Báo cáo của
Văn Phòng Kinh tế và Văn Hoá Ðài Bắc tại Hà Nội
về vấn đề công nhân Việt Nam bị trả về nước

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Khoảng tháng 9 năm 2000, tờ báo Lao Ðộng của Việt Nam có đăng bài phỏng vấn Ông Su Jen Chung, Trưởng phòng Lãnh Sự - Văn Phòng Kinh tế và Văn Hoá Ðài Bắc tại Hà Nội nói về vấn đề công nhân Việt Nam làm việc tại Ðài Loan bị trả về nước (bài phỏng vấn do Huy Hà thực hiện). Nhận thấy nội dung của bài phỏng vấn là một tài liệu cần thiết cho các công nhân Việt Nam tại Ðài Loan, bởi vậy, qua bài này, chúng tôi xin tường thuật lại một vài chi tiết quan trọng của buổi phỏng vấn để lấy thêm kinh nghiệm trong thời gian lao động tại nước ngoài.

 Hỏi: Theo Văn Phòng Kinh Tế và Văn Hóa Ðài Bắc, trong số 5,935 người Việt nam sang làm việc tại Ðài Loan lao động đến thời điểm này, có tới 404 người bị trả về nước với nhiều lý do. Vậy vì sao họ bị trả về nước? Ðịa vị pháp lý của họ ở Ðài Loan như thế nào?

 Ông Su Jen Chung (Trưởng phòng Lãnh Sự - Văn Phòng Kinh Tế và Văn Hóa Ðài Bắc tại Hà Nội): Theo thống kê của chúng tôi, trong số 404 người lao động Việt Nam bị trả về nước thì số người không đáp ứng nổi công việc lên tới 198 người; còn lại là 110 người tự nguyện xin về; 62 người bị bệnh; 13 người mắc bệnh truyền nhiễm; 15 người bị chủ hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn; 2 người có thai; 2 người bỏ trốn không biết đi đâu; 1 người kỹ thuật không phù hợp; và 1 người bỏ sang làm việc cho chủ khác.

 Hỏi: Ông có nói, trong số này phần lớn là người lao động Việt Nam không đáp ứng nổi công việc. Nhưng trước đó, họ đã phải trải qua những kỳ xét tuyển (có cả sự tham gia của người Ðài Loan). Vậy vì sao họ đã trúng tuyển lại không đáp ứng nổi yêu cầu công việc?

 Ông Su Jen Chung: Theo tôi, đó là do 2 bên hiểu nhầm về mức độ yêu cầu công việc. Tại Việt Nam xét tuyển cho là được, nhưng sang Ðài Loan chủ sát hạch lại thì không được, chủ đưa ra yêu cầu của công việc thì người lao động lại không đáp ứng được. Nếu đáp ứng được thì không chủ nào lại cho về nước một người lao động tốt, vì không những tổn thất cho người lao động mà còn tổn thất cho cả phía chủ. Còn việc có cả người Ðài Loan tham gia xét tuyển cùng phía Việt Nam mà người lao động đã trúng tuyển khi sang Ðài Loan vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc vì những người này cũng chỉ là người của công ty môi giới phía Ðài Loan, chứ không phải là người của chính công ty có nhu cầu sử dụng người lao động ở Ðài Loan, do đó khi sát hạch lại nhiều người đã qua xét tuyển ở Việt Nam vẫn không đáp ứng được công việc, thực tế cũng là điều dễ hiểu.

 Hỏi: Tương tự như vậy, các bệnh viện khám sức khỏe cho người lao động trước khi sang Ðài Loan lao động là những bệnh viện do phía Ðài Loan chỉ định. Vậy mà vẫn có nhiều trường hợp bọ trả về do không bảo đảm sức khỏe?

