Phong Trào Và Thần Học Phụ Nữ

Trong Thế Kỷ 20

Susan A. Ross

Lm. Nguyễn Hùng Cường, M.M. chuyển dịch ra Việt Ngữ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


III. Nhân Chủng Thần Học

 

Cho mãi đến thời gian tương đối gần đây - khoảng thời gian của Công Ðồng Vatican II - nhân chủng thần học được đặt dưới đề mục của "tín lý về con người". Thế giới tự nhiên của loài người được hiểu như là một cái gì tương đối không thay đổi, trong đó nhân loại cùng chia sẻ, qua thời gian và qua các nền văn hóa, một bộ phận vững chắc về những đặc tính: lý trí, một phẩm chất đưa con người lên trên các loài vật; sự hướng mở tâm hồn về Thiên Chúa; và chiều hướng thiên về tội lỗi. Trong khi con người hoặc là đàn ông hay đàn bà, và vì thế có những khả năng về sinh học khác biệt nhau nên chúng cũng giữ một phần trong những chọn lựa về nghề nghiệp, "người" được coi là chung chung không phân biệt. Phong trào phụ nữ căn bản đã thách đố tư tưởng này về "con người".

Thứ nhất, phong trào phụ nữ tham dự vào trong sự nhấn mạnh tổng quát cùng với phong trào giải phóng phụ nữ dân sự vào thập niên 1960 bằng cách đặt nặng trọng tâm trên sự mẫu chuẩn hóa và những phẩm tính được khám phá về "kinh nghiệm" của con người, mặc dù một vài vấn đề này có thể sau này phải được đặt thành câu hỏi. Nhắc lại rằng Valerie Saiving lập luận rằng "những cám dỗ của phái nữ thì không giống như những cám dỗ của phái nam". Như đã đề cập trước đây, sự đóng góp thực sự của Saiving là chỉ ra cho chúng ta thấy rằng những tín điều về tội lỗi và ân sủng đã bắt nguồn như thế nào, phần lớn là từ kinh nghiệm của phái nam, họ tìm thấy rằng trong những hoàn cảnh của họ về quyền lực con người và sự tội lỗi dẫn họ đến sự kiêu căng ngạo mạn nên họ cần sửa đổi sao cho thích hợp bằng tín điều về ân sủng và tình yêu của sự hy sinh. Còn kinh nghiệm của người nữ, Saiving lập luận rằng, nói chung, không phải là những kinh nghiệm về quyền lực và kiêu căng nhưng hơn thế là sự quá thường xuyên đặt người khác lên trên chính bản thân mình, của "những chuyện tầm phào và dài dòng", vì thế cần có một phương cách khác biệt để nói về tội lỗi và ân sủng. Kinh nghiệm con người được tiết lộ là "được định trí bởi xã hội" - đó là, giới tính, cũng như chủng tộc, giai cấp, và nguồn gốc dân tộc, đã định hướng nắn gọt sự hiểu biết của một người về thực tế, vì thế nó thách đố tư tưởng cho rằng những sự hiểu biết về "con người" hoàn vũ như là sự thích hợp thỏa đáng cho mọi người. Vì vậy, phong trào phụ nữ, cùng với các phong trào giải phóng khác, thách đố cái đặc tính chuẩn mực của giống dân da trắng, Tây Phương (và thường cũng là giới độc thân) nam giới như là "tác giả" hay "đối tượng" của thần học, làm sáng tỏ đặc tính có vấn đề và đáng kể của kinh nghiệm, và nêu lên cái xã hội định trí như là chìa khóa trong sự giải thích cho bất cứ một tuyên bố nào về thần học.

