Ðức Maria Trong Tân Ước

Tác Giả: Linh Mục Augustin George

Người dịch: Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Phần bảy

Các bản Tin Mừng

của Gioan

 

Trong việc khám phá Ðức Maria mà Giáo Hội thể hiện từng bước, Gioan cho ta nhiều nội dung về Ngài ở một mức độ cao nhất. Nhưng trước khi đề cập đến các bản văn nói về Ðức Maria của Gioan, chúng ta cần dừng lại một chút để thấu triệt những nét đặc biệt của Tin Mừng của ông, vì trong nội dung nầy của Tân Ước, ta không tìm thấy những lối trình bày y như ở trong các bản Tin Mừng nhất lãm.

I. Những Nét Ðặc Biệt Trong Tin Mừng Của Gioan

A) Ðặc biệt về hành văn

Khi đọc Gioan, điều làm ta ngạc nhiên là Tin Mừng của ông không được xếp đặt như các bản nhất lãm khác. Marcô, Mathêu và Luca là những bản văn tổng thu các đoạn văn nhỏ: trong một chương của các bản văn nhất lãm, có thể thấy có từng chục những biến cố khác nhau. Trong một chương của Gioan, thường chỉ có một chủ đề: người mù từ thủa mới sinh, Lazarô, bánh hằng sống... Phương cách làm nầy có một ý nghĩa mà chính Gioan đã chỉ cho chúng ta trong phần cuối của Tin Mừng:

"Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều dấu hiệu khác ở giữa các môn đệ, (những dấu hiệu) đã không được thuật lại trong cuốn sách nầy. Những dấu hiệu nầy được ghi lại là để cho anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðức Kitô, con Thiên Chúa, và để khi tin như thế, anh em có được sự sống trong danh Ngài" (20, 30).

Gioan hoàn toàn ý thức về việc không nói ra hết: tác giả đã chọn một vài câu truyện và đào sâu ý nghĩa. Do đó, trong 20 chương; tác giả đã dành 8 chương cho mầu nhiệm phục sinh và 12 chương thôi dành cho cuộc sống nơi trần thế. Gioan cố tình tập chú việc trình bày mầu nhiệm Chúa Giêsu trên một số biến cố. Ðó là một sự kiện hành văn, nhưng có một ý nghĩa tín lý.

Lối văn của Gioan rất đặc biệt: các bài giảng của ông diễn tiến từng đợt và người ta có thể nói đây là lối hành văn xoáy ốc. Chẳng hạn, ở chương 6, tác giả không ngừng lấy lại một xác quyết duy nhất về bánh hằng sống, và mỗi lần như thế tác giả đẩy xa mãi. Ở chương 5, khi nói đến sự phán xét mà Con của người hành xử, tác giả đi từ phán xét thực hiện mỗi ngày trong việc chấp nhận hay từ chối đức tin (5, 24-26) đến phán xét chung thẩm (5, 28-29).

Ta cũng lưu ý rằng, trong Tin Mừng nầy, Chúa Giêsu không nói theo một lối văn như trong các bản nhất lãm: Ngài thường nói theo lối nói của Gioan, được nhận ra qua bức thư thứ nhất của tác giả. Gioan xếp đặt lại những lối nói của Chúa Giêsu theo cách của ông, chẳng hạn như bài giảng của Chúa sau tiệc ly. Sự kiện đó hướng ta đến vần đề lịch sử: chúng ta không phải luôn tìm thấy nơi Gioan những lời nói y hệt của Chúa Giêsu (7) nhưng có thể đọc được nơi tác giả sự hiểu biết thâm sâu các lời nầy.

B) Những nét đặc biệt có tính cách lịch sử

Tôi đi vào vấn đề lịch sử của bản Tin Mừng, vì nó quan trọng. Ðối với sử gia, Tin Mừng của Gioan vừa đưa ra những dữ kiện lịch sử không thể chối cãi đồng thời với những kỹ thuật diễn tả lạ thường không phải lối diễn tả lịch sử của khoa học ngày nay.

Ở bên trong những bài giảng của Chúa được viết ra theo lối văn của Gioan, người ta tìm thấy những câu được nói lên bằng tiếng Aram, tương ứng với những lời Chúa Giêsu nói trong các bản văn nhất lãm, và ta có thể tin đó thực sự là lời của chính Chúa Giêsu đã nói. Chẳng hạn: "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó sẽ teo cứng; nếu nó chết đi, nó mang nhiều hoa trái" (12, 24); trên phương diện văn phạm, câu nầy có thể dịch ra tiếng Aram cách dễ dàng, và đó là lối văn tượng trưng của Chúa Giêsu. Cũng như 16, 21: "Người phụ nữ, khi sắp sinh con thì lo buồn vì bà đau đớn, nhưng khi đứa trẻ đã sinh ra bà hoan hỉ, vì một người đã đến trong trần gian". Ở đây chúng ta thấy lối văn rất bình dị, đó là ngôn ngữ và lối văn nói của Chúa Giêsu. Có một số lối nói, mà đặc biệt chỉ thấy trong Tin Mừng Gioan, nhưng nó ăn khớp với lối nói và tư tưởng sâu xa của Chúa Giêsu; nhiều nhà phê bình ngày nay nhận rằng đây là lời thực Chúa Giêsu đã nói. Nhưng với kỹ thuật hành văn riêng của mình, Gioan đã phối trí lối nói nầy, bình luận lời đó theo lối văn của ông. Vì thế người ta thấy bên cạnh những câu ấy có những đoạn văn không thể dịch ra tiếng Aram được; hẳn nhiên chúng đã được chuyển lại theo lối khác bằng tiếng Hy Lạp ngay từ lúc đầu. Gioan giúp ta biết được nhiều sự kiện quí giá trong một số bài tường thuật của ông. Theo các bản văn nhất lãm, chúng ta cứ nghĩ rằng Chúa Giêsu chỉ lên Giêrusalem có một lần trong suốt hành trình thực thi sứ mạng của Ngài, vào lễ Vượt Qua cuối cùng; Gioan lại cho chúng ta hay Chúa hiện diện ở Giêrusalem trong ba lễ Vượt Qua khác nhau, một lễ các nhà tạm, một lễ cung hiến; và về mặt lịch sử có lẽ đúng với sự thật. Chính nhờ Gioan mà người ta thường nghĩ rằng sứ mạng của Chúa kéo dài trong hai năm, vì tác giả đã nêu lên ba lễ vượt qua nầy.

Tác giả cũng thường nêu lên các địa danh: như Sychar, với giếng nước nơi Chúa gặp người phụ nữ Samaritana; bồn tắm Bethesda, Lithostrotos, đó là những dữ kiện rất có giá trị và quan trọng. Các câu truyện kể lại của Gioan đầy những chi tiết cụ thể và ăn khớp với hoàn cảnh cuộc sống Palestine đương thời: câu truyện về việc chữa lành người mù từ thuở sơ sinh cho thấy sự trung thực đó. Nó chi tiết hơn sự chữa lành người mù trong Mathêu, Marcô hoặc Luca. Những nhà phê bình muốn tìm hiểu lịch sử Chúa Giêsu buộc lòng phải dùng các dữ kiện của Gioan.

Tuy vậy, bản Tin Mừng của ông ta lại đặt ra nhiều vấn nạn cho sử gia. Trước hết vì thường khó mà đối chiếu khít khao với các bản nhất lãm. Nhiều câu truyện đã thay vị trí, như câu truyện đuổi các người buôn bán trong đền thờ. Trong Mathêu, Marcô và Luca, sự kiện nầy xảy ra trong lễ vượt qua cuối cùng, trong Gioan lại đặt ở trong lễ vượt qua khi Chúa đến Giêrusalem vào lần đầu (2, 13-22). Các sử gia dường như chọn lối trình bày của các bản nhất lãm: vào lúc đầu, Chúa Giêsu chưa đoạn tuyệt với giới quyền hành Do Thái, trái lại dường như lúc ấy Ngài tìm cách kêu mời họ gia nhập. Ngài không bắt đầu bằng những hành vi đoạn tuyệt. Một sự việc như đánh đuổi con buôn ra khỏi Ðền Thánh sẽ dẫn đến câu hỏi: "Do quyền nào Ngài làm điều đó?". Có thể ở vào giai đoạn cuối của công việc Chúa rao giảng hợp lý hơn là xảy ra lúc khi đầu. Dường như ở đây Gioan đã cố ý dời đổi, tại sao? Nhãn quan của Gioan là nhấn mạnh đến sự mới mẻ của Chúa Giêsu, là giao ước mới, và tác giả muốn cho thấy tức khắc sự mới mẻ đó trong tương quan với Israel cũ. Về mặt tín lý là đúng, nhưng Gioan đã diễn tả bằng cách dời đổi thứ tự thời gian, tức là không chính xác xét về mặt lịch sử.

