6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

c. Những trang huyền sử

Huyền sử không phải là lịch sử có tài liệu và di tích khách quan để làm tang vật, nhưng cũng không phải là huyền sử đặt truyện rộng rãi thiếu nội dung, hơn nữa nội dung quá u linh bao quát không thể gói ghém trong chữ với nghĩa, hay là tang vật vì nó gồm chứa cả một di sản tinh thần, mà chính vì là tinh thần nên không có bút tích y cứ trên tuế thứ kiểu lịch sử, nhưng là cái gì vượt thời gian bé nhỏ để vươn lên chiều kích vũ trụ đặng truyền dòng nối dõi muôn đời về sau. Phải với tâm trạng kính tôn đó mới đọc lên được những chân lý gửi trong huyền sử.

Huyền sử nói rằng cháu ba đời vua Thần Nông là vua Ðế Minh tuần thư phương Nam gặp tiên ở Ngũ Lĩnh bèn lấy nhau, đẻ được người con đặt tên là Kinh Dương Vương phong làm vua nước Nam, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra trăm con, 50 theo mẹ lên núi, 50 theo cha xuống bể, đặt tên nước là Lang... Ðó là một hai trang huyền sử chứa biết bao chân lý thâm sâu mà cha ông ta đã gói ghém vào đấy để làm di chúc giối lại cho con cháu. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến mối liên hệ văn hóa giữa nước Trung Hoa cổ đại mà tiền nhân muốn giối giăng là giữa ta với Tàu tuy khác nhánh nhưng chung một cành, cùng trong một đại gia đình văn hóa lấy tinh thần Kinh Dịch làm nền tảng. Mà nền tảng Kinh Dịch là Thái cực Sinh lưỡng nghi... đến khi Việt Nam hóa thì vòng Thái cực trở thành cái bọc trăm trứng, 50 lên núi, 50 xuống bể chính là "sinh lưỡng nghi" v.v... Người đâu có đẻ trứng, và ai đâu có đẻ nổi trăm con. Ðó là truyện vượt không thời gian để vươn tới bách tinh là Bách Việt (100 trứng). Câu truyện làm nổi bật họ máu hàng dọc của Việt Nam với Tàu. Ðó là dòng máu tinh thần biểu thị bằng Kinh Dịch được khải thị cho vua Phục Hi.

1) Vua Phục Hi hiệu là Thái Hạo, vào quãng năm 2852 trước dương lịch.

2) Truyền tới Thần Nông, năm 2737 trước dương lịch.

3) Truyền tới Hoàng Ðế, năm 2697 trước dương lịch.

4) Truyền tới Thiếu Hạo, năm 2597 trước dương lịch.

5) Truyền tới Nghiêu, Thuấn, năm 2356 trước dương lịch.

Ðó là ngũ đế bên Trung Hoa, nhưng không hẳn có thực mà chỉ là huyền sử: tam hoàng là tam tài, ngũ đế là ngũ hành. Cả đến những niên hiệu đưa ra là do các nhà bác học dựa vào tài liệu mà tính toán, chúng ta tạm dùng để đặt một hai tiêu điểm, vì phần nào đã có một chút sử tính, nghĩa là đã hiện hình vào một thời kỳ nào đó rồi. Còn chính ra Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Ðế phải thuộc huyền sử, nên có thể vươn lên đến bốn ngàn năm trước như sử cổ truyền đặt thời Phục Hi vào quãng 4477-4363. Tuy nhiên đó không phải là một niên tuế xác định mà chỉ nói lên một giai đoạn tiến hóa, chứ không là người thực thuộc lịch sử, nhưng là linh tượng phổ biến, nên Phục Hi mình người đuôi cá, Thần Nông thân người đầu bò v.v... Cháu ba đời Thần Nông phải là Ðế Minh để chi "Minh Minh đức" thuộc trí, đẻ ra con là Sùng Lãm: sùng là tình yêu nhân loại liên hệ tới thân dân, thuộc nhân. Còn Lạc Long Quân lấy Âu Cơ nghĩa là Nền Vàng chính là đức Dũng, vì nền Vàng là Trung Dung, mà theo được Trung phải hùng dũng lắm. Nên Âu Cơ sẽ trở thành nội tướng của Hùng Vương là trai hùng và các gái đảm từ hai bà Trưng Triệu truyền xuống qua nhiều thế hệ biết bao gái Việt khác.

"Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non".

"Quanh năm buôn bán ở non sông",

"Nuôi đủ năm con với một chồng".

