31 Tháng Mười Hai

Lẽ Sống

 

Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửa. Ông rất ân hận vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách.

Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy ban làm việc thêm một thời gian nữa. Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôi. Vị trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi chết". Nhà vua gật đầu. Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng.

Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua với không biết bao đói khổ, chiến tranh, chết chóc cho nhân loại cũng như cho chính bản thân, có lẽ cũng có nhiều người đi đến kết luận bi quan như viên trưởng ban tu sử trong câu chuyện trên đây: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".

Ði qua một đoạn đường trong cuộc lữ hành trần gian, Giáo Hội muốn chúng ta mặc lấy thái độ hân hoan và lạc quan. Bài ca trên môi miệng của chúng ta trong ngày hôm nay không phải là bài ca bi ai, tả oán, mà phải là bài ca "Te Deum", ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa. Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa bởi vì vinh quang của Ngài là con người được sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của người chết.

Không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt. Bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết, mà là Sự Sống. Bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

Còn tâm tình nào xứng hợp trong ngày cuối năm cho bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng ta. Cảm tạ và phó thác cho Chúa vì cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

 


Back to Home