cho giới trẻ học nghề, học văn hóa bổ túc.

Các tổ chức trong giáo phận như Hội đồng Linh mục, Hội đồng mục vụ, Tông đồ giáo dân đều hoạt động sôi nổi, theo sát các sáng kiến và chỉ thị của Tân Giám mục. Ngài lắng nghe mọi người, học hỏi với những nhà chuyên môn, đi đến những xóm nghèo, những khu lao động để tìm hiểu thao thức nguyện vọng của giáo dân. Ngài tiếp đón mọi người. Phân phối công việc cho ai nấy tùy khả năng và thiện chí. Tất cả đều diễn tiến một cách tốt đẹp, khiến cho mọi linh mục phải thốt lên: "Trước đây người ta phản đối việc tấn phong Giám mục cho Ðức Cha Hsu bao nhiêu thì ngày nay người ta lại phục sát đất các công việc và con người của ngài bấy nhiêu!".

Thật thế giáo phận Hồng Kông là một giáo phận vô cùng phức tạp: Phức tạp từ việc nhiều linh mục Trung quốc từ Lục địa đi ra thuộc đủ mọi giáo phận, gây lắm khó khăn cho sự hoà đồng, đến chuyện các tu sĩ thuộc các dòng vừa bị trục xuất cũng từ Lục địa Trung quốc ra mà đa số là những thừa sai ngoại quốc, những nhà chuyên môn với trình độ kiến thức cao, rất khó điều khiển! Hơn nữa, trong giáo phận lại có vô số dòng nam, dòng nữ, các Hội Truyền giáo cũng nhiều, chỉ cần kể đến một ít tổ chức lớn cũng đủ thấy bao nhiêu là khó khăn, phức tạp: Dòng Tên, Dòng Ða Minh, Dòng Maristes, Hội Thừa sai MEP (Pháp), Hội Thừa sai PIME (Ý), Hội Thừa sai Maryknoll (Mỹ)... Thế mà, với một vóc người nhỏ thó, lanh lẹ, Ðức Cha Hsu đã làm nổi bật tài lãnh đạo sáng suốt, sự bình tĩnh phi thường trong tất cả các buổi họp. Vấn đề nào ngài cũng am tường, câu hỏi hóc búa nào cũng được ngài giải quyết cách dễ dàng, thực tế, và cho những quyết định thật sáng suốt hay ho. Không một ai qua mắt ngài nổi! Các linh mục ngoại quốc hết lời ca tụng ngài, dân Tây cũng như dân Tàu đều tỏ ra cảm phục, quý mến ngài. Giáo phận Hồng Kông thực sự hướng đến một tương lai huy hoàng, đầy lạc quan và tin tưởng.

Các vấn đề đối ngoại cũng được Ðức Cha Hsu giải quyết cách tốt đẹp. Ngài là một trong những ủy viên uy tín nhất của ban lãnh đạo Ðài phát thanh Veritas ở Phi luật Tân. Chính ngài là người đã tổ chức các buổi họp Ban thường vụ Hội Ðồng Giám mục Á châu ở Hồng Kông.

Làm sao một mình ngài lại có thể cùng một lúc thực hiện được nhiều công việc thuộc nhiều lãnh vực như thế? Thưa vì ngài biết dùng người, tin người và phân phối công việc cho mỗi người, mỗi Dòng cách hợp lý và chính xác. Thành quả rõ ràng nhất là ngài đã tổ chức, điều hành cách tốt đẹp, thoải mái, đâu vào đấy, nhiều phiên họp của Ban Thường vụ Hội Ðồng Giám mục Á châu tại Hồng Kông. Hồng Y, Giám mục nào đến tham dự cũng đều thoả mãn, khâm phục.