Một thí dụ nữa: trong thương khó của Chúa, Gioan đi sát với bản văn nhất lãm. Cuối cuộc tiệc ly, tác giả kể rằng người ta đi đến vườn Gethsêmani (18, 1), nhưng trong bản văn, ta không thấy có cảnh Chúa chịu hấp hối ở đây: Giuđa đến với lính tráng, người ta bắt Chúa và khổ nạn bắt đầu. Nhưng trong Gioan, có một cảnh tương ứng với cảnh hấp hối nhưng sớm hơn, trong lần cuối Chúa Giêsu đến Ðền Thánh: "Nay hồn Thầy giao động. Nhưng nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy? Nhưng chính vì thế mà Ta đã đến giờ nầy. Lạy Cha, xin vinh danh tên của Cha" (12, 27-28). Khi Gioan trích phần đầu của câu 6 Thánh Vịnh 42 "Tâm hồn Thầy giao động..." thì các bản nhất lãm lấy phần hai "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được" để diễn tả sự giao động của Chúa Giêsu. Trong các bản nhất lãm, người ta ghi lại Chúa cầu nguyện để giờ ấy cất khỏi Ngài; nơi Gioan, Chúa Giêsu thú thực nỗi giao động của mình và tự đặt câu hỏi cho mình: "Tôi sẽ nói gì đây? Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy?". Câu truyện nói lên cùng một ý nghĩa, nhưng vị trí sắp đặt lại khác nhau.

Tuy thế, trong bản văn của Gioan, có một dấu vết, một vết sẹo, chứng tỏ tác giả biết đến dữ kiện của vườn Gethsimani, khi người ta chận bắt Chúa Giêsu, Phêrô rút kiếm và bấy giờ Chúa nói với ông: "Con hãy xỏ gươm vào vỏ". Sự kiện nầy có trong bốn bản Tin Mừng. Nhưng Gioan lại thêm: "Chén Cha đã ban cho Ta, Ta không uống sao?" (18, 11). Chén đắng, đó là tâm điểm của lịch sử của vườn Gethsêmani trong các bản nhất lãm. Như thế chứng tỏ Gioan biết giai đoạn nầy. Nếu tác giả muốn đặt việc hấp hối của Chúa Giêsu sớm hơn, và đưa vào khung cảnh của Ðền Thánh, chắc vì tầm quan trọng tác giả nhìn thấy nơi Ðền Thánh nầy. Theo truyền thống, Ðền Thánh là nơi Chúa nói với dân Ngài và là nơi dân nói với Chúa của mình. Dữ kiện của các bản văn nhất lãm có ưu thế về mặt lịch sử: cụ thể hơn, con người hơn, tang thương hơn. Nhưng Gioan, theo quan điểm thần học của mình, đã dời vị trí thời gian để nhấn mạnh đến sự gặp gỡ của Chúa Giêsu với Cha Ngài trong nhà Ngài: đây là lời kinh cuối cùng có giá trị trong Ðền Thánh Giêrusalem và đó cũng là lúc chấm dứt Ðền Thánh nầy. Chú tâm về mặt thần học nầy thường làm cho Gioan phải xếp đặt lại các dữ kiện sâu xa về những sự kiện ở bên ngoài sự chính xác có tính cách vật chất và từ ngữ.

Nhưng khó khăn lớn nhất mà sử gia gặp phải nơi Tin Mừng Gioan là các tác giả trình bày về việc khám phá mầu nhiệm Chúa Giêsu. Theo tác giả nhất lãm, việc mặc khải đó xảy ra chậm: các môn đệ trước hết gặp gỡ Chúa Giêsu như một thầy Do Thái, sau đó họ khám phá nơi Ngài là một đấng tiên tri, lời Ngài có quyền uy và Ngài làm phép lạ, cuối cùng còn hơn một tiên tri; sau hết, ở Césarée, Phêrô nhận ra Ngài là Ðấng Thiên Sai. Nhưng chưa hết: trong tư tưởng người Do Thái, Ðấng Thiên Sai chỉ là một người, chứ không phải Thiên Chúa. Và theo lối trình bày của các bản văn nầy, thiên tính của Chúa Giêsu chỉ được nhận ra một cách đầy đủ và được diễn tả một cách trọn vẹn nơi mầu nhiệm Phục Sinh, khi Chúa Giêsu, kẻ chiến thắng sự chết xuất hiện ra như là Chúa ngự bên hữu Thiên Chúa, khi Chúa Giêsu ban Thánh Thần, điều mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm.

Như thế điều ta cảm nhận nơi các tác giả nhất lãm là thời gian cần phải trải qua để đến gần với mầu nhiệm, cũng như sự kiện Chúa Giêsu không bao giờ tự mặc khải mình bằng lời nói. Chúa không bao giờ nói: "Ta là Con Thiên Chúa, Ngôi Hai của Ba Ngôi Thánh...". Nhưng khi Ngài thấy nơi các Tông Ðồ khá trưởng thành, Ngài mới hỏi họ: "Các con nói Thầy là ai?". Và Phêrô bấy giờ mới nói lên Ngài là Ðấng Thiên Sai. Lối giáo dục của Chúa Giêsu, là tự mặc khải qua các sự kiện: chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho biển yên, làm cho người chết sống lại, tha thứ tội lỗi. Con người đó chính là Giêsu, đang làm những việc chưa từng ai làm được. "Vậy Ngài là ai?", đó là câu hỏi lặp đi lặp lại trong các bản văn nhất lãm. Trái lại, trong Tin Mừng Gioan, ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên giữa các môn đệ và Chúa Giêsu, Anrê đi tìm anh mình là Phêrô và nói với ông: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Thiên Sai" (1, 41). Cũng như ở đoạn 5, 58, Chúa Giêsu nói với người Pharisiêu là những người khó đón nhận Ngài nhất và cũng khó hiểu được Ngài: "Ta nói thật với các ngươi điều nầy, trước khi Abraham có, Ta hằng hữu", Ta hằng hữu là xác quyết tối cao về Thiên Chúa, là định nghĩa về Ngài. Về mặt lịch sử, khó có thể cho rằng Chúa Giêsu đã nói như thế trước những người Pharisiêu trong hoàn cảnh đó. Ðó hẳn không phải là phương pháp của Ngài; nhưng là một tư tưởng về Ngài, và người ta chỉ có thể ý thức được tư tưởng đó sau Phục Sinh, và trong một sự suy niệm thật sâu xa. Do đó mà mặc khải nầy theo lối trình bày minh nhiên của Gioan đặt thành vấn nạn cho sử gia.

Và lối văn tượng trưng của Gioan cũng tạo thêm khó khăn cho sử gia. Gioan là một tác giả rất cẩn thận, tế nhị và thường có những lời ghi chú nhỏ gợi lên một hậu ý trong điều ông kể lại. Ở chương 5, Gioan thuật lại việc chữa một người bất toại được lành ở bồn tắm Bethesda (chứ không phải Bezatha như người ta hay đọc lẫn), Bethesda có nghĩa là nhà của sự thương xót, của Âhesed tức là nhà của từ bi, của tình yêu. Khi nêu lên câu truyện nầy, câu truyện nói lên tình yêu của Chúa chữa lành nỗi khổ của nhân trần, lời đầu của Gioan muốn nói với chúng ta là sự việc xảy ra ở nhà của tình yêu và của sự thương xót. Sự kiện đó cho ta thấy đó không phải là ngẫu nhiên. Ta nghĩ ngay đến chương 9, câu 7. Khi nói với người mù từ thuở mới sinh. Chúa Giêsu nói: "Hãy đến tắm ở suối Siloé" (là chữ có nghĩa là: Kẻ được gửi đến). Chính Gioan chú thích ý nghĩa của chữ nầy, và nói lên một sự tương quan giữa địa danh và việc chữa lành bệnh mà Chúa Giêsu đã làm: đối với Gioan, đó là một danh hiệu tiên tri.

Trong bản văn của Gioan, thường những lời nói lại có ý nghĩa sâu xa hơn sự suy nghĩ của kẻ nói ra, và Gioan cho chúng ta biết việc đó. Như khi thầy cả nói: "Các ông không thấy rằng thà một người chết thì có lợi cho dân hơn...". Gioan chú thêm: "Ông ta không phải tự mình nói ra điều đó, nhưng với tư cách là thầy cả thượng phẩm, ông ta tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết cho dân" (11, 50-51). Như khi Philatô nói: "Nầy là người" (19, 5); người ta thấy rõ câu đó có nghĩa gì từ miệng của một viên chức cao cấp từng chứng kiến những sắp xếp ám muội của hoàng gia: "Nầy người đó đây nầy". Nhưng khi Gioan trình bày Chúa Giêsu trong khung cảnh đó như "con người", tác giả thấy nơi Ngài là kẻ mang lấy trách nhiệm của toàn nhân loại và chữ nầy có một chiều sâu lạ thường. Những chữ đó thực sự đã được nói ra, nhưng Gioan đọc được những âm hưởng sâu xa. Ðó là lối văn tượng trưng của Gioan.

