17
Tháng Giêng
Cứ
Ðể Yên Như Thế
Trong
một tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5",
một tác giả người Italia là ông Mario Pomilio có tưởng tượng
ra một mẩu chuyện như sau: Sau thời kỳ bách hại tại Roma, các
tín hữu bắt đầu xây cất nhà thờ. Ðâu đâu người ta cũng
thấy mọc lên nhà thờ. Tên của Ðức Mẹ và các Thánh
được đặt cho các nhà thờ. Nhưng người ta vẫn chưa thấy
có nhà thờ nào mang tên của Ngôi Lời. Thấy thế thánh
Gioan mới đến báo cáo với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bèn ra
lệnh cho thánh Phêrô khởi công xây cất một nhà thờ dâng
kính cho Ngôi Lời.
Con
người đã có một thời được mệnh danh là người xây dựng
vĩ đại của Giáo Hội mới đi rảo khắp nơi để thu tập vật
tư. Thánh Mathêô đã cung cấp đá. Thánh Marcô mang vôi đến.
Thánh Luca tặng những cây trụ lớn. Còn Thánh Gioan thì cúng
đá cẩm thạch để làm bàn thờ và vàng để làm nhà tạm..
Với
tất cả những vật liệu cần thiết, Thánh Phêrô hớn hở
bắt tay vào việc xây cất. Nhưng thời gian trôi qua, công sức
đã tiêu hao quá nhiều mà người thợ xây Phêrô mới chỉ
hoàn tất được việc đặt nền móng cho ngôi nhà thờ. Thấm
mệt, vị thủ lãnh các tông đồ mới cầu xin Chúa: "Lạy
Chúa, xin ban thêm cho con đủ sức để hoàn thành ngôi Nhà Thờ".
Chúa
Giêsu mới trả lời: "Cứ để yên như thế. Ngươi hãy
nhớ rằng cứ mỗi người đi ngang qua công trình này đều có
thể mang đến một viên gạch, một ít vôi để xây tường và
thế hệ này qua thế hệ khác, những cột trụ Ðền Thờ sẽ
được dựng lên".
Có
hai sự kiện xem ra tương phản nhau: tại Tây Phương, nhiều nhà
thờ bị đóng cửa hoặc đem ra bán đấu giá, vì giáo dân
không đủ cấp số hoặc không còn người lui tới nhà thờ.
Trong khi đó thì tại Việt Nam, nhu cầu sửa chữa hoặc xây nhà
thờ mới mỗi ngày một gia tăng.
Có
thể có hai quan niệm sống đạo đằng sau hai sự kiện ấy. Nhiều
người Tây Phương cho rằng sống đạo là sống Công Bình và
Bác Ái, chứ không nhất thiết phải đến nhà thờ. Trong khi
đó thì có người lại trách cứ rằng nhiều người Việt
Nam chỉ giữ đạo hình thức, họ thích biểu dương tôn giáo,
họ thích rước sách, họ đọc kinh làu làu, họ siêng năng
đến nhà thờ, nhưng họ xem thường những đòi hỏi của Công
Bình và Bác Ái.
Kỳ
thực, giữ đạo trong nhà thờ mà không sống đạo bên ngoài
nhà thờ là một thiếu sót, nếu không muốn nói là một thái
độ giả hình mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gao. Nhưng sống
Công Bình và Bác Ái mà không múc lấy sức sống từ việc
gặp gỡ Chúa nơi nhà thờ cũng là một thiếu sót. Người
Kitô đích thực múc lấy sức sống từ Ðức Kitô và diễn
đạt sức sống ấy qua cuộc sống thường ngày. Có nhà thờ
để cầu nguyện nhưng cũng có chợ đời để gặp gỡ Chúa.
Người Kitô hướng về Trời cao, nhưng vẫn còn bám lấy cõi
Ðất. Người Kitô đến nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc
sống. Và cuộc sống cũng sẽ trở nên cằn cỗi, nếu nó không
được nuôi dưỡng bằng lương thực Thần Linh.
"Hãy trở nên những viên đá sống động". Ðó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Hãy trở thành những viên đá sống động không chỉ để xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng là để xây ngôi Ðền Thờ của cuộc sống. Cuộc sống có trở thành Ðền Thờ để gặp gỡ Chúa qua những gặp gỡ với tha nhân, qua những xây dựng Hòa Bình và yêu Thương, thì Ðền Thờ gỗ đá mới sống động.