Thư cầu cứu
của 250 công nhân Việt Nam
tại đão Samoa Thái Bình Dương

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Thư cầu cứu của 250 công nhân Việt Nam tại đão Samoa Thái Bình Dương.

 Samoa - 28/11/2000 - 250 công nhân Việt Nam gửi lá thơ say đây tới cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Kèm theo một lá thơ kêu cứu viết riêng, và đề nghị mọi người nên gửi thơ kiến nghị lên vị Thống đốc của đảo Samoa Island là ông: TAVESE P. SUNIA để phản đối việc 250 nữ công nhân Việt Nam bị hành hạ và đối xử một cách tàn bạo. Số điện thoại của văn phòng Thống đốc đảo Samoa là: 011-684-633-2269.

 Kính gửi toàn thể đồng bào Việt Nam tại hải ngoại:

 Chúng tôi gồm 250 người Việt Nam đang thực hiện hợp đồng lao động tại công ty Daewoosa do một Hàn kiều tên Lu làm giám đốc.

 Thưa quý vị: Từ khi bước chân sang đây làm việc, chúng tôi đã bị công ty Daewoosa vi phạm hợp đồng và chà đạp quá nhiều. Uất ức và phẫn nộ, chúng tôi đã gửi nhiều đơn thư kêu cứu về Công ty du lịch 12 và bộ Lao Ðộng, báo Phụ Nữ ở trong nước nhưng đều không nhận được sự giúp đỡ khả quan nào, mà tình trạng càng ngày càng dẫn đến tồi tệ. Nay qua mạng Internet, chúng tôi được biết có các tòa báo tại hải ngoại đã quan tâm và tỏ thái độ giúp đỡ chúng tôi, nên chúng tôi gạt nước mắt kính xin các tòa soạn báo tại hải ngoại sẽ lên tiếng nói thay mặt chúng tôi gửi tới bà con đang sinh sống tại hải ngoại góp tiếng nói giúp đỡ chúng tôi, vì cho đến nay tình trạng bất hòa giữa giám đốc và công nhân đã dẫn đến thảm trạng, mà không biết số phận những người công nhân Việt Nam chúng tôi sẽ đi đến đâu.

 Kính thưa các tòa soạn báo, chúng tôi xin được gửi bản hợp đồng mà chúng tôi đã ký kết với Công ty du lịch 12, kèm theo một tờ đơn của một số gia đình công nhân nêu kiến nghị cùng Công ty du lịch 12 về những điều khoản sai mà Công ty du lịch 12 đã ký, sau việc làm sai hợp đồng, chúng tôi còn bị những sự áp đặt vô lý và đối xử tồi tệ, cụ thể. Ra vào cổng Công ty, chúng tôi phải xuất trình cho bảo vệ coi túi xách, kể cả xách cầm tay. Chế độ ăn thì phần nhiều là khoai tây xào và bắp cải, có những bữa phải ăn mì vì thịt gà giám đốc chỉ xuất cho hai khay. Y Tế tại Công ty thì chỉ có một Y tá, ngoài ra không có dụng cụ Y Tế hay thuốc men phòng khi tai nạn lao động. Lương thì tháng có tháng không, vì những sự áp bức đó đã dẫn chúng tôi đến văn phòng luật sư. Chúng tôi đã được bà ta giúp đỡ để khởi tố kiện giám đốc Lu. Khi vụ kiện chưa đến hồi kết thúc thì đến ngày 28 tháng 11 năm 2000, đã xảy ra một thảm trạng đau lòng mà chúng tôi lo sợ không biết có xảy ra lần thứ hai hay không.

 Do ngôn ngữ bất đồng nên đã xảy ra xô xát giữa một quản lý người Samoa và một nữ công nhân Việt Nam. Sau đó anh ta đã mời giám đốc xuống trình bày thì ông giám đốc đã nói với người quản lý Samoa là: "Nếu công nhân Việt Nam không nghe theo lệnh thì được phép đánh, nếu chết ông ta chịu trách nhiệm". Câu nói này đã được một số công nhân biết tiếng nghe được vì họ ngồi gần đấy. Họ bảo "cẩn thận không ông ta cho phép Samoa đánh đấy". Sau khi ông Lu quay đi, thì anh quản lý đã xuống túm áo nữ công nhân lôi lên văn phòng. Cô ta chặn lại và sửa lại áo thì bị anh ta đẩy rồi vặn tay kéo đi (lúc này ông giám đốc Lu đứng gần đấy đã không nói gì và đi về phòng ông ta). Thấy bất công, những công nhân nam đã vào can thì bị anh ta và một cô bảo vệ xông vào đánh, và lúc đó chúng tôi thấy ào ào những người Samoa làm việc tại khu luân phiên dùng ống nước, ghế băng chân sắt kéo xông vào đánh. Một số ngồi gần đấy vội can ra thì bị họ giựt tóc, đấm đá và dùng ghế và ống nước đập chọc vào. Họ đánh và kéo lê chúng tôi từ cuối xưởng lên đến cửa xưởng, máu chảy đầy trên chuyền hàng và dưới đất.