Gioan còn thường nhấn mạnh đến các dự kiện có tính cách dụ ngôn: khi ông thuật lại những lời của Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô về gió ta nghe mà không thấy (3,8), gió đó tiếng Hy Lạp gọi là "pneuma" và đó cũng là Thánh Thần mà không ai thấy được, nhưng vẫn nhận ra được trong hành động của Ngài. Một trong những thí dụ rõ rệt nhất là những chữ "và đêm xuống" (13, 30) sau khi Giuđa ra đi để phản bội Chúa Giêsu. Ðây không phải là một chỉ dẫn về thời điểm: đêm nầy là bóng tối của Satan, trong tâm hồn Giuđa, là nỗ lực của quyền lực Satan chống lại ơn cứu độ.

Những chữ "và đêm xuống" đơn sơ như thế, nhưng trong khung cảnh của bản văn lại có một âm hưởng khác rất lớn lao. Một thí dụ khác: ba lần trong Tin Mừng của Gioan, Chúa Giêsu báo trước người ta sẽ giết Ngài, dùng Ngài làm lễ tế, và Ngài luôn nói: "Khi các con đưa cao con người lên" (3,14; 8, 28; 12, 32, 34). Ðứng về mặt không gian: đóng đinh treo trên thập giá là việc đưa cao lên. Nhưng đối với Gioan, đó là biểu tượng đưa đến đỉnh vinh quang. Có một sự khác biệt sâu xa giữa thần học của Gioan và thần học của các bản nhất lãm: đối với các tác giả trước, khổ nạn, mầu nhiệm khổ đau và cám dỗ sẽ dẫn đến cùng đích là sự sống lại, mầu nhiệm của vinh quang; đối với Gioan, hai mầu nhiệm đó được đẩy xa hơn nữa. Chính trong thánh giá mà Chúa Giêsu toàn thắng, vì chính đó là nơi tình yêu Thiên Chúa thể hiện. Ngay khi Giuđa ra đi để nộp Ngài, Chúa Giêsu đã nói: "Bây giờ con người được tôn vinh". Khi Chúa Giêsu chết, trong các bản nhất lãm có một vài dấu chỉ được thể hiện: màn Ðền Thánh xé ra, một cuộc động đất, các kẻ chết sống lại. Trong Gioan, chỉ có một dấu: nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa; hẳn nhiên đối với tác giả nầy đây là hiện tượng của bí tích rửa tội và thánh thể. Về mặt con người, dấu chỉ nầy xem ra nghèo nàn quá, nhưng về mặt thần học, nó lại phong phú hơn: sự cứu độ của Chúa Giêsu Kitô hẳn lớn lao hơn động đất hoặc màn đền thờ bị xé.

Khi chúng ta đọc các bản văn của Gioan, cần phải nhớ đến biểu tượng nầy: Khi Chúa Giêsu biến nước ra rượu, rượu đó mang những ý nghĩa của tất cả các âm hưởng cứu độ. Khi Chúa Giêsu làm cho bánh ra nhiều, Gioan đã minh giải cho ta thấy trước phép Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu chữa lành người mù từ thuở mới sinh, phép lạ được kể lại trong một câu: nó sẽ đi tắm gội, nó đã thấy và thế là hoàn tất (9, 7). Nhưng có đến 34 câu để chứng minh cho thấy từ dấu chỉ đó người mù đã tìm được cái nhìn chân thật của đức tin. Phép lạ hữu hình chỉ là tượng trưng cho ánh sáng đời đời, cho mặc khải được hé ra từ phép lạ đó. Gioan luôn tin vào thực tế lịch sử của phép lạ, nhưng đối với tác giả, đó chỉ là một cách để nội dung thực sự có ý nghĩa từ xa đến với ta.

C) Những nét đặc biệt về tín lý

Chúng ta hãy so sánh Gioan và các tác giả của Tin Mừng nhất lãm trong quan điểm nầy. Theo truyền thống các tác giả nhất lãm thuật lại cho chúng ta toàn bộ những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, chính yếu là nói đến Nước Trời, Chúa Cha, sự cứu độ Chúa Cha ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, công lý của Chúa Kitô. Phải làm gì để có được ơn cứu độ? Phải sám hối trở lại, dứt khoát với tội lỗi, đói khát công chính, yêu mến anh em mình v.v... Chúng ta thấy một toàn bộ tín lý, luân lý và siêu nhiên về thái độ sống của Kitô hữu. Trong các bản văn nhất lãm, Chúa Giêsu ít nói về mình Ngài, Ngài luôn nhìn Cha Ngài hoặc dân Ngài. Ngài dạy chúng ta cách phải nhìn và yêu Chúa Cha, và làm cách nào để vào Nước Chúa. Trong Gioan, ta thấy khác: hầu như không có phần luân lý. Chúa Giêsu không nói về trinh khiết, cũng không nói đến ly dị, Ngài không dừng lại để mô tả thái độ sống của con người theo Chúa Kitô. Như Gioan từng nói lên sự kiện đó trong phần cuối: "Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu chỉ khác mà sách nầy không chép lại; các dấu chỉ đã được kể ra là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Chúa Kitô, con Thiên Chúa". Gioan muốn dẫn dắt chúng ta hiểu biết Chúa Giêsu Kitô là ai. Mọi sự khác từ đó sẽ thay đổi? Nếu chúng ta tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa chúng ta, thì sự việc đó phải thay đổi toàn bộ cuộc đời mình. Ngoài ra, Gioan không nghĩ mình có thể thay thế các việc làm của các tác giả khác: tác giả đã muốn tập chú cái nhìn chúng ta vào phần chính yếu.

II. Maria Ở Cana (Gioan 2, 1-12)

Gioan chỉ trình bày Mẹ Chúa Giêsu trong hai cảnh nơi Tin Mừng của ông, ở Cana và trên đồi Calvariô. Cả hai đều khó giải thích và nhất là cảnh đầu, vì Maria không xuất hiện ở phần cốt lõi câu truyện. Vì thế nhiều tác giả đã đặt vấn đề về tầm quan trọng của Maria trong đó (8). Nhưng cũng có những tác giả đã nhận ra vai trò quan trọng của Maria nơi đây (9).

Thật thế, câu truyện Cana trước hết nhằm nói đến Chúa Giêsu. Ðó là phép lạ đầu tiên của Ngài: "Ðây là dấu chỉ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm. Ngài đã thực hiện ở Cana vùng Galilêa. Ngài tỏ bày sự vinh quang của Ngài và các môn đệ Ngài tin vào Ngài" (2, 11). Gioan nhấn mạnh cho thấy đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu tỏ ra sự vinh quang của Ngài, sự biểu lộ đầu tiên về quyền năng Thiên Chúa cứu độ.

Nhưng câu truyện cũng muốn nói một điều gì đó về Maria. Ý định nầy nổi bật lên khi ta thấy Gioan đã đặt song song với cảnh thứ hai có Maria, ở đồi Calvariô: đây là màn nói về Maria, một ở đoạn mở đầu, và một ở phần cuối cuộc sứ mạng của Chúa Giêsu trên trần thế. Cả hai lần Chúa Giêsu đều cho mẹ Ngài danh hiệu lạ lùng là "Bà, Người phụ nữ"; và nhất là ở hai cảnh đều đặt nổi ý niệm chủ chốt của Gioan là "Giờ" của Chúa Giêsu. Những điều đó thúc đẩy ta đào sâu những dự kiện khác nơi bản văn về Maria.

Ở câu 3, Maria can thiệp với Chúa Giêsu và nói với Ngài: "Họ hết rượu". Một vài người cho rằng đây chỉ là một sự thông báo; nhưng trong bản văn quá cô động ý nghĩa, khó mà chấp nhận lối giải thích quá bình thường nầy. Ðây dường như là một sự cầu khẩn kín đáo, tương tự với lời của các chị em Lazarô: "Người mà Thầy yêu đang bịnh" (11, 3). Trong trường hợp sau, hẳn là một lời yêu cầu Chúa đến để chữa người mang bịnh (xem 11, 21, 32). Ở Cana, có phải là một lời yêu cầu giúp đỡ bình thường hay là cầu xin một phép lạ? Câu nói tế nhị quá khó mà phân giải, nhưng phần tiếp câu truyện có thể giúp ta thấy rõ hơn.

Câu trả lời của Chúa Giêsu xem ra quá cứng rắn, cứng rắn một cách làm ta ngạc nhiên, nhất là trong những bản dịch xưa, không chính xác xét về mặt thuần chữ nghĩa: "Thưa bà, bà muốn tôi điều gì?". Cần phải sâu sắc hơn nữa tất cả các yếu tố của câu 4.

