OSHIN trong chuyện phim
và OSHIN Việt Nam trong thực tế

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Hỡi cô gái Việt Nam ơi!

Nếu chữ hy sinh có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

(Thơ Hồ Dzếnh)

 

Khoảng đầu thập niên 90, mỗi tối hàng triệu khán giả Việt Nam say sưa theo dõi trên màn ảnh nhỏ tivi bộ phim nhiều tập của Nhật mang tên "Oshin". Từ thuở ấy, đi dến đâu cũng thấy người ta nói về Oshin. Từ thôn quê đến các quán càphê nơi phố thị, câu chuyện loay hoay chuyển quanh đề tài về Oshin. Thậm chí ông bác của tôi, lúc ấy tuổi đã 89, vốn rất ghét tivi thế mà cứ ngồi xuống với mấy ông bạn già là vừa thưởng thức chén trà vừa bàn luận về cuốn phim trên. Nhưng phong trào nào rồi cũng chóng qua. Vả lại người ta còn phải lo toan với đời thật, tất tả long đong với "cơm áo gạo tiền" nên dần dần cũng không còn nghe ai nhắc đến Oshin nữa. Cho mãi gần đây, tôi mới lại được nghe đến chữ Oshin từ miệng các cô gái Việt Nam xuất khẩu lao động sang Ðài Loan làm việc nội trợ (domestic helpers) hoặc làm công việc giúp đỡ cho người già và bệnh nhân (caretakers/caregivers). Dù làm công việc nào thì trên thực tế vẫn là thân phận con sen đứa ở hầu hạ cho chủ nhân Ðài Loan. Các cô tự nhận mình là Oshin. Ngay chính công nhân Việt Nam, cũng thuộc loại xuất khẩu lao động sang đây để làm việc trong các hãng xưởng (thì vốn cũng có hơn gì thân phận nô lệ) mà cũng gọi các cô làm việc trong nhà này là Oshin. Vốn không thích phim ảnh nên tôi mù tịt về chuyện Oshin. Vì thế, tôi đã phải viết thư nhờ một vài anh bạn giúp tôi hiểu cốt chuyện và đại ý của cuốn phim Oshin ấy. Có người bạn tốt đã mau mắn trả lời thư tôi và sau đây là nguyên văn của lá thư ấy viết về đại ý cốt chuyện của phim Oshin:

"Oshin là một cô gái nhà quê, sống trong gia đình nghèo đông con. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cô đã phải lên thành phố đi làm kiếm sống và nuôi gia đình. Cô đến làm người đầy tớ cho một gia đình giầu có. Cô là một con người chăm chỉ, làm việc siêng năng và có ý chí cầu tiến nên rất được ông bà chủ và con cái trong nhà thương mến. Gia đình ông chủ làm nghề kinh doanh. Nhờ có đầu óc thông minh và nhậy bén, Oshin đã giúp cho gia đình ông chủ thoát khỏi cảnh phá sản. Oshin còn là con người có tài cảm hóa được nhiều người trong gia đình chủ và đưa họ về cuộc sống chân chính. Tuy nhiên trong một thời gian dài khi mới đến làm việc, Oshin đã gặp rất nhiều nghịch cảnh và đau khổ. Thế nhưng cô đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn và cuối cùng đạt được thành công trong cuộc đời."

SO SÁNH OSHIN TRONG PHIM VÀ OSHIN NGOÀI ÐỜI THẬT

Oshin trong phim là một cô gái quê sống trong một gia đình nghèo đông con. Những Oshin Việt Nam hiện đang làm đầy tớ cho bọn chủ Ðài Loan dĩ nhiên cũng xuất thân từ những gia đình nghèo, sống ở những vùng sâu vùng xa. Nghèo khổ là mẫu số chung của những Oshin Việt Nam. Ða số những Oshin Việt Nam này thường đã lập gia đình và có con cái. Cũng như Oshin trong phim vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà phải lên thành phố làm đầy tớ để kiếm sống và nuôi gia đình. Những Oshin Việt Nam cũng phải bỏ nước ra đi để làm thân phận đầy tớ nơi xứ người với ước mơ nhỏ nhoi là sau vài năm tìm được ít vốn trở lại xum họp với gia đình và có được một tương lai tốt đẹp hơn.

