Chuyện ngắn
Mùa xuân trên xứ Ðài
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chuyện ngắn: Mùa xuân trên xứ Ðài.
Lm Phương Anh, CSJB
Ngày 5/02/2007
Hôm ấy đã vào giữa mùa Hạ, thế mà thời tiết ở đây vẫn tươi mát như tiết mùa Xuân. Bước đi trên những ngọn cỏ xanh mướt giữa những hàng cây thưa phơn phớt hương hoa trong Ðộng Hoa-sơn, Hoa, một cô gái trẻ dễ thương, khoan khoái hít thở làn khí trong lành thân thương khác thường của quê hương Ninh bình (miền Bắc Việt-nam).
Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, Hoa được bố mẹ cho phép cùng với mấy người bạn thân đi du ngoạn ở Ðộng Hoa-sơn để giải trí. Tuy ở miền quê, nhưng Hoa lại rất thích đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh của quê hương, nhất là các đền đài và chùa chiềng. Hoa thường thích đến chơi ở Ðộng Hoa-sơn, vì đây là một trong những động đẹp nhất của tỉnh Ninh bình, thuộc thôn Áng-ngữ, xã Ninh hòa, huyện Hoa Lư.
Hoa là người con cả, lớn lên trong một gia đình nghèo, nên bố mẹ không có đủ khả năng cho Hoa tiếp tục đi học mặc dù Hoa rất muốn học và có khả năng học. Hoa không buồn, chấp nhận số phận của gia đình. Bố mẹ Hoa phải vội tìm cách để Hoa có thể đỡ đần cho gia đình, vì Hoa còn cả một đàn em.
Nửa năm về trước, đã có người mách cho bố mẹ Hoa một lối đi: Qua Ðài loan lao động! Thông tin về những hứa hẹn đi lao động bên Ðài loan đã làm bố mẹ Hoa bùi tai: lương một tháng 450 Mỹ-kim. Thời gian hợp đồng là hai năm. Sau nhiều ngày đắn đo suy tính, bố mẹ Hoa đã quyết định để Hoa đệ đơn, làm thủ tục xin qua xứ người lao động. Hoa xin đi lao động theo diện giúp việc gia đình, vì gia đình Hoa không có đủ khả năng để lo cho Hoa đi lao động theo những diện khác 1. Tuy vậy, gia đình Hoa cũng phải chạy đôn chạy đáo mới đủ tiền đóng lệ phí làm đơn.
Sau khi quyết định, bố mẹ Hoa rất lo lắng cho đứa con gái mới lên 18 đã phải sống xa nhà. Bản thân Hoa bắt đầu cảm thấy vừa buồn vừa lo, vì mình là cô bé mới lớn, vừa mới rời mái trường thân thương, nay sắp phải rời xa bố mẹ, anh chị em, những người thân, và cả quê hương dấu yêu nữa, để đi qua xứ người, với một tương lai không gì bảo đảm sẽ trong tầm tay! Lúc này đây, Hoa không thể đoán được những gì sẽ đến với mình nơi đất khách quê người trong những ngày sắp tới. Hoa được nhiều bạn bè quý mến, vì Hoa vừa duyên dáng, lại vừa giỏi dang và siêng năng làm việc. Bây giờ phải từ giã bạn bè đi xa là cả vấn đề lớn đối với Hoa. Nhưng biết làm sao được! Vì kinh tế gia đình, và vì lòng hiếu thảo đối với bố mẹ, Hoa đành phải bằng lòng hy sinh ra đi!
Hoa đang trong thời gian chờ đợi ngày được công ty môi giới gọi đi. Cái gì đến đã đến! Sau khi rời Ðộng Hoa-sơn, về đến nhà, Hoa được tin, nửa vui nửa buồn, rằng chỉ trong vòng tháng tới Hoa sẽ phải đi Ðài loan! Thế là Hoa bắt đầu chuẩn bị khăn gói lên đường. Cuộc hành trình chỉ có hai năm, nhưng Hoa cảm thấy nó dài vời vợi! Do đó, lúc này đây, Hoa dành phần lớn thời giờ để đi chào thăm những người thân yêu trong gia đình, cũng như các bạn bè thân thương của Hoa. Hoa cũng không quên đi viếng Ðền Vua Lê Ðại-Hành và ngôi Chùa Bích động một lần nữa trước khi lên đường.
Gia đình Hoa không theo một đạo nào cả, nhưng Hoa thường hay đi thăm các ngôi đền vua và các ngôi chùa, vì Hoa tìm được nơi đó một cái gì cao siêu của hồn thiêng sông núi, của quê hương Ðất Việt nơi các đền vua, và một cái gì đó siêu linh an bình nơi hình ảnh của những người thành tâm đến cung bái Ðức Phật trong những ngôi chùa đầy hương khói và đầy vẻ trang nghiêm. Tuy còn nhỏ, nhưng Hoa đã trở nên già dặn trong một mối hiệp thông khá sâu xa với thiên nhiên, và với quê cha đất tổ của mình. Phải chăng cái tên "Kim-Hoa" của cô do bố mẹ đã đặt cho chỉ là ngẫu nhiên? Hay phải chăng cái tên đó của cô là sự ráp nối của hai địa danh nơi quê hương cô: "Kim-sơn", tên một quận của Ninh bình, nơi cô sinh trưởng, và Hoa-sơn, tên của cái Ðộng đẹp nhất Ninh bình? Dường như cái tên "Kim-Hoa" đã được tiền định cho một cuộc sống như thế.
