Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng

của Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận


04- Tiếng Gọi

 

1. "Samuen! Samuen!"

* Tiếng gọi vẫn tiếp tục nhắc nhở con trong một việc nhỏ: "Hãy theo Thầy!" và tiếng "Vâng" của con cũng tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng (ÐHV 72).

Ðêm ấy, trẻ Samuen đang ngủ trong Ðền thờ, gần Khảm Giao ước của Thiên Chúa thì có tiếng gọi đích danh cậu: "Samuen! Samuen!" Cậu thưa ngay: "Này con đây" và vội vàng chạy đến cùng Thầy cả Hêli. Nhưng trong cả ba lần. Hêli không có gọi. Lần thứ tư, Samuen thưa lớn tiếng: "Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe". Và Thiên Chúa đã nói chuyện cùng Samuen. Từ đó về sau, Samuen ngày càng lớn lên trong ơn gọi, có Thiên Chúa luôn ở cùng cậu và cậu không để rơi mất một lời nào của Ngài. Samuen đã trở thành một Ngôn sứ vĩ đại vì nhờ biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa (l Sam 3).

 

2. Tiếng gọi từ bụi gai

* Chọn lựa bao giờ cũng tiếc nuối, do dự; suy nghĩ, nhưng cuối cùng phải quyết định (ÐHV 62).

* Con ngạc nhiên sao đủ hạng người tình nguyện làm "cảm tử" theo tiếng gọi của Chúa? Vì Chúa đã nói: "Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (ÐHV 67).

"Ta tạt qua nhìn quang cảnh hùng vĩ ấy mới được: tại sao bụi gai lại không cháy thiêu đi?" Moisen nhủ thầm như thế và tiến lại gần. Thiên Chúa liền gọi đích danh ông từ giữa bụi gai: "Moisen! Moisen!" - Ông đáp lại: "Này con đây". Và Thiên Chúa tâm sự với ông về Danh Tính mình, về nỗi khổ của Dân tộc mình ở Ai Cập. Sau cùng người nói: "Bây giờ con hãy đi". Moisen ngập ngừng: "Con là ai mà dám..." Thiên Chúa phán: "Ta sẽ ở với con". Ông vẫn chưa an tâm! Sau đôi ba lần vặn hỏi quanh co, Moisen thú thật: "Lạy Chúa xin xá lỗi, con không phải là người có tài ăn nói... Con cứng cả miệng, cứng cả lưỡi!" Thiên Chúa nói ngay: "Ai cho người phàm có miệng... lại không phải chính Ta đó sao? Con hãy đi, chính Ta sẽ ở với miệng con và dạy con điều con phải nói..."

Moisen đã trẩy đi Ai Cập để cứu dân mình khỏi nô lệ với một vũ khí, một bảo đảm duy nhất: "Giavê ở cùng ông" (Xh 3-4).

 

3. Tiếng kêu trong thị kiến

* Hãy theo Thầy!" Các tông đồ đã bỏ mọi sự theo Chúa, con có dứt khoát một phen theo Chúa không? Chúa phải gọi con mấy lần rồi? (ÐHV 61).

* Công đồng Vatican II dạy ta "trở về nguồn". Con hãy khám phá lại đời sống các tông đồ, những người đã sống, đã nghe, đã sờ tận tay Chúa Cứu Thế và làm chứng về Ngài (ÐHV 75)

Ðêm ấy đang ngủ, Phaolô thấy thị kiến một người xứ Makêđonia khấn xin với ông rằng: Hãy qua Makêđonia cứu giúp chúng tôi! Và Phaolô đã trẩy đi Makêđonia vì biết rằng chính Thiên Chúa đã gọi ông đến rao giảng Tin Mừng cho họ (Cv 16,8).

 

4. Không hề từ chối sự gì

* Quyết định theo Chúa của con không phải chỉ là một chữ ký, không phải là một lời tuyên thệ thôi. Nhưng là một sự hiến dâng liên lỉ thực hiện trong cả cuộc sống (ÐHV 69).