Cùng với điều này, phong trào phụ nữ đã thách đố tư tưởng cho rằng lý trí và sự tự quyết là những phẩm chất "cao nhất" của bản chất con người, và phụ nữ nên phấn đấu để đạt được cái loại "lý trí không thiên vị" này được ca tụng bởi vài triết gia và thần học gia. Các nhà học giả phụ nữ không chối từ là con người thì đều có những khả năng về lý trí; nhưng hơn thế nữa, tự quyết và lý trí, họ lập luận rằng cần phải giữ cho nó quân bình bằng sự nhấn mạnh vào mối tương quan của con người và cảm xúc nữa. Lần nữa, các nhà học giả phụ nữ đã quay về với những kinh nghiệm của nữ giới để làm nền tảng cho việc phê bình về việc cho rằng con người như là một vật thể có cùng chung một tính chất. Carol Gilligan, trong cuốn sách có ảnh hưởng lớn, In a Different Voice, đã thách đố những tư tưởng về sự phát triển luân lý đi tiên phong là nhà tâm lý Lawrence Kohberg của trường đại học Harvard, bằng cách đề nghị rằng chính những sự khác biệt trong cách nuôi dạy con trai và con gái có thể giúp giải thích tại sao con trai đạt điểm cao trong những bài thi về luân lý, bởi con trai được nuôi dạy đặt nền tảng duy lý về luân lý, trong khi con gái đạt điểm thấp hơn. Trong "tiếng nói khác" của sự suy tư luân lý đặt nền tảng trong mối tương quan hơn như Gilligan đã đề nghị là đặc tính của con gái và phái nữ, và có thể, bà lập luận, bổ sung cho những phương cách có vẻ truyền thống.

Trong khi những tư tưởng của Gilligan tiếp tục nêu lên những câu hỏi cho các nhà tâm lý, thần học và xã hội học, công việc của bà đã có ảnh hưởng về việc nhấn mạnh phẩm chất tương quan trong đời sống con người. Sự hiện hữu của con người, các nhà lý thuyết phụ nữ đã tranh luận, là tương đối cũng như hoàn cảnh hóa một cách sâu sắc, và đã tách bỏ những kinh nghiệm của phái nữ ra khỏi những khái niệm về chuẩn mực của một người đã có ảnh hưởng trong việc cắt đứt tư tưởng của chúng ta trong việc hiểu biết là người thì có ý nghĩa gì. Vì thế, Beverly Wildung Harrison nhấn mạnh vai trò của sự giận dữ trong công việc của tình yêu, và Margaret Farley coi sự dấn thân cá nhân là tâm điểm của cuộc sống con người. Có thể nói rằng sự nhấn mạnh về quyền lực của cảm xúc và sự tương quan trong đời sống con người thực ra không phải là điều mới mẻ chi trong truyền thống của Kitô Giáo, cả sự ảnh hưởng của vấn đề vào thời khai sáng tách biệt và sự vắng mặt của phụ nữ trong các văn kiện về thần học và triết học về con người thì không thể chối từ được là đã làm cho định nghĩa về con người trở nên giới hạn và nhỏ hẹp đi. Mujerista và các nhà thần học phụ nữ, cũng như cả nam và nữ sau thời đại đô hộ, cũng đã thách thức hình ảnh "con người duy lý" như là mẫu chuẩn của con người; họ đặt nặng ở sự quan trọng của gia đình và cộng đồng, vai trò của tranh đấu hằng ngày trong cuộc sống, và sự không thể tách bỏ những lưu tâm cụ thể về sức khỏe, hạnh phúc, nhân quyền và phẩm giá con người khi quan tâm đến câu hỏi của bản chất con người.

