Phong Trào Và Thần Học Phụ Nữ

Trong Thế Kỷ 20

Susan A. Ross

Lm. Nguyễn Hùng Cường, M.M. chuyển dịch ra Việt Ngữ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


"Từ ngày khai mở phong trào giải phóng phụ nữ, Kinh Thánh đã được trưng dẫn, sử dụng để kìm giữ họ trong "vị trí xã hội định bởi Thiên Chúa", diễn tả trong Cựu và Tân Ước... Dài như hàng ngàn cuốn Kinh Thánh được in hàng năm và phân phát đến tất cả những nơi có con người hiện diện, và dân chúng ở các quốc gia nói tiếng Anh tôn kính Kinh Thánh như là Lời Chúa, nên thật là vô ích trong việc làm ảnh hưởng của nó giảm đi."

Elizabeth Cady Stanton, The Woman's Bible

 

"Kinh Thánh không chỉ là sách đơn thuần về tôn giáo nhưng nó còn có tầm mức chính trị cách sâu xa như khi nó tiếp tục cung ứng sự tự hiểu biết về những nền văn hóa và xã hội cũa Mỹ và Âu Châu. Vì thế, những diễn giải Kinh Thánh của phụ nữ có tầm mức chính trị quan trọng không chỉ cho những phụ nữ trong tôn giáo thuộc về kinh thánh còn cho tất cả phụ nữ trong các xã hội Tây Phương."

Elizabeth Schussler Fiorenza, Bread Not Stone

 

Elizabeth Cady Stanton, sáng lập phong trào đòi quyền lợi cho phụ nữ và Elizabeth Schussler Fiorenza, nhà thần học phụ nữ tiên phong của cuối thế kỷ 20. Họ sống cách nhau khoảng một thế kỷ, tuy nhiên quan điểm của họ tương đồng cách đáng kể và chúng dùng để minh họa không những cả về sự tiến triển đã được thành hình, chẳng hạn như "các suy tư thần học theo quan điểm phụ nữ" đã ảnh hưởng đến môn thần học mà còn nêu lên những chướng ngại cho quyền bình đẳng của phụ nữ cần phải vượt qua. Trong bài tiểu luận này, tôi sẽ chú tâm phần lớn, mặc dù không đặc biệt, vào phong trào thần học phụ nữ tại Hoa Kỳ, chủ yếu từ góc nhìn của các nhà thần học Công Giáo. Dẫu biết rằng không một bài tiểu luận nào có thể làm một việc công bình cho một đề tài bao la và vẫn đang còn tiếp tục được triển khai như thế. Hy vọng của tôi là làm sáng tỏ một vài vấn đề quan trọng đang nổi lên khi thế kỷ 20 đang đi vào những ngày cuối.

 

I. Bối Cảnh Lịch Sử

 

Mặc dù thế kỷ 20 là đối tượng lưu tâm của cuốn sách này, nhưng để hiểu sự tác động ảnh hưởng của phong trào phụ nữ trên thần học cũng như các môn học khác thì ít nhất chúng ta phải đi ngược lại thế kỷ 19 một chút. Năm 1998 đánh dấu 150 năm kỷ niệm Ðại Hội Seneca Falls, bắt đầu kết hợp sự tranh đấu thành tổ chức để tranh đấu cho các quyền căn bản của phụ nữ tại Hoa Kỳ. Lãnh đạo bởi Elizabeth Cady Stanton và những người khác, Seneca Falls đánh dấu sự bắt đầu "làn sóng thứ nhất" của phong trào giải phóng phụ nữ mà cao điểm là việc tu chính hiến pháp của Hoa Kỳ, phê chuẩn năm 1920, cuối cùng đã phải công nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Giới phụ nữ tại Anh cũng tranh đấu cho quyền bầu cử của họ trong những năm đầu của thế kỷ 20, đã phải tổ chức tuyệt thực để kéo sự chú ý của người dân vào mục đích của họ. Trong khoảng 72 năm kể từ năm 1848 đến 1920, phong trào phụ nữ tại Hoa Kỳ cũng chú tâm vào những vai trò khác của phụ nữ trong tôn giáo và những biến cố như sự truyền chức cho bà Antoinette Brown Blackwell bởi giáo hội Congregration vào năm 1853, việc xuất bản cuốn The Woman's Bible năm 1895 của Elizabeth Cady Stanton và hoạt động của Margaret Sanger về những vấn đề điều hòa sinh sản (gây cho nhiều giáo hội ăn không ngon ngủ không yên) trong những năm đầu của thế kỷ 20. Tất cả cho thấy những quan tâm của phụ nữ về tôn giáo.

