Ðức Maria Trong Tân Ước

Tác Giả: Linh Mục Augustin George

Người dịch: Giáo Sư Nguyễn Ðăng Trúc

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Phần năm

Ðức Maria trong thời

hình thành các bản Tin Mừng

 

Trước hết tôi lược qua phần kỹ thuật hành văn mà ta cần để ý trước khi đi vào chính bản văn. Các bản Tin Mừng của chúng ta không phải được hình thành trong một chốc lát.

Khởi đầu là lời giảng dạy bằng miệng, và mỗi lần như thế không hẳn là một câu truyện có trước sau đầy đủ: có lúc, người ta kể lại sự thương khó (và đó là một trong những câu truyện đầu tiên được hoàn chỉnh), có lúc người ta thuật lại các lần Chúa hiện ra sau khi Ngài đã sống lại, hoặc các mối phúc, các dụ ngôn... có thể nói như một chuỗi dài những sự kiện nhưng không liên kết với nhau.

Trong đợt hai, người ta kết hợp các yếu tố nầy, làm thành những phần riêng, và bắt đầu chép lại. Cuối cùng, từ những bản viết rời sau đó, Marcô đã viết ra bản Tin Mừng của mình vào khoảng năm 67. Tiếp đến, vào các năm 80 xuất hiện Tin Mừng của Luca và Mathêu trong bản văn ta có ngày nay.

Các bản Tin Mừng của chúng ta như vậy là kết quả của một sự hình thành kéo dài trong 50 năm: các yếu tố được chép lại, sắp xếp thành chương khúc, hình thành những nguồn tài liệu đầu tiên và sau hết là viết ra các bản Tin Mừng. Qua các giai đoạn khác nhau đó, không phải chỉ có việc lặp lại y nguyên bản: khi kể lại một phép lạ, một dụ ngôn hay một biến cố nào đó (chẳng hạn Chúa biến hình), người ta lấy lại những điều hiểu biết trong truyền thống của mình để đưa vào những yếu tố minh giải, một lối suy tư về Chúa Kitô về Nước Trời, và cuối cùng, như ta sẽ thấy về Maria. Nên ngày nay ta cần phải đọc các bản Tin Mừng của chúng ta như là những bản văn có nhiều tầng đợt ý nghĩa. Và thông thường, ngay cả trong một đoạn thôi, chúng ta sẽ thấy có truyền thống của Giáo Hội sơ khởi Palestine nhưng đồng thời cũng đã manh nha có việc giải thích thần học rồi.

I. Sự Can Thiệp Của Người Thân Chúa Giêsu Trong Marcô, Mathêu Và Luca

Rõ rệt hơn cả là trường hợp được kể lại trong đoạn thật khó giải thích kể lại việc người thân Chúa Giêsu đến tìm Ngài (Mc 3, 31- 35; Mt 12, 46- 50; Lc 8, 19-21). Ở đây, chúng ta cố tìm hiểu về truyền thống sơ khởi và những gì truyền thống đó cho ta biết về Maria, sau đó là suy nghĩ của Giáo Hội về Ngài; cuối cùng những suy nghĩ của Marcô, Mathêu và Luca bổ túc giúp ta hiểu thêm về thân thế và vai trò của Maria.

A) Câu truyện do Marcô kể (3, 31-35)

Marcô đã kể lại những phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu và việc Ngài chọn 12 Tông Ðồ. Và liền sau đó xảy ra những vụ tranh cãi đầu tiên, một màn phản đối, không phải chỉ do các vị thông thái, nhưng ngay cả trong quần chúng. Trước sự việc nầy, Chúa Giêsu dùng ngụ ngôn để tùy mức độ của người nghe mà chuyển đạt lời giảng dạy của Ngài. Có người, thì Ngài có thể giải thích tất cả; nhưng có người, Ngài chỉ có thể nói bằng dụ ngôn, một phương cách nói sự thật bằng cách kêu gọi người nghe nỗ lực tìm hiểu; và thành quả được bao nhiêu tùy lòng độ lượng đón nghe của họ.

