Giấc mơ làm giầu
hay ác mộng từng đêm

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

GIẤC MƠ LÀM GIẦU HAY ÁC MỘNG TỪNG ÐÊM

 Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua môt cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Nguyễn Du

 Ngày xưa khi còn tuổi thanh niên mẹ tôi hay mắng mỗi lần thấy tôi bàn đến chuyện làm ăn buôn bán. Bà bảo "thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào." Có lẽ vì ảnh hưởng của lời mẹ nói mà bây giờ tôi không hề lây mình vào bất cứ chuyện buôn bán làm ăn gì cả. Trái lại tôi làm mẹ tôi giật mình khi quyết định sang Ðài Loan làm việc thiện nguyện sau khi đã chán cuộc sống bon chen hưởng thụ vật chất ở xứ Hoa Kỳ.

 Tôi sang Ðài Loan không bao lâu thì gặp anh bạn thân cũng chán cuộc sống vật chất chạy theo đồng tiền của Tây Phương nên khăn gói quả mướt sang Ðài Loan làm việc thiện nguyện đổi gió vài năm. Anh ta hiện đang trông coi một trung tâm dành cho các em khuyết tật tại một phố nhỏ nằm phía Nam của Ðài Bắc. Ngoài ra anh còn làm tham gia giúp đỡ tranh đấu quyền lợi cho các công nhân ngoại quốc đến làm việc tại Ðài Loan này. Họ là những người Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan hay Mã Lai? và dĩ nhiên từ những ngày có bước chân đầu tiên của những người công nhân Việt Nam đến Ðài Loan này làm việc là anh đã chú tâm đặc biệt giúp đỡ họ ngay. Với kinh nghiệm sẵn có trong một số năm làm việc giúp người lao công ngoại quốc nên chuyện anh chuyển hướng giúp đỡ cách đặc biệt hơn cho những người công nhân Việt Nam là điều dễ hiểu và không khó khăn gì đối với anh.

 Tôi vốn thích an nhàn và yên phận nhưng thấy anh năng nổ làm việc ngày đêm thì cũng thấy hơi hổ thẹn. Hơn nữa mỗi lần gặp mặt là anh lại nhắc khéo: "Cậu phải giúp tớ một tay mà giúp đỡ cho công nhân Việt Nam chứ? Mình tớ kham không nổi." Anh lại còn sài ngôn từ kiếm hiệp bảo tôi. "Thấy chuyện bất bình thì phải ra tay nghĩa hiệp. Chứ cậu làm lơ như vậy thì còn ra thể thống gì cái chí nam nhi." Tự ái dồn cục, máu nóng nổi lên thế là tôi theo anh học kinh nghiệm để giúp đỡ bênh vực quyền lợi của các công nhân nước ngoài đến làm việc tại Ðài Loan này. Tôi bảo anh tôi vốn thích viết lách nên muốn xin được phỏng vấn anh về kinh nghiệm mà anh có trong việc giúp đỡ các công nhân nước ngoài. Anh nhận lời và sau đây là những suy tư chia sẻ của anh với tôi.

 Hôm đáp xe lửa đến nhà anh thì thấy anh bận như con ong cái kiến. Một tay ôm chiếc điện thoại nói chuyện, còn mắt thì đang chú ý xem cái bảng lương của một công nhân Việt Nam nhờ anh coi có bị khấu trừ khoản tiền nào vô lý không? Tôi đành ngồi chờ và xem anh làm việc. Ðợi đến gần hai tiếng sau thì anh mới quay sang bảo tôi: "Thôi ra quán kiếm cái chi bỏ bụng rồi nói chuyện luôn." Thế là tôi và hai anh chị công nhân Việt Nam theo anh ra một cái quán bình dân gần nhà ăn cơm tối và chuyện trò tâm sự.