Giống như Oshin trong phim, những Oshin Việt Nam vốn ở Việt Nam đã quen với đời sống vất vả nên khi sang Ðài Loan làm thân phận con sen đứa ở họ cũng siêng năng chăm chỉ làm việc và không từ nan làm bất cứ một công việc nặng nhọc nào. Họ làm việc bất kể giờ giấc. Có khi từ sáng sớm tinh mơ làm việc cho đến nửa đêm mà vẫn chưa được đi nghỉ. Tôi có thể đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể, nhưng ở đây tôi chỉ xin khách quan đưa ra một ví dụ từ chính miệng một người bạn Ðài Loan của tôi kể lại tôi nghe. Cô nói người hàng xóm sát vách nhà cô có mướn một cô Việt Nam làm hầu trong nhà. Có nhiều đêm khi gia đình người bạn tôi thức khuya chuyện trò đến 2, 3 giờ sáng chưa đi ngủ thì đã nghe thấy nhà bên cạnh cô Việt Nam đó đã phải thức dậy làm việc rồi. Nhiều khi đi đâu về trễ khoảng 10 giờ tối vẫn thấy cô Oshin Việt Nam ấy lo xách mấy bịch rác đưa sẵn ra trước cửa để hôm sau khi xe rác chạy ngang qua thì kịp mà bỏ rác vào xe. Riêng tôi, cách đây đã lâu, lần đầu tiên gặp một cô Oshin Việt Nam, tôi có hỏi cô về công ăn việc làm ra sao? Có cực nhọc không? Cô bảo tôi: "Cực khổ hơn con chó, anh ạ! Ðã thế họ đối xử rất tệ với em. Cái bát đôi đũa em ăn phải để riêng ra như thể em là người bệnh lao hay cùi hủi. Khi nhà chủ ăn cơm xong em mới được ăn. Ngồi trong xó bếp nóng nực quá nên em bật máy quạt lên. Nhưng ông chủ hay bà chủ thấy sẽ tắt đi vì bảo tốn điện lắm." Nhìn vào đôi bàn tay với những ngón tay đã chai cứng và mòn nhẵn. Tôi biết cô nói thật. Tôi thầm nghĩ giả như có muốn lấy dấu tay cô thì cũng chẳng còn một chút vân tay nào sót lại để mà lấy. Từ đó tôi không còn được dịp gặp mặt lại cô lần thứ hai.

Oshin trong phim có đầu óc thông minh và nhậy bén nên đã giúp cho gia đình ông chủ thoát cảnh vỡ nợ. Nhưng trong đời thật, không phải Oshin Việt Nam nào cũng có đầu óc thông minh và nhậy bén. Thường thì họ rất chân chất thật thà và hiền lành. Có cô chưa hề ra khỏi lũy tre làng thì làm sao đương đầu nổi với những toan tính lọc lừa của cuộc sống. Cách đây hai ngày tôi có tiễn một Oshin Việt Nam phải về nước vì chủ bảo cô không thích hợp với công việc mà chủ muốn cô làm. Nhưng trên thực tế là vì cô đã bị chủ xách nhiễu tình dục (sexual harrassment) nhưng cô đã nhất quyết kháng cự không chiều theo ý chủ nên chủ đã dùng lý do là trong vòng 40 ngày thử việc nếu chủ không vừa ý thì cứ tự tiện đuổi họ về nước. Ra đến phi trường tôi gặp một cô Oshin Việt Nam khác cũng bị đuổi về mà không hề biết lý do. Cô khóc lóc xin tôi giúp cô. Nhưng đã quá trễ nên tôi không thể làm gì giúp cô được. Tôi cố liên lạc với bộ Lao Ðộng Ðài Loan qua điện thoại nhưng vì chuyến bay quá sớm nên chưa đến giờ làm việc. Gọi điện thoại di động nhưng không có người nghe nên tôi đành phải chịu. Cũng may người bạn Ðài Loan đi chung với tôi bảo tôi là hãy cho cô ta ít tiền. Tôi mới sực nhớ ra và nhờ cô bạn Ðài Loan đổi được 100 đô Mỹ để biếu cô. (Số tiền đó là của người bạn Ðài Loan tốt bụng đó. Tôi có hoàn trả nhưng người bạn Ðài Loan nhất định không chịu nhận). Cô Oshin Việt Nam đó không hề biết tại sao mình bị đuổi về. Cô đến Ðài Loan mới được có 5 ngày. Khi công ty môi giới đến bảo cô thu dọn đồ đạc thì cô cứ nghĩ là mình được thay chủ mới nào ngờ họ đưa cô ra thẳng phi trường. Gương mặt với những vết cháy xám, hốc hác đầy hốt hoảng, ngỡ ngàng và những tiếng nấc nghẹn ngào của cô vẫn còn in rõ trong đầu óc tôi.

