Mạch Nước Trường Sinh

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 64 -

Tỉnh Thức

 

Trong những tuần lễ tiếp theo sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York và Washington, một điều phi thường đã diễn ra tại Hoa Kỳ, là các nhà thờ lúc nào cũng đông nghẹt. Các linh mục và mục sư phải chạy đôn chạy đáo để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của con người, và khắp nơi trong nước ai ai cũng công khai bày tỏ niềm xác tín tôn giáo của mình.

Mục sư Franklin Graham, con của nhà thuyết giảng lừng danh Billy Graham đã xem hiện tượng này như một sự thức tỉnh tôn giáo tại Hoa Kỳ.

Một trong những xướng ngôn viên truyền hình tôn giáo nổi tiếng tại Hoa Kỳ cũng gọi đây là một trong những cuộc canh tân tinh thần vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng nếu người Mỹ đã bất thần trở lại với Chúa, thì họ cũng bất thần trở mặt với Ngài.

Cách đây hai tuần, một cuộc thăm dò dư luận do viện Galoup thực hiện đã cho thấy rằng mười ngày sau cuộc khủng bố có đến 47% dân số Mỹ đến nhà thờ, thì nay tỷ lệ này xuống còn 42%.

Những cuộc thăm dò khác cũng cho thấy rằng con số những người thực hành đạo vẫn không thay đổi. Dĩ nhiên, sự thay đổi trên đây là điều đã có thể đoán trước được. Cái chết của công nương Diana hồi năm 1997 chẳng hạn cũng đã tạo ra một chấn động mạnh trên tâm trí người dân Anh.

Tỷ lệ tội ác giảm. Sinh hoạt thương mại bớt sầm uất và dân chúng biến nỗi buồn của họ thành niềm tin tôn giáo. Ðây là điều mà người ta khó thấy được trong những năm trước đó. Người ta cũng nói đến một sự thức tỉnh tôn giáo tại Anh quốc. Nhưng hiện tượng này cũng không hề chặn đứng được làn sóng tục hóa ngày càng gia tăng tại đây. Phản ứng của con người trước những tai biến có thể là một cái thước đo niềm tin đích thực của con người.

Ông Frank Newport, giám đốc của viện Galoup đã so sánh cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 với một thứ đám tang. Biến cố này khiến cho một số người quay lại với Chúa cũng giống như một đám tang đưa một số người đến nhà thờ.

Hâm nóng thái độ tỉnh thức. Người tín hữu Kitô không chỉ tỉnh thức mỗi năm một tháng hay vài ngày trong những dịp lễ lớn. Tỉnh thức là thái độ cơ bản và trường kỳ. Người tín hữu Kitô phải tỉnh thức từng giây từng phút trong cuộc sống là bởi vì Chúa của họ là Ðấng đang đến. Những biến cố trong cuộc đời là những bước chân dồn dập của Ngài đã đành, mà những sinh hoạt âm thầm vô danh hằng ngày cũng được ghi đậm dấu chân của Ngài không kém.

Chính trong những công việc âm thầm ấy mà người tín hữu Kitô cần phải thức tỉnh để nhận diện Chúa. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói:

"Chúng ta không làm được những việc vĩ đại, nhưng làm những việc nhỏ bé với một sức mạnh vĩ đại là tình yêu".

Chính tình yêu làm cho những cái tầm thường nhỏ bé nhất trong đời thường trở thành vĩ đại. Ðây là bài học mà Mẹ Maria muốn dạy chúng ta. Mẹ luôn cất giữ mọi chuyện và suy niệm trong lòng. Mẹ luôn thức tỉnh để hiện diện với Chúa. Mẹ luôn luôn thức tỉnh để đồng hành với Chúa.

Lạy Chúa, với tâm tình của các tín hữu tiên khởi, chúng con van xin Chúa hãy mau đến với chúng con. Xin cho tâm trí chúng con luôn luôn hướng về Thiên Chúa để nhận ra Chúa đang đến với chúng con trong mọi sinh hoạt và gặp gỡ hằng ngày của chúng con.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page