Samoa - November 2000 - Cho đến nay, đã có nhiều hoạt động bóc lột công nhân của những công ty quốc doanh Việt Nam thông đồng với các tay buôn ngoại quốc thiếu lương tâm đã được xuất cảng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để vào đến một vùng thuộc địa của Hoa Kỳ tại vùng Nam Thái Bình Dương, trên một quần đảo mang tên American Samoa. Vì sự chịu đựng của công nhân Việt Nam này cũng có hạn, và vì sự uất ức trước những bất công quá đáng, do sự toa rập giữa Công Ty xuất Khẩu Lao Ðộng của Việt Nam và của các chủ nhân nước ngoài, những công nhân bị bóc lột hiện nay đã phải kêu cứu sự bảo vệ và can thiệp của luật pháp của Hoa Kỳ.
Nội dung vụ kiện: Theo những sự kiện nêu ra trong một đơn kiện tập thể do bà Nguyễn Thị Nga, cùng với trên 30 công nhân người Việt khác đồng đứng đơn kiện công ty thầu may Daewoosa do một Hàn Kiều tên Kil-Soo Lee thiết lập tại một thĩ xã tên Tafuna trên một đảo thuộc quần đảo American Samoa, công ty thầu may nói trên đã trả lương dưới mức lương tối thiểu luật định và không trả tiền phụ trội cho trên 300 công nhân người Việt làm việc tại xưởng may Daewoosa.
Các nguồn tin ghi nhận được cũng cho thấy rằng tất cả công nhân người Việt đều do một công ty Việt Nam mang tên Công Ty Du Lịch 12 của Việt Nam cung cấp. Công ty này đã hứa hẹn một khoảng lương trung bình từ 700 đến 1,000 Mỹ kim một tháng cộng thêm tiền phụ cấp ăn ở. Nguồn tin cũng tiết lộ rằng, để được tuyển mộ và cấp giấy phép xuất cảnh sang làm việc tại xưởng may Daewoosa, mỗi công nhân người Việt này đã phải nộp một khoản tiền từ 4,000 đến 8,000 Mỹ kim cho Công ty Du Lịch 12. Sau khi được nhận việc, mỗi công nhân còn phải đóng một số tiền hàng tháng khoảng 150 Mỹ kim cho công ty Daewoosa gọi là chi phí thiết lập thủ tục di trú. Không ai biết số tiền nói trên được dùng làm gì và đưa cho ai.
Sở dĩ một số xưởng may đã được thiết lập tại vài quần đảo thuộc địa Hoa Kỳ như Commonwealth of the Northhern Marianas Islands (Saipan) và tại American Samoa là cốt để lợi dụng quy chế đặc biệt tại các quần đảo nói trên: vì được coi như thuộc địa Hoa Kỳ cho nên hàng hóa sản xuất từ đó và nhập cảng vào nội địa Hoa kỳ không phải chịu những giới hạn số lượng (quotas) và được miễn mọi thuế quan. Ngoài ra những công nhân Việt Nam được công nhận là những người thợ có tay nghề cao và có năng xuất lớn.
Vài hàng về quần đảo American Samoa: Quần đảo American Samoa nằm cách Hawaii 2,600 dặm về phía Tây Nam. Dân số khoảng 62,000 người, được coi như "kiều dân Hoa Kỳ" (U.S. Nationals) được quyền tự do ra vào nội địa Hoa Kỳ tuy không được quyền tham dự vào các cuộc bầu cử tại nội địa Hoa Kỳ. American Samoa là một vùng lãnh thổ Hoa Kỳ được đặt dưới sự quản trị của Bộ Nội Vụ Liên Bang. Quần đảo này cũng có một cơ cấu chính quyền địa phương gồm cả ba ngành Lập pháp Tư pháp và Hành pháp tương đối tự trị. Ða số luật lệ liên bang Hoa Kỳ, kể cả những luật lệ lao động, được áp dụng tại quần đảo. Kỹ nghệ biến chế và đóng hộp cá thu (Star Kist) chiếm trên 99% sản ngạch xuất cảng sang Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc Châu.
