15. Kết Luận
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Sau mấy bài tóm lược vừa đọc, bạn đã hé thấy những nét đặc trưng của triết Việt ra sao. Bài nét song trùng đưa ta vào thế giới biến động đong đưa từ một sang hai, từ chẵn sang lẽ. Ðó là chân lý nền tảng cho cuộc Thái Hòa. Thế giới ngày nay đang mắc bệnh chia rẽ trầm trọng cũng chỉ vì hầu hết đều đặt nền triết trên duy nào đó: duy vật hoặc duy tâm, nên chỉ có một vật biểu, riêng Việt có hai vật biểu tức có cả hai chiều. Thế là đột nhiên triết Việt được mời lên vị trí đi đầu. Bài Nhân Chủ đưa ra chiều kích sâu xa của nền nhân bản mà con người khắp nơi đang khao khát. Về điểm này Âu Mỹ đã đi được phần nào từ thế kỷ 18, 19. Nhưng chưa đạt nhân chủ nên thiếu sự bền vững và cụ thể như bình sản và tự do. Chính vì thiếu nhân chủ nên nay đến phân nữa nhân loại đang bị xiềng xích trong tai họa chuyên chế tàn bạo của cộng sản. Xét như vậy mới thấy nền nhân bản Việt tộc vững chắc cao cả biết bao, thực đáng tâng lên bậc nhân chủ và xứng đáng làm đội tiền phong khai mở nền văn hóa nhân loại đang đi tới. Bài Tâm Linh đem lại một giải quyết rất tài tình cho tâm trí cho con người thời đại; số là con người đã tiến sâu vào khoa học, óc phê bình phân tách đã trùm lấp tất cả. Vì thế phần lớn con người này không còn chịu chấp nhận các tôn giáo xưa vì họ đã gặp những điều mà họ không biết phải nối kết với khoa học ra sao, cứ tưởng rằng phải vô thần mới lấy lại được quyền làm người. Vì thế mà số người lơ là với tôn giáo càng ngày càng trở nên đông hơn. Nhưng khoa học và triết học không đủ sức hướng dẫn tâm hồn thế là họ trở nên bơ vơ lạc lỏng, văn chương quen gọi tâm trạng này là vô gia cư homeless. Ðang khi ấy bên Ðông Phương đã vượt qua khó khăn nọ một cách êm thắm bằng con đường tâm linh là quay và nội tâm. Nhờ thế họ đã tìm ra nguồn suối của chân thiện mỹ. Thế là vẫn giữ được cả thần cả nhân khiến cho khi bước vào đời sống mới vẫn giữ được giá trị tinh thần cố cựu, có đổi thay chăng chỉ là mô thức bên ngoài. Ðó là nhờ đi theo lối tâm linh. Lối này đi thẳng vào nội tâm, đi cho đến chỗ hư trung, trống rỗng, và thế là Vô trở nên cao quí vô cùng, vì nhận ra, Vô tức là nguồn suối tự hữu, chúa tể càn khôn, càng tiếp cận được với Vô càng trở nên thanh thoát. Nhưng vô chân thực thì bất khả ngôn, vì thế mà phải đi theo lối "kinh vô tự" (như thiền định) còn triết thì dùng tràn ngập biểu tượng. Biểu tượng không truyền thụ chân lý mà chỉ gợi ý. Khi tâm hồn nào đã làm cho mình nên trống rỗng thì huệ trí dễ phát sinh, hay ít ra tâm trí trở nên mẫn tiệp hơn để bắt được những lẽ huyền vi đạo nghĩa. Con đường mà nhân loại đang ngập ngừng bước tới phải là con đường tâm linh nó đã không hề chống khoa học, mà khoa học đang tìm thấy có chân trong đó. Trở về Ðông Phương đối chiếu với tam giáo, thì An Vi có mấy nét đặc điểm sau mà tam giáo không có. Trước hết là nó đối chiếu với các thuyết lý Ðông Tây kim cổ rồi phân tích và phê phán nên sự hiểu biết trở nên nhận thức, tức thấu triệt và ý thức được nét đặc trưng của mình, chứ không còn bàng bạc suông như xưa. Ðã vậy những biểu tượng đó lại dùng nhiều những con số, những đồ biểu và huyền thoại như ước mong của cơ cấu luận, mà cơ cấu luận là bước tiến cuối cùng của triết học Âu Mỹ. Như vậy triết Việt không những hợp cảm quan con người thời đại về nội dung mà luôn cả về cách diễn đạt. Những bài này viết ra là có ý làm đề tài thảo luận cho những người chưa có hoàn cảnh đọc bộ Ngũ Kinh Khải Triết hay trọn bộ 30 quyển triết lý An Vi, vậy các hiền sĩ nên đọc đi đọc lại cho thấu hiểu rồi san xẻ với anh em để đưa rất nhiều người Việt trở lại nền đạo lý của tổ tiên, càng nhiều được bao nhiêu càng hay bấy nhiêu, vì thêm một người biết đến là chúng ta tiến thêm một bước trên con đường phục hưng Việt đạo, cũng là con đường đặt nền tảng sâu xa cho sự thống nhất của con người, cho nên nhân chủ tâm linh có khả thể đem lại hạnh phúc đích thực cho con người. Ðọc kỹ rồi mà có giờ đọc bộ Ngũ Kinh Khải Triết sẽ thấy ra dễ hơn nhiều, hơn thế, tập nhỏ này sẽ cung ứng cho các bạn một hệ thống những ngăn kéo để bỏ thêm vào những điều khám phá mới thì không sợ bề bộn mà chỉ có gia tăng phong phú. Ðó là lời đáp cho câu nhiều người hỏi.