Chúa xưng hô với mẹ Ngài bằng cách nói: "Thưa bà". Ðây là một thành ngữ tỏ vẻ kính trọng và xa lạ mà Chúa dùng để nói với các phụ nữ Ngài không quen (4, 21; xem Mt 15, 28; Lc 13, 12). Ðây là một chữ mà con không bao giờ xưng hô với mẹ, nhưng Chúa lại sẽ còn nói với Maria ở đồi Calvariô (19, 26). Như thế, Chúa Giêsu muốn ở tư thế xa lạ mà nói với Mẹ mình. Ngài không nói với tư cách làm con, nhưng là tư cách Chúa của người tin. Nội dung sâu kín cho thấy trùng hợp với ý nghĩa của đoạn mà chúng ta đã nghiên cứu trong Marcô 3, 33: "Ai là mẹ Ta và anh em Ta?". Ðây là sứ mạng bắt đầu và không còn là mẹ, anh em, nhưng chỉ là các môn đệ. Maria phải ẩn mình suốt cuộc đời công khai của con mình. Ở đây sự đối đãi song song của hai đoạn có ý nghĩa của nó, và cần phải đào sâu cách nói này như là một lối nói cổ điển trong văn chương Do Thái. Khó mà dịch ra một cách chính xác qua ngôn ngữ khác ("Có gì chung giữa tôi và bà?"). Biết bao điều chung giữa một người con và mẹ mình. Câu nói phải được hiểu theo cách dùng của nó ở trong Cựu Ước; ta thấy nó xuất hiện ở đấy từng chục lần, hoặc để chống lại sự can thiệp của kẻ thù (Thẩm phán 11, 1,2; II Các Vua 3, 13; 2 ch. 35, 21; xem Mc 1, 24; 5, 7), hoặc để xin một người bạn đừng xía vào công việc của mình (2 S 16, 10; 19, 23; I Các Vua 17, 18). Ở trường hợp nầy, câu đó có nghĩa là một lời tuyên bố độc lập: "Mẹ hãy để việc đó cho con!". Chúa Giêsu đã qua tuổi ấu thơ, thuần phục cha mẹ (Lc 2, 51). Bây giờ Ngài phải tuân phục sứ mạng Ngài.

Ðây là lý do để ta hiểu lời Ngài nói: "Giờ" chưa đến. Ðôi khi ta nghĩ đây là giờ phép lạ đầu tiên và khai mở sứ mạng cứu đời; và vì Chúa Giêsu kỳ cùng rồi cũng chiều theo lời cầu xin của Maria, nên ta kết luận rằng lời cầu xin đó đã làm cho giờ của Chúa đã đi trước phải xảy ra sớm hơn. Ðây là một sự nghịch lý vì hai lý do. Trước hết vì trong Thánh Kinh, giờ nhằm chỉ thời gian Thiên Chúa đã định trong sự tự do tối thượng của Ngài: lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu ở Gethsémani không thể dời đổi giờ của Chúa (Mc 14, 38,41). Và thứ nữa, theo Gioan, giờ của Chúa Giêsu luôn là khoảnh khắc thần thánh và không tách khỏi cuộc tử nạn Phục Sinh (7, 30; 8, 20; 12, 23,27;13, 1; 17, 1). Khi Maria xin Chúa Giêsu can thiệp để cứu cho khách khỏi thiếu rượu. Chúa Giêsu trả lời rằng sứ mạng Ngài chưa đến lúc cuối của nó; có lẽ Ngài gợi lên lúc cuối tang thương (nhất là nếu Gioan đưa phép lạ nước hóa rượu vào chính biểu tượng Thánh Thể như ở phép lạ hóa bánh ra nhiều). Ngài cũng loan báo vai trò sẽ giao phó cho Maria ở đồi Calvariô. Sự xa cách đối với Mẹ đó là tạm thời như ta sẽ thấy ở phần sau.

Câu 5 đặc biệt quan trọng về ý nghĩa liên quan đến Maria được nói đến trong đoạn văn. Sau câu trả lời cứng nhắc nầy của Chúa Giêsu. Maria hẳn phải đành từ chối can thiệp và giữ thinh lặng. Nhưng không phải vậy. Mẹ đã nói với các người giúp việc: "Những gì Ngài sẽ dạy làm, các ông hãy làm theo". Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của Chúa Giêsu. Mẹ để cho Chúa tự mình khởi sự công việc của Ngài. Nhưng Ngài đợi Chúa can thiệp theo ý Chúa, và trong nội dung bản văn của Gioan, thì đây chỉ có thể là một sự can thiệp bằng phép lạ. Maria tin tưởng vào con mình. Mẹ tin vào quyền năng của Chúa. Và sự kiện đó soi sáng cho ta thấy lý do của lời cầu xin ở câu 3.

Dường như Gioan đã gợi lên đức tin nầy của Maria trong phần cuối của câu truyện: "Ngài đã thể hiện vinh quang Ngài và các môn đệ đã tin vào Ngài" (câu 11). Gioan ở đây không nói về đức tin của Maria. Phải chăng kín đáo cho ta hay Maria không cần đợi có dấu hiệu của phép lạ hóa rượu mới thấy nơi Chúa Giêsu là người thể hiện vinh quang Thiên Chúa nơi hành vi của mình!

Ðó là những dữ kiện của đoạn văn về Cana. Ðiểm chính là nói đến uy quyền của Chúa Giêsu, sự thể hiện vinh quang Thiên Chúa nơi Ngài. Những đoạn văn mô tả Maria có một vai trò quan trọng: đó chính là một phép lạ Ngài xin vào lúc các môn đệ chưa "tin" vào Chúa Giêsu; trước hết, Chúa Giêsu cho thấy sự độc lập tối thượng của sứ mạng Ngài, nhưng cuối cùng Ngài nhận lời cầu xin của Mẹ Ngài. Phải chăng cần phải nhìn thấy nơi Mẹ là đại diện cho Dân Chúa, là người sẽ nhận lấy phận vụ dứt khoát của mình vào lúc Chúa Giêsu không còn hữu hình ở trên dương thế? Nội vi của đoạn văn về Cana có lẽ không cho phép ta thấy rõ điều đó. Nhưng câu truyện ở đồi Calvariô về các ý định của Gioan lại mở ra những cái nhìn mới (10).

III. Maria Trên Ðồi Calvariô (Gioan 19, 25-27)

Bây giờ chúng ta đề cập đến đoạn văn về Maria ở trên đồi Calvariô. Khung cảnh tổng quát phải lưu ý là cuộc tử nạn theo Tin Mừng Gioan.

Cũng như các bản văn nhất lãm, Gioan kể lại cuộc tử nạn của Chúa ở hai chương 18 và 19, và tác giả cũng theo sát thứ tự của các bản văn trên. Ngoài ra, ta cũng thấy đây là đoạn duy nhất bốn tác giả Tin Mừng viết theo một thứ tự như nhau trong một đoạn dài. Các nhà phê bình kết luận rằng trong truyền thống Tin Mừng, cuộc tử nạn là một toàn khối đầu tiên đã cô đọng rất sớm, nên bốn vị đã theo cùng một sơ đồ. Ðây là dấu chỉ cho ta thấy cuộc tử nạn là một trong những truyền thống đáng kính trọng nhất và xưa nhất, một nội dung tuyệt đối căn bản trong việc dạy giáo lý vào thời Giáo Hội sơ khai.

Về đoạn nầy, Gioan có những nét đặc trưng của ông. Cũng như các tác giả nhất lãm, ông trình bày mầu nhiệm đau thương của Chúa Giêsu, bị bắt và bị vả mặt, bị điệu ra trước hội đồng của người Do Thái và tòa án Philatô, mang thập giá và chịu đóng đinh treo lên giữa hai tội nhân. Thảm kịch Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá không làm ta xúc động lắm vì ta không thấy cảnh chịu đóng đinh. Nhưng đối với người xưa, những kẻ đã chứng kiến cảnh đó, đây thực là một việc tàn ác, đáng xấu hổ đến độ Kitô hữu như muốn từ chối hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá. Ðối với chúng ta, thánh giá là một món trang sức hoặc một hình ảnh sùng đạo, nhưng đối với người Do Thái và La Mã vào các thế kỷ III và IV, đó là một cái gì không chịu đựng nổi. Gioan cũng mô tả rất thực như các tác giả nhất lãm về mầu nhiệm tàn khốc của sự đau đớn, khốn khổ, và nhọc nhằn của Chúa Giêsu. Nhưng đồng thời, bài tường thuật của tác giả có những nét đặc sắc riêng cần phải nêu lên để hiểu về sự kiện Maria ở trên đồi Calvariô.

Trước hết, có phần tiết giảm những cái gì quá ghê tởm. Lúc Chúa bị bắt, không có cái hôn của Giuđa, một cái gì đáng hãi hùng: một cử chỉ thân thiện và kính mến được dùng làm dấu chỉ cho sự phản bội và sự chết. Người ta cũng không thấy có Simon thành Cyrênê: Chúa Giêsu một mình mang thập giá của mình, Ngài không cần ai cả. Những lời sỉ vả của kẻ qua đường và các nhân vật trong nhà hội cũng không nói đến. Nơi Gioan, cảnh đồi Calvariô mang một nét uy nghiêm của một nghi lễ phụng vụ. Ðó là Chúa Giêsu Vua, thầy cả đang thực hiện lễ hy tế. Chỉ một mình Chúa Giêsu nói và quyết định. Ngay cả lời kêu lên cuối cùng của Chúa Giêsu trong các bản nhất lãm: "Eli, Eli, lamma suba tami", làm cớ cho kẻ khác chế nhạo, cũng không được nói đến. Và lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan là: "Mọi sự đã hoàn tất". Ðó là tiếng kêu toàn thắng: những gì ta phải làm, ta đã làm, sự cứu độ nhân loại đã hoàn tất... Khung cảnh của tử nạn trong Gioan có cái gì thanh thản, chính Chúa Giêsu là chủ hoàn cảnh, Ngài điều hành toàn biến cố.

