Vòng quanh Ký Túc Xá

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Vòng quanh Ký Túc Xá.

 Ði một vòng, quanh ký túc xá, để thấy và tìm được sự đồng cảm của thân phận người đi lao động hợp tác Ðài Loan.

 Chúng tôi, những người trẻ, ở lứa tuổi thanh xuân, cuộc đời còn nhiều ước vọng, rời quê hương Việt Nam yêu dấu, ra đi với mục đích kiếm nhiều tiền để có phương tiên tạo ra một tương lai tươi sáng, và mai ngày, khi trở về Việt Nam, sẽ có được những ngày hạnh phúc vui tươi hơn, có thể tạo nên một cuộc sống mới an nhàn, và kị nhất, mong cho lịch sử đừng bao giờ lặp lại cái kiếp thuê ở nước người như thế này nữa.

 Ở trong nhóm chúng tôi, mỗi người lại có một lí do rất riêng tư khác nhau khi quyết định cho cuộc ra đi của mình:

 Chị A: Vì bố bệnh, cần tiền lo thuốc thang cho bố.
Chị B: Cần có đủ tiền để xây lại căn nhà đang xuống cấp.
Chị C: Bất đắc dĩ phải ra đi vì túng bách với cuộc sống hiện tại.
Chị D: Với mục đích rất là riêng tư, đã thảo luận cùng chồng, và quyết định ra đi, để lại những con thơ tội nghiệp phải xa mẹ, xa tình thương mẫu tử.
Chị E: Chỉ vì một chút nóng giận, buồn gia đình, muốn thoát ly khỏi nỗi nhức đầu.

 Hay đại khái có những chị vì mới ra trường, chưa có việc làm, muốn có công việc tương đối ổn định, hoặc muốn ra nước ngoài cho biết để học hỏi nhiều hơn trong cuộc sống mới ở xứ lạ quê người.

 Trình độ của chúng tôi, cũng không phải là thấp, đa số đều là những người tốt nghiệp Ðại Học, có chị chuyên ngành về điện tử, giáo viên, ngoại ngữ, kế toán ?. Thế mà, khi chủ Ðài Loan tới tuyển lựa chúng tôi, tuyển cho được trình độ thật cao, nhưng qua làm chỉ là những công việc của những công nhân. Chủ Ðài Loan được một mớ lời to, mướn các tay nghề cao chỉ để làm những công việc giây chuyền trong các công xưởng điện tử. Nói đến đây, tôi còn thấy tội nghiệp cho một anh bạn nam khác ở một công ty xây dựng vùng Hsin U, Ðào Viên: Anh là một sinh viên Ðại Học Hàng Hải ra trường, nhưng qua tới Ðài Loan phải làm công việc xây dựng nặng nhọc, suốt ngày cầm gạch, xúc xi măng, nhiều lúc vì vấn đề an toàn không được chủ công ty cung cấp đầy đủ, nên da của anh và các bạn đồng nghiệp khác đã lở đầy những ghẻ chóc, thật tội nghiệp. Trường hợp này đã được Ch. H?. báo cáo lên sở Vệ Sinh của Ðài Loan để giải quyết, không biết nay công ty đã cải thiện chưa, và da của các anh đã bình phục trở lại chưa.

 Cũng giống như người lao động hợp tác khác ở Nhật, Hàn Quốc?, Ðài Loan cũng không gọi là qúa xa, nhưng không dễ gì để có được những ngày nghỉ phép hằng năm về thăm nhà, bởi vì chi phí máy bay không phải là nhỏ đối với những người lao động hợp tác. Lương hàng tháng của công nhân, bị Môi Giới trừ tới trừ lui chẳng còn lại bao nhiêu, nhiều lúc chẳng dám xài gì, chỉ lo tiết kiệm để dành gửi về Việt Nam trả nợ và giúp gia đình. Nói đến đây tôi lại muốn ứa nước mắt khi thấy trường hợp chị Ph? của một công ty khác ở Trung Ly, Công ty ăn gian tiền lương của công nhân, trả không đúng theo quy định của nhà nước Ðài Loan, nhiều lúc công nhân lãnh lương phải lãnh tiền âm, vì tiền môi giới trừ còn cao hơn tiền lương do chủ phát. Gửi thư kiện tới kiện lui ở bộ Lao Ðộng Ðài Loan, không biết nay các chị ấy đã lấy lại được đủ tiền lương của mình chưa.

 Chính vì những nỗi vất vã khó khăn hằng ngày về mọi mặt mà chúng tôi có tâm trạng phải nói là tương đối giống nhau: chỉ biết cùng nhau nhìn về dĩ vãng, nhớ về kỉ niệm. Mỗi khi "chỉ còn ta đối diện với ta" thì nỗi nhớ nhà da diết lại đến với người "công nhân buồn" nhớ gia đình, nhớ người yêu. Kỉ niệm ngày nào như một cuốn phim quay chậm đươc chiếu đi chiếu lại nhiều lần mà bất cứ một ai khi tha hương đều có cùng một tâm trạng giống nhau: nhớ những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc và nhớ lắm khi có thể tóm tắt lại một câu: "Ai mà có thể đong được nỗi nhớ".

 Thật ra, từ thâm tâm sâu thẳm của mỗi cá nhân, sẽ có những hồi ức rất riêng tư : những buổi ăn đầy ắp tiếng cười, nhớ lại từng ao rau muống, vườn rau, bên người thân trong gia đình, hàng xóm. Nhớ lại ngày nào cùng với bạn bè thao thao bất tuyệt luận bàn tình hình kinh tế, chính trị, tình bạn, tình yêu, kể cả những vui buồn yêu đương, tương tư, thất tình?. kể cả những lần sinh nhật được cưng chiều và nhớ lắm? nếu kể hết ra đây thì sẽ không có điểm chấm dứt. Và tùy thuộc vào mỗi cá nhân bi quan hay lạc quan, chủ quan hay khách quan mà có những giới hạn khác nhau để ghi lại trong ký ức.

 Thôi thì cuộc sống ai mà chẳng mơ đến một ngày mai mình sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Tôi, anh và bạn đều có quyền mơ ước, ráng cố gắng tạo đam mê trong công việc hiện tại và nuôi dưỡng hoài bão ước mơ cho tương lai khi về lại Việt Nam. Lúc đó, ta sẽ nở nụ cười thật tươi để khẳng định được rằng ta đã không phí công những năm ở xứ người, đã không để tuổi trẻ qua đi cách uổng phí, đã có thêm chút đồng tiền để dành và ít ra thêm một ngôn ngữ mới.

 Chúng ta đến Ðài Loan, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, kẻ vui sướng, người cực khổ vất vả, nhưng tựu trung, khi về nước chúng ta cũng sẽ giống nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau góp sức để tạo cho chúng ta một gia đình tốt hơn và có được một tương lai tươi sáng cùng với những tiếng cười hạnh phúc với quê hương và dân tộc.

 Ðào Viên, Ðài Loan, ngày 17/12/2000.
Hà Thị Thu
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page