Hoa chưa hề tưởng rằng có một ngày nào đó mình phải rời xa những người thân yêu và rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tâm tình tôn giáo của Hoa thật phong phú. Hôm nay, vào ngôi chùa Bích-động, lần đầu tiên Hoa nhép môi, bỗng một giọng rất nhẹ, lâm râm thành kính thưa rằng: "Cầu Trời khấn Phật phù hộ con đi bình an!"
Thăm được bạn bè, những người thân yêu, cũng như gởi gắm được nơi Trời Phật những băn khoăn của mình, tâm hồn Hoa cũng an tâm được phần nào.
Giờ lên đường đã điểm! Chỉ ba tiếng đồng hồ sau, chiếc máy bay của hãng China Airlines đã đưa Hoa đến vùng trời xa tắp của phi trường quốc tế Ðài bắc, Ðài loan. Nhìn cảnh phi trường Ðài-bắc thật nhộn nhịp, trông bên ngoài, người Ðài loan cũng có nước da như nước da giống như người Việt, nhưng sao Hoa cảm thấy những khuôn mặt của họ quá ư là xa lạ! Sau thủ tục nhập cảnh, Hoa được người của công ty môi giới đánh ô tô đưa về căn nhà của công ty. Trên đoạn đường này, có lúc, chiếc xe lăn bánh trên đường cao tốc, với vận tốc nhanh Hoa chưa từng thấy ở quê mình. Trên quê ta, Hoa cũng chưa từng thấy con đường nào rộng và đẹp phẳng như con đường cao tốc ở xứ Ðài. Hoa mong sao thời gian ở Ðài loan cũng đi nhanh như thế, và càng mong rằng, đoạn đường đời của Hoa ở xứ Ðài cũng sẽ đẹp phẳng như vậy!
Qua khoảng hai giờ đồng hồ, chiếc ô tô đã đưa Hoa đến nơi phải đến. Ðó chỉ là một căn phòng nhỏ hẹp, bẩn thỉu, thiếu tiện nghi. Nơi đây, công ty môi giới đã thu hết các giấy tờ tuỳ thân của Hoa. Sau đó vài ngày, Hoa được đưa đến nơi làm việc, đó là một gia đình có một cụ ông mà Hoa phải săn sóc. Ông cụ này tuổi ngoài 70, vừa bệnh tật vừa đau yếu.
Một giai đoạn mới bắt đầu trong cuộc đời của Hoa.
Tại đây, Hoa bắt đầu làm quen với nếp sống mới, với công việc hoàn toàn mới. Luật lệ của công ty môi giới rất là ngặt: Hoa không được phép đi đâu hết, chỉ luẩn quẩn trong căn nhà của chủ thôi!
Hoa đang sống ở một quê hương hòan toàn khác lạ với quê hương Việt nam. Tâm trạng của Hoa lúc này thật khó tả! Hoa nhớ nhà kinh khủng, và cô bắt đầu khóc! Nước mắt quê hương hòa với cơm xứ người! Cô khóc thật nhiều! Mấy tuần đầu Hoa đói meo, vì chưa quen ăn cơm ngoại quốc. Món ăn của người Hoa sao khó ăn thật, không biết người ta nói hai nền văn hóa Hoa-Việt giống nhau ở chỗ nào? Cơm xứ nguời mặn mùi nước mắt, còn con người nhạt như nước ốc ao bèo! Hoa đã buồn lại còn buồn thêm khi nghe kể về cách đối xử phân biệt của nhiều người Ðài, và thái độ khinh bỉ của họ: Nhiều người Ðài loan coi người Việt bằng nửa con mắt; họ xem người Việt qua Ðài loan lao động như những người bần cùng, thất học và mọi rợ!
Thời gian trôi qua, Hoa quen dần với công việc, nhưng vẫn chưa quen lắm với cuộc sống mới này. Hoa không ngờ cuộc sống ở đây thật là khó khăn, phức tạp và khó xử! Mới bắt tay vào việc mà Hoa đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan rồi! Hoa không thể tưởng tượng nổi rằng có thể có những chuyện xảy ra như nó đã bắt đầu xảy ra cho Hoa ngay trong căn nhà ông chủ: Ông cụ Hoa đang có bổn phận chăm sóc thường hay tìm cách đụng chạm vào người của Hoa; cả người con trai của ông cụ cũng tìm dịp thuận tiện vào phòng của Hoa với những đòi hỏi bất chính; đó là chưa kể đến một người con thứ ba của ông chủ đang lâm vào cảnh nghiện ngập, hút xách, có thể làm chuyện không hay cho Hoa vào một lúc nào đó không chừng!
Hoa không được phép đi đâu cả, nhưng vì đôi khi có một vài chị em công nhân khác đến thăm hỏi, trò truyện, nên Hoa cũng biết thêm vô số những chuyện phức tạp khác nữa xảy ra bên ngoài căn nhà nhỏ bé Hoa đang ở.
Lại nữa, cũng như nhiều người công nhân khác, Hoa làm việc mà trong lòng bồn chồn lo âu, vì không biết ngày nào có thể bị mất việc, và bị đuổi về nước. Cuộc sống ở đây thật căng thẳng và cô đơn: Nhớ nhà, nhớ quê hương không thể tưởng! Hoa nhớ cả từng ngôi đền ở quê mình, nơi Hoa đã từng kính viếng, để tăng sức cho con người văn hóa và cho tâm hồn của Hoa. Còn ở đây, ngày đêm Hoa chỉ biết lao mình vào trong lao động: Săn sóc, nấu cơm, giặt giũ, quét tước, vệ sinh nhà cửa, túc trực cụ ông phòng lúc ngã hoặc lâm bệnh bất ngờ, ban ngày cũng như ban đêm!... Có khi túc trực ở nhà, có khi túc trực ở bệnh viện, công việc bất chừng! Nhiều ngày Hoa không nhìn thấy ánh mặt trời! Hoa càng không thể đi được đến đâu để có thể nhìn ngắm lại hình ảnh bao dung của Ðức Phật trong một ngôi chùa như ở quê mình. Hoa không bị tù, nhưng cũng giống như bị tù vậy!