Phải bắt đầu từ đâu. Tức là bắt đầu từ những bài trong tập này, rồi sau muốn đọc thêm thì đi vào bộ Ngũ Kinh sẽ đổi tên là Ngũ Ðiển.
Mấy Ðặc Ngữ Của Triết Lý An Vi:
An Vi nằm giữa hữu vi và vô vi. Hữu vi là có làm hiểu là người làm dễ bị chinh phục bởi đối tượng: biến phương tiện thành mục tiêu. Thí dụ nắm chính quyền chỉ là phương tiện làm cho dân hạnh phúc, nhưng hữu vi đã biến thành cùng đích, dùng mọi phương thế để giữ chính quyền còn dân sướng hay khổ thây kệ. Vô vi là không làm thường bày tỏ bằng phi thế (chối không có thế giới ngoại vật) hoặc xuất thế (không tham gia vào cuộc sống xã hội). An Vi là có tham gia nhưng không bám víu vào đối tượng, không lấy lợi lộc làm động cơ (motivations) thấy đáng làm là làm. Xin nhớ áp dụng an hành cho những việc thuộc luân thường đạo lý. Luân thường như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ðạo lý như mối liên hệ với Trời. Nho nói "tế tự bất kỳ": tế tự không xin gì. Nếu xin là lợi hành hoặc cưỡng hành là những việc thuộc đời sống xác thân tiểu ngã.
Nhân Chủ hiểu về hàng dọc đối với trời đất mà không có mê tín, không theo thuyết định mệnh, vẫn giữ mình như một tài trong Tam Tài là Trời, Ðất, Người. Dân Chủ thuộc hàng ngang xã hội: không ai bị làm nô lệ, trái lại ai cũng có quyền tham dự việc nước, và trước hết là tài sản trong nước.
Bình Sản nên tránh chế độ tư bản cũng như cộng sản. Ðó là hai chế độ nô lệ hóa con người. Với bình sản ai cũng có của không ai làm nô lệ vì vô sản.
Nhân Thoại ngược với thần thoại. Cả hai đều là huyền thoại nhưng trong thần thoại người là vai tùy, thường còn là nạn nhân. Còn trong nhân thoại người làm chủ như ông Bàn Cổ là thí dụ chói chang.
Tâm Linh khác với linh thiêng hay thiêng liêng thường ở ngoài con người, bên trên con người, còn tâm linh phát xuất từ trong tâm hồn mình.
Việt Nho là chủ trương ngược lại niềm tin từ trước tới nay gọi là Hán Việt. Hán Việt chỉ đúng cho đợt văn minh. Còn đợt văn hóa tinh thần thì do Việt Tộc sáng nghĩ ra trước.
An Việt nghĩa đen là an định lại tinh thần nước Việt, nghĩa huyền sử là Thánh Gióng đánh đuổi quân xâm lăng xong không về triều hưởng bổng lộc, nhưng lên núi Sóc Sơn ở miền An Việt mà hóa.
Việt Linh là tất cả những nơi nào có người Việt sinh sống mà còn thiết tha với quê hương đất nước. An Việt muốn là sợi dây thiêng liêng ràng buộc tất cả lại. Như vậy Việt Linh rộng khắp hoàn cầu, cũng như trường tồn với thế giới.