Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


22- Vui Tươi

 

1. Nhà làm xiếc tí hon

* Thánh thiện đâu phải là nhăn nhó, cực khổ, đau thương! Thánh thiện là tươi vui liên lỉ vì được Chúa, "được đất trên trời là của mình vậy" (ÐHV 532).

Nói đến thánh Gioan Boscô, ta nghĩ ngay đến một con người luôn luôn vui tươi và gây niềm vui cho kẻ khác.

Lúc còn thơ ấu, Gioan Boscô lần đi xem một gánh xiếc nhỏ đến trình diễn tại giáo xứ suốt mấy tuần lễ. Cứ mỗi chiều chúa nhật, ông chủ xiếc lại cố gắng ra tay trổ hết nghề để thu hút mỗi người đến xem. Và thế là trong nhà thờ chẳng có ai chầu Thánh Thể và đọc kinh! Gioan thấy vậy rất đau lòng. Cậu ta lặng lẽ quan sát ông chủ xiếc rồi về nhà âm thầm tập luyện.

Chúa nhật sau, cậu bé ra trước sân nhà thờ và cả gan thưa lớn tiếng với giáo dân: "Thưa bà con, cô bác, bà con cứ vào nhà thờ chầu Thánh Thể cách thong thả đừng bỏ việc Chúa. Sau giờ chầu, cháu xin được tranh tài với ông chủ xiệc này cho bà con xem, khỏi mất tiền mua vé vô ích!"

Giáo dân không tin, cậu bé cứ van nài mãi. Cuối cùng ông chủ xiếc cũng bảo: "Thôi bà con cứ vô nhà thờ đi. Sau giờ chầu xin mời tất cả ra đây xem thằng nhãi này làm gì mà cả gan thách thức tôi". Quay sang nhóc tí Gioan Boscô, ông dọa: "Nè, mày làm không xong cả làng sẽ đánh chết nghe chưa thằng nhãi!"

Vừa xong giờ chầu Thánh Thể, mọi người vội vã ra sân... Gioan Boscô đứng kề bên ông chủ xiệc. Cậu bé quá! Chỉ mới ngang hông đối thủ... Cuộc tranh tài bắt đầu.

Trước hết, ông chủ xiếc đặt chiếc gậy trên đầu ngón tay, ông cho chiếc gậy nhảy lần qua ngón tay, rồi qua vai, qua mắt, đứng trên mũi... Thiên hạ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt; nhưng vì mũi ông ta quá to thành thử chiếc gậy phải rơi xuống đất. Ông chộp lấy, giao cho Boscô và nói: "Mày làm thử xem!" Mọi người hồi hộp theo dõi. Gioan Boscô bình tĩnh cho chiếc gậy nhảy từ đầu ngón tay, qua vai, đến mũi..., và vì mũi cậu bé quá nên chiếc gậy đứng mãi không rơi. Bà con vỗ tay hoan hô rền trời, thế là Gioan Boscô thắng được trận đầu: 1-0.

Trận thứ hai: Trước sân nhà thờ có một cây thông cao vút, ông chủ xiếc cắm cúi leo một mách lên tới ngọn cây. Mọi người vỗ tay reo hò. Ông đắc chí, tụt xuống và hất hàm hỏi Gioan: "Mày có bao giờ leo cây thông chưa?" Gioan Boscô gật đầu, xắn tay áo và phóng mạnh lên cây. Bà con trong xứ ra sức động viên: "Gắng lên! Gắng lên! Hoan hô Gioan Boscô". Thoạt chốc, Gioan đã trèo lên đến đầu ngọn. Một tràng pháo tay nổi lên rền trời ân thưởng nhà xiệc tí hon gan dạ... Bỗng mọi người đều ngưng vỗ tay không khí lặng như tờ: Vì trên cây, Gioan Boscô cố gắng leo cao hơn chút nữa, rồi nhờ thân mình nhỏ bé, cậu ghì lấy ngọn cây cho đầu trở xuống, hai chân chổng thẳng lên trời: cậu "trồng cây chuối" ngay trên ngọn! Pháo tay nổ lên như bắp rang. Ông chủ xiệc thấy nóng bừng ở tai. Gioan Boscô ghi thêm một bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0.

