Nhân Thoại

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Huyền thoại là một nguồn suối đưa ta đến Minh Triết, đến những đợt sâu xa hơn về nhân cách con người. Sâu xa hơn cả thì không gì bằng nhân thoại. Nhân thoại cũng là huyền thoại, nhưng khi người làm chủ thì gọi là nhân thoại; trái lại nếu thần làm chủ là thần thoại. Khi Promethee ăn trộm lửa bị bắt thì bị đóng đanh trên núi Caucase, đó là thần thoại. Còn khi Mơ Sao cũng ăn cắp lửa mặt trời đưa xuống sưởi ấm cho nhân dân mà không hề hấn chi hết, đó là nhân thoại. Dữ hơn nữa là Ðam Sang có lần lên tóm cổ trời bắt phải thả thóc giống xuống cho dân làm rẫy, thì đó là nhân thoại tức con người làm chủ tình thế.

Nhân thoại lẫy lừng hơn hết trên trần gian này thì không truyện nào dám tranh với Bàn Cổ:

"Hỗn mang chi sơ

Vị phân thiên địa.

Bàn Cổ thủ xuất.

Thủy phán âm dương".

2. Lớn lao và tự lực tự cường đến thế là cùng tột: xuất hiện trước cả trời cùng đất. Bàn Cổ trước rồi mới đến lượt trời đất sau. Ra trước là tuyệt được cái nạn "ma cũ bắt nạt ma mới", nên sau trong văn hóa Việt không hề xảy ra cái nạn bị trời đất bắt nạt: tức không duy thiên, định mệnh, mà cũng không duy vật sử quan: hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng, nghĩa là của cải được trọng hơn con người đến độ chia người ra giai cấp theo tài sản: có của là chủ, không có của là nô. Nước thì gọi là cộng sản, hay tư bản tức con người không được dùng làm nền tảng. Vậy là vong thân. Ðó là những cái sẹo của vụ bị thần thoại ăn hiếp.

Bị ăn hiếp như vậy nên tâm thức con ngườikhông sao vươn lên được đợt an hành để có triết lý An Vi, mà cứ lẹt bẹt ở đợt cưỡng hành: làm vì sợ trời đánh thánh vật, "sợ thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây bồ đề". Cố vươn lên cũng chỉ tới đợt lợi hành tức động lực các việc làm luôn luôn là quyền với lợi: có được lợi mới làm. Nói theo triết là còn lệ thuộc vào địa gọi là "địa lợi". Triết học lý niệm cũng gọi là ý hệ hoàn toàn ở trong đợt lợi hành này, không sao vươn lên đợt an hành: thấy đáng làm là làm, như Thánh Gióng được nhận làm quan thầy triết lý An Vi của An Việt, khi đánh đuổi quân xâm lăng xong thì ngài không về triều lĩnh bổng lộc mà lên thẳng núi Sóc Sơn ở miền An Việt để hóa.

3. An Vi là nền triết căn cứ trên an hành thấy việc đáng làm là làm, làm tận tình tận lực để không tiêu phí sinh lực vào sự lo lắng về thất đắc, nên "thắng không kiêu bại không nản" việc bất thành thì gây ngay công cuộc khác. Tục ngữ nói: "Ðắm đò tiện thể rửa trôn". Tan nhà mất nước phải lưu vong ư? Thì nhân tiện lấy mấy cái bằng kỹ sư, bác sĩ, luật sư. Anh em An Việt thì hô nhau xây dựng một nước Việt Nam khác, linh thiêng hơn, mở rộng khắp vũ hoàn. Eo ơi gì mà mơ dữ vậy hở bồ? Ấy vì bọn tôi là con cháu Bàn Cổ, Nữ Oa, toàn mơ những việc có tầm vóc vũ trụ vậy đó. Bàn Cổ lớn sơ sơ mỗi ngày có 9 dặm (sức lớn đuổi gần kịp xe lửa xã hội chủ nghĩa). Ðó là huyền sử để chỉ thị sức đi lên của Bàn Cổ trên đường linh thiêng. Ở những văn hóa thần thoại thì tinh anh phát tiết hết ra ngoài, thể hiện vào những cái khổng lồ như Ziggurat, Kim Tự Tháp, Borobodour... Còn ở nhân thoại thì sức tăng trưởng rút vào tinh thần gọi là Ðại Ngã Tâm Linh được kích thước hoang đường của Bàn Cổ phác họa tầm vóc. Ðường lên linh thiêng có 5 đợt:

(1) Thấp nhất sát con vật thì người ăn thịt người.