Ðấy là những cháu chắt của Âu Cơ, lấy chồng để gánh giang sơn cho chồng... Gái đâu mà đáng quý thế? Thưa cùng phát từ bọc trứng của Âu Cơ tức vòng tròn Thái Cực với con số "Pi" tiên thiên gồm ba đức là Trí, Nhân, Dũng. Ba đức đó chính là hồn Kinh Dịch. Chính là tổ tiên Lạc Việt đã được thấm nhuần trong ba đức đó trải qua năm đời: Phục Hi, Thần Nông, và thêm ba đời cháu vào quãng Nghiệu Thuấn. Ở đây xin hiểu cách rất co giãn, cũng như cuộc nam tiến nước ta khởi từ Hồ động Ðình trên bờ sông Dương Tử, không phải chỉ kéo dài trong một vài trăm năm, nhưng có thể xuyên qua nhiều ngàn năm lịch sử nước nhà, và có lẽ những làn sóng di cư quan trọng cuối cùng là Dương ngạn Ðịch và Trần thượng Xuyên với ba ngàn binh, 50 chiến thuyền được chúa Hiền Vương cho phép khai thác miền Ðồng Nai, và do đó sau 20 năm thì có tỉnh Gia Ðịnh. Cũng như Văn Miếu và Nho học, tuy mới được nhà Lý xây dựng vào lối thế kỷ XI, nhưng đó là giai đoạn hình thành bật nổi nhờ nền độc lập chính trị đã kiện thành; còn chính ra thì ngay từ ngày khai quốc, nghĩa là từ lúc mà huyền sử kêu là Ðế Minh tuần thú phương nam gặp tiên thì chắc lúc đó nước ta đã dùng chữ Nho rồi. Nếu ta đưa mắt tinh thần về quãng thời gian cách đây chừng 4,000 năm mà nhìn đoàn người Lạc Việt di cư từ Hồ động Ðịnh, hay bờ sông Dương Tử để tiến xuống phía nam, thì chúng ta chắc thấy trong quang gánh của những tổ tiên xa xăm đó đã có quyển Kinh Dịch ít ra ở trạng thái phôi thai. Lúc đó chữ Nho cũng còn đang trong giai đoạn hình thành, có lẽ mới bỏ chặng thắt nút (kết thang) để đi sang chữ hình lốt chân chim hoặc con quăng còn dùng ở đời Chu gọi là chữ khoa đầu, sau đến đời Tần Hán mới thay thế bằng chữ Lệ như ta thấy hiện nay.

Ðến đời Nhâm Diêm Sĩ Nhiếp có đưa văn học Tàu vào nước ta thì chắc cũng chỉ là đưa chữ Lệ thay khoa đầu, và một số sách khai triển Kinh Dịch và nhất là mở mang thêm việc học mà thôi, chứ không phải là hoàn toàn mới. Và có lẽ vì đó mà chúng ta hay nói Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến. Nếu ai hỏi bằng vào tài liệu nào mà nói bốn ngàn năm văn hiến thì Kinh Dịch là tài liệu bác học nó sẽ hòa hợp với những phong thổ, thói tục phương nam để làm nền văn hóa tô tạo cho đoàn người Việt. Cho nên khi nghĩ đến tài bồi Nho giáo thì chỉ là tài bồi một nền văn hóa vốn là của dân Việt chúng ta từ hơn bốn ngàn năm và ngày nay chúng ta cần phát triển không những như là của dân tộc mà còn như quốc gia di bảo nữa. Thế nghĩa là nước ta với nước Tàu cũng như Hán, Mông, Mãn, Nhật,..., tất cả làm thành một đại gia đình văn hóa, trong đó Nho giáo là cành dọc, còn các phong tục của mỗi miền với các sắc dân là những nhánh ngang. Y như các nước Pháp, Ý, Y Pha Nho, Bồ Ðào Nha cùng thuộc một đại gia đình văn hóa Rôma vậy. Ðấy là một sự kiện văn hóa phổ biến, bất cứ nước nào cũng thuộc vào một đại gia đình văn hóa mà không ai nghĩ tới ruồng bỏ hết. Người Pháp, Y Pha Nho, Bồ... không bao giờ nghĩ tới ruồng bỏ tiếng La tinh được coi như là gốc. Tuy ngày nay sự học "tử ngữ" có bị phế trễ thì vì lý do khác sẽ nói đến sau, chứ tuyệt nhiên không bỏ vì lấy lẽ rằng tiếng La tinh là của người Ý.

Tóm lại nền văn hóa nước nào mà thực vững mạnh cũng có tính và danh làm nên 2 yếu tố dọc và ngang: dọc thuộc đại gia đình văn hóa, ngang là tập tục phong thổ từng nước. Nước ta thuộc đại gia đình văn hóa Nho giáo, Ấn độ thuộc đại gia đình văn hóa Sanskrit. Các nước Tây âu thuộc đại gia đình La Hi Do Thái: latin-grec-hébreu.