Trận thứ ba: "Nè, Gioan - ông chủ xiệc nói - Mày hãy xem, đàng kia có cái ao khá rộng, bên kia ao là bờ đất hẹp, cạnh bờ ao có một bức tường bằng đá lởm chởm. Mày và tao lần lượt nhảy sang. Nếu nhảy hụt sẽ rơi xuống nước; nếu nhảy qua, đầu sẽ đánh vào tường vỡ sọ chết tươi. Mày có dám không?"

Cậy mình cao cẳng dài giò, ông chủ xiếc quyết ăn thua đủ một lần cuối cùng với Gioan Boscô. Ông phóng mạnh một cái, phút chốc đã đứng chống nạnh trên bờ ao. Pháo tay nổ rền trời. Cậu Gioan bình tĩnh, xắn tay áo, lấy đà "Vụt! Cậu sang đứng ngay dưới chân tường rồi nhanh như tia chớp, vụt thêm lần nữa, Gioan Boscô đã đứng trên bờ tường, cao hơn ông chủ xiếc. Sau một phút nín thở, nào mũ, nào nón, khăn tay... thi nhau bay lên trời. Dân chúng reo mừng phỡ lỡ, không những họ phục tài Gioan mà còn hãnh diện về cậu: Không ngờ xứ ta lại có thằng bé tài hoa hơn ông chủ xiệc lão luyện đến thế!" Gioan ghi bàn thắng cuối cùng với tỷ số 3-0. Ông chủ xiệc thẹn thùng, quơ nhanh dụng cụ rồi bỏ đi... Từ đó, mỗi lúc có lễ lớn, trong xứ lại được Gioan biểu diễn mua vui cho hết mọi người. Ai cũng mến yêu thán phục cậu.

 

2. Gioan Boscô làm ảo thuật

Gioan Boscô vào trường học chẳng được bao lâu, chúng bạn đã đồn tới tai Bề trên: "Thằng Gioan Boscô nó biết làm ảo thuật! Nó có phép ma quỉ gì mà lạ quá!" Thế rồi một hôm, Gioan Boscô bị gọi lên văn phòng Bề trên. Gõ cửa xong, được lệnh, cậu rón rén đi vào. Ðôi mắt cha Bề trên núp sau gọng kiếng đăm đăm nhìn cậu bé. Gioan đứng khép nép. Cha bề trên hỏi: "Gioan, con nói thực cho cha nghe, người ta đồn rằng, con có tài ảo thuật hay phù phép ma quỉ gì đó phải không?" - "Thưa cha không, con đâu có phù phép gì! con chỉ đùa với chúng bạn đôi chút cho vui thôi!" - "Ðùa thì đứa nào chả đùa! nhưng mấy đứa kia có làm phù phép đâu! Phải khai rõ cho cha nghe. Cha biết hết. Ðứa nào cũng nói con có phù phép. Nếu con không nói thực, cha sẽ đặt vấn đề về con trong kỳ họp hội đồng của các cha nay mai" - "Thưa cha, con sẽ khai, nhưng trước hết, xin cha cho con biết bây giờ là mấy giờ rồi ạ?" Hơi ngạc nhiên, cha bề trên bảo: "Con đợi cha chút". Rồi ngài lật sách lật vở, mở tung ngăn kéo, xỏ tay vào túi quần áo cũng chẳng thấy chiếc đồng hồ đâu. "Lạ quá! chiếc đồng hồ quả lắc thường vẫn được cha đặt trên bàn mà!" Cậu Gioan tươi cười ngả tay ra trước mặt ngài: "Thưa cha, đồng hồ của cha đây". Cha bề trên bây giờ mới hiểu ra; ngài vừa cười vừa nói: "Thôi, cha hiểu rồi, con nhanh nhẹn tinh quái lắm. Từ rày trở đi cứ đùa cho vui đi! Cha đã hiểu phù phép của con rồi!" Thì ra cậu Gioan vừa bước vào phòng đã đoán biết bề trên có chuyện thắc mắc về mình, liền quơ ngay chiếc đồng hồ nhét vào túi để trả lời ngài một cách khéo léo, hóm hỉnh!!!