The Woman's Bible có khả năng thấy trước sự thức tỉnh của nó về những vấn đề giải thích như khi quyền tác giả của Kinh Thánh là đàn ông, vài trò của Kinh Thánh trong việc nhấn mạnh vai trò thứ yếu của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội và sự quan trọng trong việc làm nổi bật những phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong Kinh Thánh. "Làn sóng thứ nhất" của phong trào phụ nữ nói chung được công nhận là đã chấm dứt vào khoảng thời gian bản tu chính điều 19 được thông qua. Cuộc tranh đấu cho quyền đầu phiếu đã thắng, nhưng thực ra việc tranh đấu cho nữ quyền vẫn còn đang tiếp tục.

Ðiều này trở thành hiển nhiên rõ ràng là vào năm 1930, khi giáo hội Anh Giáo Hiệp Thông trong hội nghị tại Lambeth đã bỏ phiếu cho phép các đôi vợ chồng được dùng các phương pháp điều hòa sinh sản. Theo sau quyết định của họ, Ðức Giáo Hoàng Pius XI vào ngày 31 tháng 12 năm 1930 đã ra thông điệp Casti Connubii (Thanh sạch trong đời sống gia đình). Ðức Pius đã lập lại giáo huấn của giáo hội rằng mục đích chính của hôn nhân là sinh sản con cái, vì thế bất cứ phương pháp điều hòa sinh sản nào không theo phương pháp tự nhiên tự bản chất đều trái với luân lý. Ngài còn tranh luận xa hơn rằng phong trào phụ nữ đe dọa sự cướp đi "vai trò thanh cao nhất của phụ nữ là làm vợ, làm mẹ và làm bạn đời" và phụ nữ phải phục tùng chồng mình trong đời sống vợ chồng (số 26). Tuy nhiên thông điệp cũng tạo ra một làn sóng văn chương ca ngợi sự tốt đẹp trong hôn nhân, mặc dù không phải không nhấn mạnh cả đặc tính quyền bính giai cấp của giáo hội và của cả gia đình. Quan niệm của Ðức Pius XI về phụ nữ là những bà mẹ (nữ tu được hiểu là mẹ thiêng liêng) và như là "sự khác biệt về bản chất" khác với phái nam đã được lập lại bởi các vị giáo hoàng kế tiếp và vẫn còn là căn bản cho các giáo huấn chính thức của Vatican về phụ nữ như sẽ được phân tích sau đây.

Năm 1952 cuốn Le Deuxième Sexe (The Second Sex) của Simone de Beauvoir xuất bản và được thừa nhận rộng rãi khắp nơi như là khởi xướng cho "làn sóng thứ hai" của phong trào giải phóng Tây Phương. Mặc dù quan điểm của de Beauvoir thuộc về chủ nghĩa hiện sinh cá nhân và sự quan tâm với khái niệm của sự tách rời con người đã khiến các nhà học giả phụ nữ phê bình sau này, nhưng không ai nghi vấn được lời tuyên bố của bà, "người ta sinh ra không là phụ nữ, nhưng là trở nên phụ nữ", đã có ảnh hưởng sâu xa và là lâu bền trong việc hiểu biết là người phụ nữ thì mang ý nghĩa gì. "Nữ tính", từ ngữ sau này được dùng bởi các kinh viện, là "sự tạo ra của xã hội", chứ không phải là đặc tính bẩm sinh, đã thách đố quan niệm cho rằng tất cả phụ nữ (cũng như tất cả đàn ông trong một cách thế khác) đều chia sẻ cùng một tính chất tự nhiên cố định và đã ném vào mặt của những quan niệm truyền thống về nữ tính được gìn giữ tin tưởng bởi những truyền thống của xã hội và tôn giáo Tây Phương: cho rằng phụ nữ thì yếu ớt hơn, rằng số phận của họ là làm mẹ, rằng họ phải phục tùng quyền bính đàn ông. Nhưng những tư tưởng như thế đã tồn tại qua một thời gian rất lâu; năm 1998 Hội Nghị của giáo hội Thanh Tẩy Miền Nam của Hoa Kỳ đã thông qua một bản tuyên bố cho rằng phụ nữ đã "độ lượng phục tùng quyền bính tôi tớ của người chồng".

