Âm Vang Nhân Thoại

Vào Ðời Sống Việt Nho

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Ðời sống của dân theo nho được đổ khuôn theo lễ. Lễ đứng ở giữa Pháp và Tư Do trọn vẹn. Pháp đây hiểu là pháp tự quyền trên áp đặt xuống người dân thường có tính cách trừu tượng, xa nhân tình chỉ hợp cho đoàn vật, Pháp thường đi với Hình để phạt những ai chống pháp. Ðó là đường lối chuyên chế ngược với tinh thần nhân chủ nên bị nho liên tục chống đối và đưa lễ ra thay thế pháp.

Lễ là lễ tục của từng địa phương nên có tính cách thiết thực, dân chủ, rất hợp cho nhân chủ, nhưng cũng không được tự do trọn vẹn vì thế bị Lão Trang chống đối luôn cả lễ, để cho dân được hoàn toàn tự do, phác tố. Nhưng oái oăm thay cuối cùng Lão lại trở nên thánh quan thầy Pháp gia: tên ông gắn liền với Hoàng Ðế thành cặp bài trùng Hoàng Lão. Sách "Nghệ Văn Chi" cho Lão là công cụ của thống trị nghĩa là trái hẳn với điều ông muốn, nhưng đó là điều tế vi thuộc tâm lý mà triết An Vi tóm gọn trong công thức "Mạnh chống mạnh chấp". Chống cái gì quá sẽ rơi vào cái đó. Nó giống với luật reverse effect. Lão vô tình đã tạo một chứng tích cho luật đó tức quá chống chuyên chế đến nỗi chống cả lễ thì cuối cùng đi vào chủ trương chuyên chế lúc nào không hay. Ông tuyên bố "vị phúc bất vị mục": muốn dân no bụng mà không muốn cho đi học. Ông nói rõ là "Phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu dân" DK 65. Trái lại nho đã đi con đường quân bình nên bền đỗ mãi trong Lễ và nói lên được nét nhất quán là nhân chủ: tự mình làm chủ lấy mình: không chịu luật pháp, nhưng phải có một số luật lệ do mình cùng đặt ra. Sống trong xã hội không thể không có ít nhiều luật lệ. Nho chủ trương lễ là theo ý đó (Kinh Lễ nói: Lễ giả kính dân). Với lập trường nọ ông đã tỏ ra cùng tâm hồn với Việt Nam trong câu nói:

"Pháp vua thua lệ làng".

Câu nói đó nói lên cái môi sinh tinh thần tự cường bất khuất của tiên tổ Việt.

2. Lễ của Việt nho được kể ra 4 thứ là "quan, hôn, tang, tế". Quan vừa mở đầu và cũng là lễ biểu lộ nhân chủ tính con người hơn hết.

Quan là gì?

Thưa là lễ đội mũ, khi con đến 21 tuổi thì cha mẹ làm lễ quan, là đội mũ cho con để như trả lại con quyền tự do, nhận trách nhiệm về mình. Cha giúp con chọn tên "Tự" là tên bao hàm lý tưởng mà cha giúp con tự đặt cho cuộc đời mình, từ nay được nói rõ lên đối tượng mình muốn phụng sự. Ðây là lễ nối tiếp lễ Thành Ðình xưa của Việt tộc. Trong lễ Thành Ðinh thì có xâm mình rồng (tại Bắc Cực thì xâm mình hình hiêu sao... tùy theo vật tổ mỗi nơi mà xâm). Ngoài ra có thi vừa chạy vừa nấu cơm, thi trèo cây, đánh vật... có khi còn bị đánh đập với ý nghĩa như giá phải trả để được thâu nhận nhiều linh lực (mana).

Ðến giai đoạn nho thì Thánh Ðinh đổi ra gia quan: những nghi lễ trước để điểm đạo được thay thế bằng những lời nói. Trong lễ gia quan cha nói với con đại để như sau:

"Con hãy ở trong đức nhân là chỗ ở rộng hơn hết trong thiên hạ.

hãy cư xử theo Lễ là đàng chính đáng hơn hết trong thiên hạ.

hãy đi theo chữ nghĩa là con đường lối lớn hơn hết trong thiên hạ.

Lúc đắc chí thì cùng chung với dân mà thi hành đạo nghĩa.

Khi không đắc chí thì ẩn dật tu thân hành đạo.

Có được giàu sang cũng đừng phóng túng.

Gặp cơn nghèo khó thì tiết tháo chớ hề đổi thay.

Oai võ không thể làm cong vạy được chí khí của mình.

Người giữ được như thế tức là đại trượng phu vậy.

"Cư thiên hạ chi quảng cư.

Lập thiên hạ chi chính vị.

Hành thiên hạ chi đại đạo.

Ðắc chí dữ dân do chi.

Bất đắc chí độc hành kỳ đạo.

Phú quí bất năng dâm.

Bần tiện bất năng di.

Oai võ bất năng khuất.

Thử chi vị đại trượng phu.