Sau này, lúc đã trở thành linh mục lập dòng, ngài luôn nhắc nhở mọi người trong nhà một khẩu hiệu: "In hymmis et canticis: Hãy ca vui lên!" (ÐHV 532).

 

3. "Tôi sẽ mỉm cười"

* Tại sao không vui? Chắc là giữa tâm hồn con với Chúa có điều gì không thỏa. Xét mình đi, con sẽ thấy ngay (ÐHV 534).

Một chị nữ tu nọ gặp nhiều thử thách, nào là va chạm trong cuộc sống chung đụng với chị em, nào là khi công việc không thành công liền bị phê bình chỉ trích thế này thế khác... Những thử thách ấy lắm lúc làm chị nản lòng thối chí. Nhưng sau những giây phút suy niệm Lời Chúa trước Chúa Giêsu Thánh Thể, chị đã quyết tâm sống can đảm, chị làm việc vì Chúa, chị tìm kiếm thánh ý Chúa không sợ dư luận bàn tán vào ra. Chị chọn một câu châm ngôn rất đơn sơ: "Tôi sẽ mỉm cười". Sáng vừa thức dậy, chị nói ngay: "Hôm nay tôi sẽ mỉm cười". Trước mọi hoàn cảnh khó khăn, chị tự nhủ: "Tôi sẽ mỉm cười". Từ đó công việc hoá ra nhẹ nhàng, mọi người chung quanh chị cũng được thoải mái vui tươi.

 

4. Ðại linh hướng mà vẫn tiếu lâm

* Con không có tiền? Con không có quà để tặng? Con không có gì cả. Con quên tặng họ niềm vui, tặng sự bình an mà thế gian không thể cho được, kho tàng vui tươi của con phải vô tận (ÐHV 540).

Cha Dom Marmion (1858-1923) là một linh mục gốc người Ái Nhĩ Lan, tu Dòng thánh Bênêđictô, về sau qua Bỉ và làm Ðan Viện Phụ ở đó. Ngài có tính luôn luôn khôi hài vui vẻ. Mặc dù đang ở trong một Dòng khổ tu thinh lặng, sống đời chiêm niệm liên lỉ, và có lòng đạo đức thánh thiện đến nỗi được Ðức Hồng Y Mercier tín nhiệm chọn làm cha linh hướng, mặc dù là tác giả một bộ sách tu đức giá trị nổi tiếng, cha Dom Columban Marmion vẫn luôn luôn là một con người nhẹ nhàng, thoải mái, thảnh thơi. Lần kia, ngài từ Ái Nhĩ Lan sang Bỉ, vì gấp quá không kịp mua vé tàu thủy, nên ngài cứ xách đại va-li lên tàu. Khi tàu đang lênh đênh giữa biển khơi, cha Marmion biết được ông thuyền trưởng cũng là người Ái Nhĩ Lan, nên ngài tìm cách gặp ông và nói: "Chào ông thuyền trưởng, tôi đến thú tội với ông: tôi đi lậu không có vé tàu!"

- Thế thì lôi thôi lắm. Sao cha không mua vé?

- Thưa ông, biết được ông là người Ái Nhĩ Lan, tôi cũng là người Ái Nhĩ Lan, mà người Ái Nhĩ Lan ta có bao giờ có đi xa mà mang theo giấy vé gì đâu, ngay cả đi vào thiên đàng cũng vậy!

