No mất ngon, giận mất khôn. (Tục ngữ Việt Nam)
Jean-Paul Sartre, triết gia hiện sinh nổi tiếng người Pháp, nói rằng: "Ðịa ngục chính là người khác". Lời phát biểu của ông có vẻ bi quan quá về bản tính con người. Tuy nhiên, đôi lúc trong mối tương quan với người khác, nhất là với những người mà tôi không ưa, tôi lại thấy lời phát biểu của ông chí lý lạ thường.
Gần đây, tôi được biết trong anh chị em công nhân Việt Nam chúng ta xảy ra những chuyện không hay và đã đưa đến việc "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân". Tôi rất thông cảm với những anh chị em đó vì mới xa quê hương đang phải đương đầu với bao khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới nơi đất khách quê người với công việc mới. Hơn nữa, những căng thẳng về tinh thần như luôn bị đe dọa đuổi về Việt Nam, con số tiền nợ khổng lồ? như bóng ma cứ ám ảnh đầu óc không ngơi. Cộng với nỗi nhớ thương gia đình, xóm làng, quê hương? tất cả những điều đó làm tâm hồn, tinh thần ta căng thẳng và không yên tâm. Sống trong những hoàn cảnh bị dồn nén như thế chẳng khác gì như giữ bom nổ chậm trong người mà chỉ cần một ngòi châm nhỏ là bom sẽ nổ tung. Và dĩ nhiên hậu quả thường thì không lường trước được. Trong bài viết này, tôi xin chân thành chia sẻ một vài phương cách để ta "xả xú bắp" mà không gây thiệt hại mấy. Hay nói cách khác là chúng ta nên biết vài phương sách để kiềm chế tính nóng giận của mình.
Nếu theo dõi tin tức trên báo chí hay tivi, chúng ta thấy tính nóng giận có thể gây ra những hậu quả tai hại. Chỉ một phút nóng giận một cách vô thức, anh chồng có thể nảy cò súng giết vợ; chỉ một giây không thể kiềm chế được sự tức giận người học trò có thể xả súng bắn vào bạn bè thầy cô của mình. Hậu quả không chỉ là những cái chết oan khiên mà là ảnh hưởng của nó trên tinh thần của những người sống trong gia đình nạn nhân nói riêng và của cả xã hội nói chung. Vì thế, khống chế hay làm chủ tính nóng giận là một bài học quan trọng của nhân phẩm con người mà ai cũng có thể học được.
Một điều quan trọng ta nên biết là làm chủ tính nóng giận không có nghĩa là ta dồn nén sự tức giận bằng bất cứ giá nào hay là cứ cho nổ tung lên mỗi khi trong lòng cảm thấy tức giận. Kiềm chế hay làm chủ tính nóng giận ở đây có nghĩa là ta phải học nghệ thuật diễn tả tính nóng giận một cách hợp lý, hợp tình, đúng cách và đúng lúc. Có nghĩa là nó ở giữa hai thái cực nêu trên.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết rằng, tính nóng giận không những gây thiệt hại trong những mối tương quan với người khác mà nó còn làm hại cho sức khỏe ta nữa. Khoa học minh chứng rằng có sự liên quan giữa bệnh tim và tính nóng giận. Có lẽ chưa ai trong chúng ta nóng giận đến nỗi phải bị đưa lên mặt báo chí hay tivi. Tuy nhiên, chúng ta đều có kinh nghiệm đã có lúc quá nóng giận nên có những lời nói hay hành động mà sau đó ta cảm thấy xấu hổ và hối hận. Chả thế mà ông cha ta đã dạy rằng: "Chưa đánh được người mặt đỏ như vang; đánh được người rồi mặt vàng như nghệ" đó sao?
Joseph Telushkin đã tuyên bố một câu khá mạnh mẽ rằng: "Sự giận dữ mà bạn có không giúp bạn gây đau khổ cho người khác cho bằng chính bạn cảm thấy những cảm xúc hấp dẫn về tính dục làm bạn hiếp dâm chính cái nguồn hấp dẫn của bạn". Chẳng ai kính trọng kẻ hay nóng giận và có tốt đẹp gì khi mặt bạn đỏ gấc lên như mặt gà chọi.
