Mạch Nước Trường Sinh

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 03 -

Gia Ðình Bình An

 

- Chào bà, tên con là Josi, con được năm tuổi và con là cháu của bà.

Chuyện khó tin nhưng có thật.

Trên đây là lời chào của một cậu bé Nhật Bản dành cho một bà lão xa lạ. Sau lời giới thiệu của cậu bé, lão bà ôm hôn nó và mỉm cười với cặp vợ chồng trẻ mà người ta nghĩ là cha mẹ của cậu bé.

Cuộc gặp gỡ diễn ra chẳng khác nào một cuộc đoàn tụ gia đình. Thực tế không phải như thế. Cả bốn người trong cuộc gặp gỡ trên đây đều là những diễn viên, họ được trả tiền để đóng vai một gia đình cho một cặp vợ chồng già mà con cháu đã đi ở xa hay bận bịu đến độ không còn giờ để thăm viếng. Họ thuộc một trong rất nhiều công ty làm ăn có tên là "Gia Ðình Cho Thuê". Thị trường mà những công ty này nhắm đến là những cặp vợ chồng già neo đơn đến nỗi mong muốn có một gia đình để sống với nhau, dù chỉ một buổi tối.

Các nhà xã hội học Nhật Bản nói rằng nhu cầu thuê gia đình này là hậu quả của một nền văn hóa say mê làm việc. Kể từ thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã quyết tâm gia tăng năng suất quốc gia. Nhiều người Nhật đã làm việc từ sáu mươi đến tám mươi giờ mỗi tuần. Sự kiện này đã tạo ra một lỗ hổng về tình cảm. Một lỗ hổng mà nhiều người không thể lấp đầy được nên họ không còn biết làm gì hơn là đành phải thuê một gia đình để bù đắp cho lỗ hổng ấy.

Thật ra, Nhật Bản không là quốc gia duy nhất đang trải qua một lỗ hổng tình cảm như thế. Ngày nay, tại những nước tây phương, mà tiêu biểu là Hoa Kỳ, người ta cũng bị ám ảnh về đam mê kiếm tiền đến độ phải hy sinh đời sống gia đình. Thường thấy nhất là cảnh cả hai vợ chồng cùng đi làm việc. Ngay từ sáng sớm, họ đã phải mang con đi gửi. Có khi chồng làm ban đêm, vợ làm ban ngày, suốt ngày họ không gặp nhau và có khi họ cũng chẳng còn giờ để gặp gỡ và trò chuyện với con cái.

Những nhà dưỡng lão dù có đầy đủ tiện nghi đến đâu cũng vẫn không thể lấp đầy được lỗ hổng tình cảm do cuộc sống chạy theo tiền bạc và lợi nhuận ngày nay tạo nên. Nó có thể là triệu chứng cho thấy con người vinh danh tiền của và khinh thường quan hệ gia đình.

* * *

Mùa Vọng, chúng ta đang sống tâm tình cơ bản nhất của người tín hữu Kitô là tỉnh thức. Tỉnh thức để đón Chúa đang đến. Ngài đến trong mọi sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày. Ngài đến trong mỗi một tha nhân mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày. Trong mỗi một tha nhân ấy, những người thân trong gia đình là ưu tiên nhất để chúng ta nhận diện và đón Chúa.

Chúng ta vẫn nói rằng bác ái bắt đầu từ trong nhà. Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình. Ngài trân trọng mái ấm gia đình, Ngài muốn gia đình của Ngài trở thành mẫu mực cho mọi gia đình. Ngài muốn rằng thảo kính cha mẹ, báo hiếu với ông bà, yêu thương anh em, phải là đạo làm người nền tảng nhất của con người. Ngài muốn rằng chính trong gia đình mà con người nên người, nghĩa là tiếp nhận và trau dồi những giá trị nhân bản nền tảng nhất của cuộc sống con người. Ngài muốn rằng chính từ những giá trị nhân bản nền tảng ấy mà con người nhận biết, gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa. Lễ Giáng sinh như thế thiết yếu là lễ của gia đình.

Chuẩn bị tâm hồn để mừng ngày sinh của Chúa cũng có nghĩa là củng cố và thắt chặt tình gia đình. Ngài đến trước tiên là để mang lại bình an cho gia đình. Làm sao có thể chúc mừng một mùa Giáng sinh an bình nếu sự an bình chưa ngự trị trong gia đình mỗi người. Chuẩn bị mừng Giáng sinh do đó cũng có nghĩa là chuẩn bị một bầu khí gia đình an bình.

Lạy Chúa, xin gìn giữ gia đình chúng con trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết nhận ra và yêu mến Chúa trong mỗi người trong gia đình chúng con, ngõ hầu chúng con có được sự bình an mà Chúa đã hứa cho chúng con.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page