Ông thuyền trưởng phá lên cười. Thế là huề cả làng. Chẳng những thế, ông còn tiếp đãi người đồng hương vui tính cách long trọng nữa.

Trong Ðan viện của ngài có vị Viện Phụ Cả, dáng người gầy ốm, khắc khổ, thánh thiện, chu chu chắm chắm. Còn ngài, vị Viện phụ nhà thì ngược lại: quá sức béo mập, thoải mái, tiếu lâm và tươi cười luôn. Do đó, vào những giờ giải trí ngoài sân, các tu sĩ thích tụ lại quanh ngài để nghe ngài nói chuyện, cha con tâm sự "tò te" với nhau hàng giờ mà không chán. Các tu sĩ thích gọi ngài bằng biệt hiệu "thứ Ba béo (Mardi gras)", còn Viện Phụ Cả thì được gọi bằng danh hiệu "thứ Tư lễ tro". Ðó là vì xưa nay, người Âu châu có thói quen đánh chén ngày thứ Ba áp lễ Tro thực khoái chí say sưa, để rồi 40 ngày sau, họ ăn chay kiêng thịt, hãm mình đền tội.

Niềm vui vẫn không thiếu trong những cuộc đời chiêm niệm khắc khổ vậy.

 

5. Trước giờ chết vẫn vui

* Nếu con làm vì Chúa, tại sao con nản lòng? Càng gian truân con càng vui tươi như Gioan và Phêrô bị đánh đập ở hội đường "ra về vui vẻ vì được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa"; như Phaolô: "Tôi tràn đầy vui tươi giữa những thử thách của tôi" (ÐHV 536).

* Thành công, con cảm ơn Chúa; thất bại, con cũng cảm ơn Chúa, vui tươi mãi... Chính là lúc Chúa muốn thử xem con làm vì Chúa hay vì ý riêng con. Vui vẻ, can đảm lúc thất bại khó khăn hơn hân hoan lúc xuôi may; hạng anh hùng này con đếm được đầu ngón tay (ÐHV 537).

Thánh Thomas More chào đời ở Luân Ðôn năm 1478. Sau khi giúp việc một thời gian cho Giám mục Morton, ngài đã theo Ðại học Oxford, về sau còn chuyên về thêm ngành luật. Mùa Xuân 1505, ngài bắt đầu cuộc sống đôi bạn, xây dựng gia đình thành một tổ ấm gương mẫu, đạo đức. Sau khi được thăng đến chức đại phán quan, với bao lời mua chuộc dụ dỗ, ngài vẫn cương quyết không chấp nhận cuộc hôn nhân giữa vua Henri VIII và cô Anna Boley. Nhà vua tìm hết cách bố trí cho ngài làm Tổng Giám mục Anh giáo, ngài cũng từ chối cách lịch sự mà cương quyết. Quá thất vọng, bực tức, bạn thân hoá nên thù địch, nhà vua hạ lệnh giam ngài trong một nhà tù tại Luân Ðôn. Trước khi chịu Tử Ðạo ngày 6.7.1525, ngài đã mạnh dạn tuyên bố: "Tôi biết tại sao tôi bị kết án... Bỏ cuộc sống đời này, tôi vào cuộc sống mới trong sự quan phòng của Thiên Chúa... Xin Chúa chúc lành ban ơn cho Ðức Giám mục Fischer và cải hoá nhà vua". Lúc bước lên đoạn đầu đài, chiếc khăn quàng cổ của ngài bị gió bật tung ra, ngài còn khôi hài bảo tên lính: "Xin quàng chiếc khăn lại giùm tôi". Tên lính bảo: "Ông sắp đứt đầu rồi còn sợ lạnh hay sao mà còn đòi quàng cổ?" Ngài vừa cười vừa đáp: "Sức khỏe là của Chúa ban, tôi phải bảo quản cho tới giây phút cuối cùng". Ðoạn ngài nói với ông bạn đưa tiễn ngài: "Cám ơn anh đã đưa tôi lên máy chém. Việc đi xuống tôi tự liệu lấy".