Có một điểm tôi muốn nhấn mạnh: Gioan thường cho chúng ta hay Chúa Giêsu biết, và Ngài đã loan báo những gì sẽ xảy ra. Nên khi đoàn lũ đến chận bắt Ngài: "Chúa Giêsu, biết mọi việc sẽ xảy đến cho mình, Ngài tiến lên và nói với họ: Các ngươi tìm ai?... Nếu như muốn tìm Ta, thì hãy để cho những người nầy đi đi. Như thể Ngài đã nói phải được ứng nghiệm: Những kẻ Cha đã cho Con, Con không làm cho một ai trong họ phải mất " (18, 4,8-9). Trong màn nầy, Gioan cho thấy chính Chúa điều khiển: Ngài tự nộp vì Ngài biết những gì phải xảy ra cho Ngài và Ngài cứu môn đệ Ngài. Ngài ngăn cản không cho họ bị bắt.

Sự chủ động của Chúa Giêsu cũng xuất hiện trong cuộc tranh cãi với Anna hoặc Philatô. Trước tòa án Anna, một người hầu, để lấy điểm với chủ, đã tát Chúa Giêsu và nói: "Ngươi trả lời với thầy cả thượng phẩm như vậy sao?" và Chúa Giêsu trả lời: "Nếu Ta nói sai, hãy chỉ điều sai ở đâu? Nếu Ta nói phải, tại sao ngươi đánh Ta?" (18, 22-23). Bị kết án như một Ðấng Thiên Sai, Chúa Giêsu không có quyền xử sự như kẻ tội nhân, Ngài phải chống đỡ lập trường làm Thiên Sai của mình, xác quyết công lý của Ngài, và Ngài đã làm như thế. Philatô muốn xử Ngài, nhưng thực ra Chúa Giêsu đọc bản án thật sự: "Ông không thể có quyền gì trên tôi nếu từ trên cao đã không cho ông quyền đó; do đó, kẻ đã nộp tôi cho ông mang một tội nặng hơn" (19,11).

Một điểm khác, ngay sau câu truyện giữa Chúa Giêsu và Mẹ Ngài, chúng ta đọc thấy: "Ðoạn Chúa Giêsu biết là mọi sự từ nay đã hoàn thành, Ngài nói, để cho toàn thể lời Kinh Thánh được thực hiện: Ta khát" (19, 28). Có hai sự việc cần lưu ý ở đây. Trước hết, Chúa Giêsu muốn chu toàn lời Kinh Thánh. Sự chu toàn lời Kinh Thánh đã được ghi lại như các bản nhất lãm đã làm, khi người ta cởi áo Ngài (19, 24): đó là Thánh Vịnh 22. Sau đó là: "Ta khát", vì Thánh Vịnh 69, 22 đã nói: "Trong cơn ta khát, họ đã cho ta uống dấm". Người ta không đánh đập ống chân Ngài, nhưng đã đâm xuyên qua ngực Ngài. Ta thấy câu nầy ở sách Xuất Hành 12, 46: "Các ngươi sẽ không đánh dập các xương ta", đây là nghi lễ của con chiên vượt qua thực sự, là hy lễ cứu độ chân thật, và là sự giải thoát cho dân Ngài. Hoặc ở 19, 37: "Họ sẽ thấy kẻ họ sẽ đâm xuyên qua". Nội dung nầy ở Zachria 12,10. Trong tử nạn, Gioan cho chúng ta thấy Chúa làm chủ biến cố và hoàn thành Cựu Ước: biến cố tàn khốc không chịu nổi đó là mầu nhiệm của cứu độ như Thiên Chúa đã loan báo, và vinh quang của Chúa Giêsu là hoàn thành thánh ý Thiên Chúa.

Ðồng thời ta cũng thấy với những chữ của câu 28 "Chúa Giêsu biết rằng mọi sự nay đã hoàn thành, Ngài nói: Ta khát", Gioan cho thấy rằng đoạn Ngài nói với Maria là đỉnh cao của sự hoàn thành: mọi sự đã xong vào lúc Chúa Giêsu nói với Maria: "Nầy là con bà", và nói với môn đệ: "Nầy là mẹ ngươi". Hãy lưu ý câu nói ngắn gọn nầy có một tầm vóc quan trọng lạ lùng: nhiều nhà minh giải Thánh Kinh gần đây đã lưu ý nội dung đó.

Như thế, đoạn văn Chúa nói với Maria và người môn đệ được đặt trong toàn bộ, ở đó sự tử nạn của Chúa là mặc khải về vinh quang con Thiên Chúa, sự tôn vinh Ðức Kitô, sự hoàn tất các lời Thánh Kinh, là đỉnh cao của lịch sử cứu độ.

Chúng ta hãy đưa ra những nét đặc trưng chi tiết của đoạn văn:

"Gần bên thánh giá Chúa Giêsu, có Mẹ Ngài, chị Mẹ Ngài, Maria, vợ của Clopas, và Maria thành Magdala đứng kề".

Người ta tranh luận nhiều về "chị của Mẹ Ngài". Có ba hay bốn bà? Ðó là một vấn đề rất ư là phụ thuộc. Tuy thế, có lẽ có bốn bà, vì như một nhà minh giải Thánh Kinh đã nhận xét, thường trong một gia đình, không có việc hai chị em mang cùng một tên. Chị của Maria như thế không phải là Maria, vợ của Clopas. Ðó là một luận cứ xem ra hữu lý. Mấy bà nầy là ai? Không có vấn đề đối với Maria thành Magdala, vì bà là kẻ duy nhất đã được cả bốn Tin Mừng nói đến tên rồi. "Chị của Mẹ Ngài", theo nhiều tác giả, là mẹ của Giacôbê và Josê (Mc 15, 40), là những người anh em họ của Chúa Giêsu. Salomé có thể là mẹ của các con của Zébédée. Lối giải thích khá cổ điển nầy xem ra gần sự thật hơn cả.

Nhưng vấn đề quan hệ hơn được đặt ra trong mấy câu nầy là không một tác giả nào của các bản Tin Mừng nhất lãm nhắc đến mẹ Chúa Giêsu ở chân Thánh Giá. Chỉ có Gioan ghi lại. Và một vài tác giả nói: Gioan muốn cho Maria một ý nghĩa và vì thế ông thêm vào đây, nhưng hẳn chỉ là một lối văn biểu tượng. Tôi trả lời ngay và một cách có nền tảng: Gioan thường chỉ dùng lối văn biểu tượng từ các sự kiện có thực. Chúa Giêsu bảo người mù tắm rửa ở suối Siloê. Siloê, nghĩa là được sai đi, nhưng người bệnh đã có thật ở Siloê. Gioan chỉ nhấn mạnh đến tương quan giữa địa danh và kẻ được sai đi. Ở Bethesda "nhà của lòng thương xót", Chúa Giêsu thực sự đã chữa lành người bất toại; Gioan nhấn mạnh có sự biểu tượng, và không bày đặt ra sự kiện. Thử hỏi Gioan đã cố tình thêm thắt Maria ở chân Thánh Giá chỉ vì muốn tạo ra một ý nghĩa biểu tượng hay không? Ðúng ra là tác giả đã nhận chân một sự kiện và đã rút trả một ý nghĩa biểu tượng. Vì có ý nghĩa biểu tượng trong đó như thế không có nghĩa là có thể chứng minh rằng Maria không thực sự có mặt ở chân Thánh Giá.

Lý do thứ hai giải thích tại sao các tác giả Tin Mừng nhất lãm đã không ghi lại việc Maria ở đồi Calvariô. Ðây là giả thuyết của riêng tôi. Do đâu có việc nêu tên các bà ở chân Thánh Giá? Nếu độc giả nhìn lại các bản nhất lãm, thì sẽ thấy rằng cũng những bà đó có mặt lúc tẩm liệm và khi thấy mồ trống. Các tác giả Tin Mừng nhắc đến họ vì họ là những kẻ đầu tiên làm chứng sự sống lại: vì đặt nơi việc sống lại, nên các bà đã được liệt kê là những nhân chứng của việc Chúa chết và được tẩm liệm. Do đó tôi nghĩ người ta nhắc đến các bà lúc Chúa chịu đóng đinh vì người ta sẽ nêu tên các bà vào buổi sáng Phục Sinh. Ðó là đợt đầu của lối luận chứng của tôi. Ðây là đợt thứ hai: để chứng thực sự sống lại của Chúa Giêsu, trong xã hội Palestine, việc làm chứng của Maria không có giá trị gì cả. Mẹ không thể làm chứng cho con. Nếu Maria quả quyết con mình sống lại, mọi người sẽ nói: "Mẹ Ngài nói...". Như vậy, Maria có thể ở chân Thánh Giá, như Gioan kể lại, nhưng tác giả Tin Mừng nhất lãm không tường thuật vì nhân chứng của Mẹ về sự sống lại không đáng kể trong xã hội Israel. Ngày nay cũng thế, trước pháp đình, người ta không thể đưa người thân làm nhân chứng. Tôi nghĩ rằng sự thinh lặng của các bản Tin Mừng nhất lãm về sự hiện diện của Maria gần Thánh Giá phát xuất từ đó.

