Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 07 tháng 07 năm 2002

Chúa Nhật 14 Thường Niên Năm A

 

Ðọc Tin Mừng  Mt 11,25-30

25 Lúc ấy, Ðức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.

28 Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Tất cả những ai vất vả hãy đến cùng tôi

Suốt đời thầy An Phong Ðỗ Ðình Giang (Rodriguez) chưa bao giờ đặt chân đến Roma, nhưng ngày 15.1.1888, mãi 357 năm sau khi thầy chào đời, thầy đã được đón tiếp trọng thể hơn bất cứ vị tướng lãnh nào trở về Roma sau chiến thắng khải hoàn. Buổi sáng Chúa Nhật hôm ấy, Ðức Lêô XIII long trọng ghi tên thầy An Phong vào sổ bộ các thánh.

Thầy An Phong là một vị thánh âm thầm. Nếu có một ký giả nào đề nghị viết một bài tiểu sử của thầy để đăng báo, thì chắc chắn sẽ được vị chủ bút cám ơn khéo. Không bột sao gột nên hồ, mà con người này lại chẳng có gì đáng nói cả! Nhưng đánh giá thầy An Phong như vậy thì thật là hời hợt và thiếu sót. Vì có lẽ điều quan trọng không phải là người ta làm những gì nhưng đã làm như thế nào.

Hình như hạt giống thánh thiện đã được gieo vào lòng cậu bé An Phong lúc 9 tuổi khi gặp cha Phêrô Phan Vương (Favre) lần đầu tiên. Cha Phan khi đi giảng thuyết ở Tây Ban Nha lần kia đã đến ở trọ trong một căn nhà của ông thân sinh cậu bé An Phong. Ông nhà buôn len sợi giàu có này cho cậu bé An Phong đến giúp đỡ cha Phan. Ðể đền ơn, cha Phan dạy An Phong biết phải làm thế nào để phụng sự Chúa, đó là làm mọi sự theo thánh ý Ngài (...)

Ít lâu sau, An Phong có dịp thực hành lời dạy của cha Phan. Năm 1545 khi An Phong lên 14 tuổi thì thân phụ qua đời. Cùng lúc ấy khắp nước Tây Ban Nha gặp cơn khủng hoảng về len sợi. Gia đình An Phong rơi vào cảnh sa sút. An Phong đứng tên chủ hãng nhưng thực ra bà mẹ lo liệu mọi việc. Bà thuyết phục được An Phong lập gia đình với một cô gái gia đình giàu có để cứu vãn tình thế. Nhưng bao nhiêu cố gắng của bà cũng chỉ là công dã tràng.

Từ khi mồ côi cha, An Phong thấy những năm tháng nặng nề trôi qua, ngày càng gặp nhiều khó khăn về tiền bạc. Và sau khi lập gia đình, thêm bao mối sầu khác lại chồng chất mãi lên vai. Mới 5 năm sau ngày cưới, chàng đã phải chịu đựng ba đám tang: vợ và 2 con. Sau đó ba năm nữa, tức 1565, đứa con sống sót cuối cùng cũng vĩnh biệt người cha đau khổ.

Giữa bao nhiêu cảnh rơi lệ ấy, An Phong vẫn nhớ lời cha Phan dạy và luôn hướng trong lòng về Chúa. Chàng bắt đầu chăm chỉ cầu nguyện và hãm mình. Ðến cuối năm 1568, sau khi thanh toán xong công việc buôn bán, chàng đến gõ cửa xin vào Dòng Tên, tức Dòng Chúa Giêsu là Dòng của cha Phêrô Phan Vương. Nhưng vì chàng 37 tuổi, lại ít học, nên không được nhận.

Ai gõ thì sẽ mở cho

Thấy vậy, An Phong quyết định đi học thứ tiếng Latinh hóc búa. Chàng vào học lớp vỡ lòng cùng với đám trẻ ranh tinh nghịch. Sau hai năm đổ mồ hôi nước mắt, chàng nhận thấy mình không thể nào học được, và đành dứt nghiệp bút nghiên.

Trong thời gian đó, chàng vẫn tiến tới trong đời sống thiêng liêng, và luôn giữ đức khiêm tốn, khó nghèo. Trước khi đi học, có bao nhiêu tiền, chàng đã cho các em gái và người nghèo hết. Chàng đến Valencia không một xu dính túi và sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người khác. Hoàn cảnh của chàng đỡ chật vật hơn khi nhờ cha linh hướng, chàng tìm được việc làm trong một gia đình khả giả. Nhiệm vụ chàng là giúp việc nhà và dẫn con cái ông chủ đi học.

Cuối năm 1570, một lần nữa chàng đến gõ cửa xin vào Dòng Tên, lần này chàng xin làm tu huynh. Nhiều người nghĩ rằng chàng sẽ chẳng làm được chuyện gì nên hồn trong Dòng, nhưng cha giám tỉnh lại nghĩ khác. Ngày 31.1.1571, An Phong vào nhà tập. Sáu tháng sau, tập sinh 40 tuổi này được gởi đến học viện Montesion ở Parma trên đảo Mã Ðình (Majorca). Chính ở đây, An Phong sẽ sống 46 năm cuối của đời thầy.

Ban đầu thầy được chỉ định lo việc lặt vặt trong nhà. Ðã có lúc thầy làm thợ nề trong công tác xây cất nhà nguyện mới. Thầy đã cố gắng hết sức, nhưng càng để thấy rõ hơn thầy không phải là một thợ xây giỏi. Rồi thầy giúp việc cho tu huynh lo phòng thánh. Ngoài ra, thầy luôn tay với những công việc không tên: quét nhà, lau bụi, rửa chén, lau bàn, v.v... Thầy làm mọi sự rất chu đáo để phụng sự Chúa. Thầy luôn sẵn sàng làm bất cứ việc nào.