Trong bối cảnh đó, đoạn văn Marcô 3, 20- 21 được đưa vào: "Ngài trở về nhà và đám đông lại chen chúc tìm đến - đến độ không có thể nào xoay xở để dùng bữa được. Và khi hay tin, người thân của Ngài đi tìm Ngài để nhắc nhở, vì họ cho rằng: Ngài đã đi quá mức rồi". Những người thân: "Những kẻ ở gần Ngài", ở đây hẳn có nghĩa là gia đình Ngài, biểu lộ phản ứng của mình trước sự ái mộ của quần chúng đối với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã bỏ làng, bỏ nghề, bắt đầu giảng dạy và làm phép lạ. Người ta ồ ạt tìm đến, đem theo bao kẻ bệnh tật, có người níu kéo Ngài không chút ngại ngùng theo lối của các cuộc tập trung trong xã hội đông phương; và Ngài không còn cả thì giờ để dùng bữa. Bấy giờ gia đình Ngài lo lắng và phản ứng: Không thể như thế nầy mãi được "Ngài đã đi quá mức rồi". Không nên dịch như đôi khi người ta đã từng viết: "Ngài đã điên, đã loạn trí". Không, đây chỉ có nghĩa là Ngài đã quá nồng nhiệt một cách nào đó, nên không còn giờ để ăn để ngủ, và cần phải chấn chỉnh lại. Ðây là nói về một sự quá mức nhưng không có gì xấu xa trong đó. Người thân Chúa Giêsu thấy Chúa đi quá xa và muốn ngăn chận sứ mạng của Ngài.

Tiếp theo đó là một cuộc tranh cãi với người Pharisiêu (Mc 3, 22- 30): Chúa Giêsu nhân danh ai để trừ quỷ? Ðây là việc giải thích các phép lạ của Chúa Kitô. Những kẻ không tin nói: Ðó là do quỷ. Chúa Giêsu quả quyết: Ðây là do Thánh Thần của Chúa, và đó là dấu hiệu của Nước Trời. Bấy giờ gia đình Chúa Giêsu đi đến, hoặc rõ rệt là "Mẹ Ngài và anh em Ngài". Theo Marcô 3, 31: "Mẹ Ngài và anh em Ngài đi đến, và từ ở bên ngoài, họ muốn gặp Ngài". Ở đây có sự khác biệt rõ rệt với đoạn 3, 20- 21, khi những người đi theo Chúa Giêsu muốn giữ lấy Ngài và ngăn cản sứ mạng của Ngài. Ðoạn văn ở đây nói rõ rệt, nói rõ mẹ và anh em Chúa Giêsu, và chỉ nói họ kiếm Ngài. Không có việc làm ngăn trở sứ mạng Ngài hoặc nói Chúa Giêsu đã đi quá xa. Giữa 3, 20 và 3, 21 có một sự khác biệt mà dường như Marcô nêu rõ lên; tác giả không muốn gán cho Maria trách nhiệm về nhận xét Chúa đi quá mức hoặc về chú tâm ngăn chận sứ mạng của Ngài. Ðây cũng là giả thiết, nhưng cần nêu lên: có sự kiện khác biệt nầy phải chăng là cố gắng đầu tiên muốn làm nhẹ đi quan điểm của truyền thống vì có sự hiện diện của Maria.

Nhưng chúng ta hãy tiếp tục nghiên cứu bản văn: "Bây giờ nhiều người chung quanh Ngài và người ta nói với Ngài: Nầy mẹ Ngài, các anh em Ngài ở ngoài kia đang tìm Ngài. Ngài trả lời với họ: Ai là Mẹ Ta? Là anh em Ta? Ðưa mắt nhìn trên những kẻ đang ngồi vòng chung quanh Ngài, Ngài nói: Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Bất cứ ai làm theo ý Thiên Chúa, người đó là anh em, chị và mẹ của Ta" (3, 31-35). Ðây là một lời nói hết sức cứng cỏi vì nó tạo ra sự đối nghịch giữa các môn đệ và gia đình. Những ai làm theo ý Thiên Chúa, những ai ở đó để nghe lời Thiên Chúa, đó là gia đình thật của Chúa Giêsu, gia đình siêu nhiên của Ngài.

Trong nhiều đoạn văn Tin Mừng, và đặc biệt những đoạn khó hiểu và xem ra mâu thuẫn, chỉ có thể khám phá được ý nghĩa thật của chúng khi ta đưa chúng vào toàn bộ bản Tin Mừng. Ngoài đoạn trên, ta thấy những lời nào, những thái độ nào của Chúa Giêsu có thể giúp ta được giải đáp cho điều khó khăn nầy không? Có: đó là những đoạn Chúa buộc các môn đệ Ngài phải chọn giữa Ngài và gia đình của họ.

Ðây là đoạn văn Marcô 10, 28: "Phêrô bắt đầu thưa Ngài: Nầy, phần chúng con, chúng con đã bỏ tất cả và đã theo Thầy. Chúa Giêsu tuyên bố: Ta nói thật với các con, không ai bỏ nhà, anh em, chị em, mẹ, cha, con cái hoặc ruộng vườn vì Ta và vì Tin Mừng mà không nhận ngay bây giờ, trong thời gian nầy, một trăm lần hơn về nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con và ruộng vườn, với những sự bắt bớ; và trong thời phải đến là cuộc sống vĩnh cửu".

