Ðể nâng cao chất lượng lao động,
thuế xuất khẩu lao động sẽ chỉ còn 0%

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ðể nâng cao chất lượng lao động,
kể từ ngày 01/01/2001, thuế xuất khẩu lao động sẽ chỉ còn 0%.

 Hà Nội - 13/12/2000 - Theo nguồn tin từ tờ báo Lao Ðộng Việt Nam xuất bản ngày 13/12/2000, bộ LÐ-TB-XH đã đề xuất Chính phủ trong việc giảm thuế xuất khẩu lao động xuống còn 0%, và đề xuất này đã được Chính phủ chấp thuận. Kể từ ngày 01/01/2001, sẽ cho áp dụng thuế suất 0% với các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc. Số tiền giữ lại từ thuế không phải nộp, doanh nghiệp sẽ dùng vào việc tái đầu tư để nâng cao chất lượng của người lao động. Theo tiến sĩ Trần Văn Hằng - Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ LÐ-TB-XH), đây cũng là một biện pháp hiệu quả. Vì nếu năm 2000 có gần 30,000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việ,c thì năm 2001 dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 50,000 lao động. Mới đây đã có một cuộc họp của Bộ LÐ-TB-XH với các địa phương về chất lượng xuất khẩu lao động thì vấn đề cốt lõi cũng xoay quanh việc làm thế nào để tạo được nguồn lao động ra nước ngoài làm việc có chất lượng cao. Chất lượng ở đây được hiểu là có cả năng lực chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, và quan trọng nữa là ý thức kỷ luật, ý thức tôn trọng luật pháp của người lao động.

 Tiến sĩ Trần Văn Hằng cho biết, phải có những giải pháp đồng bộ để tạo được một thị trường xuất khẩu lao động thực sự có chất lượng. Cần phải có nhiều biện pháp. Thứ nhất là cần có chính sách tạo nguồn. Bộ LÐ-TB-XH mới có đề nghị Bộ GD-ÐT nên đưa chương trình dạy tiếng Anh vào thành bộ môn bắt buộc trong giáo dục phổ thông. Hiện nay khả năng ngoại ngữ của người lao động là một cản trở rất lớn. Nếu được đào tạo cơ bản từ trường phổ thông thì nguồn lao động có ngoại ngữ sẽ rất dồi dào. Cũng cần khai thác nguồn ngoại ngữ từ các trường ngoại ngữ, trung tâm ngoại ngữ cho người lao động. Thứ hai là người lao động cần phải được xác minh rất kỹ về lý lịch. Như vậy các đơn vị tuyển dụng phải làm thật tốt việc này. Qua thực tế các vụ việc xảy ra ở Kuwait, Lybi, Samoa? đều thấy có sự xuất hiện của những người lý lịch có vấn đề gây nên. Cách tốt nhất là các đơn vị tuyển dụng phải về tận địa phương để xác minh thì sẽ thẩm tra "lý lịch tư pháp" của người lao động được một cách tốt nhất.

 Tiến sĩ nói tiếp: Hiện nay, có rất nhiều các Công ty đều tuyển dụng lao động thông qua trung gian. Như vậy vừa không đảm bảo về mặt lý lịch, vừa rất dễ gây thiệt thòi cho người lao động. Có rất nhiều "cò" thu của người lao động từ 5-10 triệu đồng để đi Ðài Loan. Bởi vậy, Bộ LÐ-TB-XH cũng đã tính đến đề nghị Chính phủ phải sửa Nghị định 38 về xử phạt. Mức xử phạt cao nhất khi vi phạm trong việc làm môi giới bất hợp pháp hiện nay chỉ là 3 triệu đồng. "Cò" moi của người lao động mỗi hồ sơ đến cả chục triệu đồng thì phạt họ 3 triệu chẳng có nghĩa lý gì. Bộ trưởng Bộ LÐ-TB-XH trong một cuộc họp gần đây có đề nghị phải nâng mức phạt lên 200 triệu đồng với việc môi giới lao động đi nước ngoài thì sẽ dẹp được tệ nạn "cò", một số công ty mới báo về Cục là họ tự đi xuống các địa phương như Quảng Ninh, Nghệ An? kết hợp với địa phương, làng, xã thông báo công khai chỉ tiêu tuyển dụng, mức phí phải đóng? Chất lượng tuyển dụng bằng cách này khá cao, lại hạn chế được nạn "cò". Hiện nay mới chỉ có một Nghị định 152 của Chính phủ về việc xuất khẩu lao động. Nhưng nghị định này lại bị ràng buộc bởi các Nghị định khác, ví dụ Nghị định 38 về xử phạt, trong khi chế tài trong việc đưa người lao động đi nước ngoài cần được phân định rất rõ. Vậy đã đến lúc chúng ta cần phải có một Pháp lệnh hay luật về xuất khẩu lao động. 8 năm nay, chúng tôi đã kêu vấn đề này, nhưng không ai nghĩ đến. Rất may mới đây có thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Chính phủ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí yêu cầu Chính phủ chuẩn bị Pháp lệnh về xuất khẩu lao động để trình Quốc hội trong thời gian tới. Có Pháp lệnh mọi việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và quan trọng hơn là tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh trong việc đưa lao động đi nước ngoài. Quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng lao động để người lao động tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình ở nước ngoài.
 
 


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page