 Ông Su Jen Chung: Vấn đề này chúng tôi chưa điều tra kỹ, nhưng theo tôi được biết do thời gian chờ từ sau khi khám sức khỏe đến khi sang lao động tại Ðại Loan còn có một thời gian để chờ đợi. Có thể trong thời gian đó có những vấn đề xảy ra cho người lao động. Có trường hợp khi khám sức khỏe thì chưa có thai, sang đến Ðài Loan khám thì lại có thai; có trường hợp khi khám thì chưa mắc bệnh, sang đến nơi lại mắc bệnh?

 Hỏi: Một dạng bị trả về nước khác là do vi phạm kỷ luật. Nhưng vi phạm thế nào thì bị trả về nước, quy trình đuổi một người lao động là thế nào? Ðược biết quy trình hiện chưa được làm rõ trong hợp đồng lao động, dẫn đến có nhiều trường hợp phía chủ Ðài Loan đuổi người vô cớ?

 Ông Su Jen Chung: Nhiệm vụ của chúng tôi chủ yếu là cấp Visa cho lao động Việt Nam sang Ðài Loan, nên quy trình này chúng tôi cũng chưa nắm rõ, xin được trả lời sau. Theo tôi được biết thì Ðài Loan có luật đối với người lao động nước ngoài, nhưng trong hợp đồng với người lao động Việt Nam của các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam vấn đề này chưa làm rõ. Luật Ðài Loan là sau 40 ngày thử việc nếu không đạt thì có quyền cho về. Khoảng cách giữa người lao động Việt Nam và phía chủ lao động tại Ðài Loan còn khá xa, như ngôn ngữ bất đồng nên không hiểu nhau, người lao động thì "vỡ mộng" vì không bằng lòng với tiền công, với thời gian làm việc, môi trường làm việc của hai nước khác nhau, công nhân Việt Nam chưa quen với máy móc thiết bị của Ðài Loan?

 Hỏi: Vậy tổ chức nào sẽ bảo vệ những người lao động bị đuổi việc một cách vô cớ?

 Ông Su Jen Chung: Tại Ðài Loan có 13 tổ chức tư vấn về lao động cho những người lao động gặp khó khăn. Những tổ chức này sẽ đứng ra làm chứng xem việc đuổi người có hợp pháp không. Ðây là những tổ chức hoạt động miễn phí, dành cho cả người lao động Ðài Loan và người lao động nước ngoài tại Ðài Loan. Người lao động có thể liên hệ những tổ chức này để được giúp đỡ.

 Hỏi: Một người lao động Việt Nam muốn sang lao động tại Ðài Loan phải có ít nhất trên 30 triệu đồng để nộp các khoản phí theo quy định. Ðây là số tiền không nhỏ đối với người lao động. Vậy mà khi bị trả về nước họ sẽ gần như bị mất trắng số tiền này. Như vậy rất cần có biện pháp để tránh việc người lao động bị trả về nước?

 Ông Su Jen Chung: Chúng tôi cũng biết một người lao động Việt Nam sang Ðài Loan phải bỏ ra rất nhiều tiền, thậm chí họ phải vay mượn để đi. Do đó chúng tôi cũng rất buồn khi họ bị trả về nước. Chúng tôi cũng đang kỳ vọng là làm thế nào để tỷ lệ này sẽ là thấp nhất. Mới đây, Tổng thư ký Ủy ban Lao động Ðài Loan đã dẫn một đoàn cán bộ sang khảo sát tình hình đưa lao động Việt Nam sang Ðài Loan để tìm ra cách giải quyết tốt nhất, và hằng năm sẽ có những hội nghị giữa những người có trách nhiệm của hai nước để giảm thiểu việc lao động Việt Nam bị trả về nước. Trước mắt, các tổ chức môi giới của cả phía Ðài Loan và Việt Nam cần phải tăng cường công tác tìm hiểu, điều tra để xóa những khoảng cách chưa hiểu nhau giữa người lao động và phía chủ sử dụng lao động. Tiến tới sau này, chủ lao động sẽ sang Việt Nam trực tiếp tuyển lao động và như vậy, tỷ lệ người lao động Việt Nam bị trả về nước sẽ là rất ít.

 Người phỏng vấn: Xin cảm ơn ông!
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page