13 Công nhân Việt Nam
trong số 210 đi làm ở Lybia
bị đuổi về
tình trạng ngược đãi công nhân

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

13 Công nhân Việt Nam số 210 đi làm ở Lybia bị đuổi về -- tình trạng ngược đãi công nhân.

 Hà Nội - (5/1/2000) -- Báo Lao Ðộng cho biết một số người lao động VN thuộc Cty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) hiện đang làm việc tại Libya khiếu nại về việc Cty MISRATA đã vi phạm hợp đồng lao động và không nghiêm chỉnh thực hiện những quy định đã ký giữa hai Cty SONA và MISRATA. Từ những lý do trên, nhiều công nhân đã nghỉ không làm việc và vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi 13 công nhân bị buộc phải về nước trước thời hạn.

 Theo hợp đồng cung cấp lao động được ký kết giữa Cty SONA và MISRATA (ngày 2.6.1999), Cty SONA sẽ cung cấp 210 công nhân thuộc các nghề thợ sắt, mộc, nề, nước, sơn... sang lao động tại Khu công nghiệp MISRATA (Libya) do Cty MISRATA đảm nhận thầu.

 Ngày 15.7.1999, toàn bộ số công nhân nói trên được đưa sang Libya và họ bắt đầu làm việc từ ngày 17.7. 1999. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận toàn bộ số công nhân lao động của VN, Cty MISRATA đã không thực hiện theo những quy định đã ký trong hợp đồng với SONA mà nổi cộm là vấn đề: Không cung cấp cho công nhân quần áo và những phương tiện bảo hộ lao động, không đóng bảo hiểm y tế, khấu trừ lương quá cao vào những dịch vụ đổi, chuyển tiền.

 Từ những nguyên nhân đó, anh em công nhân đã có nhiều hình thức phản đối và tiến tới nghỉ việc đồng loạt từ ngày 27.11.1999 và liên tiếp gửi đơn thư thông báo về Cty SONA cũng như nhiều cơ quan chức năng.

 Cty SONA nói sẽ chịu trách nhiệm đến cùng những quyền lợi chính đáng của công nhân. ... Tuy vậy tình hình vẫn không được cải thiện, Cty MISRATA đã buộc 13 người phải về nước sớm vì theo họ, đó chính là những người tạo ra những bất ổn của cả tập thể công nhân.

 Báo Lao động cũng cho biết việc đi làm nước ngoài không phải là... "thiên đường".

 Cũng trong bức thư ngày 1.12.1999, ông Tổng Giám Ðốc MISRATA đã cam kết ông sẽ giải quyết những đề nghị và tạo điều kiện cho người lao động như quần áo, chăm sóc y tế và những điều kiện thuận lợi khác, kể cả những điều không ghi trong các điều khoản của hợp đồng.... Và trên thực tế, theo thông tin mới nhất mà ông Ðoàn Ðại Thành - Phó phòng Cung ứng lao động (được Cty SONA cử sang để trực tiếp giải quyết vụ việc) - toàn bộ số công nhân lao động đã trở lại lao động bình thường, ổn định.

 Với vụ việc này, một lần nữa với những người lao động lại có thêm một bài học và đặc biệt không bao giờ nên nghĩ rằng lao động tại nước ngoài là điều kiện để có thể kiếm những khoản tiền lớn một cách dễ dàng và càng không phải là thiên đường như suy nghĩ của không ít người. Chính vì vậy, trước những hợp đồng đi lao động ở nước ngoài, ở bất cứ nước nào, Cty nào, người lao động cần có sự cân nhắc thật kỹ lưỡng.

 Với nhiều Cty tuyển dụng và đưa người đi lao động tại nước ngoài, cùng với những điều kiện hợp đồng thoả thuận có lợi cả ba bên cũng cần tìm hiểu kỹ về đối tác của mình và đặc biệt cần làm là sự giải thích sòng phẳng với người lao động về điều kiện, tập tục, những điều cần và tránh khi lao động tại nước ngoài. Chí ít cũng để người lao động mường tượng được họ sẽ phải sống và làm việc trong môi trường và điều kiện như thế nào, có phù hợp với họ không, và từ đó chính họ sẽ có những quyết định cuối cùng trong vấn đề thực hiện công việc của mình...

 (trích bài của Nguyễn Minh Ngọc)
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page