Năm 1973, tại Hồng Kông xảy ra một vụ tổng đình công của toàn thể giáo sư, giáo viên trong nhiều tháng mà chính quyền bó tay bất lực, giải quyết không nổi. Cuối cùng cả hai bên đều nhất trí mời Ðức Cha Hsu đứng ra làm người hoà giải trung gian. Nên nhớ đại đa số giáo sư, giáo viên ở Hồng Kông đều là người ngoài Công giáo, điều ấy chứng tỏ uy tín của Ðức Cha Hsu lớn biết chừng nào. Suốt nhiều đêm ngày, ngài đã vất vả hội họp, gặp gỡ riêng từng nhóm giáo sư, giáo viên, nghiên cứu các yêu cầu của họ rồi thương lượng với Nhà Nước. Công việc đang tiến hành tốt đẹp, hai bên đã đi đến chỗ thoả thuận, ngày thành công huy hoàng sắp đến thì đùng một cái: trưa hôm ấy, sau khi dùng cơm tại khách sạn Lee's Gardens trong một buổi họp mặt vui vẻ với các giáo sư, lúc đứng dậy ra về bỗng nhiên Ðức Cha Hsu ngã nhào xuống. Một giáo sư bác sĩ Y khoa có mặt trong buổi họp mặt vội chạy đến tìm cách cấp cứu. Nhưng than ôi, quả tim Ðức Cha Hsu đã ngưng đập! vì tinh thần hy sinh, bác ái hoà giải; vì xót thương biết bao con em hiện đang thất học; vì quá lao nhọc trong suốt những ngày vừa qua, nên quả tim của nhà lãnh đạo tài ba phải ngưng đập một cách mau chóng, lôi kéo theo bao niềm đau đớn, tiếc thương.

Không một đám tang nào trọng thể như đám tang của Ðức Cha Hsu: ngoài giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong giáo phận khóc thương ngài, người ta còn thấy sự hiện diện của đông đảo các giáo sư, những người ngoài Công giáo đã được tiếp xúc hiểu biết ngài. Ai ai cũng thương tiếc một vị thầy, một người bạn, một nhà lãnh đạo sáng suốt và trìu mến của xứ Hồng Kông.

 

8. Nhà lãnh đạo can đảm

* Ðường hy vọng cần người lãnh đạo, theo từ ngữ là người dẫn đường, cũng gọi là thủ lãnh, nghĩa là người làm đầu. Không có đầu suy nghĩ, tứ chi sẽ suy nhược, thiện chí bị phân tán, nghị lực sẽ lụi bại, hỗn loạn sẽ thống trị và công cuộc tan vỡ (ÐHV 833).

* Nhà lãnh đạo công tâm và khiêm tốn làm việc cho người kế vị, bất kể người đó là ai. Con hãy nhằm sự trường cửu của công việc lên trên danh tiếng và lợi ích cá nhân con (ÐHV 868).

Ðức Hồng Y Roques, Tổng Giám mục giáo phận Rennes. Ngài đã liên tục ra sức tranh đấu cho trường tư thục Công giáo ở Pháp trong thời kỳ tiếp theo sau đệ nhị thế chiến; bởi vì tuy nước Pháp là một nước mà đại đa số công dân là người Công giáo, nhưng trong thời kỳ ấy lại có một chính sách kỳ thị, bài trừ tôn giáo hết sức trắng trợn dưới sự chỉ huy của phái Tam điểm.

Họ đề ra nguyên tắc: là người công dân ai cũng phải đóng thuế vào công việc văn hóa giáo dục, nhưng lại chủ trương người học trường công thì được miễn phí tổn, còn người học trường tư thì lại phải tự đài thọ lấy. Mà ta biết Giáo hội Pháp từ lâu đã có một hệ thống giáo dục rất chặt chẽ và nổi tiếng, gồm từ mẫu giáo lên đến Ðại học và kỹ thuật; mà như thế là phải vừa nộp thuế giáo dục vừa phải nai lưng đóng góp để tự đài thọ mọi chi phí cho các học đường của mình! Ðức Hồng Y Roques đã lên tiếng quyết liệt yêu cầu xóa bỏ sự bất công này. Chính quyền bèn đưa ngài ra tòa án. Ngài bằng lòng chấp nhận. Và hôm ấy, tòa án đã là diễn đàn để ngài nói lên tiếng nói của công lý, của sự thật, tiếng nói của vị chủ chăn bênh vực quyền lợi được giáo dục của con chiên mình. Mặc dù bị phạt vạ 3 đồng, ngài vẫn là kẻ chiến thắng vì được mọi người hoan nghênh cảm phục và yêu mến, và cũng từ đó uy tín của ngài ngày càng lên cao.