Hoặc ở một đoạn nữa, Marcô 13,12-13, khi Chúa Giêsu nói về sự trung tín trong lúc bị bách hại: "Anh em sẽ nộp nhau để bị xử tử, và cha con cũng thế, cũng như con cái sẽ đứng lên tố giác cha mẹ và làm cho họ phải bị xử tử. Và các con sẽ bị người ta ghét bỏ vì danh Ta, nhưng ai đứng vững đến cùng, người đó sẽ được cứu độ". Trong Tin Mừng Marcô, người môn đệ là kẻ đã bỏ gia đình mình để hiến mình trọn vẹn cho sự nghiệp của Nước Trời. Và Chúa Giêsu là người đầu tiên thực hiện điều mà Ngài buộc các môn đệ phải làm: đó là cảnh tượng xuất hiện trong đoạn nầy ở chương 3. Khi người ta biết được sứ mạng của các mối liên hệ gia đình của xã hội đông phương, người ta sẽ thấy sự xác quyết của Chúa Giêsu thật là kinh hoàng: Ngài đã chọn giữa gia đình trần thế của Ngài và gia đình của những kẻ tin, của những ai làm theo ý Thiên Chúa.

Dường như trong đoạn văn nầy của Marcô, người ta có thể cân nhắc hình thức của truyền thống sơ khởi. Gia đình Chúa Giêsu chống cản sứ mạng của Chúa, và Chúa Giêsu đã trả lời: sứ mạng trên tất cả, và như việc ta buộc môn đệ ta dứt khoát với gia đình họ, thì nay ta cũng dứt mối liên hệ với gia đình ta. Trong truyền thống sơ khởi đó, Maria chỉ xuất hiện là vì Ngài làm Mẹ Chúa Giêsu, chứ thật ra chưa có gì được nói về Ngài, tốt cũng như xấu.

Tuy vậy khi đọc lại bản văn nầy ở mức suy nghĩ của Marcô, người ta nhận thấy tác giả đã lưu ý không xếp Maria vào danh sách những kẻ nói Chúa Giêsu đã đi quá mức và muốn ngăn chận sứ mạng Ngài (3, 21). Nhưng ta thấy dường như trong truyền thống đầu tiên, người ta xếp những kẻ đã muốn ngăn trở sứ mạng của Chúa (3, 21) cũng chính là những kẻ đã đến tìm Chúa Giêsu (3, 21): sự kiện nầy giải thích sự phản đối mạnh mẽ của Chúa Giêsu khi Ngài xác định rằng Ngài phải chọn lấy gia đình siêu nhiên của Ngài.

Nhận xét về Marcô phân biệt trường hợp của Maria giúp ta hiểu được rằng Maria không thể chống lại sứ mạng của Chúa, Mẹ đã hiểu một cái gì đó về công việc của Con mình. Ðây là một chỉ dẫn rất tinh tế, nhưng tôi tin rằng qua sự khác biệt nầy giữa hai đoạn văn của Marcô ta có khám phá ra nội dung đó; nhất là khi ta đọc lại chính câu truyện nầy trong Mathêu và Luca, thì sự kính trọng Ðức Maria lại càng xuất hiện rõ rệt hơn.

B) Câu truyện do Mathêu kể (12, 46- 50)

Mathêu bỏ qua không kể lại phản ứng của người thân trong gia đình được tường trình trong 3, 21. Nhưng, chắc hẳn tác giả đã từng đọc qua điểm nầy trong các nguồn tài liệu vì đây không phải là những sự việc người ta bịa ra, nhưng đã do truyền thống đã lâu lưu truyền lại. Mathêu nói thế nầy: "Ngài còn nói với quần chúng, thì mẹ Ngài và anh em Ngài xuất hiện, họ đứng bên ngoài cố tìm cách nói chuyện với Ngài" (12, 46). Như thế chúng ta thấy Mathêu bỏ đoạn người nhà có thể không bằng lòng với sứ mạng của Chúa: họ chỉ cố tìm cách nói chuyện với Ngài. Ðoạn tiếp hầu như hoàn toàn giống Marcô, với một vài thay đổi nhỏ. Mathêu không ghi lại ý định của người thân của Chúa được Marcô kể trong 3, 21: vì tác giả không thể cho rằng Mẹ và anh em Chúa Giêsu chống đối sứ mạng của Ngài. Và sự việc đó được giải thích một cách khá hiển nhiên, vì tác giả biết anh em Chúa Giêsu đóng vai trò quan trọng trong Giáo Hội thời sơ khai. Tác giả biết Giacôbê đã là kế vị của Phêrô ở Giêrusalem, cũng như các việc làm của Simon và Giuđê. Tác giả thấy được Mẹ và anh em Chúa Giêsu như Giáo Hội đương thời của tác giả đã từng thấy; Mẹ và anh em Chúa thực sự là những nhân chứng giúp người đương thời biết về quá khứ Chúa Giêsu. Sự hiểu biết về vai trò của Maria và anh em Chúa Giêsu trong Giáo Hội sơ khai giúp Mathêu điều chỉnh lại nội dung câu truyện: tức là họ đã không thể muốn ngăn chận sứ mạng của Chúa Giêsu.