Năm 1960, Valerie Saiving (Goldstein) một sinh viên phân khoa Thần Học của trường Ðại Học Chicago (là mẹ đơn) trong một bài tiểu luận đăng trên báo Journal of Religion lập luận rằng sự hiểu biết về tội của Kitô giáo đang lưu hành chính là tội kiêu ngạo thích hợp hơn với kinh nghiệm của đàn ông bởi họ, nói chung, thường ở trong những vai trò vị thế dễ đưa đến việc phạm tội này hơn là phụ nữ, bởi phụ nữ đã được xã hội cũng như tôn giáo khuyến khích họ nên biết tự hy sinh. Vì thế nhân đức yêu thương của Kitô giáo như là agape (tình yêu hy sinh tận hiến) thì thích hợp cho đàn ông hơn, bởi họ cần phải qui hướng trọng tâm tình yêu vào người khác. Trong khi đó, phụ nữ cần phát triển một ý thức mạnh mẽ về cá tính cá thể của họ hơn. Saiving lập luận rằng kinh nghiệm của phụ nữ hiển nhiên là khác biệt với kinh nghiệm của đàn ông và vì thế ý thức về "tội lỗi" và "ân sủng" cũng đương nhiên khác biệt. Bài tiểu luận của Saiving đã không được chú ý nhiều cho mãi đến 15 năm sau, nhưng tư tưởng của Saiving đã là nền tảng cho thần học phụ nữ như ta biết say này.

Năm 1963 Betty Friedan xuất bản cuốn The Feminine Mystique, cuốn sách có thể châm ngòi cho phong trào giải phóng phụ nữ tại Hoa Kỳ. Friedan nhận diện "một vấn đề không tên", vấn đề ở đây là phụ nữ - da trắng giai cấp trung lưu - cảm nghiệm thật sâu xa một cảm giác trống rỗng và vô nghĩa trong cuộc sống của họ. Friedan cho rằng phụ nữ cần phải được một ý thức cao hơn về cá tính cá nhân mình và về quyền tự trị về đời mình. Thập niên 1960 còn được đánh dấu bởi những phong trào giải phóng cho các thuộc địa cũ của Âu Châu và cho người Mỹ da đen, công đồng Vatican II, chiến tranh Việt Nam, các phong trào học sinh viên viên tại Pháp và Hoa Kỳ, và bởi hàng loạt những biến cố bạo động - như ở Los Angeles, Newark và việc chủng tộc nổi dậy ở Detroit, rồi các vụ ám sát của John Kennedy, Robert F. Kennedy và Martin Luther King Jr.

Phong trào giải phóng phụ nữ, như thường được gọi, cũng để lại dấu của nó trong nền văn hóa Hoa Kỳ. Kéo theo những "nhóm Rap (bất cần đời)" phát triển trong phong trào dân quyền, "nhóm thức tỉnh lương tâm" đã trở thành phương tiện cho phụ nữ - lần nữa, phần đông là phụ nữ da trắng giới trung lưu - phát triển một ý thức tự giác về những hoàn cảnh sống của họ, bao gồm sự lệ thuộc vào đàn ông cho tên tuổi của họ và cá nhân, và những bất công họ phải đối diện trong ngành giáo dục, trong công ăn việc làm và cả trong tôn giáo. Trên hết, những nhóm này nhấn mạnh về ý thức cho phụ nữ khác. Hứng khởi bởi khẩu hiệu The personal is the political (cá nhân là chính trị) và bởi hành động trong sự đoàn kết với các phụ nữ khác, họ bắt đầu nhắm vào các vấn đề cả trong xã hội cũng như tại gia đình. Phong trào phụ nữ đã có một ảnh hưởng lớn trên văn hóa Tây Phương và cả trên các nền văn hóa khác trên thế giới nữa, trong sự tranh đấu cho quyền bầu cử, các quyền về sinh sản, công bằng trong công ăn việc làm và săn sóc sức khỏe và cả những thay đổi ảnh hưởng đến luật lệ về hôn nhân và ly dị.