TỪ MỘNG ÐẾN THỰC ? TỪ PHIM ẢNH RA NGOÀI THỰC TẾ

Bây giờ tôi xin bạn đọc cùng tôi phân tích Oshin trong phim và Oshin ngoài đời thật. Nghĩa là từ trong mộng ra ngoài thực tế. Tôi xin được chia sẻ một vài suy tư phân tích của tôi như sau:

1.      Chúng ta nên nhớ rằng giữa phim ảnh và cuộc sống thực tế ngoài đời thường khác xa nhau rất nhiều. Phim ảnh được dựng nên bởi nhà viết chuyện phim và do nhà đạo diễn thực hiện. Nói cách khác tác giả của phim ảnh là nhà viết phim bản và nhà đạo diễn. Vì thế, tất cả số phận của các nhân vật trong một cuốn phim hoàn toàn lệ thuộc vào óc sáng tạo và ý muốn của nhà đạo diễn và nhà viết chuyện phim. Tắt một lời, phim ảnh là sản phẩm của nhà đạo diễn và nhà viết chuyện phim. Nói theo cụ Nguyễn Du, thì là: "Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao." Thế cho nên cả ông chủ lẫn Oshin đều là sản phẩm của óc sáng tạo, tưởng tượng và ý muốn của người sáng tạo ra nó. Vì thế các tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, các hành động, cử chỉ, diễn tả và ngôn ngữ của các nhân vật trong phim đều không thể vượt ra ngoài ý muốn của nhà đạo diễn hay kịch bản được. Nhưng ngoài đời thật thì không thế. Ông chủ hay bà chủ hoàn toàn có tự do. Họ muốn làm gì thì làm mà không hề bị lệ thuộc vào bất cứ một tác nhân thứ ba nào. Nói trắng ra là họ có toàn quyền trên người mà họ mướn. Ngay trong tờ hợp đồng của các công nhân xuất khẩu ra nước ngoài cũng có khoản ghi như vậy. Là người công nhân hoàn toàn do chủ xử lý và xử dụng. Nói theo danh từ phim ảnh thì họ vừa là nhà viết chuyện phim vừa là nhà đạo diễn và kiêm cả việc đóng vai chính của cuốn phim mình tạo ra. Số phận của Oshin đời thật quả thật là khốn khổ, tủi hổ và nhục nhã. Vì số phận của họ hoàn toàn lệ thuộc vào người chủ của mình. Họ không có bất cứ một quyền gì. Trên thực tế cho đến nay họ vẫn chưa được bộ luật căn bản về Lao Ðộng bảo vệ.

