Bộ Lao Ðộng Ðài Loan

hứa sẽ cải thiện nhiều hơn để

bảo đảm quyền lợi cho các công nhân

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

 

(Taipei Times, CNA, Taipei April 7, 2001) - Bộ Trưởng Bộ Lao Ðộng Ðài Loan, bà Trần Cúc (Chen Chu), trong buổi gặp mặt các Linh Mục Việt Nam thuộc Giáo Hội Công Giáo Ðài Loan, vào sáng ngày 6 tháng 4 năm 2001, đã hứa rằng, Bộ Lao Ðộng Ðài Loan sẽ tìm mọi cách để ngăn chận các bất công xảy ra cho các công nhân Việt Nam vì phải trả các khoản chi phí môi giới quá cao.

Theo nghiên cứu cho biết, tiền lương của các công nhân Việt Nam, hàng tháng, sau khi trừ hết các chi phí môi giới, nhiều người chỉ còn lãnh được 1 hoặc 2 ngàn đồng Ðài Tệ, đây là một điều hết sức vô nhân đạo đối với các công nhân là những người đã phải làm việc mệt nhọc và vất vã. Người công nhân cần phải được nâng đỡ nhiều hơn, và chiếu theo luật Lao Ðộng của Ðài Loan, tiền lương căn bản của công nhân không được dưới 15,840 Ðài Tệ cho mỗi tháng.

Chiếu theo thông Báo của Bộ Lao Ðộng Ðài Loan ra ngày  30 tháng 11 năm 2000, kể từ nay, Chủ sử dụng lao động không được khấu trừ hay thu dùm lệ phí môi giới hoặc các khoản phí khác từ tiền lương của các người lao động nước ngoài. Tiền phí môi giới của các người lao động nước ngoài, cần do người lao động tự chịu trách nhiệm và tự xử lý, chủ sử dụng lao động không được khấu trừ dùm.

Theo tường thuật từ rất nhiều công nhân ngoại quốc đến từ Việt Nam cho biết, trước khi rời Việt Nam, các công nhân này đã phải đóng cho môi giới Việt Nam từ 2,000 tới 3,500 US Dollars. Tuy các công nhân này có đầy đủ các biên nhận đóng tiền đầy đủ, nhưng, hàng tháng, các công nhân này còn bị trừ 12% từ tiền lương để đóng cho chi phí môi giới Việt Nam.

Bộ Trưởng Bộ Lao Ðộng Ðài Loan, bà Trần Cúc, cũng cho biết, những vấn đề bất công xảy cho các công nhân về vấn đề tiền phí môi giới là một trong những vấn đề cần được cải thiện để đưa lại cho công nhân một sự công bình. Vấn đề này lâu nay vẫn được đưa ra thảo luận và đang cố gắng giải quyết. Bởi vậy, nếu quốc gia nào vẫn tiếp tục có những bất công này xảy ra, thì Bộ Lao Ðộng Ðài Loan sẽ cắt hợp đồng lao động với những nước đó. Những nước nào có những cải thiện càng nhanh và càng tốt thì sẽ được chấp nhận số lượng công nhân đến làm việc tại Ðài Loan càng nhiều.

Liên quan đến việc Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam tại Ðài Loan vu khống các Linh Mục Công Giáo trong việc các Linh Mục này thường hay giúp đỡ công nhân Việt Nam và cho các công nhân được tá túc tại các nhà thờ Công Giáo trong thời gian chờ giải quyết những tranh chấp giữa chủ nhân và công nhân, Văn Phòng Kinh Tế Văn Hoá Việt Nam đề nghị không được cho các công nhân này tá túc ở các nhà thờ, Bà Bộ Trưởng cũng cho biết, để cho có một sự công bình đối với các công nhân, trong thời gian chờ đợi giải quyết những tranh chấp, theo luật pháp Ðài Loan, các nhà thờ có quyền cho các công nhân này tá túc và để bảo vệ sự an toàn cho các công nhân cũng như để tránh khỏi những áp bức hay khủng bố từ phía chủ nhân và phía môi giới. Có những trường hợp đặc biệt, như các nữ giúp việc bị hiếp dâm, hoặc bị quấy nhiễu tình dục v.v..., họ lại càng được bảo vệ và cố vấn về vấn đề tinh thần nhiều hơn.

Thêm một việc khác, về vấn đề phía Việt Nam thường hay ra lệnh cho các công nhân Việt Nam không được liên hệ với các Linh Mục Công Giáo hay không được lui tới các Nhà Thờ Công Giáo, Bà Bộ Trưởng trả lời rằng, Ðài Loan là một nước tự do tôn giáo, Nhà Nước Việt Nam không được cấm đoán các công nhân Việt Nam những sinh hoạt tự do tôn giáo hay những sinh hoạt hợp pháp khác trong thời gian họ đang làm việc tại đất nước Ðài Loan.


Back to Home Page