Trong "Truyện một Tâm Hồn". Chị Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu thú thực: "Từ lúc có trí khôn cho tới bây giờ, tôi không hề từ chối Chúa sự gì".

 

5. Hơn nữa! Hơn nữa!

* Chúa bảo con: "Hãy đi rao giảng Phúc âm". Chúa không ra thời khóa biểu, không vạch kế hoạch, Chúa để con sáng kiến và vượt đi, miễn là con mang Phúc âm (ÐHV 74).

Vì quá yêu mến Chúa và các linh hồn, nên Phanxicô Xaviê chất chứa trong tim một nguyện vọng và một chương trình vĩ đại: "Sau khi truyền giáo ở Ấn Ðộ, Malaxia, Nhật Bản, tôi sẽ đi vào Trung Quốc rồi từ đó vượt qua Mông Cổ, Liên Sô, đi về Âu châu, tôi lại vòng sang châu Á một phen nữa". Thế nhưng chương trình của Thiên Chúa lại khác. Lúc Phanxicô vừa đến đảo Tam Châu, chuẩn bị vào Trung Quốc thì bị một cơn sốt rất nặng. Ngước mắt nhìn vào mảnh đất mình hằng mong ước mang Tin Mừng đến. Phanxicô gục ngã lìa đời khi vừa mới 49 tuổi. Trong suốt mấy mươi năm trường, đức ái là tiếng gọi duy nhất thúc bách ngài liên lỉ. Mỗi lần phải đau khổ, ngài hân hoan thưa với Chúa: "Mas! Mas!" (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là: Hơn nữa! Hơn nữa!). Phanxicô luôn sẵn sàng hy sinh "hơn nữa" cho các linh hồn. Khi nhắm mắt lìa trần, ngài đã rửa tội trên 10,000 người. Chương trình ngài còn lớn lao "hơn nữa" nhưng Thiên Chúa lại muốn thế khác.

 

6. Một Cha sở khiêm nhường

* Con muốn tháo lui vì có những sự trái ý, vì gặp những người không thể chịu nổi! Con theo Chúa hay theo mấy người ấy ? (ÐHV 66).

* Thưa: "Vâng" là dễ, nhưng hãy xem Chúa Giêsu theo tiếng gọi cho đến chết trên thánh giá. Hãy bỏ mình, vác thánh giá mỗi ngày và đóng đinh mình trên thánh giá ấy (ÐHV 73).

* Lúc con tự mãn về công việc tông đồ của con là lúc nguy hiểm nhất. Ma quỷ tập trung lực lượng để đánh úp con (ÐHV 79).

Như trước đây đã nói, Cha Vianney đã được chuẩn phần kiến thức cần thiết. Ngài được "vớt", "đề cử" nhờ bền chí!

Hôm mới về xứ Ars, một xứ vỏn vẹn có 300 giáo dân, Cha Vianney đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng những chất liệu: cầu nguyện, hy sinh, hãm mình ... Dần dần, giáo dân từ nhiều xứ đổ xô tới xứ Ars nghe ngài dạy giáo lý 15 phút trước giờ kinh trưa và nhất là để xưng tội với ngài.

Các bạn đồng nghiệp đều biết trước đây Vianney rất tầm thường, dốt nát, lại thêm bản tính con người không khỏi ghen tỵ khi thấy giáo dân đổ xô đến xưng tội với một cha xứ hạng bét như vậy, nên họ đã trình với Ðức Cha địa phận như sau: "Thưa Ðức Cha, Cha Vianney trước đây học hành kém cỏi mà nay lại cả gan giải tội cho giáo dân khắp nơi. Họ bị những lời đồn thổi, phóng đại, mê tín, quyến rũ, nên ào đến xứ Ars ngày càng đông. Có thể có những nố khó mà cha Vianney đã giải sai các nguyên tắc trong luân lý thần học!" Ðức Cha cũng không khỏi lo lắng. Ngài gọi Cha Vianney đến và giao cho ngài một số nố rất khó giải để về giải trên giấy tờ đàng hoàng rồi đem nộp cho Toà Giám mục. Chỉ vài ngày sau, Cha Vianney đã đem lên nạp Toà Giám mục tất cả những lời giải đáp. Các vị chuyên môn luân lý thần học xem qua đều phải khen rất đúng và khôn ngoan. Ai nấy đều ngạc nhiên lẫn mến phục.