Hồng Y Gioan Fischer, người được Thomas More nhắc đến trong giờ cầu nguyện trước giờ vĩnh biệt, là Ðức Giám mục của Giáo phận Rochester. Ngài bị bắt tại Luân Ðôn, cũng với một lý do tương tự như Thomas More. Vì lòng nhiệt thành và nhân đức, ngài được Ðức Thánh Cha Phaolô III ban tước hồng y chính trong thời gian đó. Vua Henri VIII được tin ấy liền ngạo mạn tuyên bố: "Giáo Hoàng Roma có gửi mũ hồng y đến thì Giám mục Fischer cũng chẳng còn đầu để mà đội". Ngay sau đó, ngài bị kết án tử hình. Vui mừng vì mình đã chu toàn nhiệm vụ Chúa giao phó, trước khi bước lên đoạn đầu đài. Hồng Y Gioan Fischer đã cất cao bài Te Deum (Tạ ơn) trong niềm hoan hỉ của một chứng nhân đức tin hy vọng sẽ được thấy mặt Chúa. Hôm ấy là ngày 22.6.1535.

 

6. Các thánh không buồn

Nhìn vào "Tự điển cuộc sống" của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ nạn... Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương... Thế nhưng trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn vui tươi, từ ái với hết mọi người. Ngày ngày, vào khoảng 12 giờ cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Ðến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó cho mãi tới tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vỏi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm biết bao công việc: thường thường ăn cơm bao giờ cũng đứng, vì ngồi thì sợ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo... Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đường, ngài cũng an ủi thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài, tàng ẩn một niềm vui không bao giờ vơi. Lúc trở lại nhà thờ, ngài cũng trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc dí dỏm, hài hước với khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.

Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết bà là người thật lắm mồm lắm mép, nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:

- Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không?

Bà ta bỡ ngỡ ấp úng thưa:

- Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào con cũng nói như nhau cả.

- Không, có một tháng con nói ít hơn. Con biết tháng nào không? Bà ngẩn ngơ:

- Tháng nào, thưa cha?

- Tháng hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28 ngày, 29 ngày thôi.

Ai nấy cười phá lên. Ngài vội vã bước vào toà giải tội.

Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quày hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa. Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của ngài đưa lên cao cho mọi người xung quanh coi và nói: "Thiên hạ dại dột thực, cái hình nhăn nheo như con khỉ khô này mà cũng phải mua mất một đồng quan!" Các người chung quanh được dịp cười bể bụng lăn chiêng. Cha Vianney cũng cười, giao trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ.

 

7. Những bông hoa nhỏ trong đời Ðức Gioan XXIII

* Vui với người thương con. Vui với người ghét con. Vui lúc con hớn hở. Vui lúc lòng con đau khổ tê tái. Vui lúc mọi người theo con. Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi. Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Ðó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hãm mình. (ÐHV 539)

Ai cũng biết Ðức Gioan XXIII là một cụ già rất vui vẻ hài hước. Ðàng sau nụ cười tiếu lâm của cụ, người ta khám phá ra một kho tàng khôn ngoan, cương nghị của một nhà lãnh đạo lỗi lạc tài ba. Sau đây là vài mẫu chuyện nhỏ trong cuộc sống đơn sơ bình dị của ngài:

* Ðức Gioan XXIII với ông Bidault:

