Ðường Hy Vọng

Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


8. Hy Sinh

 

Hy sinh là dấu chứng của tình yêu

 

(148) Hy sinh và nguyện ngắm đi đôi: Nếu con không hy sinh, con đừng phàn nàn vì nguyện ngắm nguội lạnh.

 

(149) Con phải hy sinh nhiều, khi sống giữa những người khác chính kiến con, khác địa vị con, khác lý tưởng con. Hãy xem gương Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài sống giữa loài người tội lỗi,33 năm hy sinh liên lỉ.

@ LM 15b: Ðức bác ái mục vụ thôi thúc các Linh mục đang hoạt động trong mối thông hiệp này biết hy sinh ý riêng mình, qua việc vâng lời phục vụ Chúa và anh em, bằng cách lấy tinh thần đức tin mà lãnh nhận và tuân theo những gì được Ðức Giáo Hoàng, Ðức Giám Mục của mình, cũng như các Bề trên khác truyền dạy và khuyên bảo, bằng cách hoàn toàn sẵn lòng tự hiến và tự hiến hết mức cho mình dù là thấp kém và nghèo hèn.

(Xem thêm: GH 10b, 41a; ÐT 9a).

 

(150) Gặp người làm khổ con, con có thể có hai thái độ: "Người này hại tôi!" - "Người này thánh hóa tôi".

@ Pl 1,28: Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Ðiều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban.

(Xem thêm: 1Pr 2,19-20).

 

(151) Thiên hạ nói: "Người này là mối họa cho tôi!" Con phải nói: "Người này là khí cụ Chúa dùng biến đổi tôi!"

 

(152) Ai cũng kính trọng những người được in năm dấu thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in năm dấu thánh trên mình bằng hy sinh.

 

(153) Con nghĩ rằng con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa thấy con bỏ qua nhiều dịp: tươi cười với một người nói móc họng, thinh lặng trước một vu cáo bất công, yêu thương một người bạn phản bội, không nói một lời hóc búa trả đũa. Mỗi giây phút đều có dịp hy sinh.

 

(154) Ðừng hy sinh kiểu Biệt phái, hãy hy sinh theo Phúc âm.

@ Mt 6,16: Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.

 

(155) Người thực sự yêu thương, luôn luôn hy sinh mà không bao giờ kể công.

@ Mt 6,3: Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.

(Xem thêm: Mt 6,17-18).

 

(156) Con nói: "Tôi không có dịp hy sinh"; đó là dấu con chưa mến Chúa.

@ GH 10a: Những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Chúa Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng hy tế thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (x. 1Pr 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. Cv 2,42-47), họ phải dâng mình làm hy vật sống động, thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát (x. 1Pr 3,15).

(Xem thêm: MV 38a; LM 13b, 15; TG 12a, 25b).

 

(157) Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa "bỏ mình vác thánh giá" thì chưa "theo Thầy" được. Ðó là điều kiện tiên quyết.

@ Mt 10,38: Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.

(Xem thêm: Mt 16,24).

@ DT 5d: Các tu sĩ phải trung thành với lời khấn của mình và vì Chúa Kitô, từ bỏ mọi sự (x. Mc 10,28), để theo Người (x. Mt 19,21) như một điều cần thiết duy nhất (x. Lc 10,42), nghe lời Người (x. Lc 10,39) và lo âu đến những gì thuộc về Người (x. 1Cr 7,32).

(Xem thêm: PV 12; LM 12b, 13; ÐT 9a).

 

(158) Hy sinh con, đừng hy sinh kẻ khác!

 

(159) Vì yêu thương, ta sẵn sàng hy sinh tất cả như Chúa Giêsu: "... để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, và như Cha truyền dạy Ta sao, Ta làm như vậy. Ðứng dậy! Ta đi khỏi đây!" (Ga 14,31).

@ GH 42d: Giáo hội cũng nhớ lời khuyên nhủ của thánh Tông đồ thúc giục các tín hữu sống bác ái và khuyên họ phải có tâm tình như Chúa Giêsu Kitô "Ðấng tự diệt mình, nhận lấy hình hài tôi tớ..., và vâng lời cho đến chết" (Pl 2,7-8), và vì chúng ta, "Người đã trở nên nghèo nàn tuy Người vốn giàu sang" (2Cr 8,9). Việc noi theo và làm chứng đức ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện không ngừng; nên Giáo hội là Mẹ chúng ta vui lòng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Ðấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự diệt của Người.

(Xem thêm: MV 22c; TG 25b).