Hoa mơ ước, phải chi bây giờ có được một dòng suối thần linh chảy ngang qua cuộc đời để Hoa hớp lấy một ngụm cho đã khát! Hoa bỗng sực nhớ có đôi lần người ta nói về Ðức Chúa Trời, Ngài hiện diện trong các ngôi thánh đường, làm Hoa ao ước rằng, nếu không nhìn thấy được Ðức Phật từ bi, thì xin cho Hoa có thể nhìn ngắm được Ðức Chúa nhân từ. Hoa cũng tiếc rằng, ở quê nhà, Hoa chưa được ai nói cho nghe một chút gì về Chúa hết, và càng chưa có cơ hội đi kính viếng một ngôi thánh đường Thiên Chúa giáo nào!
Hầu hết những người qua đây lao động đều trở thành những kẻ thấp cổ bé miệng! Riêng Hoa, những tháng đầu, lương của Hoa bị công ty môi giới người Ðài Loan chận gần hết! Họ nói rằng Hoa phải nộp một khoản thuế cho chính phủ Việt nam, một khoản chi phí cho công ty môi giới Ðài loan, một khoản thuế cho chính phủ Ðài loan... Họ nói đủ thứ! Dần dần, Hoa hiểu ra được đây là cảnh người bóc lột người, từ môi giới Việt đến môi giới Ðài! Hoa và nhiều anh chị em công nhân khác đều bị bóc lột từ khi còn ở bên Việt nam. Hoa hiểu mình đang là một nạn nhân! Hoa không biết phải làm sao để giải quyết vấn đề bây giờ! Cô bạn của Hoa nói rằng, ở đây có các linh mục Việt nam có thể giúp để thưa kiện và đòi lại những số tiền bị trừ mất cách vô lý đó. Nhưng bây giờ mà hở môi tố cáo môi giới với Bộ lao động Ðài loan, là môi giới sẽ liệu cách đẩy cho về nước ngay, và khi đó sẽ mất cả chì lẫn chài.
Hoa nhẩm tính, sau hợp đồng hai năm, lương đã không được bao nhiêu, mà trong thời gian làm việc, phải chịu đựng những phức tạp và nguy hiểm của nó. Làm sao đây? Ðã vậy, mới hôm qua, thấy Hoa vừa lãnh lương, cậu con thứ ba mắc phải tật hút xách của ông cụ lại hỏi mượn tiền nữa! Họa vô đơn chí! Trong khi đó, bố mẹ, gia đình, những người thân yêu đang trông chờ rất nhiều ở nơi Hoa! Mọi sự họ trông chờ vào Hoa. Nhà có con đi lao động, đứa con đương nhiên đã trở thành một loại "Việt kiều" rồi đấy! Ðầu óc non nớt của Hoa, nay chỉ có mấy con số tính lui tính tới, tiến thoái lưỡng nan, nhưng cũng đủ để cái đầu Hoa muốn nổ tung ra đôi khi. Vì thương gia đình, Hoa cố sức cầm cự, chứ không dám cho gia đình biết!
Hoa cứ thầm nghĩ, Việt nam và Ðài loan chỉ cách nhau có ba giờ đồng hồ máy bay mà đời sống khác biệt đến như thế! Ở Việt nam, Hoa đã từng nghe người ta nói không có tự do tôn giáo, thế mà Hoa vẫn được tự do đi thăm các đền Vua, cũng như các chùa Phật. Ở đây, Ðài loan là một đất nước tự do, mà Hoa lại không được tự do để đi kính viếng một nơi nào như thế! Họ bắt Hoa phải túc trực trong công việc mình 24 giờ mỗi ngày, và bảy ngày một tuần. Ðúng là một cảnh bóc lột sức lao động, và bách hại niềm tin!
Trong tình trạng không lối thoát, Hoa thầm khóc cho niềm đau riêng mình! Hoa khóc một mình, khóc thật nhiều! Làm việc, lao động, mà lòng ngậm ngùi xót xa! Trong cơn đau khổ này, Hoa càng mơ về một nơi yên tịnh, thanh vắng như một ngôi đền, ngôi chùa, hay ngôi thánh đường, để lấy lại nghị lực cho mình. Và Hoa cho đây là lối thoát cho tâm hồn. Hoàn cảnh đã đưa Hoa đi xa hơn trong những suy nghĩ về mình: Cuộc đời này có ý nghĩa gì không? Tại sao tôi đau khổ thế này?
Trong những ngày tháng tha hương, Hoa thấy thời gian trôi qua sao chậm thế! Ðến đây mới chưa đầy ba tháng, mà tưởng chừng như đã cả năm trời! Trong những ngày khốn khổ này, tâm hồn cô càng khao khát về một cõi thiên đường, một miền vô biên, và một bến bình an.
Dù sao, nơi tha hương cầu thực này, các anh chị em công nhân đến từ những nơi khác nhau, đã trở thành bạn của nhau, ít là trong danh nghĩa đồng nghiệp đồng hương. Ðiều đó chỉ đúng cho các bạn đi làm ở các công ty thôi, chứ không áp dụng cho trường hợp của Hoa được! Ngân là một trong những cô bạn qua Ðài loan làm việc cho một công ty điện tử. Mỗi ngày Chúa nhật, Ngân đều được tự do ra ngoài, và Ngân thường hay đến chỗ Hoa chơi, để động viên Hoa. Một thời gian ngắn sau, Hoa mới biết bạn Ngân là một người đi đạo Công giáo.