 Theo anh cho biết thì công nhân Phi Luật Tân có nhiều lợi điểm hơn công nhân Việt Nam. Thứ nhất họ đều biết nói tiếng Anh nên họ dễ dàng liên lạc với các cơ quan chuyên giúp cho nhân công nước ngoài. Lợi điểm thứ hai là đa số họ theo đạo công giáo nên Chúa Nhật thường đến nhà thờ dự lễ và từ đó thông tin chia sẻ cho nhau những tin tức liên quan đến vấn đề công nhân nước ngoài và nâng đỡ tinh thần cho nhau. Thứ ba là văn phòng đại diện của nước Phi tại Ðài Bắc rất tích cực lưu tâm đến công dân của họ. Còn công nhân Việt Nam theo anh thì không có những lợi điểm ấy. Có thấy bất công hay thiệt thòi thì thường chỉ biết chịu đựng; quá lắm cũng chỉ dám than thở với nhau chứ không dám lên tiếng than phiền hay nhờ các cơ quan thiện nguyện chuyên giúp đỡ cho công nhân nước ngoài. Cũng khó mà trách họ được vì khi ra đi là như đánh một chuyến bài chót. Bao nhiêu của cải mang ra cả. Hoặc nợ nần ngập đầu nên lúc nào cũng lo sợ bị đuổi về Việt Nam. Số tiền bỏ ra cho các công ty môi giới quá cao. Mà thường thì họ đã phải trả trước hết rồi nên biết rằng về là chết. Cái số tiền nợ kếch xù ấy như con ngáo ộp đứng bên cạnh nhắc nhở thì bố bảo cũng chả ai dám đứng lên mà tranh đấu cho quyền lợi của mình. Lợi đâu chả thấy chỉ thấy cái lo âu nó bảo rằng nếu bị trả về Việt Nam thì biết đến bao giờ mới trả nợ cho xong. Chủ nhân ông Ðài Loan biết được điều này nên họ tha hồ mà đe dọa, khống chế và nhiều khi gian lận tiền lương hay ra những quy định không theo luật căn bản về lao động của chính phủ Ðài Loan mà công nhân Việt Nam vẫn âm thầm chịu đựng. Bạn tôi bảo: "Ðiều quan trọng bây giờ là phải giáo dục người công nhân Việt Nam cho họ hiểu là họ có quyền lên tiếng tranh đấu và đòi hỏi quyền lợi của họ vì có luật pháp bảo vệ cho quyền công nhân của họ." Theo anh đây là điều khó khăn nhất đối với tính tình quen chịu đựng của dân Việt ta. Còn bộ Lao Ðộng Ðài Loan, cũng theo anh, rất tích cực và hợp tác với các cơ quan thiện nguyện trong việc bảo vệ quyền lợi của công nhân nước ngoài theo đúng như luật pháp của họ. Ðây là điểm thuận lợi nhất vì họ rất chú tâm đến nhân quyền.