Chúng ta tiếp tục đọc đoạn văn:

"Khi thấy Mẹ Ngài, và cạnh Mẹ Ngài có môn đệ Ngài yêu thương, Chúa Giêsu nói với Mẹ mình: Hỡi bà, nầy là con bà".

Ðiều đáng lưu ý đầu tiên là lời nói nầy có một cấu trúc thường thấy trong các đoạn văn mặc khải. Ðó là một sơ đồ rất cổ điển trong Tin Mừng Gioan. Chẳng hạn 1, 29: "Gioan Tẩy Giả thấy Chúa Giêsu đến thì nói với Ngài: Nầy đây là Con Chiên Thiên Chúa đấng cất khỏi tội trần gian". "Thấy..., Ngài nói: Ðây là..." chính là phương cách Gioan Tẩy Giả tuyên bố về mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Cũng thế, ở các câu 35-36: "Gioan còn đứng đó với hai trong các môn đệ của ông: Ðưa mắt nhìn thấy Chúa Giêsu đang đi qua, ông nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa". Và cũng là một lối nói để định nghĩa sứ mạng Thiên Chúa trao cho Ðức Giêsu. Ở câu 47: "Chúa Giêsu thấy Nathanael đến và nói về người nầy rằng: Ðây là một người dân Israel chân thật, một kẻ không giả dối". Khi Gioan Tẩy Giả định nghĩa Chúa Giêsu, cũng như khi Chúa Giêsu định nghĩa Nathanael, thì đó là nói đến vị trí của họ trong việc làm của Thiên Chúa. Ở đồi Calvariô, cũng gặp lại một sơ đồ hành văn như thế, sơ đồ mà Gioan thường dùng để định nghĩa sứ mạng, ơn gọi của một nhân vật. Như thế chính lối hành văn nầy sẽ giúp ta giải thích đoạn văn.

Nhận xét thứ hai: Ðiều mà Chúa Giêsu nói lên trước, là định nghĩa của người môn đệ: "Nầy là con bà". Chúa Giêsu khởi đầu định nghĩa vị trí của người môn đệ trong tương quan với Maria, và chỉ trong câu thứ hai Ngài mới nói với người môn đệ: "Ðây là Mẹ con". Ðây là ưu lo của người làm con nơi Chúa Giêsu khi biết mình sắp ra đi và phó thác Mẹ mình cho một người để lo lắng; hẳn đó là một yếu tố hết sức nhân loại. Nhưng điều đáng lưu ý là việc đó đi sau câu: "Hỡi bà, đây là con bà". Như chúng ta đã nhận xét sự việc tương tự ở Cana, chữ "Bà" muốn nói rằng Chúa Giêsu không nêu lên đây với tư cách làm con, nhưng trước hết là Chúa của Nước Trời đang định nghĩa một sứ mạng. Lệnh nầy rất quan trọng để hiểu ý của đoạn văn: "Và từ giờ đó, người môn đệ đem người về ở nhà mình". Chúng ta lưu ý lại lối nói "giờ", bây giờ lại lặp lại... Gioan nhấn mạnh rằng Lời Chúa đã được tuân theo; Maria đã được đón nhận.

Tôi nhắc lại dữ kiện cuối cùng: "Và bây giờ biết rằng mọi sự hoàn tất...". Từ giây phút đó Chúa Giêsu có thể chết. Nếu tôi phải sắp đặt lại cơ cấu đoạn văn, tôi có thể nhận xét rằng đoạn văn chịu nạn trên Thánh Giá gồm bảy màn tiếp diễn nhau:

1. Ðóng đinh vào Thập Giá,

2. bảng hiệu do Philatô đặt,

3. chia áo,

4. Chúa Giêsu và Mẹ Ngài,

5. Chúa chết,

6. lưỡi đòng đâm qua sườn,

7. an táng.

Chúa Giêsu và Mẹ Ngài là màn giữa và Gioan nhấn mạnh điều đó qua câu nói: "Bây giờ mọi sự đã hoàn tất". Thứ tự đó cho thấy Gioan đưa ra một ý nghĩa rất sâu xa trong màn nầy.

Bây giờ tôi xin trình bày việc giải thích bản văn: Gioan trước hết kể lại cho chúng ta một giai đoạn lịch sử, một kỷ niệm, và chắc chắn có một ý nghĩa tượng trưng phải truy tìm. Tự bổn gốc nền tảng phải có một sự việc đã xảy ra và có những bảo đảm lịch sử có giá trị. Sự hiện diện của các bà cạnh Chúa Giêsu trên Thánh Giá không phải là khó giải thích: đó là chuyện thường xảy ra lúc bấy giờ. Tôi đã nói tại sao người ta có thể nghĩ là các tác giả bản Tin Mừng nhất lãm đã không nói đến Maria trên đồi Calvariô. Chúng ta cũng nhớ là Luca có nói đến việc Ðức Trinh Nữ có mặt ở Giêrusalem với các Tông Ðồ trong thời gian giữa lúc Chúa lên trời và lúc Thánh Thần hiện xuống. Nên Mẹ hẳn có mặt ở Giêrusalem lúc Chúa chịu nạn: là người ngoan đạo Do Thái, thường là mẹ phải lên đền thánh vào dịp lễ Vượt Qua. Ngoài ra, việc Chúa hấp hối giao phó Mẹ mình cho môn đệ, là việc thường tình. Và người ta đã thấy đây là một trong những chỉ dấu của sự trinh khiết vĩnh viễn của Maria. Theo các chi tiết nầy, đoạn văn không tạo khó khăn cho sử gia.

Có phải Gioan muốn nói những việc đó mà thôi không? Theo tất cả những gì chúng ta đã biết về sự long trọng trong những màn Thương Khó Chúa, về lối nói mặc khải Chúa dùng, về chú thích cuối cùng của câu 28, thì đến mức đó là hoàn tất đầy đủ mầu nhiệm: và cũng lúc đó vị thế, sứ mạng của người môn đệ được mặc khải. Chúng ta cũng nói thêm đến sự đối chiếu song song với tiệc cưới Cana. Maria xuất hiện hai lần mà thôi trong Tin Mừng của Gioan, hai lần đối diện với Chúa Giêsu, và Chúa nói với Ngài một cách long trọng khi dùng chữ "Bà". Trong hai trường hợp luôn có chữ "giờ", và đề tài về giờ đó làm phản đề giữa hai màn. Khi thấy được toàn bộ các sự kiện, ta nghĩ rằng Gioan không chỉ muốn thuật lại một cảnh cảm động đã qua và chỉ nêu lên lòng trung hiếu của Chúa Giêsu đối với mẹ mình. Chắc chắn tác giả còn muốn đưa ra ý nghĩa sâu xa hơn nữa.

Ở đây phải để ý hai lối giải thích: những kẻ khước từ quan điểm tượng trưng và những kẻ chủ trương lối đó. Trong quan điểm đầu, đó là lối giải thích trước đây của trường phái Tin Lành, nhưng ngày nay sự thế cũng đã khác, vì có những người như Max Thurian nhìn nhận quan điểm tượng trưng một cách thâm tín. Trái lại, một số tác giả công giáo sợ phải đi quá xa, nhất là các tác giả công giáo Ðức như R. Schnackenburg. Cũng như H. van den Busche, một người từng viết một bài bình giải rất hay về Gioan, nhưng rất dè dặt về tất cả những gì có tính cách tượng trưng trong tiệc cưới Cana hoặc ở đồi Calvariô: đối với các tác giả nầy, hẳn đây chỉ là những lời từ biệt của Chúa Giêsu, là sự hiếu thảo đối với Maria. Ðường lối giải thích nầy xem ra không chấp nhận những gì chúng ta vừa trình bày.