Ngân chia sẻ với Hoa rằng, mỗi ngày Chúa nhật Ngân đều đi đến một nhà thờ gần chỗ Hoa đang làm việc để tham dự thánh lễ. Và trong thánh lễ, có một số anh chị em công nhân và cô dâu Việt nam đến tham dự, trong số đó có cả những người không phải là đạo Công giáo! Cha xứ của nhà thờ gần đây, cha Nguyễn Văn Trung, là một linh mục Việt nam. Sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của Hoa, Ngân đã trình lên cha Trung, rồi ngài đã can thiệp với ông chủ của Hoa, và đứng ra bảo lãnh để cho Hoa có thể đi sinh hoạt với những anh chị em Công giáo vào ngày Chúa nhật cho vui. May mắn thay, do việc cha Trung đứng ra bảo lãnh, ông chủ của Hoa đã đồng ý cho Hoa đi dự sinh hoạt của anh chị em Việt nam tại nhà thờ cha Trung mỗi tháng một lần, với điều kiện là Hoa phải tìm người tạm thay thế Hoa để coi sóc ông cụ.
Từ đó, một tháng một lần, Hoa và Ngân cùng đi nhà thờ với nhau. Nhưng mỗi lần như thế, Hoa phải nhờ một cô bạn người lương coi sóc giúp Hoa, và Hoa phải trả cho cô bạn ấy 1,000 đồng Ðài tệ (vào khoảng $30 Mỹ-kim).
Lần đầu tiên đến ngôi nhà thờ Công giáo tham dự thánh lễ với Ngân, Hoa không mấy ngỡ ngàng, vì tự tâm hồn của Hoa đã dễ hòa nhập với bầu khí trang nghiêm tĩnh lặng của nơi tôn thánh từ lâu rồi! Chưa bao giờ trong đời Hoa có được một cảm nghiệm thiêng liêng như thế này! Ngôi nhà thờ nhỏ bé, bài trí thật đơn sơ, nhưng dường như nó đã trở thành thật vĩ đại đối với tâm hồn Hoa. Ðây cũng là lần đầu tiên trong đời Hoa được diện kiến một cây thập giá, trên đó, là tượng của một người bị dang tay và đóng đanh chết đau thương. Hỏi Ngân, Hoa biết được đó chính là tượng Chúa Giêsu. Ngắm tượng thánh giá Chúa, Hoa như bị thu hút vào đó, vì nghĩ rằng, chắc Chúa đã đau khổ lắm khi bị đóng đanh như thế! Hoa bắt đầu thắc mắc tại sao Chúa lại bị đóng đanh như vậy. Và Ngân đã từ từ giải thích cho Hoa.
Hôm ấy, Hoa trở về nhà chủ với tâm hồn nhẹ nhõm, thanh thản lạ thường! Hoa chưa vào đạo mà đã thấy mình được cha Trung và anh chị em Công giáo đối xử như mình đã vào đạo rồi vậy! Ừ nhỉ, khi Hoa đến sinh hoạt, anh chị em Công giáo không phân biệt ai với ai, ai là đạo gì! Họ đối xử với nhau rất là thân tình, như anh chị em ruột với nhau vậy! Hoa nghĩ thầm trong lòng rằng, chắc đạo của họ dạy họ sống như thế! Cô chia sẻ với Ngân những cảm nghĩ của mình, và hỏi han Ngân thêm về đạo. Lúc này, Hoa mới hiểu được một chút rằng tại sao Ngân có một lối sống vui tươi và quảng đại như thế!
Dần dần, Ngân và Hoa trở thành đôi bạn thân, sẵn lòng chia sẻ cho nhau tất cả. Ðặc biệt, Ngân đã chia sẻ cho Hoa về đời sống tinh thần của mình. Ngân nói rằng, chính niềm tin tôn giáo đã giúp mình đứng vững trong thời gian hơn một năm qua trên đất Ðài loan. Chính những ngày gặp gỡ cha Trung cùng với anh chị em Việt nam đồng hương và đồng đạo mà Ngân được nâng đỡ rất nhiều, và Ngân còn tìm thấy được niềm vui ở đó nữa!
Từ đó, Hoa được Ngân kể nhiều chuyện về anh chị em Công nhân Công giáo, cũng như các chị em Việt nam sang Ðài loan để lập gia đình. Qua Ngân, Hoa biết được hiện nay tại Ðài loan có đến khoảng 100,000 cô dâu Việt nam, và khoảng 100,000 anh chị em công nhân. Và trong số đó, rất nhiều anh chị em gặp những hoàn cảnh khó khăn đủ loại.
Có lần Ngân kể cho Hoa nghe về cha Trung: Ngài là một người cha, và cũng là một người mẹ của anh chị em công nhân và các cô dâu Việt nam nơi xứ Ðài. Việc ngài quan tâm lo lắng cho những anh chị em Việt nam tha hương ở đây ai cũng biết. Chả vậy mà năm ngoái, ngài đã được chính quyền huyện Ðông-sư ở đây bình chọn là "Hiền-mẫu của năm 2005". Hôm đó, báo chí, truyền thanh, và sáu đài truyền hình đều đăng tin đó! Bây giờ Hoa mới sực nhớ lại một chuyện trên chuyến bay từ Việt nam qua Ðài loan: có những anh chị em trên máy bay khi đó đã kháo láo với nhau rằng, "qua bên Ðài loan, có khó khăn gì, hãy đến với mấy ông cha nhà thờ!" Từ đó, Hoa bắt đầu biết các linh mục Công giáo là ai, và có những hình ảnh tốt về các ngài.
