Ðường Hy Vọng

Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


36. Hy Vọng

 

Con phải trả lời được cho mọi người

về niềm hy vọng trong con

 

(949) "Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã thể theo lòng thương hải hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống nhờ sự Phục sinh, từ cõi chết của Ðức Giêsu Kitô" (1Pr 1,3).

 

(950) Người công giáo là ánh sáng giữa đêm tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng.

@ Mt 5,13-14: Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.

(Xem thêm: Pl 2,14-15).

@ TG 15g: Giáo dân, nghĩa là các Kitô hữu đã nhờ phép Rửa tội mà sát nhập vào Chúa Kitô và đang sống giữa thế gian, giữ một vai trò rất quan trọng và đáng được đặc biệt lưu tâm. Thực vậy, bổn phận riêng của họ là: sau khi thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, họ phải làm sống động tự bên trong như men trong bột và sắp đặt công việc trần thế để chúng luôn luôn được thực hiện theo ý Chúa Kitô.

(Xem thêm: GH 10a; MV 43d; TÐ 2b).

 

(951) Thánh Phaolô hằng khuyên nhủ giáo dân đừng sống như những người không có hy vọng.

@ 1Tx 4,13: Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.

 

(952) Kitô hữu là những người "ngóng đợi niềm hy vọng phúc lộc và cuộc hiển linh vinh quang của Thiên Chúa lớn lao và là Cứu Chúa của ta, Ðức Giêsu Kitô" (Tt 2,13).

@ 2Pr 3,11-13: Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng. Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.

(Xem thêm: Cv 1,11; 1Tm 6,14-15).

@ GH 48d: Tin rằng "những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu với vinh quang sắp tới sẽ được giãi bày cho chúng ta" (Rm 8,16; x. 2Tm 2,11-12), chúng ta mạnh mẽ tin tưởng trông đợi "niềm hy vọng hạnh phúc và ngày trở lại vinh quang của Thiên Chúa cao cả và Ðấng cứu chuộc chúng ta là Chúa Giêsu Kitô" (Tt 2,13). "Người sẽ cải tạo thân xác hèn mạt ta ra giống thân xác sáng láng của Người" (Pl 3,21), và sẽ ngự đến "để được vinh quang trong các thánh của Người và được thán phục trong mọi người đã tin" (2Tx 1,10).

(Xem thêm: GH 44c; MV 45b).

 

(953) Nhiều người công giáo giao khoán việc cứu rỗi trần gian cho Chúa. Họ không ý thức rằng Chúa giao việc cứu rỗi trần gian cho họ cộng tác.

@ 1Pr 2,9: Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.

(Xem thêm: Mc 5,18-20; Gc 5,19-20).

 

(954) Yêu Chúa là yêu trần gian. Mê say Chúa là mê say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi.

@ Ga 3,17: Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

(Xem thêm: Rm 5,8-10; 1Cr 15,1-2; 1Tm 2,5-7).

 

(955) Con phải loan Tin mừng cho thế giới. Tin mừng ấy không phải chỉ gồm những giới răn tiêu cực nhưng chính là một sứ điệp lạ lùng: Chúa thương yêu ta, Chúa yêu thương trần gian và cứu trần gian.

@ Ga 3,16: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

(Xem thêm: Rm 5,8-10; 1Cr 15,1-2; 1Tm 2,5-7).

@ TÐ 13c: Việc tông đồ phải nhằm tới hết mọi người trong môi trường hoạt động và không được loại bỏ bất cứ lợi ích thiêng liêng hay vật chất nào có thể làm cho họ. Nhưng người tông đồ đích thực không chỉ hài lòng với hoạt động này, mà họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ.

(Xem thêm: GH 16; MV 19a, 43a; TÐ 6c; TG 2b).

 

(956) Trên Thánh giá, Chúa nghèo lắm! Con chỉ xin Chúa Giêsu chịu đóng đinh một điều: yêu thương, đau khổ và luôn luôn hy vọng.

 

(957) Nếu suy ngắm những trang này, mà con không làm cho Phúc âm tràn ngập cả đời con, nếu con còn cầu nguyện: "Nước Cha dừng lại", thì con không phải là hy vọng của trần gian.

