Những sự việc cần biết để đề phòng
khi qua làm việc tại Ðài Loan
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
(Taipei April 20, 2001) - Khoảng từ cuối tháng 10 năm 1999, Việt Nam bắt đầu có những đợt xuất khẩu lao động qua làm việc tại Ðài Loan. Cũng từ đó, bộ mặt của Ðài Loan được đổi khác bởi những sinh hoạt mới của những công nhân Việt Nam tại Ðài Loan. Cộng thêm vào đó, Ðài Loan cũng bắt đầu mệt mỏi vì phải giải quyết nhiều hơn những rắc rối xảy ra từ phía lao động Việt Nam cũng như những bất công tạo ra từ phía chủ Ðài Loan. Ðể có được một sự cải thiện tốt hơn và để giúp các công nhân Việt Nam tránh gặp những rắc rối, ngoài những bản thông báo về lương bổng, luật lệ, hợp đồng v.v... như chúng tôi đã cho đăng trong các số trước, hôm nay chúng tôi xin ghi lại một vài kinh nghiệm qua những sự kiện đã xảy ra để giúp các công nhân có thêm những đề phòng.
1) Trước khi qua Ðài Loan, người Lao Ðộng Việt Nam cần mang theo trong người bản hợp đồng có ít nhất là hai thứ tiếng: tiếng Hoa và tiếng Việt, nếu có luôn tiếng Anh thì càng tốt. Bản hợp đồng cần phải có chữ ký và dấu của Công Ty của chủ sử dụng lao động Ðài Loan và chữ ký của người Lao Ðộng. Hầu hết lâu nay có nhiều rắc rối xảy ra cho người lao động Việt Nam vì nguyên do trong tay của người lao động Việt Nam chỉ có bản hợp đồng giữa người Lao Ðộng Việt Nam với Công Ty Xuất Khẩu Lao Ðộng của Việt Nam mà không có tờ hợp đồng giữa Công Ty của chủ Sử Dụng Lao Ðộng Ðài Loan và người Lao Ðộng Việt Nam.
2) Khi qua tới Ðài Loan, người Lao Ðộng Việt Nam cần phải cất giữ tất cả những bảng lương, đề phòng khi có những tranh chấp về lương bổng thì có bằng chứng để chứng minh. Qua những kinh nghiệm lâu nay, các lao động Việt Nam thường than phiền lãnh lương không đủ theo tiêu chuẩn quy định, hoặc chủ không trả đúng tiền lương của những giờ làm thêm, nhưng lại không có những bảng lương để làm bằng chứng, bởi vậy đã làm cho sự việc khó giải quyết và mất nhiều thì giờ hơn.
3) Công Nhân Việt Nam qua tới Ðài Loan thường được ở chung với nhau trong các Ký Túc Xá, và đã xảy ra rất nhiều trường hợp các công nhân Việt Nam đánh lộn với nhau chỉ vì những nguyên do rất là nhỏ nhặt... Chiếu theo luật Ðài Loan, các công nhân đánh nhau sẽ bị đuổi về nước. Bởi vậy các công nhân nên nhớ câu châm ngôn: "Một sự nhịn bằng chín sự lành", nên nhường nhịn và yêu thương nhau, không nên vì những chuyện nhỏ nhặt mà lại đánh nhau, hoặc không nên vì những lợi ích nhỏ mà lại tố cáo nhau.
4) Theo luật Ðài Loan, các xe môtô cần phải có giấy phép lưu hành thì mới được phép sử dụng, và người lái xe 50 phân khối trở lên cần phải có bằng lái mới được sử dụng. Ðã có những trường hợp xảy ra như: các công nhân thấy những xe môtô hư bị giục bỏ bên đường liền lượm về sửa chữa và sử dụng nên đã bị bắt vì tội sử dụng bất hợp pháp xe môtô không có giấy phép lưu hành, hoặc người lái xe không có bằng lái của Ðài Loan.
5) Trong các cửa hàng bách hóa đều có những hệ thống máy quay phim và được máy vi tính kiểm soát trong việc tính tiền, nên đừng bao giờ cầm bất cứ hàng hóa gì trong tiệm đi ra ngoài nếu chưa trả tiền ở quầy tính tiền. Nhiều công nhân Việt Nam vào tới cửa hàng bách hóa Ðài Loan, thấy quá dễ dàng, không có người kiểm soát tại chỗ, nên đã tráo đổi hoặc lấy bỏ vào túi rồi đi ra ngoài khi chưa trả tiền, nên đã bị bắt và đã bị phạt nặng vì tội ăn cắp.
6) Trong mấy tháng gần đây, đã có rất nhiều nhười Việt Nam nghe lời dụ ngọt của những nhóm chuyên nghề lừa đảo, đã phải trả từ 2,000 tới 3,000 Mỹ Kim để được qua Ðài Loan Lao Ðộng, nhưng khi qua tới Ðài Loan mới biết được là giấy Visa cho phép qua Ðài Loan là để đi du lịch hai tuần lễ (chỉ được phép ở Ðài Loan 14 ngày và không được phép làm việc tại Ðài Loan). Bởi vậy, trước khi trả tiền hoặc trước khi qua Ðài Loan, phải xem lại các giấy tờ của mình, giấy hộ chiếu Việt Nam, giấy Visa cho phép đi Lao Ðộng Ðài Loan, tờ hợp đồng có chữ ký của công ty của chủ sử dụng lao động Ðài Loan.