Sau ngày đầu tiên cùng với Ngân đi dự lễ ở nhà thờ cha Trung về, đêm hôm ấy, Hoa đánh một giấc ngon như chưa bao giờ! Và cô bé cảm thấy mình có thêm nghị lực để đối diện với thực tại, một thực tại mà Hoa phải học từ từ mới biết được nó là một thực tại phũ phàng như thế nào. Dĩ nhiên, có biết bao nhiêu người lâm vào cảnh khó khăn còn hơn cả hoàn cảnh của Hoa nữa. Nhưng hoàn cảnh khó khăn hiện tại của Hoa đã là quá lớn đối với một cô bé vừa mới từ giã bố mẹ, gia đình, quê hương, và chập chững bước vào đời. Dù sao chăng nữa, từ nay cô thấy an lòng hơn, vì có Ngân là người bạn đồng hành. Một niềm tin nào đó vừa chớm nở vào giây phút Hoa lần đầu tiên nhìn lên tượng thánh giá Chúa trong ngôi nhà thờ của cha Trung.
Trở về nhà chủ là trở về với thực tại thường xuyên trong ngậm ngùi: Hoa phải tiếp tục làm việc với những con người khó thương ấy, phải đương đầu với những bất trắc có thể xảy ra, phải thường xuyên đối đầu với công ty môi giới, phải giữ mình cẩn thận đối với những người con ông chủ, và phải suy tính về tương lai khi nhìn vào số lương được trả cách bất công.
Càng suy nghĩ và càng phải chạm trán với những khó khăn hiện tại, Hoa càng cảm thấy khổ tâm. Nhưng bây giờ, nỗi khổ tâm này dường như được làm giảm nhẹ đi mỗi lần Hoa nhớ lại hình ảnh của Ðức Chúa chịu treo trên thập giá mà Hoa đã thấy trong ngôi nhà thờ của cha Trung. Hình ảnh ấy thật là lạ lùng. Trên đời này Hoa thấy làm gì có ai bị treo thân lên như thế. Có một lần, Hoa nghe kể rằng, có nước nào đó bên Trung đông, chỉ có những người nào phạm tội tày trời mới bị treo lên như vậy thôi, và đó là một hình phạt rất là nhục nhã!
Một vài câu hỏi về niềm tin tôn giáo bắt đầu lóe lên trong tâm trí của Hoa. Hoa thắc mắc tại sao người Công giáo lại đặt tượng thánh giá làm trung tâm cho nơi thờ phượng của mình (?)
Một buổi tối nọ, Ngân đến thăm Hoa. Nhân cơ hội này, Hoa muốn nhờ cô bạn giúp cho một việc. Tối nay, hai cô bạn gặp nhau ngay sân trước của nhà chủ, bất ngờ nhìn thấy ánh trăng thanh thật tròn. Lâu lắm rồi, họ mới nhìn thấy lại vầng trăng soi tỏ như thế. Ánh trăng mát dịu như muốn soi chiếu vào tâm hồn Hoa một niềm tin nào đó vừa chớm nở trong tâm hồn của Hoa, mà Hoa tưởng chừng như đã đến với Hoa từ lâu lắm rồi! Tội nghiệp cho Hoa phải dùng đến phương pháp nhập đề lung khởi trong câu chuyện với bạn Ngân: Sau mấy câu nói ấp úng, cô phải có một chút can đảm mới dám hỏi Ngân xem Ngân có thể giúp cô nhập đạo Công giáo không. Việc gì chứ việc này thì Ngân sẵn sàng giúp ngay, không những giúp cho một người bạn, nhưng đồng thời còn giúp cho một người đang có những khó khăn trong cuộc đời như Hoa.
Sau cuộc trò truyện, Ngân liên lạc với cha Trung ngay để xin ngài xúc tiến việc dạy đạo cho Hoa. Việc học đạo không phải là dễ dàng, vì mỗi tháng, Hoa chỉ được phép ra ngoài có một lần. Cha Trung cho Hoa sách giáo lý, sách kinh và sách lời Chúa để tự đọc nhiều hơn, và bên cạnh có Ngân giúp đỡ. Câu tục ngữ "Học thầy không tầy học bạn" đúng trong trường hợp này. Vốn thông minh sẵn có, cộng vào đó là tâm tình tôn giáo thật mẫn cảm nơi Hoa, đã làm cho cô rất bén nhạy đối với những chân lý trong đạo. Mỗi lần dạy Hoa, cha Trung đều có nhận xét như thế.