Ðể hiểu phương cách kiềm chế tính nóng giận, chúng ta phải tự hỏi và trả lời hai câu hỏi quan trọng sau đây:
(1.) Giận dữ nóng
giận cách thích đáng có nghĩa
gì?
(2.) Và ta phải làm gì
để kiềm chế tính nóng giận
khi nó bừng lên mà không để
mất sự bình tĩnh?
Nóng giận có thể được dùng như là một chiến thuật để gây sự chú ý. Quả thế, khi có ai bỗng đùng đùng nổi giận mọi người sẽ chú ý. Trẻ con và những ai chưa trưởng thành hay dùng cách này để gây sự chú ý, để đạt được điều mà họ muốn. Hiển nhiên, đây không phải là phương cách thích hợp chính đáng để diễn tả sự nóng giận hay bất đồng ý kiến của một người trưởng thành.
Tuy nhiên, đôi khi tỏ lộ sự nóng giận trong cách thể thích đáng chúng ta nói với người khác rằng một cử chỉ hay hành vi nào đó của họ là không thể chấp nhận được. Ðể diễn tả sự nóng giận cách thích đáng với người gây ra sự thiệt hại, chúng ta nên nói với người đó rằng cái việc mà họ làm không thể chấp nhận và chịu đựng được. Nhiều khi chúng ta phải tuyên bố rõ ràng và to tiếng đặc biệt nếu người đó tảng lờ khi chúng ta đã nói một lần rồi.
Một điều khác chúng ta nên lưu tâm là có nhiều người tuyên bố rằng họ không dằn được tính nóng của họ. Tôi có quen một người tuyên bố như thế. Cho đến khi anh ta gặp một cô mà anh ta có cảm tình thì bỗng nhiên tính nóng của ah ta cũng biến mất. Bởi anh ta không muốn gây ấn tượng xấu trước mặt người đẹp ấy. Như thế, hiển nhiên tính nóng có thể bị kiềm chế nếu chúng ta thực tâm muốn như vậy. Sau đây là một số phương cách mà chúng ta có thể dùng để chế ngự sự nóng giận:
* Sự tức giận hiện hữu trong thân xác của bạn; nó là phản ứng của sinh thể lý. Hãy chú ý đến những cảm giác của thân xác liên quan đến sự nóng giận. Ðiều gì xảy ra trong thân xác của bạn khi bạn nổi giận? Khi để ý đến những cảm giác này trong một thời gian bạn sẽ bắt đầu cảm nhận ra ngay khi cơn tức giận vừa nổi lên trước khi nó trở nên không thể kiềm chế được.
* Nếu có thể được hãy biểu lộ sự tức giận cho người làm bạn nổi giận ngay lúc sự việc xảy ra khi bạn giữ được sự bình tĩnh. Không nên kể cho những người không liên quan đến vấn đề của bạn và tránh dùng những hành vi vô lý để trút cơn giận. Nghĩa là đừng "giận cá chém thớt".
* Trong khi đối thoại nên dùng những lời nói diễn tả cảm xúc của bạn. Chẳng hạn, nên nói: "Tôi giận vì điều anh làm" hơn là nói: "Anh làm tôi giận". Nghĩa là tránh dùng lời nói diễn tả những hành vi thái độ khiến bạn nổi giận.
* Nếu bạn cảm thấy không còn kiểm soát được cơn giận, hãy tránh cuộc tranh luận ngay tức khắc. Bạn có thể nói với người đối thoại rằng: "Tôi rất giận nên tôi không thể tiếp tục nói chuyện với bạn nữa. Tôi muốn chấm dứt cuộc tranh luận ở đây trước khi tôi nói hay làm chuyện gì để phải hối hận sau này".