(Mạnh Tử III)

3. Với những lời trên cha trao cho con một thứ bản đồ linh thiêng là nhân chủ và một đối tượng để phục vụ là chữ nghĩa. Trao cách an vị tức không một đe lời, hứa hẹn, vì coi con đã đến tuổi thành nhân, đã đáng đội mũ để bảo vệ sự độc lập của mình. Ðó là những gì cao hơn những lời đe hay hứa hẹn chỉ hợp cho lúc nhỏ. Nay đã qua giai đoạn cưỡng hành với lợi hành rồi. Phải tiến lên giai đoạn an hành. Ðó là lối coi trọng con người, nên trong thâm tâm con người rất quí chuộng những lời đó. Vì thế chúng đã vang vọng trong mọi gia đình có học nho suốt 25 thế kỷ qua. Và hiện còn lưu ngấn trong lòng biết bao người Ðông Á như những mật lệnh cho con người bất khuất nên tuy không hứa hẹn mà lại được nghe theo bền bỉ.

Ðiểm thứ ba là cách nho bày tỏ sự cao cả con người thì rất tế vi. Pháp gia thì cứ 9 phạt, 1 thưởng. Còn nho gia đã không phạt mà cả đến thưởng cũng không luôn, tức là đi đúng với tinh thần phải kính tôn dân.

"Thân nhi tôn.

An nhi kính. (Lễ Kí C 29 câu 50)

Vì chủ "thân nhi tôn", nên sách Ðại Học nói "thân dân".

4. Kính đến nỗi không đem hình phạt ra dọa đã vậy, mà cả không dám thưởng. Vì thưởng cũng còn là một cách chưa cao bằng an hành: đáng làm là làm chứ không vì một động lực nào hết. Tinh thần đó còn đi vào đến cõi siêu hình bằng chỉ nhấn trên óc trách nhiệm, mà không nhấn trên ý niệm tội lỗi, nên cũng không có ý niệm âm phủ. Vì thế có chuyện buồn cười là khi Lão giáo trở thành tôn giáo thì mới nhận ra là trong nước không tìm đâu ra vật liệu để xây âm phủ nên phải sang Ấn Ðộ mượn khung, rồi sang Iran mượn ban quản trị: maya thì dịch ra là Diêm Vương. Tàu chỉ đóng góp được có vài người canh cửa vậy thôi. Truyện này lọt ra ngoài là do việc bắt lầm một nho sĩ xuống âm phủ, lúc nhận ra là nho sĩ thì phải lo liệu trả về trần. Nho sĩ chịu ra với điều kiện là dẫn đi coi âm phủ một lượt. Khi xem hết mới nhận thấy hầu hết những người bị hành khổ đều là đàn bà, nên biết là âm phủ do đực rựa xây và quản lý: hoàn toàn du mục, độc chuyên, nên mới hiểu trong đất nhân chủ không tìm ra bin đinh nào cho việc ấy cả.

5. Ðiểm thứ bốn là Văn Miếu. Ðó là một thứ nhà thờ đặc biệt lấy văn hóa thay cho tin tưởng của đền, chùa, miếu, mạo, tức thần thánh không được gì, chỉ có con người: những anh hùng liệt sĩ, nhất là các anh hùng văn hóa. Ðó chính là những người đã dựng ra nước làng nên gọi là văn tổ; đó là một nước không có tôn giáo mà lại có tâm linh như tôn giáo, không có tin mà chỉ có văn, nhưng là thứ văn chơi nổi vai trò tôn giáo, nếu tôn giáo có tu sĩ thì đây có văn hiến.

Ông Speiser (h 45) nhận xét Ðạo Phật chỉ được nhận để tu trì chứ không được nhận để suy luận triết hay để làm chính trị là do bầu khí văn miếu với văn hiến này.

6. Ðiều thứ năm rất đặc biệt là không có giai cấp, không có nô lệ, xét như một chế độ của nhà nước, mà chỉ có chút ít (vài ba phần trăm) do chiến tranh hay thiếu nợ và nhất là không bị xử như con vật: không được coi như người.

Trái lại đây là "sĩ, nông, công, thương" mà nhiều người vô ý dịch là giai cấp. Sự thực đó chỉ là sự phân công nhằm kể ra mấy loại nghề nghiệp có trong nước, không ai bị bắt buộc phải ở trong bậc nào: sĩ có khi là công là thương. Ðiều đặc biệt nhất là giới được trọng vọng hơn hết không phải công hay thương giàu có, mà là kẻ sĩ tức là một thứ triết vương như Platon mơ ước mà không có hiện thực, còn đây thì được hiện thực. Ðiều đặc biệt nữa là không có hàng tư tế. Ðó là điều rất lạ vì ở các nơi thì khác hẳn. Bên Pháp thí dụ là dòng tộc trên hết rồi đến giáo sĩ (noblesse rồi đến Clergé). Ấn Ðộ thì tư tế đứng đầu: tăng, binh, thương, nông. Tóm lại những nơi lớn như Âu với Ấn toàn là dòng tộc hay tăng lữ đứng đầu tỏ ra lý trí chưa được giải phóng, triết lý chưa thành công như bên nho nơi không có tăng mà cũng không có binh mà chỉ là kẻ sĩ đứng đầu. Phải đối chiếu như thế mới nhận ra nét đặc trưng của Việt nho. Hiện thế giới đang cố đi tới chỗ lấy tài đức làm trọng thì hi vọng kẻ sĩ sẽ được coi trọng trở lại nhưng nên nhớ kẻ sĩ không là trí thức mà là con người toàn diện có cái học chu tri kiêm cả cái học tôn đức tính mới thực đáng quí trọng.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page