(Theo tin VB) - 27/03/2001 - Chiều thứ ba 27 tháng 3/2001, bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, Ông Ashscroft, đã mở cuộc họp báo đặc biệt để nêu vấn đề bóc lột lao động, đặc biệt là vấn đề công nhân Việt Nam bị bóc lột tại Samoa. Ông Ashcroft cho biết ông Kil-Soo Lee đã bị bắt vào thứ sáu 23/03/2001 tuần trước vì vi phạm Ðạo Luật "Bảo Vệ Nạn Nhân Việc Buôn Người" (Trafficking Victims Protection Act) ban hành năm 2000. Ông Kil-Soo Lee bị cáo buộc là đã dùng vũ lực hay hăm dọa dùng vũ lực bắt những công nhân Việt Nam mà phần lớn là phụ nữ phải lao động trong xưởng may của ông trong gần hai năm, từ tháng hai năm 1999 đến tháng 12 năm 2000.
Ðạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Việc Buôn Người ký ngày 28 tháng 10 năm 2000 tăng án giam những người phạm tội và nới rộng định nghĩa "tội danh buôn người". Theo ông Bộ trưởng tư pháp, chính vì nhận thấy rằng những khó khăn chính trong việc xác định nạn nhân bóc lột lao động nằm ở chỗ nạn nhân những vụ buôn người thường xuyên sống trong tình trạng sợ hãi và cũng hiếm khi biết cách báo cáo ra sao nên trong buổi họp báo, ông đã công bố một kế hoạch với những điểm chính:
- Năm ngoái (2000), Lực Lượng Ðặc Nhiệm Chống Bóc Lột Người Lao Ðộng Trong Toàn Quốc (National Worker Exploitation Task Force) đã thiết lập một đường điện thoại khẩn miễn phí số 1-888-428-7581 để mọi người có thể báo cáo về những tội ác này. Nhân viên tổng đài đường dây này sẽ liên lạc với những dịch vụ thông dịch khi cần, nên ngay cả những người không thông thạo tiếng Anh cũng có thể dùng đường dây này để báo cáo.
- Hướng dẫn
những công tố viên cùng các
viên chức thi hành pháp luật
khác.
- Phối hợp công tác
ở mọi cấp, trong mọi vụ.
Ông Bộ trưởng cho biết đã chỉ thị cho Cơ Quan Ðiều Tra Liên Bang (FBI) và Sở Di Trú (INS) phối hợp với bộ phận Dân Quyền (Civil Rights Division) để tìm thêm những phương pháp xác định nạn nhân buôn người và đưa những vụ này sang cho bộ phận truy tố.
Khi trả lời câu hỏi của một ký giả, ông Bộ trưởng cho biết án phạt, trong nhiều trường hợp vi phạm luật chống buôn người, lên đến 20 năm. Nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng khi có nạn nhân tử vong, án có thể lên đến chung thân.
Trả lời một câu hỏi khác muốn biết về quyền lợi của những nạn nhân, ông Bộ trưởng cho biết rõ rằng: "Ðạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Việc Buôn Người cấp một qui chế đặc biệt cho những người báo cáo những vụ phạm luật này, và những người dùng đường dây khẩn cấp để báo cáo có thể được hưởng qui chế này. Tôi nghĩ rằng qui chế này gọi là Chiếu khán T (T visa), tức một loại chiếu khán tạm thời nào đó, cho phép những người này ở lại, trong khi chờ đợi vụ án được phán quyết, và cũng có thể cho phép họ được xếp vào hạng những người đủ điều kiện để được xét nhập tịch, hay cho họ được cứu xét theo thủ tục thông thường của Sở Di Trú. Chuyện này rất quan trọng.
Một trong những cách
được dùng để hăm dọa
mọi người là gợi ý
rằng nếu quí vị báo cáo,
quí vị sẽ đương nhiên bị
tống xuất về nước. Những
thủ đoạn ép buộc khác của
những tay bóc lột người là
hăm dọa gia đình hay những người
ở bên nhà."