Phụ Trương Cây Việt

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Ban đầu chúng tôi có ý né tránh dùng nhiều tiếng Việt, sợ có thể bị mang tiếng ái quốc quá khích, nhưng càng nghiên cứu càng thấy không né tránh, bởi từ Việt có nghĩa là Siêu Việt trước, rồi sau tổ tiên Việt tộc mới dùng để gọi chủng tộc mình, làm như là lý tưởng để miêu duệ cố vươn tới, chứ tuyệt không có ý gì là kiêu thái ra vẻ ta đây là giống siêu việt. Rồi lâu ngày từ Việt đã trở nên tên thị tộc và lan rất rộng tức rất nhiều chi tộc cùng mang tên Việt. Hình như có lúc tên Việt được dùng làm tên chung toàn khối. Hơn thế lại thêm có được di vật đầy ý nghĩa kèm theo nên cuối cùng chúng tôi không ngần ngại dùng. Lúc ấy tôi mới nhận ra lối làm việc kỳ lạ của các nhà nghiên cứu lớp trước (mà nay nhiều nhà ngữ lý còn lập lại cách ngoan ngoãn) là cứ đặt đại ra tên mới mà không xá gì tới những tên quen thuộc trong sử như Man, Di, Nhung, Ðịch, Khương và nhất là Việt. Họ ở chỗ nào trong cái tên hổ lớn Austronesien, Austroastique? khiến những người không chuyên muốn nhận diện mấy dân cũ Cửu Lê Tứ Di chẳng biết đâu mà lần. Hai tên mới này cũng giống tên Mông Cổ xưa. Tên này được dùng nhiều do giả thuyết là sau đại hồng thủy loài người chết hết còn một ít giống người sống chung quanh Thiên Sơn... rồi dần dần tỏa ra nhiều nơi. Những người tỏa xuống phía Ðông là dân da vàng gọi là Mongol nên hễ là da vàng thì đều bị cho là gốc Mongol: Mongol Bắc, Mongol Nam... Thuyết đó chỉ là một giả thuyết đã giả thiết một khởi đầu nhân loại quá vắn, rất sai với sự thực là loài người đã có lâu đời, có thể cả hàng nhiều trăm ngàn năm. Dr. Leaky cho là ít nhất 800,000 năm. Vì sai lạc thế nên càng ngày càng tỏ ra khó lòng chứng minh được ngay khi đứng về phương diện chủng tộc. Ngày nay nói về người Tàu với không Tàu cũng khó lòng tìm ra dấu phân biệt (Origins 149-150).

2. Tốt hơn hết nên căn cứ trên dấu văn hóa. Về điểm này thì Mongol chẳng có được bao, nếu có kể được ít dấu thì nói là phát xuất tự miền Thái Bình Dương xem ra có lý hơn nhiều. Vì thế thiết nghĩ các dân da vàng nên gọi là Việt hơn là Mongol. Chính chữ Mongol có thể phát xuất từ Lạc Việt như sau: Họ sáng lập Lạc Việt tên là Hồng Bàng. Chữ Bàng cũng đọc là Bàn là Ban là Man (Xem Văn Hiến Thông Khảo của Mã Ðoan Lâm thế kỷ 12 phần các dân phía Nam ngay trang đầu). Ðàng khác theo ngữ lý thì hai âm B, M đều là âm môi nên đổi cho nhau dễ dàng: Bồ côi đổi ra mồ côi, Ban ra Man, rồi Man ra Mân ra Môn dễ nữa.

Còn vụ tiếp vĩ tuyến thêm sau thì không thiếu, thí dụ như Man ra Mana ở vùng Tiểu Nê, Ða Nê chỉ linh lực.

Người Nhật đọc Việt Nam ra Beto-manu. Ðến Mã Lai thì phiền toái hơn chút ít vì trước khi nhận tiếp vĩ tuyến ai thì Man đổi ra Mal. Rồi lắp ai vào thành ra Ma-Lai. Ta có thể hỏi đã xảy ra như vậy cho Mongol chăng vì Man biến ra Mân rồi Mon rồi Mông (miền Nam Việt Nam quen đọc 2 chữ này như nhau: Bang=Ban, Môn=Mông, như có tên núi Mông bên núi Vũ ở Châu Từ (Giang Tô) rồi thêm tiếp vĩ tuyến ol cho Mong hay gol cho Môn thành ra Mongol. Như vậy thì Mongol chỉ là một chi tộc của Việt đã tỏa lên Mạn Bắc rồi nhiễm thói du mục. Giả thuyết này hợp với nguồn gốc văn hóa Tàu mới khám phá ra là do Việt. Trong The Archeology of Ancient China ông Kwang Chi Chang có viết "Sở, Việt, Ba, Ðiền, Miền Nam có thể chứng minh được là tổ của Tàu, tr. 481) tức văn hóa Tàu phát xuất từ miền Nam chứ không từ miền Bắc. Cũng có thể nói như thế về Mon Khmer và Mãn Châu tức cũng do từ Man mà ra. Mới nghe tưởng xa lạ mà phân tích kỹ thì ra có liên hệ vậy đó ngay về ngữ lý. Huống chi các mẫu số khác như tượng, số, chế thì như nhau.

Chỗ này nên ghi chú là: tiếng môn có 2 âm là R-mon và R-man nói lên rõ đây là một chi Việt phát xuất từ Man, thế mà hầu hết các học giả lại nói tiếng Việt bởi Môn. Lẽ ra phải nói Môn do Việt hay nói sát vào từ ngữ thì Môn do Man, cùng quá nữa thì nói Môn cùng một gốc với Mân với Man hay với Ban hay Bàn hay Bàng mới đúng.

3. Về các thứ Nê: Tiểu Nê, Ða Nê, Ấn Nê, Úc Nê... Nê bởi đâu mà ra vậy? Vì trong cổ sử không thấy có âm Nê nào, nên tôi đoán là Lê đọc trại ra Nê... Cửu Lê thì được nói đến nhiều trong Kinh Thư. Còn L đọc ra N thì là điều phổ cập ngay Pháp Mỹ cũng có: Pháp Niveau, Mỹ Level nên về ngữ lý không có ngăn trở. Còn về dấu chung là mang lông chim khi múa. Ấy là chưa kể mấy nét khác.

Sở dĩ ghi chú vài nhận xét trên đây vì không hiểu sao có khuynh hướng chung là cố bỏ rơi từ Việt. Xưa kia Bách Việt ở nước Tàu có đến 70% mà nay không còn tên Việt nào, đang khi Tạng, Hồ, Mãn, Kim, Hán chẳng có bao chứng tích văn hóa và chỉ là thiểu số thì lại có tên đàng hoàng.

Khi thực dân Pháp đến Việt Nam thì họ ghìm tên Việt vào cái khối Indochina (do ông Malte Brun mới đặt ra) để cho chìm mất tăm tên Việt hay nói "Việt do Mã Lai từ Ấn Ðộ tràn sang mà!" Làm liên tưởng tới liên hệ giữa Việt với Atlantis tiếp nối bị dìm mất tích! Sao vậy? Phải chăng vì người Ðông Á đã nhãng bỏ việc hiện thực vai trò triết lý Thái Hòa của mình.

Vậy bây giờ phải làm thế nào.

Thưa hãy nhớ lại thực thi lời trối trăn của tiên tổ là phải: Việt, Việt, Việt. Let us transcend. Transcend. Transcend. 

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page