Ngoài ra, Mathêu thuật lại trong Tin Mừng của mình một cách rõ rệt hơn Marcô, những lời nói hết sức quí giá về sự từ bỏ gia đình vì Nước Trời. Trong đoạn 8, 21 một môn đệ nói: "Thưa Thầy, xin cho con được đi chôn cha con trước đã. Nhưng Chúa Giêsu trả lời: ngươi hãy theo Ta và để kẻ chết chôn kẻ chết". Chúng ta thật khó mà hiểu hết tất cả nội dung sâu kín của những lời nói kinh hoàng nầy. Trong tất cả mọi nền văn minh, con chôn cha là một nghĩa vụ thần thánh, nhất là trong xã hội đông phương. "Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta". Ðây cũng thế: Chúa Giêsu tự mình thực hiện sự từ bỏ mà chính Ngài buộc các kẻ theo Ngài sẽ phải làm.

Trong Mathêu 10, 34- 37 ta cũng còn thấy nội dung nầy khi nói đến những bổn phận của người truyền giáo: "Các người đừng nghĩ là Ta đến để mang hòa bình trên nhân thế; Ta đã không đến để mang hòa bình, nhưng là gươm giáo. Vì Ta đã đến làm cho người ta chống lại cha mình, con gái chống lại mẹ mình và nàng dâu chống lại mẹ chồng. Người ta sẽ có kẻ thù là người của gia đình mình. Ai yêu cha mình hoặc mẹ mình hơn Ta thì không xứng đáng với Ta". Ðây là những lời nói giải thích cho ta hiểu thái độ của Chúa Giêsu đối với Mẹ Ngài và anh em Ngài. Những lời đó không nhằm phê phán về giá trị của Maria hoặc của anh em Ngài, nhưng chúng nói lên một luật tổng quát: Nước Trời trước mọi sự, hơn cả những liên hệ trần thế cao cả nhất. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng ở một trường hợp khác Chúa Giêsu sẽ bảo vệ điều răn thứ tư (15,3-6;19, 19).

Về những gì giới hạn trong đề tài của chúng ta, chúng ta nhận thấy Mathêu đã bỏ hẳn tất cả những gì có thể làm cho ta nghĩ rằng gia đình Chúa Giêsu muốn ngăn trở sứ mạng của Chúa, và sở dĩ như thế vì tác giả biết vai trò quan trọng của Maria và anh em Chúa Giêsu trong cộng đoàn Giáo Hội thời bấy giờ.

C) Câu truyện do Luca kể (8, 19- 21)

Với bản văn của Luca, thì sự việc còn rõ rệt hơn. Chúng ta có được một cái gì rất cụ thể trong cái nhìn về Maria. Xét về mặt văn tự, đoạn văn của Luca không quá khác biệt với những đoạn tương tự trong Marcô và Mathêu. Nhưng có những điều chỉnh khá quan trọng và nhất là việc sắp xếp vị trí của đoạn văn cho ta thấy có những chỉ dẫn rất hay. Trong Marcô và Mathêu, câu truyện được xếp trước các dụ ngôn. Luca đặt ra đằng sau. Việc nầy thoạt tiên xem ra không quan trọng gì, kỳ thực rất có ý nghĩa. Trước hết, trong Luca bài giảng về các dụ ngôn rất ngắn và nhất là tập chú vào một bài học: hãy lắng nghe Lời Chúa. Ðó là dụ ngôn về hạt giống, tức là Lời Chúa; hạt giống đó sinh hoa quả khác nhau tùy sự tiếp nhận của người nghe. Và Chúa Giêsu kết luận: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe". Cũng như ngụ ngôn về cây đèn: "Các ngươi hãy coi chừng về phương cách lắng nghe của mình". Và Luca lấy việc lắng nghe Lời Chúa nầy làm kết luận cho đoạn văn về bà con của Chúa Giêsu, được xếp liền sau đó.

Nay hãy đọc ngay đoạn văn của Luca (8, 19- 21):

"Bấy giờ mẹ Ngài và anh em Ngài đến tìm Ngài, nhưng họ không thể đến gần được Ngài vì đám đông".

Luca không nói như Marcô và Mathêu là họ đứng ngoài, nhưng họ không thể đến gần. Cũng như chúng ta nói một cách khác: họ đã không muốn đứng ngoài, họ muốn đến gần lắm, nhưng không thể được. Như thế, Luca xóa bỏ tất cả những gì xa cách giữa gia đình và Chúa Giêsu:

"Người ta cho Ngài hay: Mẹ Ngài và anh em Ngài ở bên ngoài và muốn gặp Ngài. Nhưng Ngài trả lời với họ: Mẹ Ta và anh em Ta là những kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa và thực hiện lời đó".