2.       Sự lẫn lộn giữa mộng và thực (chuyện trong phim ảnh và cuộc sống thực tế ngoài đời) là một nguy hiểm khôn lường mà những Oshin Việt Nam không thể dễ dàng nhận ra. Vì tự nhận mình là Oshin nên họ đã đồng hóa cuộc đời thật của họ với cuộc đời trong phim ảnh của Oshin. Họ tưởng rằng nếu mình biết nhẫn nhục, chịu đựng và cố gắng chăm chỉ siêng năng làm hết mình thì thế nào cũng có ngày mình sẽ thành công như Oshin. Nhưng cuộc sống trong thực tế vốn phũ phàng và phức tạp không đơn giản như những gì họ nghĩ họ tưởng. Họ lẫn lộn giữa thực và mộng. Oshin trong phim là sản phẩm của trí tưởng tượng, óc sáng tạo và ý muốn của nhà đạo diễn và nhà viết chuyện phim. Thế cho nên số mệnh của Oshin trong phim hoà? toàn là do nhà đạo diễn và nhà viết chuyện phim định đoạt. Họ cho kết thúc cuốn phim như thế nào là tùy ở ý muốn chủ quan của họ. Trong khi đó những Oshin Việt Nam lệ thuộc vào bao mạng lưới nan giải khách quan của cuộc sống. Họ hoàn toàn lệ thuộc một cách thụ động vào hoàn cảnh sống mà với trí óc chân chất đơn sơ thật thà của những người miền quê thì làm sao họ hiểu ra được cái phức tạp gian xảo tinh vi của cuộc sống hôm nay. Họ thực sự sống như một Oshin trong phim trong mộng hơn là sống thực với những thực tế mà họ phải đương đầu. Nguy là ở chỗ đó. Sống thực qua người mẫu Oshin trong mộng. Ðiều này không dễ gì nhận diện ra được. Thế nên cuộc đời của họ hoàn toàn trôi nổi theo ý muốn của người khác. Họ không có cơ hội hoặc sẽ chẳng bao giờ có cơ hội làm chủ cuộc đời của mình. Tội thay!

3.      Ngoài ra tôi nghĩ những tác hại về tâm sinh lý cho những Oshin Việt Nam còn trầm trọng và nguy hại hơn nhiều. Vì tự nhận mình là Oshin. Họ đồng hóa thân phận tôi đòi của Oshin. Vì thế trong lòng họ nặng trĩu một mặc cảm thấp hèn của thân phận con sen cái ở. Chấp nhận công việc mình làm như là một việc đã định sẵn bởi một số mạng nào đó nên họ tự nguyện chịu đựng thiếu hẳn đi chí phấn đấu để vươn lên. Một khi đã chấp nhận thân phận tôi tớ như một định mệnh thì làm sao họ có ý chí có nghị lực để thay đổi hoàn cảnh sống, có tự tin có can đảm để vươn lên khỏi những khó khăn cụ thể như việc tranh đấu cho những quyền lợi căn cản của chính mình. Họ hoàn toàn thụ động chờ đợi sự xót thương của chủ nhân. Có lần có một Oshin Việt Nam nhờ tôi giúp đỡ. Khi người công ty môi giới đưa cô đến nhà tôi, thấy tôi nói tiếng Việt cô ta liền quỳ xuống chắp tay lạy tôi nhờ tôi giúp đỡ. Tôi thấy xấu hổ và áy náy vô cùng. Trong lòng dâng lên một nỗi chua chát buồn tím gan, cảm thấy nỗi đắng ngắt nơi đầu lưỡi. Ở đâu mà dân tộc tôi học được cách lạy van người khác như thế? Tôi bảo cô đứng dậy và nhỏ nhẹ nói với cô rằng: "Tôi xin chị từ nay không bao giờ quỵ luỵ một ai như thế nữa nhé!"  Còn bao Oshin Việt Nam khác nữa mà tôi gặp thì tôi chưa thấy ai có một niềm tự tin cả. Trong lòng luôn có nỗi sợ hãi ám ảnh. Các cô bảo tôi: "Nói chuyện với anh thì em không sợ. Nhưng em sợ lắm khi phải ra khai báo với cảnh sát. Em sợ em lại quên không biết nói gì thì chết!" Tôi thường phải tập cho họ lấy lại niềm tự tin nơi chính họ. Luôn dùng những lời tích cực để động viên và khuyến khích tinh thần của họ để họ an tâm. Nhắc nhở họ là họ hoàn toàn có tự do để quyết định về cuộc đời của họ bởi luật pháp công minh luôn bênh đỡ cho quyền lợi của họ. Nhưng tẩy rửa hay sửa đổi một cố tật đã thành nếp trong trí óc con người thật là chuyện không dễ. Tuy vậy tôi luôn hy vọng lạc quan và tin tưởng rằng họ sẽ ý thức và sẽ thay đổi não trạng và xóa bỏ đi cái mặc cảm Oshin của họ.