Vì thế tôi xin đề nghị nên đi theo lối giải thích tượng trưng của A. Feuillet, de R. E. Brown. Ông Feuillet dựa vào một số tác giả liên kết màn ở Calvariô với đoạn 16, 21: "Người phụ nữ lúc sắp sinh con lo buồn vì giờ mình đã đến; nhưng khi bà đã sinh hạ, bà quên các cơn đau, bà ở trong nỗi vui vì một người được sinh ra đời". Ngụ ngôn về sự sinh hạ, về sự đau khổ cần thiết cho cuộc sống xuất hiện là một đề tài cổ điển của khải huyền mà người ta đã thấy nơi Isaia (66, 7-14; 26, 16-19). Những nỗi đau đó, là việc sinh ra một dân mới. Ý tưởng đó đã được khai thác trong các bài ca tụng của cuốn Qumran; người ta đã đọc được nơi đó một bức tranh khải huyền về người phụ nữ sinh con trong đau đớn, và khai sinh ra dân Chúa. Như thế, chúng ta có một hậu cảnh khải huyền Do Thái rất quan trọng. Ngoài ra, đây là một trong những "Logia" (= cách nói) riêng của Gioan; mà hình thức, lối văn, tư tưởng của nó cho ta thấy cũng là lối nói của chính Chúa Giêsu. Do đó, đây là một lời nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu diễn tả sự nảy sinh hoa trái của khổ đau Thánh Giá: người ta tìm thấy lại nơi đó những đề tài về người đàn bà, về giờ, về sự tái sinh và niềm vui Phục Sinh.

Khi Gioan trình bày Chúa Giêsu và Mẹ Ngài và giờ khổ nạn Thánh Giá: "Hỡi bà, nầy là con bà", đây phải được hiểu là một sự tái sinh: chính do đó mà các môn đệ trở nên những người em của Chúa Giêsu - và thực như thế, sau đó Tân Ước sẽ gọi họ là những người em Chúa Giêsu (Mt 28, 10; Gioan 20, 17). Maria nhận một chức phận Giáo Hội: mẹ đại diện dân mới, vào giờ Chúa Giêsu đón nhận tất cả những người em của Chúa Giêsu sinh ra từ nỗi đau khổ của Thánh Giá. Trong giai đoạn lịch sử đó, Gioan thấy Maria đại diện cho Giáo Hội, và trước khi nói rằng Maria được phó thác cho Gioan, thì tác giả cho thấy Gioan được phó thác cho Maria, vì Maria là kẻ có thể giúp các môn đệ đi vào sự sống của Chúa Giêsu, biết Ngài, và hiến trọn cho Ngài (11). Cần phải đào sâu hơn nữa để thấy được tại sao người ta khám phá ra Maria là hình ảnh Giáo Hội, nơi Tin Mừng thời thơ ấu của Luca cũng như ở đây: hẳn nhiên vì người ta thấy nơi Mẹ sự trung tín tuyệt vời, là người đã làm nên Ðức Giêsu thì cũng là kẻ có đủ tư cách hơn cả để giúp cho môn đệ thật sự trở thành em của Ngài.

Cuối cùng, câu truyện nầy mang trọn tất cả ý nghĩa của nó, đã được tiên đoán trong sự khác biệt với Cana. Maria đã làm nên Chúa Giêsu cho đến Cana. Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng mình và nói với Mẹ: "Nay hãy để con làm". Nhưng trên Thánh Giá, Chúa Giêsu sắp ra đi và công việc của Ngài phải được tồn tại: sự tái sinh phải được thực hiện nơi mỗi môn đệ và Maria là hình ảnh tuyệt vời cho dân mới đang sinh ra trong khổ đau của sự sinh đẻ nơi Thánh Giá. Ở đây Gioan thấy một nội dung sâu xa vì tác giả hiểu biết thấu đáo Maria: đối với tác giả Mẹ là một kẻ tin hoàn hảo; đức tin của Mẹ phong phú đến nỗi đã làm nên Con Thiên Chúa và có thể làm nên những người em của Chúa Giêsu.

IV. Sách Khải Huyền 12

Có một đoạn văn cuối cùng mà vấn đề về Maria nơi Gioan được đặt ra: thị kiến về người phụ nữ và con rồng trong Khải Huyền 12. Ðoạn văn phải được đọc trong toàn bộ cuốn Khải Huyền, đồng thời phải lưu ý đến lối văn rất đặc biệt nầy. Chúng ta đã biết đến lối văn đó từ đề tài đến các kỹ thuật hành văn qua các bản văn Khải Huyền của văn chương Do Thái: Daniel, Hénoch, Baruch, Esdras. Theo truyền thống và ngay từ đầu, cuốn sách nầy được nhìn nhận là do Gioan viết. Thực vậy, ngay từ đầu sách, tác giả nói: "Tôi là Gioan, anh em của quý vị...". Khi người ta so sánh cuốn Khải Huyền với cuốn Tin Mừng thứ tư, người ta thấy giữa hai cuốn sách có những sự khác biệt lớn lao, do từ cách hành văn của hai cuốn. Nhưng người ta cũng thấy có những điểm gặp gỡ quan trọng giữa chúng, như việc Chúa Giêsu được gọi là Ngôi Lời Thiên Chúa, là lối nói chỉ có trong hai cuốn nầy. Có phải cùng một tác giả đã viết không? Hoặc một môn đệ nào đó của vị Tông Ðồ nầy đã chép lại ý nghĩ của thầy mình? Nhiều nhà phê bình ngày nay nghĩ rằng thánh Tông Ðồ đã viết Khải Huyền, và các đồ đệ của ngài đã viết cuốn Tin Mừng. Không có gì rõ rệt cho lắm trong giả thuyết nầy. Nhưng điều chắc chắn là cuốn Khải Huyền phát xuất từ môi trường nơi Tin Mừng của Gioan đã được viết ra.

Câu truyện của chúng ta nằm trong một chuỗi các thị kiến: nó đi trước thị kiến về con quái vật dưới biển và con quái vật trên đất, sau đó là các thị kiến của những người được cứu thoát, các thiên thần loan báo ơn cứu độ, mùa gặt và cảnh hái nho. Ở đây chúng ta gặp lại một lối cấu trúc văn chương thông dụng trong bản văn Khải Huyền: từng đợt số 7. Chẳng hạn bảy chén, bảy kèn, bảy vết thương trên nhân thế. Những dấu hiệu đi tiếp thị kiến của người đàn bà tượng trưng cho hoàn cảnh Giáo Hội bị bách hại: con quái vật đi ra khỏi biển là uy quyền đế quốc sắp sát hại những Kitô hữu vì họ từ chối lối phụng thờ của đế quốc; quái vật trên đất, có lẽ là một giới giáo sĩ "Asiate" chỉ huy cơn bách hại nầy. Ngay ở đây toàn bộ bản văn giúp ta khám phá được hình ảnh muốn nói gì: thị kiến về người phụ nữ mô tả hoàn cảnh của Giáo Hội sơ khai đang chiến đấu với Satan trong cuộc bách hại và việc làm chứng Chúa Giêsu.

Một nội dung khác nữa: ở đây người đàn bà đang sinh hạ và sinh ra Ðấng Thiên Sai. Cần nhìn hậu cảnh của bản văn nầy qua Isaia 22, 66: người phụ nữ là toàn dân, đang sinh ra một thế giới mới, một tạo vật mới, một nhân loại mới.

Ðiều tôi nói trước tiên để giải thích chương 12 là ở đây chúng ta theo một hành trình ngược lại với hành trình của Tin Mừng. Trong Tin Mừng của Gioan, tác giả thuật lại những màn cảnh liên quan đến Maria và từ đó đi đến một biểu tượng về Giáo Hội; trong sách Khải Huyền người ta khởi từ một hình ảnh của dân Chúa và tìm thấy lại nơi đó Maria. Hai phương cách nầy bổ túc cho nhau.

Ðây là đoạn văn:

"Một dấu hiệu uy nghi đã xuất hiện trên trời: đó là một Người Ðàn Bà! Mặt trời phủ bà, mặt trăng dưới chân bà, và mười hai ngôi sao quấn trên đầu bà; bà đang mang thai và la lên vì cơn đau sinh nở" (câu 1).

Như vậy, đây là một bà đang sinh con và được đội triều thiên 12 ngôi sao: đó là một biểu tượng truyền thống của dân Chúa và mười hai thị tộc của nó.

"Sau đó một dấu hiệu thứ hai xuất hiện trên trời: một con Rồng khổng lồ màu lửa đỏ có bảy đầu và bảy sừng, mỗi đầu có đội thêm một vương niệm. Ðuôi nó quét một phần ba các ngôi sao trên trời và quẳng các sao đó xuống đất" (các câu 3- 4).

Ðoạn nầy nhắc ta nội dung của Daniel 8, 10. Bản văn áp dụng về việc các thiên thần sa đọa (đọc phần sau đó sẽ thấy).

"Dừng lại trước người Ðàn Bà đang sinh con, con Rồng chực vồ lấy đứa con mới sinh của bà. Vì Người Ðàn Bà đã sinh ra đời một đứa con trai, là người sẽ dẫn dắt toàn thể các nước với một gậy sắt" (xem câu 4-5).

Ở đây chúng ta có một câu trích của Thánh Vịnh 2, Thánh Vịnh nói đến Ðấng Thiên Sai. Vì theo truyền thống của văn chương Khải Huyền, dân cũ đẻ ra dân mới vào thời Ðấng Thiên Sai, nên hình ảnh nầy thường phải được áp dụng cho sự sinh ra của Ðấng Thiên Sai và dân Ngài. Nhưng một Kitô hữu không thể đọc điều đó mà không nghĩ đến chính mẹ của Ðấng Thiên Sai, và người mẹ nầy có một tên là: Maria.