Với sự trợ giúp của Ngân, cha Trung hướng dẫn Hoa đi từng bước trên hành trình đức tin. Ðức tin cô bé tiến triển thật nhanh. Cô không những chỉ học thuộc lòng những bài giáo lý căn bản, nhưng còn hiểu sâu rộng hơn ý nghĩa của nhiều phần trong đó. Cô lấy làm thích thú ở nhiều vấn đề trong đạo. Vấn đề cô thích nhất là vấn đề đau khổ. Cô học kỹ về mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm chính trong đạo, và là mầu nhiệm đã đánh động tâm hồn cô từ lần đầu tiên cô nhìn thấy tượng Chúa chuộc tội trong nhà thờ cha Trung. Cô hiểu rằng, con người sinh ra không phải để chịu đựng đau khổ. Nhưng làm người, nhiều khi người ta không tránh được khổ đau, và chính niềm tin Kitô giúp con người có sức để chịu đựng đau khổ, và mặc cho đau khổ một ý nghĩa. Cô còn hiểu sâu hơn rằng, qua đau khổ, Thiên Chúa tinh luyện con người, biến đổi con người, để làm cho con người trở nên một tạo vật mới. Tâm hồn cô như diều gặp gió, như lúc buồn ngủ gặp chiếu manh. Những chân lý trong đạo trở nên như những liều thuốc trợ lực tinh thần, làm giảm đi những đau thương hiện tại. Ngoài ra, cô hiểu rằng, trong niềm trông cậy, cô có thể xin Thiên Chúa cất đi những khó khăn của cô, và gìn giữ cô khỏi những nguy hiểm trong thời gian tha hương, cũng như xin Người ban cho cô ơn bằng lòng chấp nhận mọi sự trong an bình.
Chẳng mấy chốc, cô đã học xong chương trình giáo lý do cha Trung ấn định dành cho những người tân tòng, và ngài quyết định cho cô được lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào Mùa Xuân 2006.
Sau khi được cha Trung thông báo về ngày Rửa tội của mình, tâm hồn Hoa mừng vui rộn rã, cứ như đang trong Hội Mùa Xuân. Hôm ấy, Hoa nhìn thấy cây bông mai ngoài hiên nhà ông chủ, tuy không được ai chăm sóc, nhưng cũng bắt đầu cho nở những cánh mai đầu tiên của mùa Xuân Nhâm-Tuất 2. Tâm hồn thơ ngây của Hoa, tuy sầu héo, nhưng cũng bắt đầu cho nở ra những nụ hoa Xuân của niềm tin. Nhờ học tập, Hoa hiểu rằng, vào đạo là đi vào một Mùa Xuân Mới của đời sống Kitô, là đi vào trong Mùa Xuân của ơn Cứu rỗi. Qua những bài giáo lý, Hoa hiểu rằng các Mùa Xuân trần thế rồi sẽ qua đi, những niềm vui cũng như những nỗi đau trần thế rồi cũng sẽ qua đi, những hạnh phúc và những nước mắt trần gian rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình yêu Thiên Chúa và Mùa Xuân vĩnh cửu là tồn tại muôn đời.
Khi cha Trung cho Hoa biết thêm rằng, trong ngày cô lãnh nhận Bí tích Rửa tội, cô cũng sẽ được lãnh nhận Bí tích Thêm sức và được Rước lễ lần đầu, cô cảm thấy quên hết mọi ưu phiền của trần gian này. Ðến nay, Hoa đã hiểu rằng cây thánh giá chính là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, và là dấu chỉ của ơn cứu độ. Hoa cũng hiểu rằng lý do người ta đặt tượng thánh giá Chúa ngay chính giữa cung thánh của mỗi nhà thờ là vì thánh giá là trung tâm của đức tin người Kitô hữu, và là nơi để cộng đồng dân Chúa tụ họp và cử hành mầu nhiệm chính yếu của đức tin, tức mầu nhiệm Chúa Giêsu đã chịu chết và sống lại để cứu nhân độ thế.
Ngày Hoa chịu phép Rửa tội đã tới. Vậy là Mùa Xuân đã đến với Hoa trên xứ Ðài. Hôm đó, anh chị em Việt nam thuộc cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại giáo phận Ðài-trung và từ những vùng lân cận đã tụ tập đến tại nhà thờ cha Trung, vừa để hiệp thông với Giáo hội Mẹ Việt nam dâng lễ Ðầu Xuân cầu nguyện cho quốc thái dân an, vừa để cùng nhau mừng Xuân Nhâm Tuất trong hương vị của người Việt trên xứ Ðài, vừa tham dự nghi thức Rửa tội của một người chị em công nhân trên một vùng đất truyền giáo 3. Khoảng 150 người đã đến tham dự ngày hội vui. Con số này quá nhỏ so với những thánh lễ Chúa nhật ở Việt nam, nhưng như thế đã là con số rất lớn đối với số giáo dân Việt Nam hiện tại ở xứ Ðài. Bầu không khí hôm ấy làm cho Hoa cảm được rằng dường như mình đang ăn Tết ở một chốn nào đó ở quê nhà. Có cả mấy cha Việt nam khác cũng đến tham dự nữa! Hôm ấy, cả cộng đoàn vui mừng hớn hở, quây quần bên nhau chung quanh những món hương vị Xuân Việt nam: bánh chưng, bánh tét, mứt khoai, mứt gừng, hạt dưa, dưa hành, câu đối đỏ, có tất! Các món ăn tuy thanh đạm, nhưng cũng đủ làm cho anh chị em Việt nam tha hương có được niềm vui của mùa Xuân Việt tộc. Tất cả những người đến dự, ai ai cũng đều nhận được tiền lì-xì của cha Trung... Cái "hồng bao" 4 không là bao, nhưng đủ làm Hoa cảm động trước tấm lòng quảng đại của một người cha trong đạo. Cộng đoàn vui nhất vì có được một người chị em đồng hương hôm nay đã gặp được Chúa, đã tìm được niềm vui trong đau khổ, đã tìm được hạnh phúc trong nước mắt của những ngày tha hương lao động: Tất cả anh chị em hôm đó đã đến chia sẻ niềm vui với Hoa, vì Mùa Xuân đã đến với Hoa trên xứ Ðài. Nước mắt cay mặn của đau khổ, hôm nay đã biến thành nước mắt nồng ấm tình Chúa tình người của nụ cười!