Lúc nước Pháp vừa được giải phóng khỏi gót giày xâm lược của Phátxít Ðức, Tướng De Gaulle lên nắm chính quyền và ông Bidault trở thành Thủ tướng của Cộng hoà Pháp quốc. Bấy giờ Ðức Piô XII bổ nhiệm Tổng Giám mục Roncalli là Sứ thần Toà Thánh tại Paris, một nhiệm sở vô cùng khó khăn, phức tạp. Vị Tân Sứ thần vừa đến nhiệm sở, Tướng De Gaulle liền đưa sang một danh sách yêu cầu Toà Thánh thay mấy chục Giám mục mà ông nghĩ là có cảm tình với cựu Thống chế Pétain. Ðức Cha Roncalli tiếp nhận danh sách và thinh lặng nghiên cứu, nghe ngóng một thời gian, cốt để kéo dài công việc. Mặc cho Thủ tướng Bidault nhiều lần thúc giục, ngài vẫn hứa hẹn trì hoãn...

Một hôm trong lúc nói chuyện với một số chính khách, Thủ tướng Bidault nổi giận phát ra một câu: "Cái con lợn Roncalli làm gì mà không chịu đổi các ông Giám mục cho tôi chớ?" Câu nói ấy lọt vào tai vị Sứ thần Toà Thánh. Trong một buổi tiếp tân sau đó không lâu, trước mặt đông đảo quan khách ngoại giao, Thủ tướng Bidault tiến lại phía Sứ thần Roncalli đang uống rượu và trò chuyện thân mật với một số Ðại sứ. Sau đôi ba lời xã giao thăm hỏi, Thủ tướng vào đề ngay: "Sứ thần Roncalli đã tính xong việc thuyên chuyển mấy chục vị Giám mục ấy chưa? Sao mà chậm trễ thế?" Roncalli vui vẻ đáp: "Thưa Thủ tướng, ngài muốn con lợn khốn nạn Roncalli làm gì nào?"

Một năm sau, chính phủ De Gaulle đổ nhào, vấn đề trên đã được giải quyết tốt đẹp: Toà Thánh chỉ thuyên chuyển hai Giám mục trên danh sách mấy chục vị theo chính phủ đòi hỏi.

* Ngồi một bên bà Ðại sứ ăn mặc thiếu đoan trang.

Trong một buổi dạ tiệc ở điện Elysé, Sứ thần Roncalli oái oăm thay lại được xếp ngồi cạnh một bà Ðại sứ ăn mặc rất hở hang. Mấy ông Ðại sứ quen thân với Sứ thần Roncalli cứ nhìn sang ngài suốt buổi tiệc, miệng cười túm tím ra chiều đắc ý lắm! Về phần cụ già Roncalli, ngài vẫn đơn sơ tự nhiên, chuyện trò với khách chung quanh cách vui vẻ.

Sau bữa tiệc, lúc mọi người ra về hối hả, mấy vị Ðại sứ hồi nãy quây quần Ðức Cha Roncalli và thân mật hỏi ngài: "Bữa tiệc vừa rồi, ngồi bên bà ấy, Ðức Cha có cảm thấy lúng túng không? Không! Tôi cảm thấy sung sướng là đàng khác!

Họ lấy làm ngạc nhiên, không hiểu được ý ngài bèn hỏi tiếp:

- Tại sao mà sung sướng?

- Sao lại không sung sướng? các vị không thấy cả bàn tiệc ai cũng để ý nhìn tôi là một cụ già ngộ nghĩnh thay vì để ý đến bà Ðại sứ xinh đẹp hở hang kia đó sao?

* Với đôi hôn phối ở Pittsburg, Mỹ.

Sau khi Ðức Gioan XXIII qua đời, Ðức Hồng Y Wright đã thuật lại câu chuyện sau đây về con người vĩ đại vừa đơn sơ ấy:

"Trong thời gian làm Giám mục tại giáo phận Pittsburg, lần nọ, tôi được vào triều yết Ðức Thánh Cha Gioan XXIII. Vừa thấy tôi, Ðức Thánh Cha vui vẻ bắt tay và nói cách khôi hài: "Tên Ðức Cha thật rắc rối: viết là "Rit" mà đọc là "Ray"! Tiếp theo câu khôi hài dí dỏm ấy là những câu chuyện về vấn đề mục vụ trong giáo phận... Sau cùng, ngài hỏi chuyện thân mật:

- Ðức Cha có nhớ trong thành phố Pittsburg có con đường... này không?