Ðây cũng thế, Marcô và Mathêu đặt sự đối nghịch qua câu hỏi: "Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?". Luca chỉ nói đơn sơ: "Mẹ Ta và anh em Ta, đó là những kẻ lắng nghe Lời Chúa". Như thế, tác giả nầy đã xóa đi sự đối phản quá gắt và không còn sự xung khắc giữa người thân và gia đình mới của Chúa Giêsu. Và nội dung đó trở thành kết luận cho bài giảng về các dụ ngôn.

Bây giờ, quay lại Tin Mừng thời thơ ấu Chúa trong Luca để thấy Maria được nêu lên như là kẻ có phúc vì đã nghe lời Chúa: "Phúc cho em, vì em đã tin" (1, 45). Gương mẫu cho kẻ nghe lời Thiên Chúa là chính Maria. Như thế ta hiểu được tầm quan trọng trong việc xếp đặt vị trí đoạn văn trong Luca. Cùng với đề tài của truyền thống: người môn đệ phải từ bỏ gia đình mình; và Luca là tác giả viết Tin Mừng làm nổi bật hơn ai cả nội dung nầy. Nhưng tác giả nầy lại cố ý cho ta thấy ở đây không có một phê phán nào tiêu cực để gán cho Maria. Trái lại: sự cao cả của Mẹ, không phải trước hết là được làm Mẹ Chúa Giêsu về thể xác, nhưng là do việc hằng lắng nghe lời Thiên Chúa. Và nhờ thế, câu truyện do Luca thuật lại xóa đi tất cả những gì tiêu cực có thể gợi lên trong truyền thống sơ khởi.

Khi ta đào sâu câu truyện nầy trong Marcô rồi đến Mathêu và cuối cùng trong Luca ta có thể thấy được một sự khám phá tuần tự về Maria. Truyền thống không cho ta biết gì, không tích cực, cũng chả tiêu cực. Marcô đã nghĩ rằng không thể nói quá cứng về Maria; Mathêu nêu rõ hơn nữa ý định của mình, nhưng với Luca thì Maria xuất hiện như một giá trị tích cực.

Nhận xét đó còn sáng tỏ hơn nếu ta biết Luca lấy lại đề tài nầy ở 11, 28. Về mặt thuần túy văn chương, cũng là một điểm lạ vì đây là một lối nói trùng. Luca chắc chắn đã dùng cùng một truyền thống để thuật hai đoạn nầy. Cũng một câu truyện trong Mathêu (12, 22- 45) đoạn văn nầy của Luca được xếp tùy theo sự tranh cãi về bụt Béelzéboul và sự hoành hành trở lại của tà thần. Ðây là đoạn văn của Luca: "Và, khi người đang nói thế, thì một người phụ nữ lên tiếng giữa đám đông và nói với Ngài: phúc cho bụng dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú. Nhưng Ngài trả lời: còn phúc hơn nữa cho kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa và giữ lấy". Luôn luôn ta thấy cùng một lời (khẳng quyết liên tục) đó: phải lắng nghe lời Thiên Chúa. Muốn hiểu điều đó trong tư tưởng Luca, chúng ta cần nhớ lại những gì tác giả đã nói ở chương 2 các câu 19 và 51: "Maria ân cần giữ lấy những sự việc đó và suy niệm chúng trong lòng mình". Nếu ở 8, 19-21 tác giả đặt nổi việc dứt bỏ với người thân, thì ở đây 11, 27-28 Luca định nghĩa sự cao cả của Maria: trước hết không phải là Mẹ Chúa Giêsu về mặt thân xác, không phải là việc đứa trẻ đã bú sữa mình; sự cao cả của Maria là lắng nghe lời Thiên Chúa và giữ lấy.

Việc khám phá ra nét cao cả nầy của Maria ở trong Tân Ước, trong truyền thống tông đồ và trong suy tư được linh khải, không phải là do Luca tưởng tượng ra, hoặc vì ái mộ đạo đức mà phịa ra; nhưng là sự hiểu biết chân thật về mầu nhiệm Chúa Giêsu và Ðức Maria. Maria là một giá trị trong sáng, thinh lặng, sâu xa quá mức nên thoạt tiên khó nhận ra. Trước hết người ta thấy Chúa Giêsu, và đúng vậy cần phải thấy Ngài. Nhưng càng suy xét người ta nghĩ đến những gì Chúa Giêsu đã cần đến Maria, và người ta thấy được rằng Maria đã làm nên Chúa Giêsu theo phần của mình. Mẹ hẳn phải có một ân huệ đặc biệt mới thực hiện được việc đó. Với thời gian suy tư, người ta đã bắt đầu hiểu phận vụ của Maria.