Tiếng nói và bản án của Ðức Hồng Y Roques đã là "tiếng nói báo động" khơi mào cho một cuộc đấu tranh liên tục. Người Công giáo đã mạnh dạn lên tiếng về vấn đề ấy trên các báo chí, sách vở, diễn đàn Thượng Hạ Viện. Dư luận quần chúng cũng ngày càng thuận lợi cho công cuộc đấu tranh. Cuối cùng, đến thời tướng De Gaulle đứng ra lập chính phủ lần thứ hai (1958), Lưỡng viện đã bỏ phiếu một dự luật mới đem lại thắng lợi cho các trường tư thục.

Tên tuổi Ðức Hồng Y Roques từ đó gắn liền với các nền giáo dục tư thục Công giáo Pháp một cách chặt chẽ. Trong cũng như ngoài nước Pháp, ai ai cũng nhắc đến vị lãnh đạo tinh thần với bản án "Ba phật lăng" nầy kèm theo một lòng trìu mến, kính phục vô biên.

 

9. Những đức tính của người lãnh đạo theo thánh Anphongsô

* Chúa Giêsu đem lửa đến thế gian và muốn cho quả đất rực cháy. Con phải là ngọn lửa sáng với chí khí tông đồ, con đốt sáng ngọn đuốc khác, để chuyển lửa sáng lan rộng cho đến lúc thế giới thành một biển ánh sáng (ÐHV 836).

* Nhận trách nhiệm lãnh đạo, con phải nhớ rằng, sau khi đem hết thiện chí chu toàn nhiệm vụ, con hãy xem mình là tôi tớ vô dụng, nhìn nhận con còn nhiều khuyết điểm và không ngạc nhiên, buồn phiền khi được đáp trả bằng hiểu lầm và vô ơn (ÐHV 882).

Thánh Anphongsô (1696-1787) thực sự là người đủ tư cách và thẩm quyền để khuyên bảo các nhà lãnh đạo trong Hội Thánh, trong các Dòng. Tại sao như thế? Vì giữa xã hội, ngài đã là một luật sư danh tiếng, trong lòng Giáo Hội ngài là một Giám mục giáo phận và là đấng lập Dòng tu. Ngài đã vui hưởng nhiều danh dự vinh quang nhưng cũng đã gánh vác, cảm nghiệm không biết bao nhiêu thử thách, lo âu, đau khố, nhất là trong những năm cuối cùng của đời ngài.

Rút tỉa những kinh nghiệm quý báu của mình, ngài đã nhắn nhủ các người lãnh đạo như sau:

- "Lãnh đạo phải có một đời sống nêu gương. Nếu lãnh đạo không thi hành điều mình nói, thì sự chỉ huy của mình sẽ trở nên vô ích và độc hại.

- Lãnh đạo phải luôn luôn làm việc vì Chúa và phải xác tín rằng mình thường được đền đáp bằng vô ơn bội nghĩa.

- Lãnh đạo quá nghiêm khắc sẽ huấn luyện nên những tu sĩ nhiều khuyết điểm và thích giấu che vì họ chỉ hành động do lòng khiếp sợ và nô lệ đối với Bề trên.

- Lãnh đạo kiêu ngạo sẽ bị mọi người ghét bỏ, tính xấu ấy còn ngăn trở chính mình cũng như tu sĩ thánh hoá bản thân và hơn thế còn gây trở ngại cho sự bảo tồn luật pháp trong nhà dòng. - Lãnh đạo phải có một lòng can đảm, nhẫn nại vô bờ, phải hy sinh chịu đựng đủ mọi sự chống đối, công việc mệt nhọc; lại còn luôn tỏ ra bình tĩnh, hoà nhã, dễ thương với hết mọi người. - Lãnh đạo phải bác ái yêu thương tiếp đón tất cả mọi người trong bất cứ mọi trường hợp. - Lãnh đạo phải vô tư, phải yêu thương tất cả không phân biệt, phải giúp đỡ hồn xác mọi người, chớ thiên vị một ai. - Lãnh đạo nào không lướt thắng những ác cảm và thiện cảm, những xúc cảm khó chịu của bản thân, sẽ xét đoán hấp tấp và sa vào muôn nghìn khuyết điểm. Lãnh đạo đừng tự phụ rằng mình có thể quản trị Hội dòng với ánh sáng riêng của mình, vì phải luôn luôn cần đến lời cầu nguyện và lời khuyên bảo của kẻ khác. - Lãnh đạo phải biết đoán phòng các nhu cầu thiêng liêng và vật chất của tu sĩ để nâng đỡ họ với tâm lòng của một người cha người mẹ, người anh, người chị. - Lãnh đạo phải tỉnh thức xem xét việc giữ luật dòng, phải kiểm điểm cách đúng đắn và cẩn thận. - Lãnh đạo đừng vội vã xét đoán, nhưng hãy cân nhắc, suy nghĩ và thăm dò trước khi phán quyết. - Lãnh đạo phải trừng phạt những lỗi phạm luật dòng, nhưng trước khi quở phạt phải bảo ban nhiều lần với tâm hồn đầy tràn bác ái. - Lãnh đạo phải cương quyết đối với hạng người bất khẳng và ngăn ngừa gương xấu truyền nhiễm.

