The Presentation of Dr. Luong Kim Dinh during the International Symposium on Confucianism and the Modern World, Taipei, Taiwan, R.O.C.
November 11~17,1987

ÐẠO TRƯỜNG
Chung Cho Á Châu

Diễn văn phát biểu của Triết Gia Kim Ðịnh
vào năm 1987 tại Hội nghị Quốc tế về Khổng Học với Thế giới ngày nay
(International Symposium on Confucianism and the Modern World)
tổ chức tại Ðài Bắc, Ðài Loan, quy tụ 400 học giả khắp thế giới

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

1. Khi các học giả Âu Mỹ giải nghĩa việc Cộng Sản chinh phục được nước Tàu có nhận xét là do phần lớn vì nền tư tưởng yếu kém của giới suy tư người Tàu ngày nay (The striking poverty of contemporary Chinese thinking goes a long way to explain the triumph of Communism). Ðây là nhận xét rất thực và có chứa một bài học chưa được lưu tâm nên hôm nay tôi muốn bàn đến.

Trước hết nước Tàu thua Cộng Sản chính là triết Trung Quốc thua triết Tây Âu, tức việc thua ở đây là do triết là vì triết là đầu mọi khoa học nhân văn đầu của văn hóa nên Cộng Sản thắng có nghĩa là toàn thể văn hóa Ðông Á bị lên án, bị cấm đoán ngay trên quê nhà. Ðó là một tai họa cùng cực cho các nước Ðông Phương. Không những mất đất mà mất luôn thể diện, mất luôn niềm hảnh diện quốc gia. Nhân dịp này Trung Cộng đã hạ một câu cực kỳ tàn nhẫn: "Khổng Khâu nghiết phẩn chi học" (cái học của Khổng Khâu là cái học ăn cứt). Nói thế có nghĩa là bảo các nước theo Nho Tàu, Nhật, Hàn, Việt toàn ăn cứt. Ăn đã 2000 năm nay rồi! Thực không còn lời từ khước văn hóa của mình nào thậm tệ hơn.

2. Ðó là điều đầu thế kỷ 20 này giới trí thức Trung Hoa đã lơ mơ cảm thấy cái nhục nên đã cố công học triết Tây, rồi còn mời cả hai người nổi tiếng nhất ấy về triết là Dewey và Bertrand Russel đến giúp, nhưng hai ông này cũng không đưa ra được ý hệ nào, vì thế mà Cộng Sản mới thắng. Thắng trọn vẹn ít ra trên phương diện triết, vì cho đến nay người quốc gia Ðông Á vẫn chưa sao chổi dậy được, nghĩa là chưa đưa ra được một nền triết nào đáng mặt là một chủ đạo để đối diện với triết Các-Mác. Về suy tư bên Tàu lúc này vẫn còn "lộn xộn và hỗn loạn" (confused and chaotique) như sách Bách Khoa Triết nhận xét. Nói đến nền tư tưởng Trung Quốc thì người ta cho là vẫn còn lẹt bẹt, đó không là những ngưòi ác cảm mà là những người khâm phục văn hóa Tàu hết mình như ông Granet hay Bá Tước Keyserling. Bởi đó là một điều thực trăm phần trăm. Ai học triết đều thấy Tàu và cả Ðông Á kém cách quá xa.

3. Hỏi như vậy có nghĩa là Ðông Á chẳng có giá trị nào chăng? Thưa không đúng chút nào. Cả Hội nghị triết học quốc tế ở Honolulu năm 1949 gồm 50 nước Âu Mỹ đều đồng thanh tôn Khổng Tử lên làm nhạc trưởng thì tỏ ra thế giới vẫn kính nể văn hóa Trung Quốc rất mực, và tôi cho rằng sự chỉ định trên rất trúng vì ngoài Khổng Tử ra không ai đáng bằng.

Bây giờ chỉ còn hỏi tại sao Nho học chưa có đáp ứng?
Tôi đã thưa là vì theo Hán Nho. Vậy Hán Nho là gì?
Người ta quen phân ra ba thứ Nho:
-- Nho sáng tạo ở thời Tam Hoàng thuộc đợt tinh thần.
-- Nho phát triển ở thời Ngũ Ðế thuộc đợt văn hóa.
-- Nho ăn tự (nhai lại) để truyền bá ở thời Hán, thuộc đợt chính trị.