Sự việc nầy cũng rất thường tình: ngay chính chúng ta, chúng ta đã không khám phá ra một ảnh hưởng siêu nhiên nào đó đã cải biến chúng ta một cách sâu xa sau khi mọi việc đã qua hay sao? Con cái làm sao cảm nhận được liền những công lao của cha mẹ... Và truyền thống các Tin Mừng cũng tương tự xảy ra như thế. Truyền thống đó đã nhìn Chúa Giêsu, rao truyền Chúa Giêsu. Sau đó mới khám phá ra ảnh hưởng và vai trò của Maria. Tôi nói thêm rằng chính kinh nghiệm của các tác giả Tin Mừng đã giúp chính họ: khi dấn thân trong Giáo Hội, họ đã suy nghĩ về trách nhiệm của họ, và sự kiện nầy đã giúp họ hiểu những trách nhiệm của bao kẻ khác, hiểu rằng ngay chính Chúa Giêsu cũng không tự mình làm tất cả và Maria đã có một vai trò quan trọng.

II. Chúa Giêsu Viếng Thăm Nazareth

Truyền thống sơ khai nói về Maria vào một dịp khác nữa nhân cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu ở Nazareth. Marcô ở đoạn 6,1- 6 ngay sau các dụ ngôn; Mathêu 13, 53-58. Ðoạn văn đặt ra hai vấn đề cổ điển mà tôi thấy cần phải trình bày ngay: danh hiệu "con của Maria" để chỉ Chúa Giêsu, và một loại liệt kê những anh chị em của Chúa. Khi Chúa Giêsu đến Nazareth, người ta nói với nhau: "Ðó không phải là người thợ mộc, con của Maria, anh em của Giacôbê, Josê, Giuđê và Simon sao? Và các chị của ông ta không phải ở giữa chúng ta sao?" (Mc 6, 3). Chúng ta hãy thử xem Tin Mừng muốn nói gì đây.

Trước hết là: "Giêsu, con của Maria". Ðối với chúng ta hầu như đây là một danh hiệu nêu lên vì lòng ái mộ Mẹ, một danh hiệu của Mẹ. Nhưng trong ngôn ngữ của vùng Palestine, đây là một thành ngữ lạ lùng. Trong thế giới người Sémit và ngay ngày nay ở xã hội Ả Rập, người ta không có thói quen gọi đứa con trai qua mẹ mình.

Người ta thường nghĩ: điều đó muốn nói là Maria bấy giờ đã góa chồng. Ở trong làng người ta không gọi tên họ. Và bấy giờ có thể có nhiều người tên Giêsu ở Nazareth, cũng như nhiều người tên Giuse và Giacôbê, vì đó là những tên thường đặt. Thông thường thì người ta có thể gọi tên một ai qua cha người đó. Nhưng bấy giờ có thể có nhiều Giêsu con của Giuse. Lúc ấy, Giuse đã chết (trong các Tin Mừng nhất lãm không bao giờ thấy Giuse xuất hiện, và một cách giải thích là ông đã chết), người ta đã gọi người con qua người mẹ góa. Ðó là lối giải thích của nhiều tác giả trong đó có Renan.

Nhưng lối giải thích nầy đã không được các sử gia gần đây đồng ý, đặc biệt là F. Stauffer. Theo tác giả nầy, gọi con qua tên của mẹ có nghĩa là lên án đứa trẻ thai hoang. Giả thiết nầy được nhiều người theo, trong đó có một số tác giả công giáo (5). Hẳn nhiên không phải để nguyền rủa Maria và Giêsu, nhưng đó là một cách mà người không tin có thể nhận ra sự trinh thai của mẹ. Trong làng Nazareth, ai cũng có thể biết Maria đã có thai trước khi ở với Giuse. Và người xấu miệng có thể nói: Giuse đã nhìn nhận Giêsu là con mình, nhưng ai mà biết người đó thật sự là con ai? Cho rằng đây là một giả thiết khá ly kỳ, thông minh và hơn nữa có thể ăn khớp với các dữ kiện của các bản văn. Có thể đấy cũng là dấu tích lịch sử của việc trinh thai như người không tin có thể nhận thấy. Ðây là chuyện có thể xảy ra, và tôi nói thêm ngay rằng nó không phải là một lối giải thích duy nhất. Gần đây hơn một tác giả công giáo Ðức khác, Blinzer, lại lập lại giả thiết của Renan. Tôi không tin là người ta có thể chọn một cách tuyệt đối một trong hai lối giải thích nầy. Vấn đề thứ hai là những chữ "các anh em của Giêsu" thường được nhắc đến trong Phúc Âm. Như trong đoạn mà chúng ta đã nghiên cứu Marcô 3, 31 và các đoạn tương tự trong các tác giả Tin Mừng khác, cũng như ở Marcô 6, 3 và Mathêu 13, 55- 56 (còn nêu lên các chị em của Chúa Giêsu), và trong Gioan 2, 12 và 7, 3, 5, 10; trong cuốn Tông Ðồ Công Vụ 1, 14, trong các thư Phaolô 1 Co 9, 5; Ga 1, 19. Những anh em của Chúa Giêsu là một nhóm nhân vật được biết đến trong Giáo Hội. Ngoài ra dường như lúc Chúa còn sống họ không phải là môn đệ Ngài (Gioan 7, 5), nhưng họ đi vào Giáo Hội sau Phục Sinh: Chúa Giêsu đã hiện ra với Giacôbê (1 Co 15, 7). Các anh em Chúa Giêsu cầu nguyện với các Tông Ðồ sau khi Chúa lên trời (Công Vụ 1,14).