- Lãnh đạo phải công bình, gương mẫu, khôn ngoan, bác ái, hoà nhã và tỉnh thức, nếu không muốn bị xét đoán kinh khủng trước toà Chúa".

 

10. Tài lãnh đạo của Ðức Gioan XXIII

* Muốn lãnh đạo sáng suốt, cần phải biết nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là nghệ thuật cần thiết để tránh nóng nảy, mệt trí, cau có, mất tự chủ, hoảng hốt (ÐHV 850).

* Quá lao lực, có ngày sẽ bất lực, quá bận tâm, có ngày mất nội tâm. Mặc dù bận rộn và càng bận rộn, con phải dành thời giờ để suy tư, học hỏi và nhất là cầu nguyện. Con sẽ tìm được bình an (ÐHV 852).

* Ðể có thể điều khiển mọi hoạt động và quy hướng mọi cố gắng về mục đích, người lãnh đạo có khả năng phân biệt rõ ràng những ý tưởng tổng quát, nhờ đó có cái nhìn toàn diện và hiểu biết đầy đủ về mọi ngành trong tổ chức của mình (ÐHV 860).

* Mỗi cá nhân là một "mầu nhiệm"; muốn lãnh đạo, con cần phải biết từng tùy viên, với nhu cầu, sở thích, tính tình, phản ứng của họ, đánh giá đúng mức, đặt vào đúng chỗ (ÐHV 861).

Ai cũng công nhận Ðức Gioan XXIII là một nhà lãnh đạo lỗi lạc có biệt tài, đã từng giữ nhiều chức vụ then chốt và tế nhị trong Hội Thánh:

- Phục vụ Thánh Bộ Truyền giáo (1920).

- Khâm Mạng Toà Thánh tại Bungari (1925).

- Ðại diện Tông toà tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (1934).

- Sứ thần Toà Thánh ở Pháp (1944).

- Hồng Y Giáo chủ Venise (1953).

- Giáo Hoàng (1958).

- Triệu tập Công đồng Vatican II, biến cố vĩ đại nhất của Hội Thánh trong thế kỷ XX.

Ngài đã học tập lãnh đạo với ai?

Với Ðức Giám mục Radini-Tedeschi, vị sư phụ mà ngài hết lòng yêu mến và kính phục ngay từ hồi còn là một Chủng sinh trẻ tuổi, nhất là về sau, lúc trở thành Bí thư Toà Giám mục. Ngài đã học tập với Ðức Cha Radini-Tedeschi không biết bao nhiêu là đức tính quý hoá và chính tay ngài đã viết một cuốn sách về thân thế và sự nghiệp của vị Giám mục đáng kính này.

Nhưng ngoài gương mẫu của con người sống động mà ngài đã được hạnh phúc gần gũi này, Ðức Gioan XXIII còn học trong sách vở báo chí. Sau này người ta biết được rằng ngài đã nghiên cứu rất nhiều về một vị lãnh đạo thời danh khác trong Hội Thánh là thánh Carôlô Borômêô, Hồng Y Tổng giáo phận Milanô (1538-1584). Ngài đã say mê cuộc sống thánh Carôlô cách lạ lùng, đã khảo cứu tất cả các tài liệu về vị thánh ấy trong nhiều thư viện và đã xuất bản thành một tác phẩm rất công phu gồm hai cuốn sách nhan đề là: "Những cuộc kinh lý mục vụ của thánh Carôlô Bôrômeô". Vì lòng sùng kính vị thánh này mà ngài đã chọn chính ngày lễ của thánh nhân (4.11.1958) để làm Lễ Ðăng quang.