 Tiện có hai anh chị công nhân Việt Nam có mặt nên tôi có hỏi họ trước khi đến Ðài Loan họ phải trả bao nhiêu tiền cho các công ty môi giới. Tôi được nghe hai câu trả lời khác nhau. Anh công nhân quê miền Bắc thì bảo tôi mỗi người mất khoảng từ 45 đến 60 triệu đồng Việt Nam (1 đô la Mỹ ăn khoảng 14,000 tiền Việt Nam) và phải trả hết trước khi ra đi. Cô công nhân ở niềm Nam thì lại bảo là cô chỉ phải trả tiền vé máy bay và tiền chi phí giấy tờ. Còn số tiền trả cho công ty môi giới sẽ bị khấu trừ vào tiền lương hàng tháng của người công nhân. Cũng nên biết là tổng số tiền mà người công nhân Việt Nam phải trả cho các công ty môi giới là 164,000 Ðài Tệ (1 đô la Mỹ ăn khoảng 32 tiền Ðài Loan). Nếu may mắn không phải trả về Việt Nam thì hàng tháng họ bị khấu trừ 10,000 Ðài tệ từ tiền lương của họ để trả cho các công ty môi giới. Như vậy làm một con tính nhẩm ta thấy rằng để trả hết số nợ này họ phải trả trong 16 tháng và tháng thứ 17 thì trả thêm 4,000 Ðài tệ nữa. Tiền lương tháng tối thiểu của một công nhân nước ngoài là 15,840 Ðài Tệ. Nhưng ngoài tiền khấu trừ để trả tiền nợ nần cho các công ty môi giới, họ còn phải trả tiền thuế cho Ðài Loan là 20% nếu làm dưới 6 tháng. Sau đó thì trả 6% tiền thuế cho Ðài Loan. Rồi tiền bảo hiểm sức khoẻ, tiền bảo vệ khi ở trong cư xá, v.v? Họ còn phải đóng thuế cho chính phủ Việt Nam là 12% nữa và cả tiền bảo hiểm gì đó. Như thế, trên thực tế gần một năm rưỡi số tiền lương họ nhận được sẽ rất ít. Nhiều tháng họ bị khấu trừ hết chẳng còn bao nhiêu. Cho nên đời sống của người công nhân hoàn toàn lệ thuộc vào tay ông chủ xưởng. Thương nhờ ghét chịu. Nếu ông ta cho làm tăng ca thì là cả một sự may mắn. Nhờ đó mà có thêm tí tiền mà gửi cho gia đình bên Việt Nam. Nếu không có làm tăng ca thì kể như là? công dã tràng, ốc mò cò xơi.

 Tôi có hỏi là trước khi sang Ðài Loan này anh và chị có phải trải qua những khảo hạch về khả năng kỹ thuật nghề nghiệp gì không? Anh công nhân trả lời tôi ngay không suy nghĩ gì: "Không có khảo hạch gì cả. Ai có nhiều tiền chi ra thì đi trước. Ai ít tiền thì đi sau!" Tôi bảo anh tôi có thể dùng tên thật của anh không và công ty môi giới của anh là gì? Anh bảo tôi: "Cứ tự nhiên, em không sợ gì cả." Nhìn nét mặt anh tôi biết anh thành thật và trong giọng nói anh có nỗi uất nghẹn và cay đắng. Nhưng đã phóng lao thì phải theo lao chứ biết làm gì hơn đây.

 Tôi biết nói gì đây để an ủi hay động viên anh! Lời nói suông lúc này là thừa là vô nghĩa. Tôi chỉ biết im lặng và cảm nhận những nỗi âu lo, sợ hãi, hoang mang của anh cũng như của đa số các công nhân Việt Nam hiện đang làm việc tại Ðài Loan này. Nhìn đồng hồ đã quá 8 giờ tối. Tôi phải ra về cho kịp chuyến xe lửa. Nhưng vì chị công nhân sợ đi lộn xe lửa nên tôi lại phải đưa chị về công ty của chị ở một thành phố nằm gần Ðài Bắc cho kịp trước giờ đóng cửa của cư xá. Nếu về trễ thì chị bị cảnh cáo lôi thôi thì nguy to.

 Ngoài trời gió thổi mạnh và lạnh. Chúng tôi co ro yên lặng bước nhanh bên nhau. Anh bạn quay sang tôi, với kiểu nói ví von, anh bảo: "Sống trong cảnh nghèo đã lâu nên dân ta nhìn cái gì cũng như là tấm ván cứu mạng như người bơi giữa biển khơi. Hoặc như người đi lạc trong sa mạc nhìn gì trước mặt cũng loáng nhoáng giống như con suối mát đang đợi chờ mà chỉ cần cố lê vài bước là tới."

 Riêng tôi, tôi nghĩ chẳng cần gì phải "trải qua một cuộc bể dâu những điều trông thấy mà đau đớn lòng" như cụ Nguyễn Du dậy. Chỉ cần chuyện trò với bất cứ một công nhân nước ngoài nào tại Ðài Loan này bạn sẽ thấy lòng mình đớn đau ngay. Giấc mơ làm giầu bỗng biến thành giấc mộng hàng đêm của các công nước ngoài.

 Taiwan, tháng 12 năm 2000
Nguyễn Hoài Hương
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page