(2) Lên một đợt nữa thì người hà hiếp người.

(3) Lên đợt nữa thì người chia của đều nhau (bình sản).

(4) Cao hơn nữa thì san sẻ (công đức, việc nghĩa).

(5) Lên đến chót đỉnh thì tâm linh: "tấm thân ngoại vật là tiên trong đời".

Nhân loại đang quanh quẩn ở đợt hà hiếp nhau hoặc bằng chế độ nô lệ, hoặc bằng đế quốc độc tài. Tại sao vậy? Vì chưa trút hết trăng trối của thần thoại nên không cất mình lên được tới đợt an hành mà chỉ luẩn quẩn ở dưới đợt lợi hành hay cưỡng hành.

4. Thi sĩ triết gia Emerson cho câu nói "thiên lý tại nhân tâm" là một cuộc mặc khải lớn lao nhất, ơn ích cho nhân loại hơn cả, nó làm cho con người bắt đầu tự cường tự lực, dám đón nhận trách nhiệm trước trời cùng đất. Ðó là tầng tâm thức mà nho giáo gọi là "Tam Tài" đặt con người ngang hàng với trời cùng đất. Nếu trời là vua, đất là vua thì người cũng là vua. James Legge là người dịch toàn bộ Tứ Thư Ngũ Kinh khi viết đến chỗ này ông đã chửi toáng lên rằng là cha tiên sư chúng mày kiêu ngạo, dồ dại đến thế là cùng: dám đặt mình ngang hàng với trời cùng đất. Ðiên thật. Ông đâu có ngờ rằng chính quan niệm Tam Tài đã giúp con người Việt nho tiến mạnh lên ba bước sau cùng là chia đều, san sẻ và tâm linh, còn những nơi thiếu thuyết Tam Tài thì cứ bì bõm mãi ở hai cấp dưới, nên lập hết đế quốc nọ đến đế quốc kia để nô lệ hóa con người. James Legge chưa biết mình là lạc hậu vì ông bị tiêm nhiễm bởi ý niệm Thượng Ðế của Aristotle ngự mãi tắp tít trên tầng trời thứ 9 lận, nghĩa là còn xa lắm ông mới khám phá ra trời ở ngay trong tâm con người, nên ông chỉ biết có thiêng liêng ngoại khởi chứ không biết đến tâm linh nội khởi. Vì thế mà văn minh gốc Hi Lạp dù có tiến bộ cao đến đâu cũng không lập nổi tình huynh đệ phổ biến hay hàn gắn được nhát chẻ đôi luôn luôn dỉ máu vẫn chia rẽ loài người ra bên chủ bên nô, rồi nay bên vô sản, bên hữu sản (hay vô thần hữu thần cũng vậy) do đó bất lực không ngăn nổi hai cuộc thế chiến hoàn cầu. Ðó là tại thiếu nhân thoại! Chỉ có thần thoại. Chung qui là tại cái học duy lý không biết đường mở sang tâm linh nên thiếu những cái nhìn trên cấp vũ trụ...

5. Bên Việt nho đôi khi cũng gặp tai họa duy lý đó thường từ phía tây bắc truyền sang nên được kể lại bằng chuyện Thần Chúc Dong coi lửa phía Ðông Nam đuổi Cộng Công, nó giận quá húc đầu vào "núi không tròn" làm cho trời sụt xuống phía tây bắc, đất không đủ ở phía đông nam, xảy ra tháo thứ trong vũ trụ.

Làm thế nào bây giờ? Lại một nhân thoại lẫy lừng khác đưa ra giải pháp cứu nguy đó là trang sử oai hùng của Nữ Oa Thái Mẫu: vừa hay tin Người liền nấu ngay một nồi bộng đá ngũ hành rồi không đợi phi thuyền con thoi mà đích thân đội ngay lên trời vá lại mảnh trời giột.