Cũng như một số các quần đảo khác tại Thái Bình Dương như Micronesia, Marshall Islands, Northern Marianas Islands, do Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm cho Hoa Kỳ bảo hộ sau Ðệ Nhị Thế Chiến hiện nay đã được hưởng những quy chế bán tự trị hoặc hoàn toàn tự trị, quần đảo American Samoa đang tiến đến một quy chế tự trị với một Hiến Pháp riêng đã được ban hành vào năm 1960. Một số luật lệ thương mại địa phương rất cởi mở đã là yếu tố thu hút một số nhà đầu tư ngoại quốc đổ tiền vào thị trường này để làm một đầu cầu tiến vào thị trường Hoa kỳ. Theo những nguồn tin địa phương, hiện nay khu vực hoạt động kinh tế tư nhân do người ngoại quốc nắm: 85% thị trường bán lẻ do người Ðại Hàn nắm, thị trường nhà hàng ăn do người Trung Hoa nắm, trong khi đa số người bản xứ đã tập trung vào lãnh vực hoạt động công tại các cơ quan hành chánh bản xứ cũng như các cơ quan thuộc quân đội và hành chánh liên bang Hoa Kỳ.
Dính tới chánh quyền địa phương, một môi trường như vậy dễ sinh ra nạn cửa quyền, nhất là trong thủ tục cấp phát giấy phép và môn bài thương mại. Giấy phép thương mại của công ty Daewoosa do hai vợ chồng ông Phó Thống Ðốc quần đảo đứng tên, mặc dầu đã do một Hàn Kiều tên Kil-Soo Lee hoàn toàn làm chủ và đứng điều hành. Vì luật lệ địa phương không quy định tỷ lệ sở hữu tối đa của người ngoại quốc trong những công ty liên doanh cho nên có nhiều trường hợp hùn hạp giữa người ngoại quốc và người bản xứ trong đó người bản xứ chỉ được nắm 1% sở hữu tượng trưng và công ty hoàn toàn do người ngoại quốc kiểm soát.
Những tài liệu do phía luật sư nguyên đơn tiết lộ cũng cho biết thêm là Hàn Kiều Lee đã hoàn toàn kiểm soát công ty về mọi mặt, và là người đã có những lề lối quản trị bóc lột công nhân Việt Nam. Cũng theo sự tiết lộ của các vị luật sư này, toàn bộ khối công nhân người Việt đã do Công ty Du lịch 12, có trụ sở tại Hà Nội cung cấp, qua một hợp đồng xuất khẩu lao động do Daewoosa ký kết với Công ty Du Lịch 12.
Công ty Daewoosa đã hoạt động tại American Samoa trong nhiều năm. Vào khoảng 1999, Bộ Lao Ðộng Liên Bang Hoa Kỳ đã phái một đoàn Thanh tra Lao Ðộng từ Hawaii phái sang điều tra và ký lệnh bắt công ty Daewoosa bồi hoàn trên 350,000 Mỹ kim lương và giờ phụ trội truy lãnh cho 230 nhân công Việt Nam. Vì ông Lee không thanh toán những khoản tiền lương truy lãnh kia cho số công nhân Việt Nam cho nên một số đã đưa đơn kiện công ty Daewoosa và chủ nhân ra tòa vào cuối năm 1999.
Ban Giám Ðốc Công ty Du Lịch 12 của Việt Nam đã gây rắc rối cho những công nhân Việt Nam đứng đơn trong vụ kiện. Theo đơn kiện, phía nguyên đơn đã tố cáo rằng ban giám đốc và nhân viên quản lý công nhân, cũng là người Việt, đã có những hành động áp lực xách nhiễu và đe dọa công nhân có tên trong danh sách những đương đơn trong vụ kiện. Phía công nhân đã xuất trình một lá thơ đề ngày 25 tháng 4, 2000, do ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Công ty Du lịch 12 tại Hà Nội, thuộc Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, ký tên gởi một nhân viên tên Minh và toàn thể công nhân Daewoosa, ra lệnh cho 102 công nhân đứng tên nguyên đơn trong vụ kiện phải đình chỉ mọi sinh hoạt chống công ty và không được ra hầu tòa. Lời lẽ trong thơ đe dọa rằng công nhân nào không tuân lệnh là vi phạm "luật" và sẽ phải nhận những "hậu quả" từ phía công ty Daewoosa và Công ty Du lịch 12. Trong thơ, ông Giám đốc Khoa cũng ra lệnh cho ông Minh đi thâu của mỗi công nhân 12% số lương hàng tháng được coi như tiền "thuế" mỗi người phải đóng cho Công ty Du lịch 12.