Nhưng chưa hết, càng ngày giáo dân càng đến xưng tội với Cha Vianney càng đông khiến Cha phải giải tội từ nửa đêm. Và một lần nữa, các bạn đồng nghiệp lại làm tờ đơn kiện Cha Vianney gởi thẳng lên Toà Giám mục. Trong đơn đại ý nói: "Cha Vianney đảm đương xứ mình chưa xong mà cả gan quyến rũ giáo dân các xứ khác đến xưng tội với mình càng ngày càng nhiều. Kiến thức của Ngài thì ai cũng rõ là rất giới hạn nên thật nguy hiểm có nhiều nố phức tạp có thể bị Ngài giải sai. Hơn nữa, tình thế ấy lại còn làm mất trật tự trong các giáo xứ khác vì giáo dân không xưng tội ở xứ nhà mà lại ùn ùn kéo nhau qua xưng tội ở xứ Ars. Kính xin Ðức Cha ra lệnh cấm Cha Gioan Maria Vianney giải tội cho các nơi... "

Một linh mục được giao trọng trách đem tờ đơn ấy lên Toà Giám mục. Nhưng vị này cũng có lòng bác ái muốn giúp đỡ anh em, nên khi ngang qua xứ Ars đã tạt vào thăm cha sở đôi phút. Trong câu chuyện hàn huyên, cha ấy vào đề: "Tôi muốn tâm sự thành thật với Cha: anh em rất bất bình về việc Cha giải tội từ nửa đêm cho giáo dân các xứ đến đây. Cha làm như thế là hạ uy thế của anh em, lại làm mất trật tự trong giáo xứ nữa. Ðàng khác, Cha làm gì cho mệt, cứ lo cho xứ mình là đã đủ. Tôi nói thật với Cha, mất lòng trước được lòng sau: Cha cũng tự biết sự học hành của mình có giới hạn... Vì thế, anh em đã làm một tờ đơn trình bày công việc ấy lên Ðức Cha và xin Ngài cấm Cha giải tội cho giáo dân các giáo xứ khác. Tôi vì tình huynh đệ, nên trước khi lên gặp Ðức Cha, cũng muốn cho Cha biết, không giấu giếm chi. Tiện đây, tôi cho Cha xem bức thơ để Cha hiểu qua và thu xếp sao cho êm đẹp". Nói đoạn, cha ấy trao tờ đơn cho Cha Vianney xem, trong lòng rất đổi ái ngại vì sợ Cha Vianney sẽ nổi tự ái, giận dữ trách móc anh em mình ... Nhưng lạ thay Cha Vianney vẫn bình thản đọc thơ! Và điều đáng ngạc nhiên hơn nửa là ngài thong thả lấy bút châm mực. Ngài viết gì thế? Vị linh mục kia hồi hộp theo dõi và thấy Cha Vianney hí hoáy viết ở cuối bức thơ: "Việc anh em nói trên đây rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên vào đơn đồng tình cùng anh em". Rồi ngài xếp thơ, trao lại và cám ơn cha kia cách niềm nở.

