Hãy cảnh giác những cạm bẫy

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Hãy cảnh giác những cạm bẫy.

 Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
(Ca dao Việt Nam)

 Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
(Ca dao Việt Nam)

 Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gàø cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
(Ca dao Việt Nam)

 Ngay từ thuở tóc còn để chỏm, ngày ngày vác sách đến trường ê a tập đánh vần, tôi đã được thầy cô dùng tục ngữ ca dao dậy bảo tôi về cách ứng xử trong cuộc sống với người khác. Mẹ tôi, một người suốt đời chân lấm tay bùn chưa bao giờ được cái hạnh phúc cắp sách đến trường, nhưng cũng hay dùng tục ngữ ca dao dậy bảo tôi mỗi lần tôi làm điều gì không phải. Cứ mỗi lần tôi cho thằng em một bạt tai thì y như rằng bà sẽ bảo tôi: "Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau." Nghe thì biết vậy nhưng trí trẻ con tôi nào hiểu trọn vẹn tất cả những lời dậy bảo của cha mẹ hay thầy cô về những cách ứng xử trong những mối tương quan với người khác sao cho phải đạo làm người. Tôi vẫn cứ thỉnh thoảng cho thằng em ăn bạt tai như thường nếu nó dám quấy nhiễu đến thế giới bé nhỏ ích kỷ của tôi.

 Cuộc đời đẩy đưa thế nào mà tôi là đứa duy nhất trong anh chị em phải sống xa gia đình ngay từ tấm bé. Tôi vẫn là đứa trẻ ham chơi hơn học. Yêu bạn bè hơn sách vở bài học. Nhưng đời tôi không êm đềm như tôi tưởng. Khi bỏ sách bước vào đời với mớ kiến thức cỏn con và tâm hồn đơn giản dễ tin, tôi bị đời quăng lên quẳng xuống như chiếc cầu lông. Tận mắt thấy những tráo trở lọc lừa và đảo điên của cuộc sống. Tôi thấy cuộc sống sao vô lý bẩn thỉu vô nghĩa lạ thường. Vét mãi trong đáy tim còn chút hy vọng vực tôi đứng đậy và sống theo lý tưỡng độc lập riêng tư cho chính mình. Cuộc đời tự nó có ý nghĩa hay ta phải sống sao để tạo cho cuộc sống của chính mình có ý nghĩa? Nói cách khác nếu mỗi cuộc sống của một người là một hành trình mà hành trình này thuờng không có ai đó dọn sẵn lối sẵn đường. Thế cho nên mỗi người phải vừa đi vừa khám phá và phải tự tạo cho mình một con đường một lối đi một đích hướng. Tôi thề rằng cho dẫu tôi có mất tất cả, tôi sẽ không đánh mất trái tim con người của tôi. Nghĩa là tôi sẽ yêu cuộc sống thiết tha cho dù đớn đau nhục nhằn. Nghĩa là tôi sẽ yêu con người mãi mãi cho dẫu vẫn bị lọc lừa, phản bội xảo trá. Tâm niệm của các bạn thế nào tôi không biết? Nhưng tôi thiết nghĩ cũng không cần thiết để biết vì đó là chuyện rất thiêng liêng và riêng tư của mõi người. Một cách nào đó nó là chuyện lương tâm của con người.

 Nói thế không có nghĩa là tôi không còn đau đớn không cảm thấy giận dữ bất bình khi nhìn thấy những tráo trở đảo điên của cuộc sống. Bây giờ tôi xin chia sẻ với các bạn những gì tôi thấy tôi nghe dẫu trong đau đớn và tủi hổ khi phải nói lên những sự thật này. Nhưng tôi vốn tin tưởng "sự thật sẽ giải phóng con người, làm cho con người trở nên một người tự do hoàn toàn."

