12 công nhân Việt Nam tuyệt thực
trước công ty Huê Phong của người Ðài Loan
để đòi Công Lý

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Lần đầu tiên, tại Thành Phố Sài Gòn, 12 công nhân công ty Huê Phong tuyệt thực phơi nắng để đấu tranh cho nhân quyền và công lý.

 Sài gòn - 19/10/2000 - Theo những nguồn tin đáng tin cậy từ Sài Gòn cho biết, 12 công nhân Việt Nam thuộc Công ty Huê Phong của người Ðài Loan tại quận Gò Vấp, thành phố Sài Gòn, vì dám đại diện cho tập thể công nhân đình công đấu tranh, dám đưa ra ánh sáng những sự hà khắc và bất công của các lãnh đạo Ðài Loan thuộc Công Ty TNHH giày da Huê Phong; nên từ ngày 16-17/10/2000, đã bị công ty đuổi ra khỏi khu tập thể, không cho vào làm việc. Sáng ngày 18/10/2000, những công nhân này tiếp tục đến công ty xin vào làm việc nhưng công ty Huê Phong vẫn từ chối. Sự việc này đã làm cho 12 công nhân này có quyết định tự nằm ra bên hè đường, ngay trước mặt cổng công ty Huê Phong, tuyên bố tuyệt thực và tự phơi nắng để phản đối lãnh đạo công ty Huê Phong đã đối xử bất công và vô nhân đạo đối với công nhân Việt Nam. Ðây là lần đầu tiên kể từ sau 1975, ở Thành Phố Sài Gòn, và cũng có thể nói được tại địa bàn các tỉnh miền nam, có các công nhân công ty Huê Phong vì tranh đấu cho công lý và nhân quyền, đã tự ý tuyệt thực và nằm phơi nắng trước cổng công ty.

 Theo bản báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành quận Gò Vấp, sáng ngày 13/10/2000, và căn cứ vào biên bản kiểm tra đã được các cơ quan chức năng khẳng định, Công Ty Huê Phong đã vi phạm trầm trọng pháp luật Việt Nam. (1) Về vấn đề ký Hợp Ðồng Lao Ðộng, toàn công ty Huê Phong có 3,200 công nhân (hầu hết là lao động nhập cư) làm việc thường xuyên tại đây, nhưng chỉ được ký Hợp Ðồng Lao Ðộng thời vụ. Việc làm này của công ty nhằm né tránh trách nhiệm đóng Bảo Hiểm Xã Hội và giới hạn mức lương của Người Lao Ðộng. Trong số này, công ty sử dụng tới 130 Lao Ðộng là trẻ em từ 14-16 tuổi. Tất cả Hợp Ðồng Lao Ðộng sau khi ký, Công Nhân không được giữ bản nào. (2) Về vấn đề An Toàn Lao Ðộng, tại các ngành sản xuất có tính độc hại như mài đế giày, dán keo, chặt đế..., Công Nhân không hề được trang bị đồ bảo hộ lao động. Nhiều Công Nhân đã lên tiếng tố cáo về nhiều trường hợp bị tai nạn lao động, nhưng công nhân đã không được hưởng bất cứ chế độ nào mà còn bị công ty tìm cách loại ra khỏi công ty. (3) Về tình trạng trong khu ký túc xá, có gần 2,000 công nhân sống chen chúc trong những căn phòng với diện tích 36m2, cao 3,3m, và công ty bố trí tới 20 công nhân sống với nhau, mỗi người chỉ được sử dụng vỏn vẹn 1,8m2. Trong khi đó vấn đề vệ sinh và cung cấp nước luôn luôn chậm trể và thiếu thốn.

 Chủ nhân thực sự của công ty Huê Phong là một người Ðài Loan, Ông Ðại Miên Huê, nhưng hầu như không mấy khi xuất hiện để giải quyết những vấn đề lao động, mà chỉ có Ông Giám Ðốc Huỳnh Thanh và Phó Giám Ðốc Nguyễn Kim Quốt đảm nhiệm mọi vấn đề. Và do bởi bản thân ông Thanh và Ông Quốt là cũng chỉ những người làm thuê cho chủ, nên cũng không quyết định được bất cứ điều gì.

 Ðoàn Kiểm Tra Liên Ngành cũng đã phát hiện, trong nhiều năm qua, công ty Huê Phong đã sử dụng tới 65 chuyên gia nước ngoài (đa số là người Ðài Loan). Những chuyên gia, lẽ ra chỉ với tư cách các kỷ thuật viên làm nhiệm vụ kiểm tra kỷ thuật sản phẩm, nhưng thực tế họ đã can thiệp sâu vào công tác tổ chức và quản lý điều hành, và tự đưa ra các quy định riêng trái với pháp luật Việt Nam, nghiêm trọng đến quyền lợi của Người Lao Ðộng.

 Ðáng chú ý, sau vụ đình công của hơn 500 công nhân vào buổi sáng 16/10/2000, tiếp đó là việc 12 công nhân đại diện đứng ra kiến nghị các cơ quan chức năng bênh vực công nhân, đồng thời tố cáo hành động áp bức công nhân của lãnh đạo Huê Phong. Cũng chính vì dám nói thẳng như vậy, nên lãnh đạo công ty Huê Phong đã không cho 12 công nhân nói trên làm việc. Chính quyền địa phương quận Gò Vấp đã can thiệp, yêu cầu công ty Huê Phong nhận công nhân trở lại làm việc bình thường, song công ty vẫn không nhân nhượng. Vào khoảng 11 giờ trưa ngày 18/10/2000, sau khi 12 công nhân đã nằm phơi nắng 3 giờ liền, giữa trưa nắng gắt, đã có những công nhân bắt đầu kiệt sức và ngất xỉu.

 Hàng trăm người dân đi ngang qua con đường Phạm Văn Chiêu, thấy công nhân nằm phơi nắng, đã xúm lại để xem, nhiều người không cầm được nước mắt khi thấy công nhân Ðặng Văn Khoái kiệt sức và bắt đầu ngất xỉu. Một số công nhân nữ khác, thấy bạn kiệt sức thì ôm nhau khóc lóc. Ðến chiều, khoảng 13 giờ, vì đói lã cộng với nắng gắt đã làm cho 7 công nhân ngất xỉu. Bên trong cổng bảo vệ, nhiều nhân viên bảo vệ công ty Huê Phong đóng chặt cửa, và để phản ứng lại, nhiều người dân đòi đập phá cổng sắt công ty. Nhiều người dân thấy cảnh xót xa trên đã phải thở dài phát lên lời: "Công ty này mất hết tình người rồi. Tại sao họ lại có thể dửng dưng trước số phận của công nhân mình đến vậy?" Vào khoảng 13 giờ 30, công an địa phương quận Gò Vấp mới đến ổn định trật tự, và đích thân chị Nguyễn Thị Gái, cán bộ Phòng LÐ-TB-XH quận Gò Vấp, cho gọi 3 xe taxi đến chở các công nhân bị ngất xỉu đi cấp cứu.

 Trước những vi phạm luật pháp, những thái độ coi thường luật pháp Việt Nam như thế thuộc công ty Huê Phong của người Ðài Loan, Nhà Nước và các cơ quan chức năng cần phải sớm có biện pháp xử lý để kịp thời bảo vệ quyền lợi của người công nhân Việt Nam.
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page