* * *

Bên ngoài, xem như ông già Gioan XXIII làm việc tùy hứng, không có chương trình gì, nhưng kỳ thực bên trong là cả một sự đúc kết hài hoà tuyệt diệu của lòng mến tin, hy vọng, phó thác vào Chúa và sự khôn ngoan phi thường của một bậc vĩ nhân. Ngài thường hay nhắc đi nhắc lại mấy nguyên tắc lãnh đạo của ngài như sau:

1- Chấp nhận tất cả với tâm hồn đơn sơ. Không tìm đia vị, danh vọng. Biết tin tưởng các cộng sự viên và uốn nắn họ dần dần.

2- Có vài ý kiến đơn sơ, tầm thường, nhưng tầm quan trọng bao trùm thế giới, và quyết tâm thực hiện cho kỳ được.

3- Luôn luôn chỉ bảo và giúp đỡ người khác làm việc Biết tin người, dùng người.

4- Không bao giờ tự làm tất cả. Không tự ái, khiêm tốn luôn có kế hoạch phân phối công việc, chia sẻ trách nhiệm.

5- Một đôi khi để người khác tự do làm. Có những thí nghiệm bạo dạn, không ra chỉ thị nhưng theo dõi và cho phép các người khác thử.

 

11. Thập đại bại và thập đại thắng

* Ðón nhận mọi ý kiến, nhưng không lệ thuộc ý kiến (ÐHV 842).

* Có vô số ý kiến mà không quyết định là vô ích. Có ít tư tưởng mà thực hiện tất cả mới là lãnh đạo thực sự (ÐHV 845).

* Biết giữ kỷ luật cá nhân, biết tổ chức đời sống, biết phân giá trị mọi việc. Ðó là những điều kiện giúp con lãnh đạo cách hiên ngang, anh hùng, đem lại tin tưởng lúc mọi người rung động, loạn lạc... (ÐHV 854).

* Con đừng quên rằng tùy viên của con là người, là một nhân vị, là con Chúa, nên chỉ có họ và Thiên Chúa có quyền đối với họ. Không ai được coi họ như vật sở hữu, như máy móc sản xuất (ÐHV 867).

* Lãnh đạo không gương sáng được vâng phục mà không kính phục. Lãnh đạo chỉ nêu gương sáng trong nhiệm vụ được vâng phục, kính phục, mến phục và tỏa ra một tầm ảnh hưởng rất sâu rộng (ÐHV 869).

* Ðặc điểm của lãnh đạo thiên tài là biết quy tụ công tác viên bằng cách: Tìm họ, khám phá họ, tiếp đón họ, chọn họ, huấn luyện họ, tín nhiệm họ, xử dụng họ, mến yêu họ. Không ai là nhà lãnh đạo lý tưởng cũng như không ai là cộng tác viên thập toàn (ÐHV 870).

* Lãnh đạo phải trở nên mọi sự cho mọi người, trong bất cứ trường hợp nào, chấp nhận mọi thứ công việc, nhọc mệt, chống đối và khi cần phải hy sinh cả mạng sống con để mưu ích cho đoàn thể, nhưng đừng bao giờ làm giảm sút sự lo lắng cho chính linh hồn con (ÐHV 881).

Một thanh niên nọ có dịp học hỏi nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Trong các anh hùng người Việt, vị mà anh khoái nhất là ông Nguyễn Trãi, vì tinh thần ông rất dũng cảm, khí thế ông rất kiêu hùng. Anh ta thuộc lòng cả bài "Bình Ngô đại cáo" của ông.

Khi đọc bức thư của ông gởi cho Tướng lãnh Trung quốc khuyên bảo họ nên rút quân xâm lược về, nếu không sẽ thảm bại nhục nhã; anh khoái nhất là chỗ vị quân sư của vua Lê Lợi đã phân tích sự việc dưới tiêu đề: "Lục đạt bại và Lục đại thắng", nghĩa là sáu nguyên do bất lợi khiến cho Trung quốc xâm lược phải thua và sáu nguyên về thiên thời, địa lợi, nhân hoà, chính nghĩa, ái quốc khiến quân ta sẽ thắng.