 Vào buổi tối thứ sáu đầu tháng 12/2000 vừa qua tôi nhận được một cú điện thoại của một anh công nhân Việt Nam. Linh tính báo là chuyện chẳng lành. Mà quả đúng vậy. Anh gọi tôi từ một phòng tạm giam của một sở cảch sát địa phương cách nơi tôi ở khoảng hơn nửa giờ lái xe. Một người bạn của anh cũng cùng bị giam chung với anh. Vì buổi tối, ngoài giờ làm việc, nên tôi không được phép đến thăm hai anh ngay. Hôm sau thứ bẩy và cả ngày Chúa Nhật tôi bận nên cũng không thể đến thăm hai anh được. Hôm thứ hai tôi nhờ người lái xe chở tôi đến thăm hai anh. Chúng tôi theo sau cô bảo vệ bước vào một phòng nhỏ trong đó có một nửa là hai cũi giam, còn nửa khác có kê chiếc bàn dài, vài chiếc ghế và một tủ sắt để giữ các đồ vật của những người bị giam trong đó. Một người cảnh sát đã đứng tuổi ngồi canh ở ngay cửa ra vào nét mặt không lộ một cảm xúc gì.

 Tôi gọi là cũi giam vì quả thật trông không khác gì một cũi giam giống vật với những song sắt to hơn bắp chân của một người lớn to béo. Có một cửa mà khi ra vào người tù phải cúi chui thì mới lọt ra được. Tôi thấy một cũi giam hai anh Việt Nam mình còn cũi kế bên là giam ba cô. Theo tôi biết có 2 cô từ Trung Quốc và một cô ngưới Phi. Trước khi ra về tôi cũng có nói chuyện với cô người Phi đó.

 Hỏi chuyện hai anh tôi mới biết hai anh bỏ trốn công ty và ra làm bên ngoài cho một cô dâu người Việt lấy chồng Ðài Loan. Các anh làm đủ mọi thứ việc từ việc đốt rác lậu, chạy xe đưa hàng (cho dù không có bằng lái xe), nuôi heo, nấu cơm, dọn nhà, đóng các kệ hàng, v.v? Hai anh bị bắt không phải là chuyện tình cờ. Hai anh bị chính cái cô dâu Việt Nam lấy chồng Ðài Loan đó đi báo cho cảnh sát đến bắt vào ngay sáng hôm thứ sáu mà cô ta ngọt ngào bảo hai anh nghỉ một ngày cho khỏe. Cổ tôi như nghẹn lại. Có cái gì như nút thắt trong ruột. Tôi yêu nước tôi, tôi yêu tiếng nước tôi, tôi từng hãnh diện vì mình là con Rồng cháu Tiên. Tôi yêu chuyện mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng trăm con. Nên dân tôi gọi nhau là đồng bào. Vì cùng một bọc chui ra. Những câu ca dao dậy tôi yêu thương quê hương giống nòi sao bây giờ bỗng trở nên chua xót đến thế!

 Tôi không bao giờ hiểu được là trên đời có những người thâm hiểm độc ác đến như vậy! Ðồng tiền làm con người ra mù quáng mất hết lương tri. Tôi xin lỗi nếu tôi có xúc phạm đến ai. Nhưng cho tôi được gọi những người như thế là loài thú chứ không phải là loài người. Nhưng nghĩ lại gọi như thế tôi đã vô tình xúc phạm đến các loài cầm thú vì thật ra chúng sống theo bản năng và hình như không bao giờ có loài thú nào ăn thịt đồng loại của mình.