* Có hai cách làm bạn hả cơn giận khi bạn cảm thấy sự tức giận đang bừng lên trong bạn. Cách thứ nhất là hít thở thật chậm lại và trong đầu đếm số từ 1 đến 10; Nhà tâm lý Leonard Felder thì đề nghị rằng bạn hãy đếm những màu sắc chung quanh bạn. Những cách này thúc đẩy những vùng của trí óc bạn đóng lại khi bạn lên cơn giận dữ.
* Hãy xác định cách rõ ràng nguyên nhân nào làm bạn tức giận. Giận dữ luôn là cảm xúc thứ yếu, nó đến sau một cảm xúc nào đó. Chẳng hạn như đau đớn, sợ hãi, mất mát, bị bỏ rơi, xấu hổ? Cảm xúc nào nằm sau sự tức giận của bạn?
* Hãy biết rằng sự giận dữ có thể đốt lên ngọn lửa mãnh liệt để ta dám dấn thân làm một việc tốt lành nào đó. Lịch sử cho biết nhiều người đã hiến thân làm việc phục vụ nhân loại trong lĩnh vực nhân đạo thường bị thôi thúc bởi sự tức giận khi thấy xã hội thiếu công bằng, bất công, đói nghèo? Vì vậy hãy dùng sự nóng giận trong cách xây dựng tích cực. Chứ không phải dùng nó để nuôi dưỡng sự trả thù vặt.
* Nóng giận xảy ra khi sự khao khát ước vọng của bạn không được thỏa mãn hoặc khi người khác không hành động theo như ý mà bạn muốn. Chúng ta phải biết rằng trong cuộc sống không phải chuyện gì cũng xảy ra như ý ta muốn được. Nên khi sự việc không xảy ra như kế hoạch mà bạn đã định, hãy can đảm chấp nhận sự thất bại, chán nản như là một phần của cuộc sống và chính những cảm xúc tiêu cực này làm bạn trưởng thành hơn như một con người.
* Nếu nóng giận là vấn đề lớn cho bạn. Hãy giữ cuốn sổ tay. Mỗi khi nóng giận hãy viết xuống tất cả những điều liên quan sau đây: ngày, thời gian, nơi chốn, ai làm bạn giận, có uống rượu hay dùng bất cứ một chất thuốc kích thích nào không? Nhờ cuốn sổ tay này bạn sẽ tìm ra một cái mẫu chung mỗi khi bạn tức giận. Ví dụ: chẳng hạn bạn thấy rằng bạn chỉ giận dữ khi bạn mệt mỏi, hay khi bạn có tí rượu trong người? Và khi tìm ra nguyên nhân gây ra sự tức giận thì sự kiềm chế sự tức giận ấy sẽ không còn là sự khó khăn nữa.
Trên đây chỉ
là những đề nghị tiêu
biểu. Hy vọng rằng với óc sáng
tạo bạn sẽ tìm ra nhiều cách
thế hữu hiệu khác thích hợp
với tính tình cũng như từng
trường hợp mà bạn gặp
phải. Cha ông ta dạy: "một sự nhịn
chín sự lành"; ngạn ngữ Pháp
thì bảo: "hãy uốn lưỡi
bảy lần trước khi nói". Riêng
tôi, tôi thiết nghĩ rằng mỗi
chúng ta mỗi sáng sau khi thức dậy
hãy dùng một hai phút xác định
lại mục đích của mình đến
đây để làm gì và trước
khi ngủ cũng dùng vài giây ngắn
ngủi xét xem ngày hôm nay mình có
sống và hành động để
tiến gần đến mục đích
của mình không? Ta phải biết chấp
nhận những lỗi lầm, khuyết điểm
nếu có và quyết tâm ngày
mai ta sẽ sống một cuộc sống mới
tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Bởi
người biết chấp nhận những
khuyết điểm và lỗi lầm của
mình cũng chính là những người
trưởng thành đúng nghĩa
vì đã can đảm lãnh chịu
trách nhiệm của chính mình. Thân
chúc tất cả các bạn hưởng
mùa Giáng Sinh Tươi Vui và An Lành.