Chàng thanh niên ấy đêm ngày cứ trầm ngâm suy nghĩ về "Lục đại bại và lục đại thắng" mãi cho đến một hôm anh nảy ra một sáng kiến về thuật lãnh đạo, mà rồi, vì thấy hay hay, anh bèn bắt chước Nguyễn Trái đặt tên cho là: "Thập đại bại và thập đại thắng". Anh lấy làm thích chí và vui vẻ đem ra giải thích cho các bạn mười lý do khiến người lãnh đạo thất bại và ngược lại mười lý do khiến người lãnh đạo thành công. Các bạn anh nghe qua cũng tạm được bèn tặng cho anh một biệt hiệu khiêm tốn nhưng cũng rất oai: "Nguyễn Trái tí hon". Tuy là sáng kiến của một "cậu bé tí hon" nhưng cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Thập đại bại (của lãnh đạo):

1- Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoán chẳng chịu nghe ai, bảo thủ ý kiến.

2- Băn khoăn, bi quan, khiến cho người khác cũng đâm hoang mang.

3- Không biết dùng người, không chọn người, không biết huấn luyện, không hoà mình, không khoan dung, sống cách biệt, giữ óc địa phương.

4- Ða nghi đối với mọi người, mang bệnh "do dự mãn tính", sợ mất lòng, thay đổi ý kiến như chong chóng.

5- Tự mình ôm đùm bao quát tất cả, lạc lõng trong những chuyện vụn vặt, phiền toái không phân biệt đâu là chính yếu đâu là phụ thuộc.

6- Miệng nói rất khéo, nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin. Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì. Gặp khó khăn thì buông xuôi nản lòng. Thành công thì huênh hoang tự đắc và cướp công, vô ơn đối với kẻ thành tâm giúp mình.

7- Dấn thân nửa vời, thịnh thì xu thời, "xông pha cứu trợ người thắng trận" trước ai hết; suy thì rút lui nhẹ nhàng không chịu trách nhiệm và đổ lỗi cho kẻ khác

8- Không có chương trình và kế hoạch, hăng tiết theo cảm hứng, thích tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.

9- Ích kỷ, chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình, sợ người khác hơn mình, giấu kỹ những kinh nghiệm của mình.

10- Không cầu nguyện, chỉ tin vào tài năng và mưu mô, thủ đoạn trần tục, trông cậy vào quyền thế.

Thập Ðại thắng:

* Sáng kiến hợp thời và hữu hiệu mới lãnh đạo được (ÐHV 843).

* Con phải tin tưởng vào sứ mạng của con, cảm hóa và truyền thông lòng tin tưởng, bầu nhiệt huyết trong con cho kẻ khác (ÐHV 838).

* Con hãy dùng ý chí tập trung tư tưởng, can đảm quyết định và quyết định kịp thời (ÐHV 844).

* Chỉ trích cấp trên làm nhụt nhuệ khí, tạo chia rẽ giữa các tùy viên và mở đường cho họ bình phẩm phương pháp, bươi móc khuyết điểm của chính con (ÐHV 848).

* Lãnh đạo phải can đảm, có cái nhìn bình tĩnh trước mọi biến cố, ở mọi nơi, trong mọi lúc. Chừng ấy con ổn định được tình trạng thử thách nguy hiểm nhất (ÐHV 851).

* Con đừng phí một giây, đừng dư một lời, đừng bỏ một dịp. Con sẽ cương quyết hơn. Ðược người cảm phục hơn (ÐHV 853).

* Nhìn rõ, nhìn thật, nhìn đúng. Xét người, xét việc, xét cảnh. Ðó là óc thực tế con cần có để lãnh đạo, dựa trên các dữ kiện khách quan (ÐHV 855).

* Dùng toàn công thức là máy móc, ngủ trong thủ tục là lỗi thời, lạc trong chi tiết là chật hẹp. Con phải: - Nhìn tổng quát, - Thích ứng dẻo dai, - Biến dở thành hay. Con cần: - Cố vấn, - Chuyên viên, - Nhất là cần ý chí của con (ÐHV 856).