Nhân thoại này cũng như bao nhân thoại khác cả 25 thế kỷ nho không hiểu ý nghĩa nên bỏ qua hoặc kể lại lung tung, thí dụ truyện Cộng Công đặt sau vụ đội đá vá trời làm mất hết ý nghĩa, rồi giải nghĩa kiểu địa hình là trời không che đủ phía tây bắc nên nước đổ xuống thành ra các sông chảy về phía Ðông Nam làm sụt đất... (thiên bất túc tây bắc, địa bất mãn đông nam). Ðó chỉ là sự giải nghĩa hạn hẹp do lý trí suy ra chứ huyền thoại phát xuất từ tiềm thức cộng thông để chuyên chở những chân lý cao cả có tính cách phổ biến chứ đời nào đi nói về địa hình địa vật thế đâu.

6. Ðây là ý nghĩa thực sự. Cộng Công là cái khuynh hướng làm đẹp lại những cái vốn lớn lao kiểu cái học duy trí, cái học chỉ lo thành công (người xưa gọi đó là cung công) mà không lo đến thành nhân khiến cái học thiên về bên hữu, bên duy vật mà không còn chi cho bên Vô, không còn là cái học chu tri toàn diện gồm cả Hữu và Vô. Nói bằng số ngũ hành thì đó là cái học số 4 ở phía tây hay số 1 ở phía bắc (xem lại đồ án ngũ hành kỹ cho dễ hiểu truyện Nữ Oa). Làm thế nào để chừa lại? Thưa đối với cái học quá chú ý đến sự biết nhiều mà không chú ý đến hiểu sâu thì phải thêm những cái tinh luyện tình cảm con người như thi, thơ, lễ, nhạc... Chính những cái không sản xuất đó mới nâng tâm hồn con người lên, giải thoát nó ra khỏi những cái bé nhỏ để mở chân trời vào cõi tâm tình man mác, để thoát ra khỏi nạn tham lam quá độ: vơ vét vào cho nhiều, gây nên nạn chênh lệch tài sản, làm xáo trộn xã hội. tâm linh là cái gì bao la như vũ ttrụ, có tính cách thống nhất; con người phải được hút thở trong môi sinh rộng mở đó mới bớt được tham tàn, mới trở nên thanh thoát. Trái lại cái học lý trí chẻ bét sự vật ra bé nhỏ làm cho cái nhìn càng ngày càng trở lên eo hẹp, không cho thấy được Ðại Ngã mênh mông như vũ trụ. Làm thế nào để đạt tâm linh? Thưa hãy đi một đường "tả nhậm" hãy quay về với nội tâm trung cung. Ðấy gọi là Nữ Oa theo câu "Nữ nội Nam ngoại". Oa là oa trữ tàng chứa muôn hạnh phúc nên thiếu tâm linh là thiếu hết cả. Ðó! truyện Nữ Oa là thế. Ðó là cái chiều Vô biên mà con người phải hội nhập, hội nhập bằng thiền, hoặc bằng thi, thơ, lễ nhạc hay bằng các việc thiện.

7. Ðó là ý nghĩa vá trời của Nữ Oa nói lên tác động mạnh của Nguyên lý Mẹ làm cho con người hết què quặt vì có cả hai bên nên có thể tự lực tự cường không để cho cái gì bên ngoài sai sửa nữa. Tục ngữ Việt nói:

"Còn mẹ ăn cơm với cá.

Mất mẹ liếm lá gặm xương".

Văn hóa đánh mất nguyên lý mẹ chỉ còn có đường gặm xương khô thiếu chất nuôi dưỡng.