Những anh em Chúa Giêsu đó là ai? Tân Ước không cho ta một giải thích nào. Phải nói dường như không ai đặt vấn đề về chuyện nầy. Nhưng rồi vấn đề lại được nêu lên rất sớm trong Giáo Hội: làm sao dung hợp được các anh em nầy của Chúa Giêsu và sự trinh khiết vĩnh cửu của Ðức Maria?

Ngay từ đầu thế kỷ thứ II, vào khoảng năm 125, nghĩa là 20 đến 25 năm sau Tin Mừng của Gioan, cuốn tiền Tin Mừng của Giacôbê (một bản ngụy văn phát xuất từ Palestine, nói nhiều đến sự xuất hiện của việc học hỏi về Maria) đã đề cập vấn đề. Ba lần liền, cuốn đó giải thích là Giuse là một ông già, góa vợ và đã có nhiều con (9,2; 17, 1-2;18, 1). Người ta yêu cầu ông cưới Maria làm vợ, nhiều nhành dừa nước đã phát cho những kẻ muốn cưới Maria, và chỉ có nhành của ông đâm hoa. Thầy cả bấy giờ mới nói với ông: "Ông cần cưới Maria làm vợ". Giuse trả lời: "Nhưng, tôi già, tôi góa vợ, tôi có nhiều con, làm sao tôi lo được cho cô thanh nữ nầy?". Câu truyện quá ngây ngô, nhưng ta thấy cuốn tiền Tin Mừng của Giacôbê cố tìm cách giải quyết vấn đề các anh em của Chúa Giêsu: đây có lẽ là những đứa con trai đầu của đời vợ trước của Giuse. Ý kiến nầy lại xuất hiện trong Clêmentê thành Alexandria, trong Origêne, và hầu như một phần trong toàn truyền thống Hy Lạp.

Trong các tác giả La tinh, chúng ta thấy có hai hướng giải thích. Một là của Tertulianô cho rằng đây là con ruột thịt của Giuse và Maria. Nhưng chỉ có ông đưa ra giả thuyết nầy. Và tất cả những gì Tertulianô nói không phải là lời Tin Mừng: ta biết cuối cùng ông đã đi vào đường rối đạo. Trong trường hợp nầy ông có phải là một người chứng tốt hay không? Ta có cảm tưởng như đây là một lập trường của giả thuyết nào đó, một lối chống lại sự trinh khiết của Maria. Ngoài ra đây là một lập trường đơn lẻ, bị chống bác liền tức khắc sau đó và không có một giá trị lịch sử đáng kể. Thánh Hêrônimô đưa ra một lối giải thích khác: những anh em được nêu lên trong Tin Mừng là các anh em họ của Chúa Giêsu. Tác giả dựa vào một sự kiện cổ điển là trong xã hội ở Palestine, chữ anh em có một nghĩa rất rộng. Chữ đó muốn nói rằng: là thành phần của gia đình. Nên thánh Hêrônimô nói: đây là anh em họ. Ở đây tôi không đi vào các vấn đề được các truyền thống thật lâu sau nầy nêu ra. Nhưng chỉ hỏi Tân Ước có đem lại cho ta một cái gì hỗ trợ cho các giả thuyết đó không? Một cách rõ ràng Tân Ước không đặt ra vấn đề. Tuy thế, ta vẫn thấy có những dấu chứng hỗ trợ cho việc xác nhận là những anh em được Tin Mừng nêu lên không phải thực sự là những anh em ruột.