Chiều kích thứ ba của nhân chủng thần học mà các nhà thần học phụ nữ, nữ giới và mujerista đã nhấn mạnh là đặc điểm hiện thân của một con người. Cùng với sự hiểu biết về con người chủ yếu như là lý trí đã được ngụ ý, và đôi khi diễn tả rõ ràng, nhị nguyên về chức năng: trí óc trên thân xác, đàn ông trên đàn bà, con người trên loài vật, bắc trên nam, lý trí trên cảm xúc. Như Rosemary Radford Ruether thảo luận trong cuốn sách của bà năm 1975, New Woman, New Earth, những ý tưởng nhị nguyên như thế gộp tất cả vào với nhau gồm đàn bà, Do Thái, người da màu, và trái đất, và phân loại chúng như là có dục tính hơn, thân xác hơn, cảm xúc hơn và vì vậy cần được chế ngự bởi "con người lý trí". Một hình ảnh của con người như thế đã bị bóp méo tàn tệ và không trọn vẹn. Tất cả con người, đàn bà cũng như đàn ông, cần ăn, ngủ, nhà ở, bị thúc đẩy của tình dục, bệnh tật, kinh nghiệm xảm xúc, suy nghĩ, chết; tắt một lời, chúng ta đều sống trong thân xác. Trong khi sự hiện thân một vài cách thế nào đó phân biệt bởi giới tính - ví dụ, đàn bà thì mang nặng đẻ đau, có kinh nguyệt, và thường thì sống lâu hơn đàn ông; trong khi đàn ông thì có râu, có khả năng làm đàn bà thụ thai, và thường thì phần thân thể phía trên to khỏe hơn đàn bà - không có giới tính nào lại có tính hiện thân nhiều hơn giới tính khác. Quả thật, trọng tâm chú ý của đức tin Kitô Giáo là đặt trên mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa trong thân xác của một con người. Sự thật là tất cả con người kinh nghiệm chính mình và trong các mối tương quan với người khác và với Thiên Chúa là đều qua thân xác của họ nhưng thường bị lãng quên trong một truyền thống vẫn mang với nó một sự lúng túng lẫn lộn về thân xác và tính dục.

Những nhà học giả phụ nữ đã tìm kiếm để nhắc nhớ chúng ta rằng tất cả chúng là "bản chất thân xác" cũng như "bản chất tâm trí" và tính dục là món quà từ Thiên Chúa. Chúng không phải là hàng rào cản ngăn ta có những liên hệ với Thiên Chúa, như những sự cấm đoán truyền thống về tình dục trước khi lãnh nhận mình thánh và những sự đòi hỏi về đời sống độc thân của giáo sĩ đã cho thấy như thế, sự hiện thân của con người và thế giới tự nhiên chính là những con đường dẫn ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, như truyền thống của các bí tích Kitô Giáo nên (nhưng tiếc đã không luôn luôn) được cử hành. Các nhà học giả phụ nữ vì thế đã lập luận rằng sự chống đối về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ phần lớn nằm trong sự sợ hãi thân thể của phái nữ và của tính dục. Phụ nữ không thể thực sự đại diện cho Thiên Chúa, theo kiểu suy tư này, bởi vì sự liên kết Thiên Chúa với thân xác và tính dục có thể làm nguy hại cho sự việc tách rời hai điều đó mà truyền thống Kitô Giáo Tây Phương đã phải tranh đấu để bảo tồn. Ðể nghĩ lại sự quan trọng của sự hiện thân và tính dục, đặc biệt từ cách nhìn của phụ nữ qua kinh nghiệm và phương tiện của họ, cuối cùng thì phải suy nghĩ một cách nghiệm chỉnh về ý tưởng là đàn bà cũng được sáng tạo "trong hình ảnh của Thiên Chúa". Dưới đây, tôi sẽ xem xét một vài ngụ ý tín lý về điểm này.

Một sự ngụ ý xa hơn về sự quan trọng của sự hiện thân là một viễn cảnh mới trong thế giới thiên nhiên. Thuyết nhị nguyên mà nó giao tranh "giữa con người và thiên nhiên" cũng dựa trên khái niệm của con người muốn tách rời con người khỏi môi trường thiên nhiên và coi đặc quyền phát triển kỹ thuật lên trên sự quan tâm về những ảnh hưởng trên môi trường sống. Chẳng phải là sự lạ kỳ gì mà thiên nhiên thì được gọi bằng những đại danh từ giống cái. Thái độ đối với loài vật, trái đất, biển và trời, phản ảnh một thái độ văn hóa vẫn còn tồn tại đối với phụ nữ. Sự quan tâm của phụ nữ về việc hiện thân tìm kiếm để nối kết tất cả tạo vật lại với nhau trong mốit tương trợ toàn thể.

 

(Trích trong cuốn The Twentieth Century - A Theological Overview

Edited by Gregory Baum

Orbis Books - Maryknoll, New York, 1999)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page