Về Bên Mẹ La Vang

Bản Tin Cổ Ðộng Hướng Về Mẹ La Vang

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


Vấn Ðề Cấp Bách

Lm. Vincent Ðinh Duy Trinh

Người ta thuật lại rằng, một hôm trong buổi triều yết của các vị Hồng Y, Ðức Thánh Cha Piô X đưa ra một câu hỏi:

- Ngày nay, để cứu rỗi nhân loại, điều gì cấp bách nhất?

Những vị Hồng y đã góp ý. Có vị cho rằng cần xây nhà trường, vị khác lại thấy cần xây nhiều nhà thờ. Vị thứ ba đưa đề nghị: Phải tích cực cổ động để có nhiều linh mục...

Ðức Thánh Cha đáp:

- Chưa phải vậy! Vấn đề cấp bách nhất, ngày nay, là trong mỗi xứ đạo kiếm được một nhóm người giáo dân khá hiểu biết giáo lý, cương quyết, nhiệt thành với việc Tông Ðồ.

Thật vậy, như lời Ðức Thánh Piô X nhắn nhủ một chiến sĩ Công Giáo: "Hy vọng của Giáo Hội là những giáo dân thánh thiện". Nói thế không phải là Giáo Hội phủ nhận các công tác cần có giáo sĩ, nhưng Giáo Hội muốn giáo dân cộng tác một cách mật thiết vào công việc tông đồ của Giáo Hội.

Các Ðức Giáo Hoàng nối tiếp Ðức Thánh Piô X đã nhắc lại một cách thiết tha hơn về vai trò tông đồ của người giáo dân. Gần đây, ngày 18-11-1965, Ðức Phaolô VI đã công bố: "Sắc lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân", một sắc lệnh đã được thảo luận và biểu quyết trong khóa họp thứ VIII của Công Ðồng Vatican II với đa số phiếu tuyệt đối: 2340 phiếu thuận và 2 phiếu chống.

Trong lời mở đầu của Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo dân đã nói lên vai trò người giáo dân cần thiết cho sứ mạng của Hội Thánh. Cũng trong phần này, sắc lệnh nhấn mạnh là thời đại ngày nay việc Tông Ðồ Giáo dân vẫn cần thiết mà còn Cấp Bách.

Thật sự, mỗi giáo dân đều có nhiệm vụ: "Nhiệm vụ đặc biệt của người giáo dân là soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Chuộc." (GH 31b).

Như vậy, vấn đề của chúng ta hôm nay là làm thế nào trong những xứ đạo có những nhóm người giáo dân như Ðức Piô X ước muốn. Phải chăng các hội đoàn, phong trào ở trong Ủy Ban Tông Ðồ Giáo Dân có bổn phận góp phần đào tạo những cán bộ có khả năng và nhiệt thành với việc Tông Ðồ?

Chúng ta, những người dấn thân, có tự nguyện chấp nhận học hỏi, tự luyện... lấy kỷ luật của Hội Ðoàn, Phong Trào như là một đường hướng huấn luyện để trở thành "men trong thúng bột" hay là chỉ sống một cách thờ ơ, không cần một chút ưu tư nào đối với vấn đề của chúng ta?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page