Phong Trào Và Thần Học Phụ Nữ

Trong Thế Kỷ 20

Susan A. Ross

Lm. Nguyễn Hùng Cường, M.M. chuyển dịch ra Việt Ngữ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


IV. Thần Học Luân Lý

 

Như Lisa Sowle Cahill đã lưu ý, "Tất cả thần học phụ nữ, thực ra bởi định nghĩa, là luân lý phụ nữ". Những hàm ý về luân lý của việc suy tư của phụ nữ như là đối tượng, về việc đáng kể của những mối tương quan trong đời sống nhân loại, và về sự hiện thân, thì rất nhiều. Ðối với thần học luân lý của giáo hội công giáo Rôma, khoảng trên 30 năm của cuối thế kỷ 20 đã được đánh dấu bởi tiêu điểm đặc biệt trên thần học luân lý, đặc biệt về tính dục. Trong khi những vấn đề khẩn cấp khác - đe dọa của chiến tranh, vũ khí nguyên tử hạt nhân, công lý trong kinh tế và xã hội, phân biệt chủng tộc, án tử hình - cũng đã được tuyên bố là những điều đáng chú ý của thần học luân lý, nhưng rất ít vấn đề nêu trên đã nhận được sự chú ý nhiều từ cả giới truyền thông dân sự và của Vatican cho bằng tính dục giới tính trong khoảng 30 năm về đây.

Khoảng cuối thập niên 1950, khi thuốc ngừa thai trở nên phổ biến rộng rãi, nó trở thành điều có thể cho phụ nữ lần đầu tiên có được sự kiểm soát tương đối hoàn toàn trên khả năng sinh sản của mình. Cùng với sự phát triển của phong trào phụ nữ trong thập niên 1960, và phương tiện dễ dàng sử dụng các phương tiện về điều hòa sinh sản với sự giải phóng của các luật lệ, những thái độ mới đối với tình dục cũng từ đó xuất hiện. Cùng thời gian đó, câu hỏi về việc chấp thuận luân lý về việc điều hòa sinh sản cho các Kitô hữu đã được cân nhắc chú ý bởi hội đồng của giáo hoàng được thành lập tại Công Ðồng Vatican II. Vào ngày 30 tháng 7 năm 1968, Ðức Giáo Hoàng Paul VI đã ra tông huấn Humanae Vitae, vẫn giữ vững lập trường truyền thống của giáo hội là cấm dùng tất cả mọi phương pháp "nhân tạo" về việc tránh thụ thai. Nhưng cuộc tranh luận về tính dục mới chỉ bắt đầu.

Ðáp lời về tông huấn Humanae Vitae, một nhóm thần học gia tại trường Ðại Học Công Giáo của Hoa Kỳ ở Washington, D.C., đã ký một bản tuyên bố rằng, trong sự phán đoán của họ, những Kitô hữu với lương tâm ngay thẳng tốt lành có thể được phép bất đồng quan điểm với những lời giảng dạy của hội thánh. Rất nhiều tín hữu đã đoán trước được sự trả lời khác này, bởi vì đa số trong "hội đồng về điều hòa sinh sản" đã đề kiến một sự thay đổi trong giáo huấn của giáo hội. Nhưng Tòa Thánh Vatican mãnh liệt bác bỏ mọi lý lẽ cho một sự thay đổi và điều theo sau là trên 30 năm một sự tranh co giữa Vatican và những người không đồng ý với sự giảng dạy của giáo hội. Phần lớn tiêu điểm của những sự không đồng ý là nằm trên những vấn đề liên hệ đến tính dục (giới tính) của phụ nữ.

Trong các tài liệu về tính dục trước Công Ðồng Vatican II, hôn nhân dĩ nhiên là bối cảnh duy nhất cho sự diễn tả về tính dục cách hợp pháp. Mục đích chính yếu của đời sống hôn nhân được xác tính là để sinh sản con cái và mối tương quan giữa chồng vợ trong hôn nhân được hiểu theo thứ bậc, giống như là giáo sĩ với giáo dân. Trong bài tiểu luận thường được trích dẫn của nhà thần học luân lý nổi tiếng John C. Ford, khái niệm bí tích của mối ràng buộc trong đời sống hôn nhân gia đình được hiểu là siêu vượt khỏi bất cứ mối liên quan cảm xúc nào mà hai người phối ngẫu có thể có. Sự thảo luận về hôn nhân gia đình trong hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, cách mạng hóa sự thảo luận của Công Giáo về hôn nhân gia đình bằng cách bao gồm sự liên kết hòa hợp (đó là tình yêu) của vợ chồng như là mục đích chủ yếu của hôn nhân. Trong Humanae Vitae, Ðức Giáo Hoàng Paul VI lập luận rằng mục đích của hôn nhân là sự liên kết (hòa hợp) và sinh sản con cái thì không thể tách rời ra được.

