05 Tháng Năm

Nhà Thờ Cho Người Da Màu

 

Trong quyển tự thuật, Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thực đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.

Mahatta Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu.

Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.

Câu chuyện trên đây của Mahatma Gandhi đáng cho chúng ta suy nghĩ: vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội. Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần của Tin Mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.

Không ai là một hòn đảo. Chân lý này đúng cho những tương quan giữa người với người mà còn có giá trị hơn nữa trong tương quan của niềm tin. Không có một hành động nào của người Kitô hữu mà không ảnh hưởng đến người khác. Trong mầu nhiệm của sự thông hiệp, chúng ta biết rằng tất cả mọi chi thể của Ðức Kitô đều liên kết khăng khít với nhau đến độ sức mạnh của người này là nơi nương tựa cho người khác, sự yếu đuối và tội lỗi của người này có thể làm tổn thương đến người khác... Trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, tất cả mọi chi thể đều liên đới với nhau, tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với nhau...

Không ai là một hòn đảo. Chân lý này cũng đúng cho tương quan của người tín hữu đối với người ngoài Giáo Hội. Mỗi người tín hữu đều phải là trung gian nhờ đó con người tìm đến với giáo Hội. Nói cho cùng, người tín hữu không sống cho mình mà sống cho tha nhân. Thật thế, có lẽ không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng nếu chúng ta chưa giúp cho một người nào đó cũng vào Thiên Ðàng với chúng ta. Ðó chính là luận lý của Tin Mừng: Khi mất đi bản thân vì tha nhân, chúng ta mới tìm gặp lại chính mình.

 


Back to Home