Báo Lao Ðộng Việt Nam
phỏng vấn Công Ty Du Lịch 12
về những sự việc xảy ra cho
công nhân Việt Nam tại đảo Samoa

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Báo Lao Ðộng Việt Nam phỏng vấn Công Ty Du Lịch 12 về những sự việc xảy ra cho công nhân Việt Nam tại đảo Samoa.

 Samoa - 5/12/2000 - Ngày 5/12/2000, Tòa án đảo Samoa mở phiên tòa xét xử vụ xung đột giữa các công nhân ở Samoa và công nhân Việt Nam. Trong những ngày qua, đồng bào Việt Nam khắp nơi trên thế giới đều quan tâm nhiều về vấn đề những công nhân Việt Nam đang làm việc cho công ty Daewoosa của chủ nhân người Ðại Hàn, ông Kim Soong Lee, tại đảo American Samoa (thuộc địa của Hoa Kỳ). Dựa theo những thư kêu cứu gửi tới đồng bào Việt Nam Hải Ngoại từ các công nhân đang làm việc tại Samoa, và dựa theo những báo cáo từ các luật sư và các nhà báo tại Samoa, sự việc xung đột xảy ra giữa các công nhân ở Samoa và công nhân Việt Nam đã làm cho anh Nguyễn Thái Quảng và chị Trương Lệ Quyên bị chấn thương. Ngày 4/12/2000, tờ Báo Lao Ðộng của Việt Nam, qua bài viết của Nguyễn Minh Ngọc và Phương Thủy, có đăng tải bài phỏng vấn Công Ty Du Lịch 12 về những sự việc xảy ra cho công nhân Việt Nam tại đảo Samoa. Ðể hiểu rõ hơn sự việc theo nhiều phía khác nhau, sau đây chúng tôi xin ghi lại bài phỏng vấn và những báo cáo của tờ báo Lao Ðộng ở Việt Nam:

 Nguyên nhân vụ xung đột xảy ra ngày 28/11/2000:

 Theo hợp đồng cung ứng lao động được ký kết giữa Công Ty Du Lịch 12 và Công Ty Daewoosa của chủ nhân người Ðại Hàn, ông Kim Soong Lee, từ ngày 28/8/1999, Công Ty Du Lịch 12 đã đưa 201 lao động (gồm 184 nữ và 17 nam) sang làm việc tại đảo Samoa (thuộc địa của Hoa Kỳ) theo các ngành nghề thợ may, thợ cắt và thợ hoàn thiện sản phẩm.

 Do có những mâu thuẫn từ trước giữa người lao động Việt Nam (do Công Ty Du Lịch 12 quản lý) với Công Ty Daewoosa, một số công nhân, đốc công người Samoa, nên ngày 28/11/2000, tốp công nhân Việt Nam đã bị hơn một chục công nhân Samoa dùng gậy đánh gây thương tích khiến cho 2 công nhân là anh Nguyễn Thái Quảng (Ninh Bình) và chị Trương Lệ Quyên (Hà Nội) bị chấn thương, đặc biệt là chị Quyên bị hỏng mắt trái. Ngay sau khi xảy ra vụ xô xát trên, cảnh sát địa phương và luật sư đã tiến hành lập biên bản.

 Theo tìm hiểu của báo Lao Ðộng Việt Nam:

 Vào khoảng 8 giờ (giờ Việt Nam) ngày 28/11/2000, vụ xô xát xảy ra; 8 giờ 30, Ban Giám Ðốc Công Ty Du Lịch 12 đã tiến hành họp và đề ra biện pháp khẩn trương giải quyết. Ðoàn cán bộ của Công Ty do bà Hoàng Thị Ngọc Mai, Phó Giám Ðốc Công Ty Du Lịch 12 và đoàn cán bộ của Cục Quản Lý lao động nước ngoài do ông Phạm Ðỗ Nhật Tân đã sang Samoa để phối hợp với cơ quan chức năng tại Samoa và Công Ty Daewoosa sớm giải quyết sự việc.

 Ngày 29/11/2000, Cục Quản Lý lao động nước ngoài đã khẩn trương gửi Công Văn số 569/QLLÐNN đề nghị khẩn trương giải quyết vụ việc công nhân bị đánh đập tại Samoa.

 Với sự trợ giúp tích cực của Thống Ðốc đảo Samoa và cảnh sát địa phương, tình hình người lao động đã dần dần trở lại ổn định. Ngày 1/12/2000, công nhân người Samoa đã chủ động đề nghị hòa giải khiến cho tâm lý người lao động Việt Nam cảm thấy yên tâm hơn.

 Bài phỏng vấn Công Ty Du Lịch 12 về sự việc xảy ra cho công nhân Việt Nam tại đảo Samoa:

 Trả lời cho phóng viên của tờ báo Lao Ðộng, ông Ðỗ Hiến, phó Giám Ðốc phụ trách điều hành Công Ty Du Lịch 12, cho biết:

 Công Ty Du Lịch 12: "Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do có những phát sinh trong việc nhà máy chậm trả lương cho công nhân, việc làm không ổn định, đưa ra những yêu sách khấu trừ lương công nhân không hợp lý... đã dẫn tới những bức xúc kéo dài đối với phần đông người lao động... Thêm nữa, việc dẫn tới vụ xô xát không thể không nói đến thái độ thiếu trách nhiệm của ông Kim Soong Lee, Giám Ðốc Nhà máy Daewoosa."

 Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Lao Ðộng về tình hình sức khỏe của 2 công nhân bị chấn thương, Ban Giám Ðốc Công Ty Du Lịch 12 cho biết:

 Công Ty Du Lịch 12: "Sau 2 ngày, anh Quảng đã bình phục vì chỉ bị xây xát nhẹ ở mặt, còn chị Quyên bị hỏng hoàn toàn mắt trái... Công Ty đã phát động phong trào ủng hộ chị Quyên và đã thu được gần 20 nghìn USD". Cũng theo những thông tin mới nhất do đoàn công tác tại Samoa thông báo về, tình hình sức khỏe của chị Quyên đã dần dần khá hơn và việc chị trở về nước hoặc tiếp tục ở lại sẽ được quyết định sau. Ngày 5/12/2000, Tòa án địa phương sẽ tiến hành xét xử vụ xô xát.

 Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Lao Ðộng về trách nhiệm của Công Ty Daewoosa trong sự việc xô xát xảy ra này, ông Ðỗ Hiến, phó Giám Ðốc phụ trách điều hành Công Ty Du Lịch 12, cho biết:

 Công Ty Du Lịch 12: "Mặc dù chưa có văn bản chính thức nào về việc bồi thường cho những nạn nhân của vụ xô xát nói trên, song bằng những điều khoản trong hợp đồng, Công Ty Daewoosa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước sự việc xảy ra. Tuy nhiên, hợp đồng thỏa thuận giữa hai công ty kéo dài đến tháng 8/2002, vì thế cùng với giải quyết hậu quả sự việc này, chúng tôi còn phải phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan pháp luật yêu cầu chủ nhà máy phải thanh toán tiền lương cho công nhân và chấm dứt các hành vi vi phạm hợp đồng, tiến hành bồi thường cho người lao động. Ðến ngày hôm nay, Công Ty Daewoosa đang nợ công nhân tháng 5-9 và 10/2000... Theo bản báo cáo mới nhất (số 388/BCDL-XKLÐ ngày 4/12/2000), hiện tại cùng với việc cương quyết đề ra các biện pháp bảo vệ người lao động, Công Ty Du Lịch 12 còn tiến hành xây dựng phương án giải quyết trong trường hợp nhà máy bị chính quyền đảo Samoa xử lý để đảm bảo quyền lợi người lao động. "

 Giải thích với phóng viên báo Lao Ðộng về những thông tin khác nhau của sự việc, ông Ðỗ Hiến, phó Giám Ðốc phụ trách điều hành Công Ty Du Lịch 12, cho biết:

 Công Ty Du Lịch 12: "Ðây là xô xát giữa công nhân với công nhân chứ không phải là công nhân với cư dân. Hơn nữa, một số người lao động cũng mất bình tĩnh, bị lôi kéo kích động vi phạm quy định của địa phương, có thai, sinh con... làm cho mâu thuẫn giữa chủ nhà máy và công nhân ngày càng có khoảng cách. Trước tình hình này, Công Ty chủ động có những biện pháp giải quyết dứt điểm".

 Những nhận định của báo Lao Ðộng về vụ bạo động xô xát đã xảy ra:

 Theo AFP ngày 4/12/2000, vụ bạo động này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc vi phạm quyền lợi lao động đối với công nhân Châu Á đang làm việc tại nhà máy Daewoosa. Các công nhân Việt Nam phẫn nộ cho biết, chính Chủ Tịch Công Ty Daewoosa đã tiếp tay cho các hành động bạo lực trên khi cho phép những giám sát viên người Samoa được quyền đánh đập các công nhân Châu Á nếu như họ sai sót trong công việc. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất chính là việc các công nhân bản xứ đã vịn vào điều đó và bắt đầu tấn công các đồng nghiệp người Á bằng nắm đấm, gậy gộc và cả dao kéo. Ðiều này đã làm dấy lên làn sóng bất bình và phẫn nộ trong cộng đồng công nhân Châu Á tại nhà máy Daewoosa.

 Ðây chỉ là một trong hàng loạt các đối xử bất công mà nhà máy Daewoosa đã gây ra cho các công nhân Châu Á kể từ khi thành lập năm 1998. Sau vụ xô xát trên, nhiều công nhân Việt Nam, do quá lo sợ vì sẽ bị trả thù và đánh đập tại nhà máy đã phải đến trú ẩn tại các nhà thờ địa phương. "Hầu hết các công nhân này đều rất hoảng loạn", Giám Ðốc Dịch Vụ Xã Hội Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo cho biết. "Họ đã phải chịu một chấn động rất lớn và vết thương tinh thần đó có thể sẽ theo họ suốt cuộc đời".

 Tổ chức phi lợi nhuận Dịch Vụ Pháp Luật Una'i - chuyên bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và những người thiểu số - dự kiến sẽ đệ đơn kiện nhà máy Daewoosa và Chủ Tịch Lee do vụ xô xát trên. Một tuần trước đó, Tòa án cấp cao đã xử phạt Công Ty Daewoosa vì tội ngược đãi công nhân và đe dọa trục xuất công nhân người Á về nước vì đã bãi công đòi công ty phải trả lương xứng đáng với sức lao động.

 Ghi chú của báo Lao Ðộng:
* Hiện tại trong nhà máy của Công Ty Daewoosa tại Samoa có: 243 người lao động Việt Nam, trong đó có 201 người thuộc sự quản lý của Công Ty Du Lịch 12, 42 người thuộc sự quản lý của Công Ty IMS.
* Tại đảo Samoa hiện có 807 người nước ngoài đang lao động, trong đó có 11 người lao động Trung Quốc.
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page