@ 1Cr 9,16: Ðối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!

 

(958) Chỉ trong vài chục năm gần đây, nhân loại đã tiến bộ về khoa học và kỹ thuật hơn nhiều thế kỷ trước.

Nhân loại đầy đủ sức mạnh khủng khiếp có thể tự sát với vũ khí hạch tâm.

Nhân loại đầy đủ phương tiện khổng lồ, hầu như no nê không thiếu gì nữa.

Nhân loại cảm thấy làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lai thế nào? Nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng hy vọng.

@ MV 4ce: ... Ðang khi bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình. Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình.

Do những hoàn cảnh phức tạp như thế chi phối, rất nhiều người đương thời thấy khó lòng có thể nhận chân được những giá trị trường cửu và đồng thời cũng khó mà hoà hợp những giá trị ấy cho đúng với những phát minh gần đây. Do đó, bị lay động giữa hy vọng và lo âu, băn khoăn về sự xoay chuyển hiện tại của thế giới, họ cảm thấy một nỗi ưu tư. Sự xoay chuyển của thế giới đang thách đố và thúc bách con người tìm câu giải đáp.

(Xem thêm: MV 3a, 10a, 21cd).

 

(959) Thiên Chúa không lùi bước trước tiến bộ của con người. Ngược lại càng đầy sức mạnh, con người càng cảm thấy cần hy vọng để tiến, cần tình yêu để sống. Nếu không có như thế, sống để làm gì? Có đáng sống không?

Không lẽ hư vô và thù ghét là gia nghiệp của con người tiến bộ?

@ MV 34c: Người Kitô hữu không những không coi các công trình do con người dùng tài năng và sức lực riêng để thực hiện là chống đối quyền năng của Thiên Chúa, không coi thụ tạo có lý trí như một địch thủ của Tạo hoá, mà lại xác tín rằng các thắng lợi của nhân loại là dấu hiệu biểu dương Thiên Chúa cao cả và là kết qủa của ý định khôn lường của Ngài.

(Xem thêm: MV 21c, 36bc, 39b, 42c, 44; TÐ 7b).

 

(960) Con người nghĩ rằng khoa học càng tiến bộ, Thiên Chúa càng thoái lùi. Trong lòng nhiều người "Chúa chết rồi". Giờ đây lương tâm họ "được giải thoát", nhưng cái tự do ấy làm cho họ hoang mang, hoảng hốt.

Họ thiếu hy vọng!

@ MV 36b: Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hoà, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng: đó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà còn phù hợp với ý muốn của Tạo hoá... Bởi vậy, việc khảo sát có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với đức tin , vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của sự vật, mặc dù không ý thức, nhưng vẫn được bàn tay Chúa hướng dẫn, vì Ngài là Ðấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của mỗi loài.

(Xem thêm: MV 17, 19b, 20, 33, 34c, 37).

 

(961) Thời đại nào cũng có những người tự xưng là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ Chúa Giêsu tự xưng là "Ðường", chỉ Ngài đem lại hy vọng với kích thước của thế giới;

"Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo"(Mc 16,15).

"Các con sẽ là chứng tá của Ta ở Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđê và Samari, và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8).

@ 1Ga 4,1-2: Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Ðấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa.

(Xem thêm: 2Pr 3,3-7).

@ TG 8: Tự mình và do sức riêng mình, không ai được giải thoát khỏi tội lỗi và thắng vượt chính mình, cũng không ai hoàn toàn thoát ly được yếu đuối, cô đơn hay nô lệ, nhưng mọi người đều cần Chúa Kitô làm gương mẫu, làm Thầy dạy, làm Ðấng giải thoát, Ðấng cứu độ và Ðấng ban sự sống. Thực ra, trong lịch sử loài người dù là về phương diện trần thế, Phúc âm đã là men tự do và tiến bộ, lại luôn chứng tỏ là men huynh đệ, hiệp nhất và hoà bình. Vậy không phải là vô lý khi các tín hữu sùng kính Chúa Kitô là "Ðấng muôn dân trông đợi và là Ðấng cứu chuộc muôn dân".