- Thưa Ðức Thánh Cha có ạ!

- Ở số nhà... có một người giáo dân tên là... Ðức Cha có biết không?

- Thưa Ðức Thánh Cha con chịu thôi, nhưng lúc về con sẽ cố gắng đi hỏi.

- Tôi có được bức thơ của anh ta. Nó báo tin nó sắp cưới vợ và xin tôi ban phép lành. Tôi thấy địa chỉ của nó ở trong giáo phận của Ðức Cha, nên giữ lại cái thiệp chúc mừng này, định giao cho Ðức Cha để nhờ Ðức Cha trao lại cho nó.

- Thưa Ðức Thánh Cha, con xin làm theo ý Ðức Thánh Cha.

- À, nếu được, xin Ðức Cha gọi nó và vợ nó ở tỉnh... đến gặp Ðức Cha, tôi nhờ Ðức Cha trao quà cho hai chúng nó và nói là Ðức Thánh Cha chúc lành, cầu nguyện cho gia đình chúng nó luôn mãi hoà thuận thương yêu nhau, giữ vững hạnh phúc lâu dài...

- Thưa Ðức Thánh Cha, gọi anh ấy thì được chứ còn vợ anh ấy ở xa nơi con quá, tương tự như Roma đi Mátcova lận!

- Thế thì làm sao chúng quen biết nhau được! Lạ thật! Thôi, ít nữa là xin Ðức Cha gọi điện thoại cho chúng nó đòi chúng nó đến thử một lần xem sao. Chúng ta cùng mang lại hạnh phúc tươi vui cho một gia đình..."

Ðức Hồng Y Wright kết luận: "Câu chuyện ấy có tính cách khôi hài nhưng cũng làm cho tôi rất cảm động. Ðức Thánh Cha Gioan XXIII là tác giả của những công trình vĩ đại như việc triệu tập Công Ðồng Vatican II, nhưng cùng lúc, ngài cũng không quên mang niềm vui đến cho những kẻ hèn mọn nhất trong đám con cái thân yêu của ngài".

 

8. "Bên nước Ba Lan người ta không bao giờ khóc"

* Làm sao con hết buồn? Hãy cầu nguyện! Tại sao thế? Vì con gặp Chúa: Mađalêna tìm xác Chúa, hai môn đệ đi làng Êmau đã gặp Chúa và quên hết mọi ưu sầu (ÐHV 541).

* Càng được chung phần thống khổ của Ðức Kitô chừng nào, anh em hãy vui mừng! Ngõ hầu khi vinh quang của Ngài mặc khải ra, anh em cũng được vui mừng hớn hở." (1P. 5:13) (ÐHV 542).

Lúc giáo dân Ba Lan cùng đi với phái đoàn 50 Giám mục do Ðức Hồng Y trưởng Giáo Chủ Stefan Wyzynsky hướng dẫn đến chúc mừng Ðức Tân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhiều người cảm động đến nỗi phát khóc vì nghĩ rằng ngài sẽ không bao giờ về lại giáo phận Cracovie thân yêu của ngài nữa.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã an ủi họ và nói một câu thật đáng cho chúng ta ghi nhớ: "Ở nước Ba Lan, người ta không bao giờ khóc".

 

9. Ông vua ca hát

* Con phải vui tươi luôn. Ðường hy vọng không thể chấp nhận lữ hành buồn phiền được, đường hy vọng đem lại vui tươi (ÐHV 535).