* Như Chúa Giêsu đã ở liên lỉ với các Tông Ðồ suốt ba năm, con hãy hòa mình với các cộng tác viên của con, thông cảm, chia sẻ tâm sự, vui buồn và đoán biết tâm lý từng người. Con sẽ ngạc nhiên vì lúc ấy họ sẽ đoàn kết và cố gắng vượt mức (ÐHV 862).

* Chiếm được con tim của tùy viên, con có thể thấy họ dốc toàn lực để theo con, vì họ biết con yêu họ thành thực, đậm đà, hy sinh cho tận tụy. Nếu con không lãnh đạo bằng tình yêu, con phải sử dụng hạ sách: "vũ lực" (ÐHV 865).

* Thiên Chúa là bí quyết của nhà lãnh đạo: Ngài ban uy quyền và không bỏ ai dựa vào quyền năng của Ngài để lãnh đạo. Tinh thần khiêm nhường và lòng bác ái là căn bản; Phúc Âm của Ngài hướng dẫn nhà lãnh đạo (ÐHV 871).

* Nhà lãnh đạo không chỉ căn cứ vào báo cáo thôi, nhưng lo lắng đọc "sách đời sống" của mỗi tùy viên hơn: đọc trong lòng họ, trong khả năng họ, trong thử thách họ (ÐHV 872).

* Lúc đối thoại, Chúa Giêsu không đóng miệng Phêrô nóng nảy. Lời lẽ bồng bột chua chát của người khác không làm sụp đổ vũ trụ đâu. Con đừng sợ, cứ đối thoại với tất cả tâm hồn thay vì lý sự (ÐHV 878).

1- Khiêm tốn, trong nhân phẩm của mỗi cá nhân, uyển chuyển, linh động, lắng nghe sáng kiến mọi người, rồi suy nghĩ lượng giá.

2- Ý thức, tin tưởng sứ mạng của mình như một ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố.

3- Có thuật dùng người, chấp nhận đối thoại tìm hiểu từng người, tâm hồn quảng đại, biết quên bỏ những lầm lỗi của kẻ khác, lắng nghe bạn bè khuyên bảo, mà nhất là biết nghe kẻ thù chỉ trích.

4- Tín nhiệm cộng sự viên; xem, xét, làm. Quyết định sáng suốt, thực hiện cho kỳ được.

5- Chia sẻ trách nhiệm với các cố vấn, chuyên viên, cộng sự viên. luôn học hỏi, trau dồi thêm khả năng.

6- Nói ít, làm nhiều, luôn luôn trọng kỷ luật, đi tiền phong, nêu gương sống trong mọi lãnh vực, nhìn thẳng thực tế, khách quan, khiêm tốn lúc thành công, chia sẻ niềm vui với cộng sự viên, kiên trì và nhẫn nại, không bao giờ thất vọng.

7- Sẵn sàng hy sinh tất cả vì sứ mệnh, can đảm nhận trách nhiệm, cùng thành công cùng thất bại, không bao giờ làm tổn thương tình huynh đệ. Tình nguyện nhận điều khó cho mình, để cái dễ cho cộng sự viên.

8- Trước mỗi việc đều có chương trình, kế hoạch, sau mỗi việc đều kiểm điểm chân thành, phê bình và tự phê, sợ tâng bốc thích nghe nói thẳng, nói thật.

9- Chỉ tìm phục vụ, quên mình đi vì đại cuộc, xác tín rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa, nên chỉ tìm thánh ý Chúa, giữ vững lập trường, thấy ai hơn mình thì vui mừng, chuẩn bị cho tương lai, dọn đường và trao hết kinh nghiệm cho người kế vị mình.

10- Trước mọi công việc, trong mọi khó khăn, biết cầu nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi Chúa, bàn hỏi với Chúa trước hết, phó thác cho Chúa trọn vẹn. Hy vọng trong thất vọng, cứ vui vẻ tiến lên, ngày mai có Chúa lo.

Chắc các bạn cũng cảm nghiệm cái lý thú của "Thập đại bại và thập đại thắng" rồi chứ gì? Hoan hô "Nguyễn Trãi tí hon"!

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page