8. Việt Nam có một tập sách nhỏ gọi là "Lĩnh Nam Trích Quái" chứa đến 15 truyện nhân thoại liên tục chứng tỏ Việt Nam là cái lò sản xuất ra các nhân thoại mà mở đầu là Bản Cổ. trong bài 1 tôi đã kể truyện cái bọc trăm trứng của Âu Cơ quốc mẫu và chỉ tỏ tính cách vũ trụ của nó. Ðây tôi xin nói thêm rằng tầm vóc truyện đó còn lớn hơn cả truyện Nữ Oa Thái Mẫu. Vì đây là đẻ ra cả cái trứng chứa toàn những tay chọc trời khuấy đất hoặc xếp đặt trời đất như ta xếp sách vở vậy đó, như truyện vua Tiết Liệu sau đây. Vua Hùng Vương thứ 3 muốn truyền ngôi cho con. Ðể chọn ra người tài đức vua hứa sẽ truyền ngôi cho con nào làm được món ăn ngon nhất. Các con liền đi khắp nơi tìm của ngon vật lạ. Riêng Lang Liêu nhà nghèo không biết làm chi. May thay đêm đến thần hiện ra bảo hãy lấy gạo làm bánh vuông chỉ đất và một bánh tròn chỉ trời. Lang Liêu vâng theo được vua cha chấm đậu và đặt cho tên tự là "Tiết Liệu" vừa có nghĩa là do liệu cách tiết kiệm, vừa có nghĩa cao siêu là biết lo liệu theo tiết nhịp uyên nguyên trời đất. Nói theo triết đây là vấn đề nan giải ở tại hội nhập vuông vào tròn tức là khó như bắt vẽ hình vuông không góc hay vẽ vòng tròn có góc. Triết học lý niệm đã hí hoáy suốt 25 thế kỷ qua mà không sao hiện thực được. Thế mà Tiết Liệu đã làm xong liền còn diễn ra bằng số nữa là 4-5 tức là tâm linh (số 5) phải trội hơn đất: số 4. Nói thẳng là "đức giả bản dã, tài giả mặt dã". Hãy nói bóng theo kiểu dân gian là "Mẹ tròn con vuông" hoặc nói kiểu khác: phải lấy tâm trùm cảnh, đừng để cảnh trùm tâm.

9. Lý trí chỉ sản ra được có ý niệm cứng đơ thì làm sao cộng vuông với tròn được. Ý niệm vuông thì đời đời là vuông. Ý niệm tròn đời đời là tròn. Muốn cộng vuông tròn phải thêm phần tâm tình là cái rất uyển chuyển.

"Yêu nhau cau sáu bổ ba,

Ghét nhau cau sâu bổ ra làm mười".

Sáu có thể là ba là mười, thì chỉ có tâm tình mới làm được chứ lý trí thì không. Lý trí chỉ có giao dịch với sự vật hữu hình, chứ không với vô hình. Nói theo tâm lý là chỉ có logic ý thức mà không có phần illogic, vô thức, mà chính ở tầng vô thức này mới xóa được bờ cõi bắt góc để cho phép vuông tròn hội nhập. Trong truyện nói Lang Liêu bỏ nhẹ phần suy luận để cho tiếng nói tâm linh tràn lên được chỉ thị bằng thần hiện ra ban đêm. Ban đêm chỉ phần tiềm thức thường chỉ ra phương thế hữu hiệu, nhưng chỉ nói khi lý trí không còn ồn ào, phải làm như Kinh Dịch nói "vô tư dã, vô vi dã tịch nhiên bất động cảm nhi toại thông thiên hạ chi cô" không suy tư, không làm cái gì nhân vi giả tạo, không xáo động thì đột nhiên cảm được sâu xa, thông suốt được các lý trong trời đất. Ðây là lúc xảy ra vụ "nhất Lý minh, vạn lý thông" và liền đạt Minh Triết, là biết lo liệu mọi việc như Tam Công "luận đạo, kinh bang, nhiếp lý". Nói kiểu triết là liệu cho hai đầu thái cực đi đôi, cả phần Hữu lẫn phần Vô (vô cũng gọi là Tâm). Chính phần Vô này đem lại cho các truyện nhân thoại chiều kích vũ trụ vô biên phổ biến. Văn minh nay bị khủng hoảng vì chỉ có hiện hữu, thiếu chất vô biên. Cần một Tiết Liệu xuất hiện mới cứu vãn được tình trạng.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page