Mạch Nước Trường Sinh

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 86 -

Cùng Cầu Nguyện Kinh Lạy Cha

(Thiên Chúa là Cha chúng ta)

 

Thánh Phaolô tông đồ đã nói chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Có lẽ các thánh tông đồ ngày xưa đã từng đối đầu với những khó khăn này, nên các ngài xin Chúa dạy cho biết cách cầu nguyện, và Chúa đã dạy cho các ông cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha.

Thật ý nghĩa khi chúng ta đang cùng hiệp ý trong lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các anh chị em tín hữu Kitô. Chúng ta hãy cùng nhau cất lên lời kinh yêu thương này. Vì điều căn bản và là nền tảng để xây dựng một gia đình, trong đó chúng ta có thể coi nhau là anh chị em, thì chúng ta phải trở về cội nguồn của gia đình đó, có nghĩa là chúng ta cùng nhìn nhận rằng tất cả chúng ta có chung một Cha là Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời.

Trong những phút cầu nguyện hôm nay và trong những ngày tiếp theo, chúng ta hãy cùng cầu nguyện kinh Lạy Cha mà Chúa đã dạy cho chúng ta. Ðó cũng là lời kinh duy nhất mà Người đã dạy cho các thánh tông đồ ngày xưa và được truyền lại cho chúng ta, những tín hữu Kitô hôm nay. Những người theo Chúa Kitô chắc hẳn đã thường xuyên dùng lời kinh này để cầu nguyện, bởi vì lời kinh này đã được các tác giả sách Tin Mừng gợi lại sau biến cố Chúa chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại 30 năm rồi.

Kinh Lạy Cha là một lời cầu nguyện có ý diễn tả tâm tình của một tập thể những người đang cầu nguyện, không có gì là "tôi" hay "của tôi" mà là "chúng ta" hay "chúng tôi" và "của chúng ta", "chúng tôi". Lời kinh Lạy Cha được mở đầu bằng câu "Lạy Cha chúng ta" khi chúng ta nói với nhau và "Cha chúng con" khi chúng ta cùng nhau thân thưa với Chúa. Từ Việt ngữ "Lạy" trong lời "Lạy Cha" nói lên lòng tôn kính Thiên Chúa là Cha của mình có thể gây ra một sự hiểu lầm về sự xa cách nào đó trong cách chúng ta thưa chuyện với Chúa. Vì thế, khi thốt lên lời "Lạy Cha" chúng ta hãy có tâm tình thân thương của một người con thảo khi gọi Cha mình.

Ðược gọi Thiên Chúa là Cha thân thương của mình là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người tín hữu Kitô. Nơi các tôn giáo khác, tương quan giữa con người và thần thánh thường là một tương quan được xây dựng trên sợ hãi và mang ơn, là tương quan giữa một vị thần dũng mạnh đầy quyền lực, hay nổi giận và giáng phạt, nên tương quan giữa con người và thần thánh thường rất xa cách.

Niềm tin của người tín hữu Kitô mang đến cho con người ý niệm về một vị Thiên Chúa tốt lành là Cha yêu thương. Tương quan đó là nền tảng cho kinh Lạy Cha. Bổn phận của chúng ta là thường xuyên làm cho lời kinh đó sống lại trong tâm hồn của ta để lời kinh đó mãi mãi là một lời tâm sự, là tiếng gọi thân tình trong tận đáy lòng của ta thì thầm với Chúa:

Hệ quả là khi chúng ta nhận biết Chúa là Cha yêu thương, thì chúng ta cũng đón nhận những anh chị em của chúng ta trong đại gia đình của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và chúng ta chẳng chút ngần ngại khi đến với Ngài vì biết rằng Ngài yêu thương chúng ta trước và Ngài biết rõ mọi sự.

Tình thương của Ngài muôn đời còn mãi vì thế trong mọi hoàn cảnh và qua mọi biến cố xảy ra, nếu sống trong tương quan thân tình với Cha, chúng ta sẽ nhận ra tất cả những gì xảy ra là cơ hội cho chúng ta được gần Chúa hơn và gắn bó mật thiết với Ngài, cùng liên đới chặt chẽ với anh chị em hơn. Chúng ta hãy đến với Ngài trong mỗi giây phút của cuộc sống chúng ta để từng nhịp đập của trái tim là tiếng lòng chúng ta ca ngợi và thưa chuyện với Ngài, nhờ đó chúng ta được đón lấy hơi ấm và sức mạnh của tình yêu trong đại gia đình của chúng ta, để rồi chẳng có một ai là quá nhỏ hay quá lớn, quá già hay quá trẻ để gọi Chúa là Cha. Mọi người đều đón nhận được tình yêu và quyền lợi được trọn vẹn của một người con để có thể nhận ra Ngài thật là Cha của chúng ta. Chúng ta hãy nhắc nhở nhau về hồng ân trọng đại này để sống cho xứng với ơn mình đã lãnh nhận. Như trong một gia đình, chúng ta hãy cố gắng tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau, cố gắng đừng để vì một lý do gì làm chúng ta chia rẽ ganh tị và hờn oán nhau.

Bình an và hòa bình là hoa trái của sự hiệp nhất chỉ có được khi từng người biết nhìn nhận mọi người là anh chị em, cũng có nghĩa là chúng ta có một Cha chung. Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới được hòa bình và trước hết là tâm hồn của mỗi người chúng ta được bình an trong tình yêu của Chúa và tình liên đới với anh chị em.

* * *

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng nhân ái. Xin thương nhận lời cầu khẩn của chúng con. Xin ban thêm niềm vui, tình yêu và lòng quảng đại cho mỗi người trên thế giới này để tất cả được cùng sống vui trong gia đình của Ngài là Cha yêu thương đang hiện diện và liên kết chúng con trong tình yêu. Chúng con xin nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page