 Nhân kể chuyện thương tâm đau lòng này, tôi xin chân thành xin anh chị em hãy luôn khôn ngoan. Dùng lý trí để suy tư cho chín chắn trước khi quyết định làm bất cứ một chuyện gì. Theo thiển ý của tôi, tôi thấy rằng chúng ta sang đây đều có ký hợp đồng theo đúng pháp luật của cả hai nước Việt Nam và Ðài Loan. Ấy thế mà trên thực tế nhiều khi chúng ta còn bị chủ nhân và các công ty môi giới dùng đủ mọi mánh khoé chạy quanh pháp luật để bóc lột, gian lận đến tận xương tủy. Thì làm sao khi chúng ta là người sống bất hợp pháp lại được chủ yêu thương trìu mến được. Trái lại họ sẽ lợi dụng cái thế yếu của chúng ta để bóc lột cách tàn bạo thâm độc và tinh vi hơn mà thôi. Vì thế, hãy suy nghĩ bằng trí óc chứ đừng bao giờ dại dột nghe lời dịu ngọt đường mật của người khác. Không ai giết ruồi bằng giấm cả. Ông bà ta thì dậy"Mật ngọt chết ruồi. Lời ngọt lọt đến xương". Mà quả thật là lời ngọt lọt đến xương. Bằng chứng là một trong hai anh bị phỏng hai chân cách tàn tệ khi đốt rác lậu bị chất hóa học bốc cháy vào chân. Còn một ngón tay thì bị đứt trong khi dùng cưa xẻ gỗ. Cái giá trả thế đã hết đâu? Hai anh bị lợi dụng làm trong bao nhiêu tháng mà không nhận được đồng lương nào. Chị ta ngọt ngào bảo rằng:"Các em giữ tiền trong tay không tiện. Lỡ cảnh sát bắt được thì mất hết. Cứ để chị giữ hộ cho rồi khi nào nhiều nhiều một chút thì chị sẽ giúp gửi về Việt Nam cho."

 Tôi còn nghe nói chính chị ta hay đến các công ty để rủ rê các cô ra ngoài rồi "bán dâm" cho bọn Ðài Loan. Viết bài này ruột tôi thắt lại. Tôi xin tất cả các anh chị em công nhân Việt Nam hãy cẩn thận và khôn ngoan. Ðài Loan là một nước dân chủ có hiến pháp. Riêng đối với công nhân nước ngoài họ cũng có luật lao động căn bản để bảo vệ quyền lợi cho họ. Tuy luật lao động này vẫn chưa được hoàn hảo nhưng luôn được cải thiện vì có các cơ quan thiện nguyện (NGO) phi Chính phủ luôn đứùng về phía công nhân để tranh đấu và bảo vệ quyền lợi cho họ. Bộ Lao Ðộng Ðài Loan rất có tinh thần hợp tác trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân nước ngoài. Ðiển hình là trong báo The China Post số ra thứ hai ngày 18 tháng 12 năm 2000 có đăng tin là Thị Trưởng của Ðài Bắc quyết tâm bảo vệ quyền lợi của người nhân công nước ngoài bằng cách cụ thể là trích ra một số qũy gồm 300 triệu Ðài Tệ để trả tiền lệ phí cho bất cứ một công nhân nước ngoài nào nếu họ muốn đưa vụ án của họ ra toà. Thị Trưởng của Ðài Bắc nói rằng: "Theo sự quan tâm của tôi, họ (công nhân nước ngoài) là công dân của thành phố này- quyền lợi của họ không khác chi với quyền lợi của tôi". Ngoài ra, hiện tại Bộ Lao Ðộng chuyên lo về các công nhân nước ngoài đã mướn thêm người và đặt những đường giây điện thoại nóng (hotlines) để giúp cho công nhân nước ngoài khi họ cần đến. Ðường giây nóng dành cho người Việt Nam là 080-017-858.

 Cha ông ta dậy: "Kiếm củi ba năm thiêu rụi một giờ" hay "Khôn ba năm dại một giờ". Chúng ta hãy cân nhắc thật cẩn thận, dùng suy tư của lý trí chứ đừng nghe những lời dụ ngọt của người khác mà rơi vào tình trạng không lối thoát. Ðến lúc ấy các cơ quan thiện nguyện có muốn giúp cũng không có cách chi giúp được.

 Tôi nguyện cầu xin đừng một ai trong anh chị em công nhân Việt Nam tại Ðài Loan rơi vào tình trạng như hai anh bạn mà tôi đã phải chứng kiến.

 Ðài Trung, Ðài Loan, ngày 18/12/ 2000.
Phương Ý
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page