Người ta tặng biệt hiệu "ông vua ca hát" cho thánh Phanxicô Assisiô, vì ngài luôn vui tươi và sáng tác nhiều bài thơ khúc nhạc ca tụng Chúa. Năm nọ, suốt cả tuần thánh, ngày nào ngài cũng đọc và suy niệm bài Tin Mừng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho các đồ đệ nghe. Ðến đêm Phục Sinh, lòng hân hoan quá đỗi, ngài dặn đồ đệ "Ðêm nay đừng tắt đèn, cứ để nó tiếp tục cháy, nó cũng phải hân hoan vì cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô".

Cuộc đời ngài đầy dẫy những chuyện vui tươi. Tất cả đã được ghi chép trong cuốn sách "những bông hoa nhỏ" mà không biết bao thế hệ Kitô hữu đã thích thú đọc. Tinh thần vui tươi ấy được tóm gọn qua câu châm ngôn của Dòng ngài sáng lập: "Hãy sống nghèo khó, khiêm nhường vì tình yêu Chúa Kitô chịu đóng đinh và luôn ca hát niềm vui".

 

10. Vui cười trong đau khổ

* Ðừng buồn phiền, hãy có cái nhìn siêu nhiên và con sẽ thấy mọi sự dưới khía cạnh mới (ÐHV 533).

Là một nhà diễn thuyết thời danh đồng thời là một người có lòng bác ái cao độ, nên hôm nọ, vừa gặp một người nghèo khổ ăn mặc rách rưới, đầu gối lỡ loét, linh mục Taulère liền cho tiền và ân cần hỏi han:

- Chắc anh khổ lắm?

- Cám ơn cha. Khổ thì khổ nhưng con vẫn vui.

Thấy cha Taulère có vẻ ngạc nhiên, anh ta nói tiếp:

- Từ thuở còn nhỏ, con đã tin rằng, Chúa là Ðấng Toàn năng và là Ðấng yêu thương con; nếu con mắc bệnh như thế này chắc hẳn cũng không ngoài thánh ý của Ngài nên con vui mừng đón nhận. Nếu con khoẻ mạnh, con sẽ cám ơn Chúa hết lòng. Nếu có thiếu thốn áo mặc, con cũng tự nhủ với mình: "Xưa trên Thập giá, Chúa đâu có áo che thân. Mình được như thế này thì cũng còn hơn Chúa nhiều lắm!... và giả như một con mắt con bị khoét, con cũng vẫn cứ vui cười với con mắt kia..."

 

11. Nụ cười trị giá 40 ngàn Mỹ kim

* Vui với người thương con. - Vui với người ghét con. - Vui lúc con hớn hở. - Vui lúc lòng con đau khổ tê tái. - Vui lúc mọi người theo con. - Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi. - Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Ðó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay hãm mình (ÐHV 539).

Ide, một ngôi làng nhỏ bé ở nước Hoà Lan là quê hương của Hans Bergen. Anh ta có một khuôn mặt quá xí trai nên bị mọi người trong làng bỏ rơi, khinh rẻ. Quá buồn khổ, Hans Bergen tuy vẫn sống mà dường như đã chết từ lâu...

Thế rồi đến một hôm, chàng thanh niên cô độc ấy chết thực sự. Dân làng Ide cũng chẳng lưu ý gì đến cái chết ấy cả; thế nhưng sau đó mọi người đều ngạc nhiên khi đọc thấy trong di chúc của Hans Bergen: chàng có để lại một gia tài 40,000 Mỹ kim cho một em bé chẳng bà con thân thuộc gì với anh ta hết. Anne Martine là tên cô bé ấy.

Trong di chúc, Bergen nêu rõ lý do: "Tất cả các ông bà trong làng đã cau mày hay nhìn đi nơi khác khi gặp tôi. Nhưng một ngày kia, tôi gặp bé Anne, em đã trao tặng cho tôi một nụ cười khả ái. Ðó chính là nụ cười chân thành duy nhất tôi đã nhận được trong đời tôi".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page