Ở đây cần nhấn mạnh trước nhất đến yếu tố dân tộc tính của Nho giáo đối với người Việt Nam và chữ Nho không phải là cái gì xa lạ, nhưng là tiếng nói của các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần, tiếng nói của các thế hệ tổ tiên, nó đã cùng vinh cùng tủi, nên mỗi chữ như ngầm chở trong mình dòng máu của dân tộc mà nếu ta bỏ đi là bỏ mất một lối thông giao với hồn tiên tổ muôn xưa, hay nói theo phân tâm là thông giao với tiềm thức cộng thông của dân tộc, của đại gia đình văn hóa. Cho nên ngày nay khi muốn khôi phục nền tảng dân tộc thì Nho giáo là một trong những cột ái chứ không có lý do gì để coi như một thứ văn tự của ngoại bang. Vì thế, mà chúng ta phải nghĩ đến việc phục hồi tinh thần Nho giáo, thứ Nho giáo nguyên thủy, và có lẽ để nhấn mạnh điều đó chúng ta nên gọi là Nho giáo thay vì Hán học. Cho tới nay hai chữ đó dùng như nhau và thiết tưởng không hề hấn chi, nhưng đến lúc này tưởng nên gọi là Nho giáo để tránh sự lẫn lộn chính trị với văn hóa. Vì Hán học đã có hơi hướng chính trị và có vẻ riêng của giống Hán. Chí như Nho giáo thì hoàn toàn thuộc phạm vi văn hóa chưa bị tì ố chính trị nào, hơn thế nữa với lối đọc riêng của nước ta, thì nó đã được Việt Nam hóa lâu đời lắm rồi. Một lý do nữa nên gọi Nho giáo là để nói lên sự thiết yếu phải trở về nguồn tức là phải lọc nữa. Vì Hán học nhất là trong những thế kỷ cuối cùng đã đi sâu vào sa đọa, hết sinh lực, không đủ gây nổi hào hứng cho giai đoạn mới.

Nho giáo đời Thanh vì nhận ra Tống Nho đã quá thiên sang xuất thế tiêu cực nên chống lại bằng cách trở về Hán học. Nhưng chúng ta cho rằng chống lại với Tống Nho thì được rồi, nhưng trở lại nguồn thì chưa tới nơi, bởi đấy Hán học đời Thanh quá thiên về bác học, hàn lâm, vụn mảnh, lạnh lùng. Còn Hán học đời nhà Hán thì đã mang tính cách tai dị, ma thuật và có phần ghé sang lối khắc nghị. Như Ðổng trọng Thư ngồi sau mành mành để dạy môn sinh, ba năm không xem đến vườn nhà... Lối sống đó khác quá xa với Khổng Tử bôn ba cả từng chục nước, lớp học có khi là dưới gốc cây, có khi trên bờ sông giữa tiếng đàn ca múa hát. "Tắm sông Nghi, lên đài Vũ Vu hóng gió, rồi ca hát mà trở về". Ðó phải là Nho giáo mà chúng ta sẽ trở về với, Nho giáo đầy hoạt lực vui tươi, đầy ca múa như các sói con trong hướng đạo, Nho giáo của Tử Công vừa học vừa đi buôn. Nho giáo của Tử Lộ vừa ngâm sách vừa múa võ vù vù. Nho giáo của Vua Vũ trị thuỷ, của vua Thuấn tạo máy thiên văn, Nho giáo của vua Phục Hi ngắm trời đất âm dương tìm hiểu máy hiền vi của tạo hóa.

Cho nên nói Nho giáo nguyên thủy là nói đến sự trút bỏ những cáu bụi của các đời Hán, Ðường, Tống, Minh, Thanh để trở về với Nho giáo của tiên tổ ta trong giai đoạn di cư nam tiến, để chắt lọc tinh hoa, để sắm lấy một sợi dân thiêng rồi tung bay ra năm châu nhất là Âu Mỹ để thâu thái những yếu tố mới xỏ cả vào cái dây xe bằng hai sợi nhân bản và dân tộc... Trước đây thì là Hán học với Cửa Khổng sân Trình. Còn chúng ta nay là Nho học: nên tuy cửa là "Cửa Khổng" nhưng sân sẽ là sân Tây, không những trong triết học mà cả xã hội, lịch sử và nhất là phân tâm học, nguyên tử năng...đều có chỗ đứng. Ðó mới là Nho giáo chân thực có tính cách giải phóng con người, và mới là cái học ứng đáp cho Nhu (Nho) cầu của nước trong giai đoạn đang đi tới... đang cần một sự tổng hợp Ðông Tây, giàn hòa khoa học với Ðạo học. Ðây sẽ là cái học cho những người muốn thực tình cứu nước ra khỏi những chia rẽ tôn giáo, ý hệ... để đưa nước đến một giai đoạn phát triển mới cả về vật chất lẫn tinh thần. Và họ sẽ có một nền đạo thuật đủ thâm sâu để làm cho hăng say nồng nhiệt, hầu như một tôn giáo. Và đó là nét đặc trưng như K. Jaspers nhận xét: Ðấng Kitô sáng lập một tôn giáo, Socrates sáng lập một nền triết học, còn Khổng Tử tuy là một hiền triết nhưng lại có công hiệu giống như tôn giáo, và do đó mà có những người gọi là Văn Hiến mà sứ mạng là sùng phụng và tài bồi cho bền Nho Học (chez les Văn Hiến le culte et la culture de Nho Giáo sont intimentement liés).

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page