(Xem thêm: MV 21g, 41a; TG 13a).

 

(962) Con người hy vọng để sống, để tiếp tục sống. Con người sẽ quay về với ai có thể mang lại cho họ niềm hy vọng lớn lao nhất.

Niềm hy vọng ấy Chúa Giêsu đã quả quyết: "Ta đã đến, là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào" (Ga 10,10).

Niềm hy vọng ấy, Chúa ban qua tay Mẹ Maria: "Nguồn hy vọng của chúng con".

 

(963) Giáo dân là người mến yêu sứ mệnh trần thế của mình, là người thực hiện đời đời trong đời tạm.

- Là người tin rằng Chúa giao cho mình trần gian và anh em, để đưa họ đến cứu rỗi vĩnh cửu.

- Là người xác tính rằng Chúa ban ơn cứu rỗi, nhưng Chúa đòi sự hợp tác của con người.

Biết hy vọng, bảo đảm hy vọng, mang lại hy vọng.

@ MV 21c: Giáo hội còn dạy rằng hy vọng cánh chung không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này mà trái lại còn tạo thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy. Vả lại, nếu thiếu căn bản là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống trường cửu thì phẩm giá con người bị tổn thương cách trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ vẫn không giảp đáp được, như thế con người nhiều khi rơi vào tuyệt vọng.

(Xem thêm: GH 31b, 35a; MV 34c, 39b, 93a; TÐ 5a, 7e, 27).

 

(964) Người hy vọng là người cầu nguyện. Ðối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng.

Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa.

Ngài tìm gọi họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuôīc của Ngài.

@ Cl 1,24: Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.

 

(965) Chúng ta cầu xin Chúa, nhưng Chúa trông vào chúng ta. Ngài đã lập một cơ quan để ban ơn cứu rỗi: Hội thánh.

Hội thánh chịu trách nhiệm về công việc của Chúa, và về niềm hy vọng lớn lao nhất của toàn thể anh em.

@ TG 1a: Ðược Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên "bí tích cứu độ phổ quát", Giáo hội, vì những đòi hỏi căn bản của công giáo tính và vì mệnh lệnh của Ðấng Sáng lập, nhất quyết loan báo Phúc âm cho hết mọi người.

(Xem thêm: GH 14a, 48b; TG 7a; HN 3e; GD 3c).

 

(966) Có hạng "công giáo đợi chờ", khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến.

Có hạng "công giáo thụ động", trốn tránh, vô trách nhiệm.

Họ chỉ biết "nhìn lên" để kêu cứu, mà không biết "nhìn tới" để tiến, "nhìn quanh" để chia sẻ, gánh vác.

Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay!

 

(967) Con không trốn tránh hiện tại để trông đợi một cuộc sống khác. Con "tin hằng sống vậy". Niềm hy vọng ấy đã đâm chồi nơi con, và sẽ tiếp tục tươi nở bất tận.

@ 1Tm 6,17-19: Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Ðấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.

@ MV 39c: Sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng ta được thanh tẩy khỏi mọi tỳ ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: "Vương quốc của Chân lý và Sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hoà bình". Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến.

(Xem thêm: GH 5b, 48d; MV 21g, 93a).

 

(968) Con hoàn toàn sống trong hiện tại, nhưng con cũng hoàn toàn sống trong đời đời.

Con chăm lo cứu rỗi anh em,

Nhưng con không quên làm với Chúa và vì Chúa.

Con hết sức tiến tới,

Nhưng với tất cả ánh sáng từ trời cao,

Con dấn thân giữa trần thế,

Nhưng với tình yêu thần linh.

Tất cả điều ấy có ý nghĩa gì?

Nếu con không mang niềm hy vọng lớn lao nhất trong quả tim con?

@ TÐ 5a: Người giáo dân, trong khi thi hành sứ mệnh này của Giáo hội, làm việc tông đồ trong Giáo hội cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế. Hai phạm vi tuy khác biệt, nhưng trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, chúng được liên kết với nhau đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết. Trong cả hai phạm vi, người giáo dân, vừa là tín hữu vừa là công dân, phải được hướng dẫn liên tục bằng một lương tâm Kitô giáo duy nhất.