Cảnh đời hôm ấy gợi Hoa nhớ lại cảnh đầm sen Hoa thường thấy trong các ngôi đền và ngôi chùa ở Ninh bình: Giữa đầm bùn lầy vẫn có mấy cánh sen bông trắng nhụy vàng nở thật tươi đẹp! Ôi thật là tuyệt vời khi Hoa nhìn thấy giữa cảnh đời lấm bẩn vẩn đục này mà mấy cánh hoa Xuân của niềm tin rạng rỡ vẫn nở được trong tâm hồn thơ bé của Hoa! Hoa chỉ biết dâng lên Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ!
Chúa đã đến với Hoa như Ngài thường đến với những con người đau khổ. Chúa yêu thương Hoa nên Người ban cho Hoa cái gì quý giá nhất trên đời: đó là đức tin, đó là niềm tin vào Chúa. Ðáp lại, Hoa đã đến với Chúa, không phải để được Chúa ban cho những điều may mắn trong đời, hay để được Chúa cất đi những đau thương cuộc sống, nhưng chủ yếu vì Hoa tin vào lòng từ ái bao dung của Thiên Chúa, và với lòng từ ái bao dung đó, Người sẽ dẫn đưa Hoa đi vào sự hiệp thông thần linh với Người, dù sự hiệp thông đó thường cần đến đau khổ và nước mắt. Nghe nói người nào được chọn để trao giải Nobel, dù người đó ở bất cứ đâu, cũng phải qua tới tận Thụy điển 5 để nhận giải 6. Có phần tương tự, trong trường hợp của Hoa, để có thể nhận được món quà cao quý là "đức tin", Hoa cũng đã phải qua tới tận Ðài loan để nhận. Hoa không ân hận chút nào về việc Chúa đã an bài để cho Hoa qua tới Ðài loan, không những lao động, nhưng quan trọng hơn, để Hoa gặp được Chúa là tất cả cho cuộc đời Hoa, như tâm tình của Hoa đã ghi lại sau ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội và gởi cho một linh mục Việt nam 7 tại Ðài loan như sau:
Kính thăm cha,
Cha ơi, con là Hoa đây, nay con được nghỉ học, nên con tranh thủ ra mở hòm thư một chút...
Con phải cám ơn Chúa vì những ân sủng Chúa ban cho con. Nhiều khi con nghĩ không biết con phải lấy gì để đền đáp lại cái ân sủng này (ơn được làm con cái Chúa) cho xứng đáng, cha ạ! Con thật hạnh phúc khi mình thực sự có chỗ đứng trong gia đình của Chúa. Cha biết không, hôm con rửa tội, con cảm giác gì không cha? Con có cảm giác như mình được đi từ chỗ tội lỗi và được trở về với sự tha thứ của một người Cha nhân hậu tràn đầy sự tha thứ, và cũng chính từ hôm đó, con có cảm nghiệm cuộc sống mới của con luôn luôn có Chúa bên cạnh để bảo vệ cho con vậy. Không phải bây giờ con vào đạo rồi mới có cảm nghiệm này, mà đã từ lâu, nhưng bây giờ con mới thấy rõ và thấy gần hơn. Con có được như thế là nhờ sự dạy dỗ của cha Trung từ lâu, và qua những trang sách nhỏ của cha nữa..., Có những điều rất đơn giản trong đời thường chúng con không biết được, nhưng qua sự giảng giải của cha thì con lại thấy nó hay và rất bổ ích, mà con nghĩ mọi người đều phải biết tới. Ví dụ như cuốn "Ông Trời Của Người Việt"... và một số cuốn khác nữa. Ðúng là cuộc sống bình thường đâu có ai để ý tới làm gì đâu,... Không phải con nói hay cha, mà con thực sự rất thích những điều cha suy niệm và giảng giải. Nếu mà chỉ nghe sơ qua thôi thì thấy nó rất khó khăn, nhưng nếu nghe mà suy ngẫm được ra ý nghĩa của nó thì con lại thấy rất hay và bổ ích.
Cha ơi, lời nói của cha thì rất ít, nhưng đòi hỏi mỗi người chúng con phải hiểu nhiều và suy luận nhiều. Cái phương pháp này con rất thích, cha ạ. Ngay như hôm lễ rửa tội cho con đó, trong bài giảng của cha, con thấy rất hay, dù cha chỉ dùng vỏn vẹn có 6 từ và 3 cụm (Hướng về, Bước vào, Thực hành) 8. Nghe thì có vẻ đơn giản thôi, nhưng thực hiện được ba bước này con thấy nó cũng đòi hỏi chúng ta rất nhiều, và để thực hiện được 3 bước đó không phải là nhanh. Qua sự giảng giải của cha thì con thấy mình đã thực hiện được 2 bước rồi, đúng không cha? Và còn bước cuối cùng, con hy vọng mình sẽ thực hiện cho tốt để làm sao xứng đáng là con chiên tốt trong đàn chiên của Giáo hội.
Bây giờ con thấy mình tự tin và ấm cúng quá. Cha ạ, vì đã có Chúa bên cạnh để bảo vệ con, và giúp con có một cuộc sống ngày càng giống Chúa hơn. Qua một số đoạn Kinh thánh con đã đọc, con thấy những lời lẽ của Chúa chứa đầy những điều tốt, và dạy con tránh những điều ác. Chỉ có những ai không biết dùng những điều dạy bảo của Chúa thì sẽ rất dễ phạm tội. Nhưng nếu biết tuân theo những lời dạy bảo của Chúa, thì con nghĩ mọi người chúng ta sẽ trở nên những con chiên ngoan và khoẻ mạnh.