Năm 1580, thầy được chỉ định lo việc canh cổng cho học viện. Chúa đã sắp đặt cho thầy công việc này để ban cho thầy nhiều ơn cao trọng bởi trời. Ðã hẳn, việc canh cổng không phải là một vinh dự. Thầy An Phong tự đặt cho mình một qui luật là kính trọng mọi người vào học viện như thể chính Chúa Kitô vậy. Do đó thầy ân cần, lễ độ với hết mọi người.

Dầu chỉ là một tu huynh và chỉ giữ chân gác cổng, thầy An Phong được ơn đặc biệt là hiểu sâu xa về đời sống thiêng liêng, và đọc được ý Chúa muốn nơi mỗi người. Ở trường Montesion được một thời gian, thầy có thêm nghề tay trái là linh hướng. Ban đầu là những tâm hồn đơn sơ của giới bình dân, sau đó đến các thanh niên, rồi các tu sĩ, linh mục và giám mục cũng tìm đến hỏi thầy và xin thầy cầu nguyện cho. "Ðệ tử" nổi tiếng nhất của thầy là thánh Phêrô Claver. Thời gian học tại Montesion, vị thánh tông đồ người da màu tương lai này thường xuyên đến bàn hỏi với thầy. Chính thầy đã khuyên người "đệ tử" xin sang Nam Mỹ truyền giáo.

"Lạy Chúa, này con đến" đó là câu nói mỗi ngày được thốt ra không biết bao nhiêu lần từ miệng, từ lòng thầy An Phong, mỗi khi có ai đến gõ cổng. Ðời sống nội tâm vừa giản dị vừa thần bí của thầy An Phong được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện liên lỉ. Lúc nào trong tay thầy cũng có chuỗi môi khôi, và hễ không có việc là thầy đọc kinh. Hẳn là nhờ vậy, thầy An Phong thấy được Chúa trong mọi người và luôn sẵn sàng thưa xin vâng.

Hiền lành và khiêm nhường

Hình ảnh tu huynh An Phong thánh thiện như vừa thấy ở trên thật dễ thương. Tác giả Hoàng Sóc Sơn, đã khéo trình bày cho thấy nét đơn sơ thần bí về đời sống thánh An Phong Ðỗ Ðình Giang (Rodiguez) trong cuốn Bạn Ðường Chúa Giêsu (1997) và trong tài liệu nội bộ Dòng Tên về chư thánh của Dòng.

Thánh An Phong tu huynh Dòng Tên, thực ra cũng chỉ là một trong muôn ngàn vị thánh khác của Giáo Hội cho thấy mầu nhiệm Nước Thiên Chúa thuộc về những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ, miễn là họ có Chúa ở cùng, thì chính Ngài sẽ thực hiện những điều kỳ diệu. Nhưng trước tiên mầu nhiệm ấy phát xuất do chính Thiên Chúa Cha (Mt 11,26) và được truyền đạt cho Ðức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (c.27).

Bài Tin Mừng hôm nay, cho thấy hai loại người khác hẳn nhau khi đối diện với mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa như Ðức Giêsu đến để công bố. Một bên là loại người chỉ biết có quan điểm của mình nên không thể nhận ra cái mới do Ðức Giêsu mang lại. Bên kia, ngược lại, là những tâm hồn đơn sơ, rộng mở để đón nhận Thiên Chúa với lời của Ngài bày tỏ cho họ.

Khi người nghe Tin Mừng có được sự đơn sơ rộng mở như trẻ thơ (c.25), lòng tốt của Thiên Chúa sẽ mang lại hoa trái nơi người đó vì Ngài sẽ ban cho người đó ơn để hiểu đường lối của Ngài. Khi ấy cái nhìn của Thiên Chúa sẽ được mạc khải cho người đó, đó là cái nhìn mà một mình Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa biết, vì mình Người sống trong sự thân mật với Chúa Cha (Ga 1,18; Dt 1,1-4). Chính tình yêu khiến Ðức Giêsu với tư cách là Con Một Thiên Chúa, dò thấu được cõi lòng Chúa Cha, nhờ đó Ðức Giêsu có thể tiết lộ những bí mật của Chúa Cha cho những tâm hồn đơn sơ rộng mở.

Gánh nặng mà Ðức Giêsu ví như cái ách (c.29), tượng trưng cho toàn bộ những đòi buộc mà người biệt phái dạy các tín hữu Do Thái phải giữ. Trong Tin Mừng hôm nay người Do Thái được mời gọi tìm nơi Kitô giáo không phải lề luật ít hơn, nhưng là tìm ở đó một sự tự do mới mẻ (x. Mt 5,17). Ðức Giêsu mời gọi người ta mang lấy ách của Người, tức là bước theo Người trong cuộc sống, vì Người hiền hậu và khiêm nhường. Chính vì Người là hiện thân của lòng khiêm nhường và hiền hậu nên bước theo sự lãnh đạo của Người trong tình yêu, chính là con đường giải phóng cho người đơn sơ bé nhỏ.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn thán phục thánh An Phong Ðỗ Ðình Giang nhất về: sự kiên trì tìm kiếm ơn gọi thích hợp cho bản thân? Ðức kiên nhẫn trong chịu đựng? Nghề tay trái là linh hướng?

2. Bạn hiểu và áp dụng thế nào về lời Chúa Giêsu dạy: "Hãy mang lấy ách của tôi" (c.29)?

 


Back to Home Page