4.      Như những gì tôi đã phân tích ở trên về việc lẫn lộn giữa mộng và thực, về sự tự ti mặc cảm, v.v? Ngoài ra những Oshin Việt Nam còn mắc phải tính viễn mơ hay ảo tưởng. Trong thâm tâm họ nghĩ rằng cũng giống như Oshin trong phim cuối cùng rồi họ cũng sẽ thành công trong cuộc sống. Rất tiếc họ đã không phân biệt được sự thật trong phim và thực tế ngoài đời sống thường ngày cách nhau trời biển. Cái kết thúc của phim Oshin là lối kết thúc cổ điển của phim ảnh. Nghĩa là dù gian nan khốn khó thử thách tơi bời hoa lá đến đâu chăng nữa thì cuối cùng cái Thiện cũng sẽ thắng cái Ác. Ðiều này ông bà ta cũng đã chẳng dậy thế sao, khi họ bảo: "Ở hiền gặp lành." Nhưng trên thực tế trong cuộc sống hằng ngày diễn ra trước mắt mà chúng ta kinh nghiệm được, chúng ta thấy rằng sự Thiện không luôn luôn thắng sự Ác. Muốn diệt cái ác chúng ta không thể ngồi thụ động ngồi chờ nó xẩy ra mà là phải nỗ lực dùng sự tốt lành mà phân tranh với những gì ác độc. Trong cuộc chiến giữa Thiện và Ác chúng ta phải đóng vai tích cực. Phải sắn tay áo mà xông vào trận chiến này. Có như thế thì xã hội nơi chúng ta ở mới thiện hảo hơn, tốt đẹp hơn và điều gian ác mới bớt dần đi. Ðây là bổn phận của mỗi người chứ không phải của riêng một ai. Phải khởi đi từ chính mình bằng sự tinh luyện một lương tâm ngay thẳng tốt lành. Nếu cứ nằm chờ sung rụng thì biết thuở nào mới có trái rơi vào miệng đây.

5.      Ngoài ra tôi nghĩ còn nhiều điểm khác biệt giữa Oshin trong phim và Oshin ngoài đời. Dù sao, Oshin trong phim phải bỏ quê nghèo lên thành phố xa lạ nhưng vẫn ở cùng một quê hương có chung một nền văn hóa và ngôn ngữ. Trong khi đó Oshin Việt Nam phải bỏ lại quê hương yêu dấu sau lưng với biết bao người thân thương mà trong đó có những người mà đáng lẽ ra mình không bao giờ phải xa rời như chồng con để đến một quê hương đầy những xa lạ khác biệt từ miếng ăn chốn ở; rồi ngôn ngữ bất đồng văn hóa khác biệt. Nỗi thương nhớ quê nhà người thân yêu cùng với những căng thẳng phải thích nghi với cuộc sống hoàn toàn khác biệt làm họ tơi bời ruột gan. Oshin trong phim có thể giải thích biện luận trả lời chủ được. Trong khi Oshin Việt Nam không thể làm người khác hiểu mình được. Nhiều khi lại làm chủ hiểu lầm thêm mà thôi vì khó khăn ngôn ngữ. Hơn nữa, Oshin trong phim lên tỉnh không phải qua một trung tâm hay công ty môi giới nào. Trong khi Oshin Việt Nam phải qua bao gian khổ và mất bao tiền bạc mới sang được nước ngoài để chỉ làm thân đứa ở con hầu. Bao nhiêu cái giây thòng lọng chờ sẵn nếu chẳng may bị chủ đuổi về nước. Nợ nần ngập đầu với tiền lời cao trả đến mấy đời cho hết. Tiền thế chấp vào tay công ty rồi thì đến đời tận thế may ra mới lấy lại được. Tôi có giúp một cô bị chủ trả về Việt Nam lấy cớ là cô không đủ thể lực để chăm sóc ông. Nhưng trên thực tế là vì cô không chiều chuộng theo ý của chủ nhân muốn lợi dụng thân xác của cô. Vì không chứng cớ rõ ràng nên không làm chi ông chủ được. Nhưng tôi đã thương lượng với văn phòng của bộ Lao Ðộng chuyên lo cho công nhân nước ngoài đến làm việc tại Ðài Loan, và với công ty môi giới của Ðài Loan (chưa tiện nêu tên công ty môi giới này) để viết tờ đơn thanh minh rằng cô này không có lỗi gì cả. Tờ hiệp ước có chữ ký của sở Lao Ðộng địa phương nơi cô đến làm việc, có chữ ký của công ty môi giới Ðài Loan và chữ ký của cô nữa. Thế mà khi về tới Việt Nam, cô này điện thoại cho tôi và bảo rằng: công ty môi giới bên Việt Nam bảo là lỗi do cô hết nên công ty không hoàn trả lại tiền thế chấp cho cô. Tôi không hiểu sao cùng là người Việt Nam với nhau, gọi nhau là đồng bào vì tổ tiên sinh ra cùng trong một bọc mà lại có thể đối xử với nhau cách tàn nhẫn vô lương tâm đến thế. Tiền ấy chính là máu mủ, xương tuỷ và nước mắt của những đứa con thơ tội nghiệp vốn đã còm cõi vì suy dinh dưỡng. Nhưng nói chi chuyện buồn ấy? Tất cả rồi cũng chết ra thây ma thôi! Tôi bỗng tin có đời sau để mà trừng phạt những kẻ sống vô lương tâm ấy. 