"Và đứa trẻ được đưa lên cạnh Thiên Chúa và ngai Ngài, trong khi đó người Ðàn Bà chạy lánh ra sa mạc, nơi mà Thiên Chúa đã xếp đặt cho Bà một nơi trú ẩn để bà được dưỡng nuôi ở đó trong 1260 ngày" (các câu 5-6).

1260 ngày nghĩa là gần ba năm rưỡi; từ Daniel, ta được biết thời gian nầy theo văn chương Khải Huyền là thời gian thử thách của giai đoạn cuối của lịch sử. Daniel trước đây đã đưa ra thời gian đó vì một lý do lịch sử, đó là thời gian bách hại của Antioches Epiphane.

Nhưng câu 7 đến 12 tiếp theo liên quan đến sự sa đọa của các Thiên Thần. Câu 9: "Con Rồng khổng lồ, con Rắn từ ngàn xưa, Quỷ sứ hoặc Satan như ta gọi nó, kẻ quyến rũ dụ dỗ toàn thế giới" hẳn nhiên có liên quan đến câu truyện trong Sáng Thế, đến con rắn đã cám dỗ người nữ. Và việc đó nhắc đến Người Ðàn Bà vào thủa ban đầu, hình ảnh của Eva, mẹ nhân loại, hình ảnh rõ rệt hơn cả về dân. Một số tác giả đã thử tìm lại Eva trong Gioan 19 và nhất là ở Cana, vì người ta tìm thấy có chữ "Người Ðàn Bà". Các nhà minh giải Thánh Kinh ngày nay đã bác khước chuyện đó vì không phải chỉ cần có chữ "Ðàn Bà" là phải nghĩ đến Eva. Ngược lại, việc nêu lên con rắn từ xưa nơi sách Khải Huyền lại thực sự nhắc đến một vài nét đặc trưng của Eva nơi người Ðàn Bà ở đây: sự tranh chấp thủa trước khi Satan đã cám dỗ Eva, cuộc tranh chấp lịch sử khi Satan đã muốn chế ngự Chúa Giêsu, thì nay sự thể vẫn tiếp tục trong cuộc bách hại.

Như thế, sự việc xảy ra nổi bật là Người Ðàn Bà ở chương 12 là mẹ của dân Chúa trong cơn thử thách: bà đã biết cơn thử thách nơi Eva, bà đã biết cơn thử thách nơi Maria, và cơn thử thách tiếp tục trong lịch sử Giáo Hội. Cơn thử thách đó được diễn tả trong các câu 13 và tiếp theo:

"Khi thấy mình bị ném xuống đất, con Rồng lao mình đuổi bắt người Ðàn Bà, mẹ của Ðứa Con Trai. Nhưng Bà nắm đôi cánh của con Ðại Phượng Hoàng để bay đến sa mạc cho tới nơi trú ẩn, ở đó, xa khỏi con Rắn, Bà phải được nuôi dưỡng một thời và nhiều thời, và một nữa của một thời".

Ðây cũng là ba năm rưỡi chịu khốn khổ trong buổi chung mạt để đi vào vương quốc mà Chúa sẽ đến một cách chung toàn. Trong lúc chờ đợi, cuộc chiến đấu tiếp diễn giữa Satan luôn dụ dỗ và Người Ðàn Bà thiên quốc:

"Bấy giờ, con Rắn từ miệng mửa ra như một giòng sông chảy theo sau Người Ðàn Bà để kéo Bà vào các lớp sóng của mình. Nhưng trái đất đến cứu Người Ðàn Bà: Bà mở miệng ra, nuốt giòng sông do miệng con Rồng đã mửa ra. Lúc ấy, vì tức tối giận dữ chống lại Người Ðàn Bà, nó ra đi gây chiến chống lại phần còn lại của các con bà, tức là những kẻ vâng phục các lệnh của Chúa và mang nhân chứng của Chúa Giêsu".

Cuộc chiến được chương 13 cuốn Khải Huyền diễn tả là sự bách hại tìm cách triệt hạ Kitô giáo tại Á châu.

Khung cảnh chung của đoạn văn muốn diễn tả cho chúng ta biết số phận của dân Chúa từ Eva cho đến thời bách hại Roma, và dân đó được trình bày qua hình ảnh người đàn bà: mẹ của dân, là Eva, và cũng là Maria. Những vị tử đạo ngày nay là con của người đàn bà ấy.

Diễn tả bà đó cách nào? Người ta mang cho bà ta một số nét của Eva vì bà bị con rắn thách thức; người ta cho bà đó một vài nét của Maria vì bà đó đã sinh hạ người con, đấng sẽ cai trị các nước với một cây gậy sắt; và người phụ nữ ở trong sa mạc nầy cũng là Giáo Hội bề ngoài như bị bỏ rơi, luôn phải chịu thử thách. Như thế chúng ta có ba hình ảnh chồng lên nhau: Eva, Maria và Giáo Hội. Chính Giáo Hội, dân Chúa được đặt nổi lên. Nhưng trên cái nhìn thần học về Maria, sự thể đó có nghĩa là người ta thấy nơi Maria là kẻ cưu mang và đại diện tuyệt vời dân Chúa, cuộc sống huynh đệ của tất cả môn đệ Chúa Giêsu. Bởi vì làm Mẹ Chúa Giêsu, Maria đã nhìn tất cả các môn đệ như con mình. Mẹ đã hiệp thông với Tin Mừng và sứ mạng của Chúa Giêsu một cách gắn bó đến độ cùng với Chúa, Mẹ đã cho cái chết và sự sống lại của Ngài một ý nghĩa Giáo Hội. Chúa Giêsu thấy tất cả những gì đến với Ngài đều có liên quan đến Nước Thiên Chúa. Maria đã có một đức tin vào con mình, một đức tin thâm sâu đến nỗi Mẹ đã có thể nhìn số phận của Chúa Giêsu và số phận của Mẹ chính là để phục vụ Nước Trời. Ðối với những Kitô hữu đầu tiên từng biết Maria, không có gì lạ khi họ có được hình ảnh nầy: Mẹ là người trung tín, là người kết hợp với công việc Chúa Giêsu một cách gắn bó đến nỗi người ta có thể thấy nơi Mẹ hình ảnh tuyệt vời của Giáo Hội.

Ðến cuối phần nghiên cứu nầy, chúng ta nhận thấy rằng Giáo Hội thời sơ khai đã cần một thời gian nào đó để nhận ra vai trò của Maria trong tất cả các chiều kích sâu rộng của nó. Người ta biết sự thể đó có hai lý do để giải thích: Một phần Thiên Chúa là nhà giáo dục và Ngài không cho cả một lần. Mặc khải về Chúa Giêsu là ưu tiên tuyệt đối. Phần khác, mặc khải không bao giờ đến với chúng ta qua lời nói; trong các bài giảng mà Chúa Giêsu có thể làm, nhưng đã không làm, vì mặc khải phải đến với ta qua chính biến cố của Giáo Hội. Vai trò của Maria xuất hiện ra như một sự kiện được Giáo Hội hiểu dần dần, thấm nhập sâu xa và diễn tả ra trong kinh nghiệm của mình. Chính khi sống Tin Mừng của Chúa Giêsu, khi phục vụ Nước Ngài, bấy giờ Giáo Hội mới dần dần biết được nữ tì của Chúa: trong sự trung tín cụ thể, trong đức tin sâu xa, trong vai trò làm nên Giáo Hội, cuối cùng trong ân sủng đặc biệt Chúa đổ đầy nơi Mẹ.

 

Chú Thích:

(7) Paroles littérales

(8) Chẳng hạn các nhà nghiên cứu công giáo gần đây như M.R. Schnackenburg, và nhất là H. van den Busche.

(9) F.M. Braun; J.J. Weber; J. Galat; A. Feuillet; Maria. Thurian; R. E. Brown).

(10) Xem bài nghiên cứu của R. E. Brown.

(11) Trong bản văn, không nêu lên tên Gioan, nhưng là "người môn đệ Ngài yêu mến". Ðã có nhiều tranh luận xem người đó là ai. Cha Boismard nghĩ người đó là Philipphê. Nhưng thường người ta vẫn nghĩ là Gioan kín đáo nói đến mình. Bên trên cuộc tranh luận đó, "người môn đệ Chúa yêu", theo tác giả Tin Mừng, chỉ kẻ Chúa Giêsu tin tưởng vì người đó trung tín, là kẻ Ngài có thể mặc khải mầu nhiệm. Và không phải ngẫu nhiên người đó được phó thác cho Maria: người đó đại diện cho tất cả những ai phải thực sự trở thành em của Chúa Giêsu qua Maria. Và người môn đệ trung tín đón nhận Maria cũng là Giáo Hội, có trọng trách thực thi luôn mãi việc của Chúa Giêsu.

 

Centre de recherches religieuses

André de Phú Yên

(C) Copy Right by Ðịnh Hướng Tùng Thư

13 g rue de l'ILL, F. 67116 Reichstett, France

Tái Bản 2004

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page