Phong trào phụ nữ đã dẫn đến việc thúc đẩy cho việc truyền chức linh mục cho phụ nữ là việc không thể tránh được. Nếu nữ giới được coi là bình đẳng với nam giới, những lập luận nhằm chống lại việc truyền chức cho phụ nữ dường như gia tăng giống như sự phân biệt đối xử như những chướng ngại đối với việc chống lại quyền bỏ phiếu của phụ nữ vậy. Vào năm 1918 phụ nữ thuộc giáo phái Methodist đã được "chính thức được ban phép những quyền hạn và điều kiện như những nhà thuyết giảng nam giới địa phương"; năm 1956 giáo hội Presbyterian (giáo hội trưởng lão) đã bắt đầu phong chức linh mục cho phụ nữ. Năm 1970 phái Lutheran nhận thấy rằng dựa trên nguồn gốc kinh thánh "cả hai trường hợp thuận hay chống việc phong chức  linh mục cho phụ nữ đều không tìm thấy một kết luận rõ ràng nào" và sau đó đã phong chức linh mục cho phụ nữ; giới phụ nữ thuộc phái Episcopalian đã thúc đẩy vấn đề này bằng cách yêu cầu bốn giám mục về hưu truyền chức linh mục cho một nhóm 11 phụ nữ vào năm 1974. Sau đó tại Ðại Hội Chung năm 1976, giáo hội này đã chính thức chấp thuận việc truyền chức cho phụ nữ. Giáo hội Anh giáo đã chấp thuận việc phong chức cho phụ nữ năm 1992. Nhưng vấn đề này vẫn còn là điều gây chia rẽ giữa các truyền thống và đã dẫn đến việc nhiều nhóm của nhiều giáo phái rút lui không tham gia đại hội toàn quốc, cũng như nhiều linh mục, mục sư thuộc giáo hội Episcopal và Lutheran rời bỏ giáo hội của họ và xin gia nhập vào giáo hội Công Giáo Rôma. Riêng giáo hội Công Giáo Rôma vẫn giữ vững lập trường chính thức là chống lại việc phong chức linh mục cho phụ nữ mà tôi sẽ thảo luận dưới đây.

Khoảng giữa thập niên 1970 một nền văn học về phong trào phụ nữ phát triển, và những môn học về phụ nữ được quy định đã nẩy sinh trong nhiều trường đại học, cùng với những môn học về người Mỹ da đen, Mễ, Châu Mỹ Latinh, dân bản xứ Mỹ, Á Châu, Mỹ gốc Á Châu và những môn học khác về chủng tộc, dân tộc và giới tính. Vào năm 1973, tối cao pháp viện Hoa Kỳ quyết định "quyền riêng tư" của phụ nữ là hợp hiến, bao gồm quyền phá thai và vấn đề về các quyền liên quan đến việc sinh sản đã trở thành tâm điểm cho các cuộc tranh luận trong tôn giáo cũng như ngoài công cộng Hoa Kỳ. Phong trào phụ nữ vì thế đã được tuyên dương - hay bị đổ lỗi - về những thay đổi đột ngột trong đời sống gia đình, bao gồm sự gia tăng về con số ly dị và gia tăng con số phụ nữ đi làm việc. Lần đầu tiên Hội Nghị Phụ Nữ Thế Giới Liên Hiệp Quốc nhóm họp tại thành phố Mexicô vào năm 1975 và tiếp sau bởi các hội nghị tại Nairobi, Stockholm và Bắc Kinh; thập niên 1976-1985 đã được chọn làm thập niên của Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc. Hội nghị 1995 tại Bắc Kinh đã xác nhận tính chất quốc tế của phong trào phụ nữ nhưng nó cũng cho thấy sự khác biệt sâu rộng giữa những chính sách chính thức của các quốc gia và những tổ chức hạ tầng cơ sở của phụ nữ. Ðiều hiển nhiên là 40 năm cuối của thế kỷ 20 đã chứng kiến những sự thay đổi lớn lao trong đời sống của giới phụ nữ trên khắp hoàn cầu.

 

(Trích trong cuốn The Twentieth Century - A Theological Overview

Edited by Gregory Baum

Orbis Books - Maryknoll, New York, 1999)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page