KẾT LUẬN

Nói sao cho hết những nỗi khổ của những Oshin Việt nam tại Ðài Loan này. Họ đều là phụ nữ phải hy sinh cho chồng cho con hay cho gia đình. Người phụ nữ Việt Nam phải khổ đến bao giờ? Bao giờ họ mới thực sự được bình quyền với nam giới? Tôi thấy nhiều gia đình đông con không thể lo cho hết các con theo học đến nơi đến chốn được thì thường là con gái phải ở nhà lo phụ giúp cha mẹ kiếm sống để các anh hay các em trai họ có cơ hội cắp sách đến trường. Tôi biết trên lý thuyết đã có những tiến bộ thay đổi trong cách nhìn về người con gái hay phụ nữ. Nhưng trên thực tế thì tôi thấy con đường còn dài lắm. Vì thế, mà ở đầu cái thế kỷ 21 này. Cái thế kỷ của cao kỹ và văn minh tiến bộ tuyệt mực thế mà những Oshin vẫn còn tồn tại.

Một ngàn năm dưới ách đô hộ của giặc Tầu, một trăm năm dưới ách thống trị của giặc Tây và trên 20 năm huynh đệ tương tàn chưa đủ để chúng ta học được bài học gì sao? Nói thế chứ tôi không ngạc nhiên gì vì có kẻ nào đó từng bảo rằng: "Có một điều con người học được từ lịch sử là họ chẳng học được bài học nào cả từ lịch sử뮢 Còn danh nhân khác lại dậy: "Ai không học được bài học của lịch sử thì bị kết án lập lại cùng một lỗi lầm lần nữa."

Dĩ nhiên tôi luôn tin tưởng ở sự hy sinh vì có danh nhân nào đó dậy rằng "nếu bạn muốn biết tình yêu của bạn chân thật hay không hãy đem nó vào máy nghiến của khổ đau nếu nó tiết ra chất hy sinh thì đó là tình yêu thật". Tuy nhiên, những hy sinh cách quá đáng không cần thiết đến nỗi người ta phải trả một giá quá đắt bằng cả nhân phẩm danh dự của mình thì tôi thấy nó bất nhẫn làm sao đó. Sau cùng tôi vẫn luôn nuôi một ước mơ là dân ta sẽ không còn một ai phải đi xuất khẩu lao động theo diện "OSHIN" nữa. Ðể nhà thơ Hồ Dzếnh không phải vất vả nạm vàng những khổ cực những hy sinh của người phụ nữ Việt Nam nữa mà là hân hoan nạm những niềm vui và hạnh phúc của họ mà thôi.

 

Nguyễn Hoài Hương

Ðài Loan ngày 3 tháng 3 năm 2001


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page