Trước hết, người ta không nói các anh em của Giêsu được gọi tên là Giacôbê và Giuse, Simon và Giuđê. Nhưng, ta sẽ thấy lúc Chúa chịu chết trên thánh giá, khi tẩm liệm và khi thấy mồ trống, có một Maria không phải là mẹ Chúa Giêsu, nhưng là mẹ của Giacôbê và Giuse (Mc 15,40,47; 16,1). Ðây không phải là một luận chứng có tính cách quyết định, vì nhiều Maria có thể có những đứa con gọi là Giacôbê và Giuse, nhưng dẫu sao thì cũng là một sự trùng hợp lạ lùng: Các ông Giacôbê và Giuse mà Tin Mừng nói đến dường như không phải là con của Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Có một dấu chứng khác không được lưu ý lắm đối với các nhà phê bình khó tính, vì nó không nằm trong các bản Tin Mừng nhất lãm, nhưng ở trong Tin Mừng của Gioan: Khi Chúa Giêsu chết trên thánh giá, Ngài giao phó Maria cho một môn đệ (Gioan 19, 25-27). Nếu Maria có nhiều con trai, người ta không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại giao phó mẹ mình cho một người ngoài. Sự kiện đó thường cho thấy Maria không có con nào nữa. Ðây chỉ là một dấu chứng gián tiếp, nhưng rất đứng đắn.

III. Bản Văn Của Cuốn Tông Ðồ Công Vụ 1, 14

Ðể chấm dứt, chỉ còn lại một đoạn văn của cuốn Tông Ðồ Công Vụ 1, 14. Ðây không phải thuộc về các bản Tin Mừng nhất lãm, nhưng cũng thuộc về một truyền thống rất xưa. Chúng ta ở vào buổi đầu của Giáo Hội, thời gian ở giữa lúc Chúa Giêsu lên trời và lúc Thánh Thần hiện xuống. Các môn đệ trở về nhà dùng tiệc ly trước đây để cầu nguyện, và ở đó Maria xuất hiện lần cuối cùng: "Mọi người cũng một lòng chuyên tâm cầu nguyện với một vài phụ nữ, trong đó có Maria Mẹ Chúa Giêsu và các anh em Ngài".

Ðiều tôi muốn nêu lên là sự phong phú đồng thời rất đơn giản của bản văn. Chúng ta không biết gì nhiều về vai trò của Maria, nhưng chúng ta chỉ biết Mẹ ở với các Tông Ðồ và những anh em, nhưng anh em cho đến nay dường như ở bên phía kẻ không tin, vì Gioan cho chúng ta hay: "anh em Ngài không tin vào Ngài" (7, 5). Nhưng vào thời kỳ giữa lúc Chúa Giêsu lên trời và Thánh Thần hiện xuống, mười một Tông Ðồ, Maria và các anh em cùng nhau cầu nguyện và chờ đợi Thánh Thần.

Dữ kiện đầu tiên là sự xác nhận về lòng tin của Maria. Sự kiện nầy hẳn không làm ta ngạc nhiên sau khi đọc Tin Mừng thời thơ ấu Chúa. Nhưng đối với anh em của Chúa Giêsu thì phải xem đó là một cái gì mới và rất đáng lưu ý. Sự việc nầy phải được liên kết với câu truyện Chúa hiện ra với Giacôbê được Phaolô kể lại (1 Co 15, 7). Người ta suy ra rằng có sự can thiệp của Chúa Giêsu nơi thân quyến Ngài sau khi Ngài đã sống lại. Chúng ta không nói đến việc Chúa hiện ra lần nào với Maria không: hẳn phải đáng tin lắm chứ, nhưng vì không có một lời nào nói đến chuyện đó trong Tân Ước, nên khi phải nói đến, có lẽ chúng ta cũng đừng nói gì, không chống cũng không bênh. Ðiều đã được viết ra là giữa Chúa phục sinh và Thánh Thần hiện xuống Maria cầu nguyện với mười một Tông Ðồ, Mẹ đã đi vào sự hiệp nhất và niềm hy vọng của Giáo Hội. Mẹ tham gia vào Giáo Hội Tông Ðồ đó, với thứ bậc tầm thường của người phụ nữ như việc thường xảy ra ở xã hội Palestine, nhưng Mẹ hiện diện trong niềm vui phục sinh. Ðó là việc duy nhất được trình bày trong văn bản, nhưng là việc lớn lao: Maria thực sự ẩn mình trong cuộc sống công khai của Chúa Giêsu - Cana đã cho ta thấy rõ - lại tái xuất hiện trong Tin Mừng của Gioan lúc Chúa chịu treo trên thánh giá và trong cuốn Tông Ðồ Công Vụ lúc cầu nguyện ở nhà tiệc ly.

 

Chú Thích:

(5) Ý kiến của Stauffer được trình bày trong cuốn "Jesus" xuất bản bằng tiếng Ðức 1957- và được Delorme lặp lại (c. ami du clergé 1961, p. 762) và Dom Winandy, Revue Biblique 1965 các trang 347- 348.

 

Centre de recherches religieuses

André de Phú Yên

(C) Copy Right by Ðịnh Hướng Tùng Thư

13 g rue de l'ILL, F. 67116 Reichstett, France

Tái Bản 2004

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page