(Xem thêm: GH 36d; MV 42b, 43a, 57a, 72a).

 

(969) Con hãy làm cho người công giáo tin tưởng ở ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi gia đình, ơn gọi vợ chồng, ơn gọi nghề nghiệp.

Họ sẽ hết chán nản, họ sẽ tràn đầy hy vọng vì họ ý thức rằng Ðấng đã gọi họ sẽ đưa họ đi đến cùng đích.

@ 1Tx 2,12: Chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người.

(Xem thêm: Rm 5,1-2).

@ GH 35a: Nếu giáo dân vững lòng tin cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại (x. Ep 5,16; Cl 4,5) và kiên trì trông đợi một ngày kia sẽ đến (x. Rm 8,25), họ sẽ tỏ ra là con cái của lời hứa; nhưng niềm hy vọng đó, họ không nên giấu kín trong lòng, trái lại họ phải diễn tả nó qua những cơ cấu của cuộc sống trần gian, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu chống lại "bá chủ của thế gian tăm tối này và bọn tà thần" (Ep 6,12).

(Xem thêm: GH 9b, 13c, 35c, 41e; MV 1; HN 12).

 

(970) Làm một cuộc cách mạng: đừng đem đời người công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh các việc thiêng liêng.

Ðấy người công giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường.

 

(971) Con hãy cố gắng, dù yếu đuối sa ngã, hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã qụy, bì nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế.

@ Mt 26,75: Ông Phê-rô sực nhớ lời Ðức Giêsu đã nói: "Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần". Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

(Xem thêm: Lc 7,37-38; 23,41-42).

 

(972) Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đắm hy vọng ngập tràn thế giới.

@ GH 10a: Tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. Cv 2,42-47), họ phải dâng mình làm hy vật sống động, thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát (x. 1Pr 3,15).

(Xem thêm: MV 1,39b,43a; TÐ 7e).

 

(973) "Các bạn Thế Hệ mới" (GEN) phải là "thanh niên của hy vọng", vì với hy vọng, các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc và các bạn sẽ làm cho mọi người hạnh phúc (Chiara Lubich).

 

(974) Con hỏi chừng nào có thể xin "từ chức tông đồ", nghỉ việc tông đồ được. Công việc tông đồ có thể thay đổi tùy khả năng, tuổi tác, nhưng sứ mệnh tông đồ con đã nhận lãnh do phép Thánh tẩy và Thêm sức, chỉ chấm dứt với hơi thở cuối cùng, như Chúa Giêsu khi nói "hoàn tất" trên Thánh giá.

@ Pl 1,23-25: Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Ðức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: Nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em.

 

(975) Gia đình công giáo là tương lai, là hy vọng của Hội thánh. Phải động viên toàn lực gia đình công giáo theo tiếng gọi của Hội thánh, để lôi cuốn và thúc đẩy họ loan Tin mừng cho thế giới, một thế giới càng ngày càng có nhiều người khô đạo.

 

(976) Con hãy hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những khó khăn nội bộ, ngay trong việc tông đồ. Như Thánh Phaolô: "Kẻ thì vì ghen tương và ganh tỵ; nhưng kẻ thì vì thiện cảm mà rao giảng Ðức Kitô... Can chi! Miễn là Ðức Kitô được rao truyền thì tôi vui mừng và tôi cứ vui mừng luôn!" (Pl 1,15.18).

 

(977) Con đừng thất vọng vì thiếu phương tiện. Một vị Hồng y giáo chủ đã nói: "Chúng ta hãy dùng phương tiện của các thánh Tông đồ: các ngài giảng dạy và viết thư; với chừng ấy, các ngài đã chinh phục thế gian. Các ngài đâu có máy móc. Cha chỉ sợ con "quá kỹ thuật" mà "hồn không tông đồ".

 

(978) Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.

Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.

Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.

Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng.

@ 1Cr 10,31: Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page