Theo điều kiện hợp đồng lao động, mỗi công nhân được trả khoản lương căn bản là 408 Mỹ kim một tháng với điều kiện làm 40 giờ một tuần tương đương với khoảng 2.35 Mỹ kim một giờ, nhưng vì bị công ty Daewoosa khấu trừ mỗi tháng 150 Mỹ kim gọi là tiền "chi phí thủ tục di trú" ngoài ra còn phải đóng các khoản thuế địa phương, cho nên tiền công giờ của họ bị kéo xuống dưới mức lương tối thiểu luật định tại American Samoa là 2.25/giờ. Ngoài ra, những công nhân đã phải làm trên 40 giờ mỗi tuần mà không được hưởng khoản lương giờ phụ trội theo luật định.
Những hành vi của Công ty Du lịch 12 nhằm trả thù công nhân đứng đơn kiện gồm cả việc âm thầm thu xếp cho 9 công nhân hồi hương Việt Nam mà không trả số tiền lương truy lãnh mà công ty còn thiếu họ theo sự ấn định của Bộ Lao Ðộng Liên bang Hoa Kỳ chiếu theo kết quả cuộc điều tra trước đây. Khoảng ba tuần sau khi các công nhân đệ đơn kiện công ty Daewoosa, Bộ Lao Ðộng Liên bang Hoa Kỳ cũng khởi tố công ty nói trên trước tòa địa phương vì lý do đã vi phạm những điều khoản đã cam kết trong cuộc điều tra trước đây. Ngoài ra, hai công ty còn toa rập lén tìm cách đưa một đương đơn khác tên Ngô Thu Hằng ra khỏi lãnh thổ American Samoa, nhưng phía luật sư đại diện cho nguyên đơn đã khám phá kịp thời và yêu cầu tòa ra lệnh ngăn cản âm mưu nói trên. Những hành vi kể trên do luật sư đại diện tiết lộ mới chỉ là những sự kiện biết được do lời khai của các công nhân đứng đơn kiện hai công ty Du lịch 12 và Daewoosa nhằm ngăn chặn và khủng bố công nhân trước khi vụ kiện được đưa ra xử. Phiên xử chính thức sẽ được khai mạc vào tháng giêng năm 2001.
Những người theo dõi tình hình vụ kiện đã nhận xét rằng không hiểu việc thanh tra công ty Daewoosa có phải là dấu hiệu chính phủ Hoa Kỳ muốn "càn quét" những doanh nghiệp làm ăn bóc lột công nhân trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu thi hành hiệp ước mậu dịch vừa ký kết ? Tuy nhiên, nếu nhìn qua những vụ thanh tra tương tự tại một số xưởng may ngoại quốc được thiết lập tại những quần đảo khác cũng thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ như Saipan trong những năm trước đây, thì họ nhận định rằng vụ kiện và những vụ thanh tra tại American Samoa chỉ là một sự trừng hợp chứ không nằm trong một chiến dịch "càn quét" nào nhắm vào Việt Nam.
Theo họ, điểm đáng lưu ý là thái độ cương quyết và gan dạ của những công nhân Việt Nam tại American Samoa đã dám đứng lên chống lại giới chủ nhân, bất chấp mọi áp lực và đe dọa (đặc biệt là những lời khủng bố từ Việt Nam). Ðiều đáng buồn là chính người Việt lại tiếp tay với chủ nhân ngoại quốc để bóc lột người đồng hương. Trên thực tế, ngay cả trên đất Mỹ, những trường hợp chủ nhân người Việt bóc lột công nhân người Việt cũng không phải là không xẩy ra, nhất là trong những hoạt động may gia công tại nhà và nhà hàng ăn uống. Những trường hợp bóc lột như trả dưới mức lương tối thiểu, bắt công nhân làm việc nguyên tuần từ 10 đến 12 giờ một ngày mà không trả tiền lương phụ trội theo luật định, nhất là tình trạng trả lương khoán 40 - 50 Mỹ kim một ngày bằng tiền mặt để vừa bóc lột công nhân vừa trốn thuế an ninh xã hội và tiền bảo hiểm công nhân rất thường xẩy ra. Tuy nhiên Bộ Lao động liên bang chưa có những chiến dịch thanh tra là vì, cho đến ngày nay, rất ít, hoặc nói được là không có người Việt nào tích cực làm đơn khiếu nại với Bộ Lao Ðộng về những trường hợp bóc lột của chủ nhân, mặc dầu chịu thua thiệt.
Nguyễn Quốc Cường