 

(160) Nếu con không hy sinh bên ngoài, không ai tin con hy sinh bên trong. Hy sinh giác quan rất quan hệ: Ðavít đã sa ngã vì không giữ mắt.

@ Mt 5,29: Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

 

(161) "Ðức Giêsu... đã yêu mến các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian, thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng" (Ga 13,1). Tận cùng ấy là Thánh gia. Hy sinh của con phải trọn vẹn, phải là lễ toàn thiêu, nếu "con yêu mến đến tận cùng!".

@ GH 42b: Vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tỏ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em (x. 1Ga 3,16; Ga 15,13). Một số Kitô hữu ngay từ thời sơ khai đã được gọi và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng tình yêu ấy cách hùng hồn trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ bách hại mình. Khi tử đạo, người môn đệ đồng hoá với Thầy mình, Ðấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu; Giáo hội coi việc tử đạo đó như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái.

(Xem thêm: GH 41b; MV 93; LM 12b, 13c, 13d; DT 9a).

 

(162) Cái gì làm con xa Chúa, hãy hy sinh nó đi: Móc mắt, chặt tay, cưa chân... (x. Mt 5,29-30; 18,8-9).

 

(163) Chúa thường gởi hy sinh đến những người Chúa yêu, nhưng hạng người được Chúa yêu ít lắm, vì không mấy ai chấp nhận hy sinh.

@ Mt 7,13-14: Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.

 

(164) Không hy sinh nổi những việc nhỏ, con sẽ đầu hàng trước những hy sinh lớn hơn.

 

(165) Ðể thúc đẩy con, mỗi lần hy sinh hãy định rõ một mục tiêu: cứu một linh hồn, dâng cho một bệnh nhân, cầu cho Hội thánh ở một địa phương đang gặp khó khăn.

 

(166) Ai hăng hái chỗi dậy ban sáng, sẽ hăng hái suốt ngày. Phút thức dậy rất quan hệ.

 

(167) Ðừng nhát sợ! Hãy xem gương thánh Phaolô: đói khát, rách rưới, trộm cướp, roi đòn, đắm tàu, vu vạ, tù ngục, chết chóc...

Nếu con sợ, đừng làm tông đồ.

@ Rm 8,35: Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?

(Xem thêm: Rm 8,38-39; Pl 1,12-14; 1Tx 2,1-2; 1Pr 3,13-14).

 

(168) Nếu biết chế ngự bằng hy sinh, hồn và xác con là hai người bạn đoàn kết và vô địch. Nếu không biết chế ngự: hồn và xác con là hai kẻ thù không bao giờ lìa nhau.

@ 1Cr 9,27: Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

(Xem thêm: Rm 7,15; 1Pr 4,1-2).

 

(169) Người hy sinh biết rộng lượng trước khuyết điểm của người và nghiêm khắc trước khuyết điểm của mình.

 

(170) Có những người hy sinh mà muốn mọi người biết mình hy sinh. Có những người không hy sinh mà muốn mọi người biết mình hy sinh. Có những người hy sinh luôn, mà không muốn ai biết mình hy sinh.

 

(171) Trong một cuộc hành hương long trọng, hằng vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong. Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình? Anh hùng thinh lặng khó lắm!

 

(172) Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh.

 

(173) Kinh Tin Kính phải đánh động con, vì sự hy sinh của Chúa Giêsu: "Người đã nhập thể... và đã làm người. Người chịu đóng đinh... chịu tử hình, và mai táng..." Hy sinh trong cả cuộc sống, như của lễ toàn thiêu.

@ 2Cr 5,15: Ðức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình.

(Xem thêm: Dt 12,1-3).

 

(174) Con có thể hy sinh mạng sống, hy sinh cả cuộc đời, vì hy sinh chan chứa vào Chúa Giêsu: "Người sống lại như lời Thánh kinh, Người lên trời. Người sẽ trở lại trong vinh quang... Nước Người sẽ không bao giờ cùng".

@ 2Tm 2,8-9.11: Anh hãy nhớ đến Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã sống lại từ cõi chết, Ðấng xuất thân từ dòng dõi Ða-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Ðây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.

(Xem thêm: 1Tx 1,9-10).

 

(175) Ðừng nghĩ chỉ có mình con hy sinh. Hãy nhìn quanh con, từ những đứa bé bán báo kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, đến những cụ già hy sinh tất cả để nuôi con, nuôi cháu... Con phải hổ thẹn, con hãy cảm phục. Có những người đói rách, nhưng dưới lớp áo tả tơi, có quả tim anh hùng.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page