Dầu sao cũng phải chu toàn sứ mạng với bất cứ giá nào. Cha kia mang bức thơ lên Toà Giám mục. Ðọc xong, thấy bên dưới các chữ ký của các cha lại có cả chữ ký của Cha Vianney nữa, Ðức Cha mới lấy làm lạ hỏi cha cầm thơ. Cha kia trình bày đầu đuôi tự sự. Ðức Giám mục kết luận: "Các cha xem, Cha Vianney phản ứng cách rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự kiện mình bao giờ! Ngài thực là người đạo đức. Thôi ta cứ để xem. Nếu là việc Chúa thì sẽ vững bền, ngược lại, nếu là việc của ý riêng ngài thì thế nào cũng sụp đổ.. ." Cha kia về thuật lại mọi sự cho anh em nghe, ai cũng ngạc nhiên thầm nghĩ: "Ðáng lẽ Cha Vianney phải giận dữ căm thù mình mới phải. Ai ngờ ngài lại ký tên vào đơn kiện ngài: Thôi ta cứ chờ xem theo như quyết định của Ðức Cha".

 

7. Ðược gọi để gọi

* Chúa Giêsu rõ ràng quyết liệt: "Ai muốn theo Ta, hãy ...". "Ai không ... chẳng đáng làm môn đệ Ta". Ðường lối sáng tỏ, tiếng gọi không úp mở (ÐHV 63).

- Thưa ông bà muốn gặp ai ạ?

Chị Céline đã nói câu ấy lần đầu tiên cách đây 40 năm. Từ đó ngôi nhà khách với chùm chìa khóa, cái chổi, chiếc ghế đã trở thành giang sơn của chị.

Bổn phận của một chị giữ nhà khách là gọi người khác. Trong suốt 40 năm trường, chị Céline chỉ làm ngần ấy công việc! Câu hỏi trên kia chị phải lặp đi lặp lại đến hơn 10 lần mỗi ngày. Với thời gian, phương thế có đôi phần thay đổi: từ cái kẻng đến chuông điện, rồi điện thoại, sau đó lại trở về chuông kéo, kẻng sắt ... nhưng công việc luôn luôn vẫn là gọi người khác.

Ôi chao! biết bao khuôn mặt đã xuất hiện tại nhà khách, bao giọng nói đã vang rền trong điện thoại! Nhưng có một điều chị Céline hằng đoán chắc: người ta đang gọi, đang xin gặp một người nào đó ... trừ ra chị. Vì thế chị thường nói đùa : "Tôi chỉ được Chúa gọi một lần duy nhất và từ dạo ấy, tôi đã luôn luôn gọi người khác: tôi được gọi để gọi".

Một ngày của chị bị cắt vụn thành từng miếng, công việc của chị bị chẻ thành từng mảnh, luôn luôn là gián đoạn. Khi cầm chuỗi lần hạt, chị biết mình sẽ không đọc được quá 10 kinh, khi xem sách chị đoán sẽ thưởng thức không quá 10 giòng; trong nhà nguyện, chị quỳ ở ghế cuối cùng, gần cửa ra vào, luôn thấp thỏm đợi chờ chuông reo ... Luôn bị gián đoạn, nhưng chỉ với "sự gián đoạn" này của mình, chị mới có thể tạo nên "sự liên lạc" của người khác. Chị bao giờ cũng nhanh nhẹn đối với một khách sang cũng như một bà lão nhà quê. Tất cả mọi người đều ăn cắp giờ của chị. Không ai cần gặp chị... Với thời gian, da mặt chị nhợt nhạt hơn, người chị tiều tụy hơn, nhưng nụ cười vẫn tươi nở như thuở nào, lời kinh dâng Chúa mỗi ngày lại càng thêm sốt sắng hơn.

Và rồi một hôm, trong lúc vội vã đi gọi người khác, chị Céline đã ngã quỵ trong hành lang nhà dòng! thổ huyết! chị bập bẹ :"Chúa đến gọi tôi lần thứ hai" (và cũng là lần cuối cùng). Ðôi tay chị run run ôm lấy lồng ngực khiến chùm chìa khóa rơi trên nền gạch hoa. Ðàng kia, chiếc ghế vẫn vô tình không biết từ nay mình sẽ là đồ vô chủ ...

Chị Céline đã suốt đời trung thành với tiếng gọi của Chúa và với công việc bổn phận hằng ngày của chị: được gọi để gọi người khác. Giá trị và sự cao cả của chị không phải là ở chỗ đó sao?

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page