Con thấy mình còn kém quá cha ạ. Không biết bao giờ con mới có thể học và hiểu được hết. Càng học càng thấy thiếu, cha ạ. Con hy vọng khi về Việt Nam con sẽ có nhiều thời gian để học nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn. Con thấy mình có lỗi quá, vì Ðấng Tạo Hóa tạo dựng nên mình, mà từ khi còn nhỏ mình không biết để tôn kính. Thế mà trên thế giới này còn biết bao nhiêu người chưa biết tới. Nhiều khi con cứ hỏi tại sao Ðấng tạo Hóa sáng tạo ra con người mà con người không tôn thờ Chúa, mà lại tôn thờ ai??? Con không giải thích được điều này, cha ạ! Con còn nhớ lần đầu tiên con gặp cha, cha có hỏi tụi con về tôn giáo, câu cha nói mà con nhớ nhất là câu: "Ðạo nào cũng đều có thờ ông bà tổ tiên". Nhưng bây giờ, con thấy trên thực tế, đạo Công giáo tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên còn nhiều hơn cả các đạo khác, vì con thấy ngày nào trong thánh lễ cũng đều cầu nguyện cho những người đã khuất thôi đó!
Cha ơi, con còn muốn nói nhiều lắm, nhưng giờ muộn rồi, con phải về thôi, có thời gian con sẽ tâm sự và trao đổi với cha nhiều hơn. Và con hy vọng từ nay về sau, tuy không ở gần với các cha, nhưng qua phương tiện thông tin, con sẽ có thể học hỏi nhiều hơn, và xin các cha dạy bảo con sớm trở thành con chiên tốt trong đàn chiên của Chúa. Con chỉ biết kết một câu rằng: "Giáo Hội Là Chìa Khóa Mở Cửa Cho Chúng Con Ðược Vào Nhà Của Chúa"
Hẹn gặp lại cha!
Maria Kim Hoa
Chú Thích:
(1) Thường qua lao động ở Ðài loan có hai diện chính: diện giúp việc gia đình (tức là săn sóc người già, hoặc người tàn tật, hoặc trẻ em), và diện làm ở các công ty công nghiệp (như công ty sản xuất điện tử, dụng cụ y khoa, dụng cụ nông nghiệp, v.v...). Trước khi qua Ðài loan, mỗi công nhân phải đóng cho công ty môi giới Việt nam một lệ phí cắt cổ: Lệ phí xin đi làm theo diện giúp việc gia đình là vào khoảng 1,000-2,000 Mỹ-kim. Lệ phí xin đi làm theo diện công ty công nghiệp hiện nay (2007) là vào khoảng 7,000-9,000 Mỹ-kim. Ðó là chưa kể việc phải đóng cho công ty môi giới Ðài loan sau khi bắt đầu làm việc ở Ðài loan nữa!
(2) Năm đó, người Ðài loan cũng mừng Tết Nguyên đán cùng ngày với người Việt.
(3) Ðài loan cũng như Việt nam và Trung quốc vẫn còn được gọi là những vùng đất truyền giáo đặc biệt của Giáo Hội.
(4) Người Hoa gọi cái bì thư đựng tiền lì xì là ‘‘hồng bao’’.
(5) Thụy điển là một nước ở vùng Bắc Âu (miền Bắc của Âu châu).
(6) Mỗi năm, kể từ năm 1901, Giải Nobel được trao cho những ai xuất sắc nhất trong các lãnh vực vật lý, hóa học, tâm sinh lý, văn chương và hòa bình. Giải Nobel là một phần thưởng quốc tế do Tổ chức Nobel sáng lập tại Stockholn, Thuỵ điển. Năm 1968, Sveriges Riksbank đã thiết lập Giải Sveriges Riksbank trong lãnh vực khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, Sáng lập viên Giải Nobel. Mỗi giải bao gồm một bằng khen, một bằng cá nhân, và một số tiền lớn.
(7) Chuyện ngắn "Mùa Xuân trên xứ Ðài" này được mô phỏng theo những sự kiện có thật tại Ðài loan, nhằm phản ảnh phần nào những mẩu chuyện có thật xảy ra cho người Việt tại đảo quốc này. Riêng lá thư trích ra đây gởi cho một linh mục Việt nam (linh mục này chính tác giả của bài này) là nguyên văn lá thư của một cô công nhân trẻ tuổi đã viết mấy ngày sau khi được chịu phép Rửa tội, và không lâu trước khi về lại quê nhà, để qua đó, bạn đọc có thể thấy được ít nhiều hoạt động của ơn thánh nơi cô; và cũng để qua đó, bạn đọc nhìn thấy thêm một chút hoạt động mục vụ và truyền giáo của các linh mục Việt Nam tại Ðài loan.
(8) Tóm tắt bài giảng hôm đó: Hành trình đức tin của chúng ta gồm có ba giai đoạn, được tóm tắt trong sáu từ và ba cụm: "Hướng về, bước vào & thực hành". (1) "Hướng về" có nghĩa là hướng về Chúa Kitô để học biết về Người và Giáo Hội của Người. (2) "Bước vào" có nghĩa là bước vào trong Giáo Hội của Chúa Kitô, trở thành con cái Thiên Chúa và phần tử của Giáo Hội với trọn vẹn bổn phận và quyền lợi của một người Kitô hữu. (3) "Thực hành" có nghĩa là một khi đã trở thành con cái Chúa và phần tử của Giáo hội, người Kitô hữu phải thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy, và đó là sống đức tin.
Lm Phương Anh, CSJB