Như vậy Hán Nho là thứ Nho cuối chầu đã cạn nguồn sáng kiến và đã trở thành cứng đọng rồi. Có trước tác cũng chỉ còn trong vòng chú giải với ít dữ kiện pha tạp lấy từ pháp giama thuật (âm dương gia) chứ không đạt tới "vi ngôn đại nghĩa" nữa. Ma thuật thì còn ở đợt bái vật. Pháp gia thì ở đợt ý hệ. Chứ nguyên Nho đã vươn lên đợt tâm linh rồi. Nói theo triết Tây thì đó không là triết Nho, đạo Nho mà là Nho học nó còn thấp hơn triết học Tây Âu một bậc. Thế mà giới Tàu học (sinologists) trong hai thế kỷ vừa qua hoàn toàn kinh doanh cái Hán Nho đó thì làm sao đáp ứng nổi lời mời gọi của Hội nghị, nếu không đổi cung cách thì sẽ không bao giờ đạt độ suy luận được như triết Tây, vì đó không là sứ mệnh trời trao cho Ðông Á. Sứ mệnh Ðông Á nằm trong lập đức, lập công chứ lập ngôn chỉ chiếm thứ yếu nên ta kém triết. Cái đó không sao; nhiều dân tộc lớn như Roma xưa hay Do Thái, Hồi Giáo đều kém triết lý hầu như không có. Vì sứ mệnh họ không ở chỗ đó, nên nếu ta không đạt độ triết cao như Âu Tây cũng chẳng có hệ gì. Nhưng cứ giả sử là có ngày tiến bộ suy luận giỏi như triết Tây cũng không đáp ứng nổi đề nghị của hội nghị Honolulu 1949. Vì chính ngay triết Tây cũng còn thua Cộng sản, và cho đến nay vẫn bất lực trong việc hướng dẫn đời sống. Nói theo triết Tây là không cung ứng nổi cho con người một chủ đạo. Nên xảy ra hiện tượng này là Âu Mỹ hiện dẫn đầu thế giới về kỹ thuật, kinh tế, chính trị vậy mà về văn hóa thì Heiddegger đã tóm vào hai chữ "hỗn mang và bất hạnh: chaos et malheur". Như vậy có nghĩa là nếu ngày nào giới nho học đưa được Nho lên bậc suy luận cao bằng triết Tây cũng không thắng nổi Cộng sản, càng không dẫn dắt được đời sống dân chúng mà tinh hoa văn hóa của mình thì đã để mất trọn là vì văn hóa ta không chuyên về suy luận mà chuyên về lập đức và lập công. Lập ngôn chỉ ở đợt ba...

4. Như vậy phải làm thế nào?

Thưa phải đi về Nho chính cống, và bấy giờ không phải là triết Nho mà là Ðạo Nho tiếng Ấn Ðộ là darshana mà nay có người muốn dịch bằng danh từ mới là philosia. Không biết danh xưng này có ổn chăng, nhưng danh từ không quan trọng, quan trọng là cái nội dung. Ta hãy xét cái nội dung nọ xem sao. Ðạo nho là lối sống gồm cả trí, tình. chí. Còn triết học chỉ có ý, có lý trí tức chưa bao giờ gồm 30 phần trăm của Ðạo. Vì trí trong Ðạo có ngầm cả tuệ thành trí tuệ. Y như tìnhchí có bao thêm tâm thành tâm tính, tâm chí. Nói theo cơ cấu thì trí mới có tác dụng trên hàng ngang hiện tượng. Còn Trí-Tình-Chí mới có thêm hàng dọc tâm linh. Với Tình và Chí tâm thức con người mới được nâng lên cao hẳn một bậc. Còn với lý trí suông chỉ giúp cho đạt được sự quảng bác, sự phong phú (richness) nhưng phong phú đến đâu cũng còn trong bình diện hiện tượng nhiều tới đâu cũng không đủ sức chỉ huy dẫn dắt, trái lại càng phong phú càng dễ lộn xộn. Như thế giả có ngày nào ta đưa được Nho học lên đến đợt triết Nho thì cái đạt được đó cũng chỉ trong vòng bốn bức tường hàn lâm trường ốc, không sao đi ra đời để chỉ huy cuộc sống được.