 Trong lúc xảy ra chuyện đó thì có một số bên phòng hỏi tại sao giám đốc cho Samoa đánh, thì ông ta đã gạt tay định hành hung lại một nữ công nhân. Ðược mọi người can thiệp, ông ta ra khỏi phòng đến giữa sàn, không biết ông ta nói gì bằng tiếng Hàn rồi tóm ngực áo một nam công nhân với thái độ hung hãn. Chúng tôi sợ quá và khóc rồi kéo anh ta lại, khi chúng tôi gọi điện thoại cho Cảnh sát họ tới nơi thì họ mới thôi đánh chúng tôi nữa. Lúc đó hai công nhân nam và nữ đã bị chảy nhiều máu, còn những người khác bị bầm dập xây xước, có công nhân còn bị giật mất sợi giây chuyền, có người còn đang mang thai cũng bị những mảnh thủy tinh do họ phang vướng vỡ bóng đèn rơi bắn vào tay chảy máu. Sau 15 phút Cảnh sát đến, đã thấy cho hai công nhân kia đi bệnh viện, chúng tôi yêu cầu thì Cảnh sát cho lên xe đưa đi, nhưng không đến bệnh viện mà ra đồn ngồi.

 Sau 30 phút thấy máu ra nhiều nơi mắt, hai người bạn đi cùng phải nhờ bà ở văn phòng luật sư vừa xuống giúp đỡ cho đi, nhưng đến bệnh viện quá muộn nên đã phải phẫu thuật lấy đi một con mắt của nữ công nhân đó. Sau đó cô ta nôn ra toàn máu, một tay bị nhiều vết rách, còn thân thể và một tay thì bị bầm tím. Còn nam công nhân kia bị rách môi trên phải khâu cả trong lẫn ngoài. Ðầu và lưng bị sưng, đau khắp tay chân xây xát. Sau khi Cảnh sát mời mọi người lên đồn, còn lại một số công nhân Samoa thì có hai nam Samoa đã định xông vào phòng nam gọi một nam công nhân Việt Nam ra đánh, nhưng còn một người Cảnh sát mặc dân sự ở lại can thiệp nên thảm trạng đã không xảy ra, nhưng anh ta vẫn buông những lời lẽ đe dọa chúng tôi.

 Kính thưa các quý tòa báo tại hải ngoại:

 Chúng tôi là những người sang đây lao động, đa phần là nông thôn và mới đủ tuổi trưởng thành nên không hiểu hết luật lao động và luật Mỹ. Vì muốn giúp gia đình và đất nước thêm một phần lợi nhuận mà chúng tôi đã phải bán nhà và vay lãi xuất cao để đủ 4,000 đồng đóng cho một hợp đồng sang đây, kể cả các khoản chi ngoài thì đa phần lên đến con số từ 5 đến 6 nghìn đô-la, chỉ hy vọng sau khi kết thúc hợp đồng thì sẽ kiếm được chút vốn nhỏ, nhưng đến nay đã được một năm ba tháng mà vốn chưa đủ, còn tính mạng thì ngàn cân treo sợi tóc, không biết họ có trả thù không, mà luật Mỹ thì chúng tôi chưa được nắm vững nên không biết tính mạng chúng tôi sẽ được bảo vệ ra sao với những lời hăm dọa của dân Samoa. Nay chúng tôi chỉ biết trông chờ vào sự can thiệp và lòng hảo tâm của các quý báo và cộng đồng người Việt tại hải ngoại, sẽ lên tiếng nói với chính phủ Mỹ nhờ can thiệp và giúp đỡ chúng tôi, cho chúng tôi trở về quê hương, dù chưa đủ vốn nhưng tính mạng chúng tôi còn quý lắm, và chúng tôi còn hy vọng công ty du lịch 12 không đến mức để chúng tôi phải thiệt thòi. Chúng tôi xin kính nhờ các tòa báo tại hải ngoại gửi tới cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Mỹ, hãy coi chúng tôi như những người con, người cháu, người bạn và em của mình, hãy cùng các quý báo lên tiếng giúp đỡ chúng tôi.

 Chúng tôi hy vọng và mong tin ở quý báo, trong một ngày gần đây chúng tôi gạt lệ xin chân thành cám ơn các quý báo và những người có lòng hảo tâm giúp đỡ.

 Samoa, ngày 28 tháng 11 năm 2000.
Chữ ký của tập thể công nhân.
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page