Trong khi sự chuyển biến ngôn ngữ thần học này về hôn nhân không phải là hậu quả trực tiếp của phong trào phụ nữ, công đồng, tuy nhiên xác nhận sự bình đẳng giữa nam và nữ, với những phẩm chất bình thường về sự "bản chất tự nhiên đặc biệt" của phụ nữ. Và khi phụ nữ giành được tiếng nói trên thế giới, và trong giáo hội, với sự nhấn mạnh mới là giáo dân và giáo sĩ đều là Dân Thiên Chúa, tính dục nổi lên như là một cách thế cho phụ nữ, cũng như toàn thể giáo dân, thách đố những cơ chế quyền lực truyền thống trong giáo hội. Cái điều đã xảy ra là, khoảng những năm đầu thập niên 1990, khoảng 87 phần trăm giáo dân Công Giáo tại Hoa Kỳ "tin rằng giáo hội nên cho phép vợ chồng có quyền tự quyết về những phương pháp hạn chế sinh sản". Ở một mức độ lớn nhất, dường như phẩm trật giáo hội đã nhân nhượng về cuộc tranh cãi về vấn đề hạn chế sinh sản, nhưng những vấn đề phá thai và, tới một mức độ nào đó, những kỹ thuật mới về việc sinh sản vẫn là những vấn đề luân lý trọng tâm. Trong khi những vấn đề này thì phức tạp và liên quan đến chiều kích luân lý đa dạng, chẳng hạn như vai trò của lương tâm, những nguồn tài nguyên kinh tế, và giống như thế, tại trung tâm là sự quan tâm của phụ nữ để có tiếng nói của họ trong sự quyết định về luân lý cách trách nhiệm.

Một số trong các nhà thần học đã từng quan sát rằng trong vài vấn đề luân lý nghiêm trọng chẳng hạn như sự sử dụng vũ khí hạt nhân, tử hình và công lý trong kinh tế, thay đổi các cấp độ của chủ nghĩa luân lý đa nguyên thì không những được chịu đựng mà còn được khuyến khích. Nhưng khi nó chạm đến những vấn đề sống và chết liên quan đến phụ nữ và tính dục, thì không còn chủ nghĩa đa nguyên luân lý; quả thật, những hình phạt nhằm ngăn chặn chủ nghĩa đa nguyên như thế đã được viện dẫn và sử dụng để chống lại những người đã tranh luận cho nó, như đã xẩy ra với "Vatican 24". Cái lực hút luân lý và phức tạp rắc rối của vấn đề phá thai không bị đặt thành câu hỏi bởi những nhà thần học phụ nữ, họ tranh luận cho việc gia tăng sự nhấn mạnh vai trò tác nhân của phụ nữ trong luân lý; hơn thế nữa, vấn đề mở rộng đến một cách nào đó để những tiếng nói và kinh nghiệm của phụ nữ được bao gồm - lắng nghe (hay tách rời) trong những cuộc thảo luận về thân phận luân lý đạo đức của nó.

Vì thế câu hỏi về thần học luân lý cũng là câu hỏi về phương pháp thần học - đó là, sự quan trọng của kinh nghiệm - và trong trường hợp này, là những kinh nghiệm của phụ nữ, như là một nguồn liệu cần thiết cho sự hiểu biết thích đáng về tính dục của con người. Những người tranh đấu cho những thay đổi trong sự giảng dạy của giáo hội trên những vấn đề như tình trạng luân lý của sự giao hợp nhưng không sinh sản, những quan hệ có cam kết của những người đồng tính luyến ái, những phương pháp ngừa thai nhân tạo, thì họ cũng tranh đấu cho tính hợp pháp của những kinh nghiệm của con người về những vấn đề này như là có giá trị về luân lý đạo đức, kế bên, hay có lẽ khác biệt khỏi những giáo huấn của giáo hội. Trong khi những cuộc tranh luận về thần học luân lý thường chú trọng vào tính dục của phụ nữ, chúng có những hàm ý rộng xa hơn; đó là, chúng thách đố những ý niệm thứ bậc của những mối tương quan (người phối ngẫu, giáo hội) với mẫu chuẩn bình đẳng hơn và đề nghị rằng kinh nghiệm con người - cách đặc biệt kinh nghiệm của phụ nữ - cung ứng một nguồn thần học cần thiết.

Hơn nữa, thần học phụ nữ và các nhà thần học giải phóng khác tranh luận rằng những câu hỏi như thế cần được đặt vào một bối cảnh kinh tế, xã hội rộng lớn hơn của nó nhờ đó những vấn đề của quyền lực và đặc quyền có thể được nhận diện. Phong trào phụ nữ đã tuyên cáo rằng "cá nhân là chính trị", và vì thế nó thách thức những cơ chế nào cứ muốn kéo dài những tư tưởng cho rằng phụ nữ và trẻ con là vật sở hữu, nơi chốn của phụ nữ là ở nhà, và rằng gia đình thì bất khả xâm phạm tách khỏi sự kiểm tra của công cộng. Những thái độ này ẩn dưới những vấn đề nghiêm trọng như bạo hành trong gia đình, sách nhiễu tình dục, và phân biệt công ăn việc làm. Các nhà thần học phụ nữ thách đố các giáo hội lên án tội phân biệt giới tính, để nhận ra rằng ngay trong những mối quan hệ hợp pháp theo giáo luật vẫn có thể là tội lỗi và bất công, và hãy nên nhạy cảm hơn về sự phức tạp của những vấn đề mà chúng thường bao chung quanh trong thời kỳ thai nghén. Thêm vào đó, các nhà thần học phụ nữ thách đố các nhà lãnh đạo giáo hội thực hành ngay trong những cơ chế của họ chính những vấn đề mà họ thường giảng dạy trong phạm vi lãnh vực công cộng: quyền thành lập các nghiệp đoàn, trả lương công bằng theo công việc làm, và quyền có tiếng nói trong sự cai quản (giáo hội).

 

(Trích trong cuốn The Twentieth Century - A Theological Overview

Edited by Gregory Baum

Orbis Books - Maryknoll, New York, 1999)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page