Dấu Chỉ Hy Vọng
(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý
Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 077 -
Giá trị của sự quan tâm
Giá trị của sự quan tâm.
Phương Anh
(RVA News 20-03-2025) - Vào buổi tối, sau giờ làm việc, một người cha trở về nhà, gặp cậu con trai 14 tuổi của mình và nói:
- Con trai ạ, hôm nay bố có chuyện rất hay. Khi bố đang ở văn phòng, một nhân viên bước vào tặng bố chiếc nơ xanh này. Anh ta nói rất ngưỡng mộ tài năng sáng tạo của bố. Trên chiếc nơ có ghi dòng chữ "Tôi đã làm nên sự khác biệt". Anh ấy cũng đưa bố một chiếc nơ nữa và nói bố có thể trao tặng nó cho một người đặc biệt. Trên đường về nhà, bố đã nghĩ sẽ tặng chiếc nơ này cho con.
Người cha giãi bày:
- Bố thật sự xin lỗi, thời gian qua vì bận việc, bố đã không quan tâm nhiều đến con. Ðôi khi bố la mắng vì con không đạt điểm cao hoặc vì con không dọn dẹp phòng ngủ để bề bộn. Nhưng tối nay, không hiểu sao bố lại muốn ngồi đây với con và nói cho con biết rằng đối với bố, con là người quan trọng nhất. Con thật tuyệt vời và bố rất thương con.
Cậu bé ngạc nhiên và thổn thức, toàn thân cậu rung lên. Cậu ngước nhìn bố qua làn nước mắt và nói:
- Thưa bố, vậy mà bấy lâu nay con cứ phàn nàn trách bố không quan tâm. Con dự định sẽ từ giã cuộc đời vào ngày mai vì con nghĩ bố không còn yêu thương con. Nhưng bây giờ con không cần phải làm như thế nữa.
Hai cha con ôm chầm lấy nhau trong niềm cảm xúc dâng trào.
Quý vị và các bạn thân mến,
Sự quan tâm thấu hiểu giữa người với người làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Sự quan tâm đó phải bắt nguồn từ tình yêu thương. Nó có thể chữa lành những tổn thương và mang lại cho tâm hồn ta sự phấn chấn và năng lượng tích cực. Cử chỉ quan tâm nho nhỏ của người cha đã làm cho đứa con lấy lại sự tin tưởng và có suy nghĩ tích cực hơn. Chiếc nơ xanh không có giá trị gì nhiều về vật chất nhưng nó như một cử chỉ yêu thương, lời động viên chân thành trong lúc ta chán nản muốn buông xuôi bỏ cuộc. Cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo, vuông tròn. Có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng, hụt hẫng bởi sự thờ ơ vô cảm của những người xung quanh. Lúc này thật cần thiết nếu có ai đó trao cho ta lời khích lệ, cảm thông an ủi.
Hãy soi mình vào Ðức Giêsu là Ðấng giàu lòng thương cảm. Lòng thương cảm của Người thấm đẫm từng trang Tin Mừng. Từng lời nói, từng cử chỉ hành động Ngài đều tỏ cho con người biết tình thương của một vị Thiên Chúa như một người cha nhân hậu, như một người mục tử nhân lành dám hiến mạng vì đoàn chiên, như một người bạn luôn chia sẻ mọi nỗi khó khăn, nhọc nhằn của con người. Trong tình thầy trò thiết thân, Ðức Giêsu có những điều tâm huyết muốn chia sẻ với các môn đệ, nhưng trong đó chỉ một số ít người đồng cảm được với Thầy mình. Trái lại, có môn đệ còn cản ngăn Thầy đừng lên Giêrusalem để rồi bị bắt và bị sát hại. Lòng thương cảm của Thiên Chúa không biểu lộ bằng sự trừng phạt nhưng là sự tha thứ, cảm thông, là đón nhận những yếu đuối. Một vị Thiên Chúa lớn hơn sự trừng phạt, sâu hơn sự thù hận và tội lỗi của con người. Thiên Chúa là người cha nhân hậu chẳng bao giờ bỏ rơi con người. Người khích lệ chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi, có Người ở bên thì chúng ta chẳng sợ hay buồn khổ điều gì. Nếu chúng ta thấy khó tin tưởng vào người khác vì chúng ta đã bị tổn thương bởi những lời nói dối, bởi những vết thương và những thất vọng, thì Chúa vẫn thì thầm vào tai chúng ta: "Này con, cứ yên tâm" (x. Mt 9,22) (x. ÐTC Phanxicô, Dilexit Nos, 37).
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để đi đến với tha nhân như Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương, đồng cảm với niềm vui nỗi buồn của con người. Chúa Giêsu đã đến đồng bàn với những người thu thuế. Chúa tha thứ tội lỗi cho con người, chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỷ. Mùa Chay là thời gian ân phúc để chúng ta hàn gắn những rạn nứt, đổ vỡ trong tương quan với Chúa và tha nhân, là thời gian chữa lành những tổn thương trong tâm hồn. Trong ân phúc của Năm Thánh, chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong hy vọng và khám phá về lòng thương xót của Chúa đã dành cho chúng ta. Hãy rời nơi chốn 'an toàn' của mình và 'bước đi', đến với tha nhân, đồng cảm với họ trong mọi nỗi vui buồn khốn khổ. Chúng ta hãy cùng đi về một hướng, hướng tới cùng một mục tiêu, quan tâm đến người khác bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn (x. Sứ điệp Mùa Chay 2025).
Lạy Chúa, xin cho chúng con vững tin vào tình thương của Chúa, vì Chúa là niềm hy vọng vững bền giúp chúng con không bao giờ thất vọng và luôn vui sống bình an. Amen.
Phương Anh