5. Vậy làm thế nào để tiến tới đợt Ðạo Nho?

Thưa làm được điều đó phải là một triết gia chứ học giả suông không đương nổi. Vì nó đòi hỏi cả một sự "giải nghĩa rất giàu sáng tạo" đủ làm nên một chủ đạo mới, có sức hấp dẫn tâm thức con người ngày nay.

Người như thế Kinh Dịch gọi là "người của Nho" (kỳ nhơn) như Nghiêu, Thuấn, Phục Hi, Nữ Oa... Trong khi chờ đợi "kỳ nhơn" đó ta có thể nói ít điều chung quanh bên ngoài tất phải đi kèm theo công việc của kỳ nhơn. Cách nọ hoặc cách kia họ phải:

1) Thứ nhất vượt hẳn Hán Nho. Ta biết thế hệ đầu thế kỷ 20 đánh mất nước vì sự sai lầm chí tử là coi trọng triết học hơn Nho Ðạo. Vậy nay không thể tiếp tục con đường sai lầm tai hại đó nữa. Hãy bỏ con đường triết học suông, hãy bỏ sự cố gắng biến Hán Nho thành một nền triết học như Âu Mỹ. Nói đúng ra Phùng Hữu Lan đã thành công trong nẻo đó và đã chẳng đi tới đâu. vậy cần bỏ ý tưởng đó, hãy tìm về Nho Ðạo: đó là tìm về Di Nho với Nghiêu, Thuấn, với Chuyên Húc là thời kỳ lập công. Hãy tìm về Hoàng Nho của Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông là thời lập đức gọi tắt cả hai là Nguyên Nho nó bao gồm cả trí, tính, chí hay nói khác trí, nhân, dũng hoặc chân, thiện,mỹ, chứ nếu chỉ theo đuổi có triết học suông là chỉ tìm có ý, có chân lý trơ trọi không nghĩ tới thiện mỹ mà lẽ ra chân phải đi với thiện mỹ, nếu không là cắt hoạn Nho mất đến 70 phần trăm. Vì Nho không là một chủ thuyết mà là một lối sống, một Ðạo: The Way.

2) Thứ hai phải tạm quên đi yếu tố chính trị. Vì nó chia ra nước nọ nước kia: Tàu, Nhật, Hàn, Việt, Phi vv... Ðó chỉ là yếu tố bì phu đến sau làm che mất cái thực thể lớn lao là gốc chung của đại gia đình gồm mọi nước trong vùng từ Tàu, Nhật, Hàn, xuống đến Việt, Miên Lào, Ấn Nê, Mã Nê, Phi Nê... đều thuộc về một nền văn hóa nông nghiệp Ðông Á và đó là Nguyên Nho. Nguyên Nho chính là di sản chung của đại gia đình. Nhưng tất cả đã quên gốc chỉ còn có Tàu là duy trì được chút ít song trong trình độ vô thức gọi là Hán Nho, nghĩa là cái Nho đã bị pha tạp và cứng đọng không còn uyển chuyển đủ để đáp ứng cho đời mới.

3) Mọi nước Ðông Á nên coi nhau như anh em trong cùng một đại gia đình văn hóa lấy Nguyên Nho làm di sản chung của đại gia đình. Riêng nước Tàu nên cư xử như người anh cả của đại gia đình tự đứng ra nhận nhiệm vụ khởi công phục hoạt Nguyên Nho cũng như đôn đốc và trợ giúp cho các em cùng hợp lực phục hồi cái Nho toàn diện đó, hầu trước hết làm sống lại một đạo sống cao cả của chung gia đình, sau là để đáp ứng đúng ước vọng cái biết toàn tri, toàn diện mà thế giới đang mong chờ ở Ðông Á.

Ba điểm trên với nhiều âm vang hàm chứa bên trong sẽ dần dần xuất lộ khi thi hành, nhưng có thể tóm vào chữ ÐẠO TRƯỜNG. Ta hãy hợp lực tái thiết "Ðạo Trường Chung Cho Ðông Á".


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page