Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 23 tháng 06 năm 2002

Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm A

 

Ðọc Tin Mừng  Mt 10,26-33

Hôm ấy Ðức Giêsu sai mười hai tông đồ đi và nói với các ông ấy rằng: 26 "Anh em đừng sợ người ta. Thật ra không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. 27 Ðiều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

28 Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Ðúng hơn, anh em hãy sợ Ðấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục. 29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. 30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. 31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32 Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. 33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời.

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Lệnh lên đường

Bài Tin Mừng hôm nay là phần quan trọng của "Bài Giảng Về Sứ Mệnh Truyền Giáo" (Mt 10). Các môn đệ được Ðức Giêsu sai đi loan báo "Nước Trời đã đến gần" (Mt 10,7). Họ được Ngài cho biết trước những khó khăn trên đường thi hành sứ mạng của mình, một sứ mạng được so sánh với hình ảnh "chiên đi vào giữa bầy sói" (Mt 10,16). Do vậy, bị ngược đãi và bị bách hại là số phận thường tình của những môn đệ trung thành với sứ mạng được trao.

"Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian" (Ga 17,18). Sứ mạng của người môn đệ tiếp nối sứ mạng của Con Thiên Chúa đã lĩnh nhận từ Cha. Chính vì vậy, người môn đệ cũng có chung số phận của Thầy "Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em" (Ga 15,20). Ðược sai đến thế gian, sống giữa thế gian (x. Ga 17,11) nhưng các môn đệ lại là những người không thuộc về thế gian (x. Ga 17,16) vì họ đã được tuyển chọn và được tách khỏi thế gian bởi Cha (x. Ga 17,6) và bởi Thầy Giêsu (Ga 15,19). Chính đây là lý do của việc họ bị thế gian thù ghét và bách hại (x. Ga 15,19).

Vinh Quang nơi Thập Giá

Ðức Giêsu đã tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng chính cuộc khổ hình Thập giá. Giờ tử nạn của Ngài cũng chính là giờ Cha tỏ bày vinh quang cho Con Người (x. Ga 17,1-2). Ngay giây phút chết bi thương trên khổ giá, Ðức Giêsu tỏ cho con người biết phẩm giá cao quí nhất của mình: Ðó là phẩm giá làm con Thiên Chúa: viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa" (Mc 15,39).

Vì Ðức Giêsu, người môn đệ sẽ bị mọi người thù ghét (Mt 10,22). Thế nhưng, những đau khổ mà người môn đệ phải chịu lại mang một ý nghĩa thật lớn lao, đó là "cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào Thập Giá" (Gl 2,19). Như thánh Phaolô xưa, người môn đệ của Ðức Kitô Giêsu qua bao đời vẫn có thể nói: "những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1,24).

Trong đức tin, người môn đệ vẫn hằng lấy mầu nhiệm Thập Giá của Thầy làm vinh quang của mình "Vinh quang của ta là Thập Giá Ðức Kitô. Nơi Ngài ơn cứu độ của ta, phục sinh của ta". Người môn đệ là người được chính Thầy tỏ lộ cho biết những mầu nhiệm Nước Trời (x. Mt 13,11), đó là mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho họ (x. Cl 1,26). Mầu nhiệm này đã được thánh Phaolô xác định cách rõ ràng, đó là mầu nhiệm "Ðức Kitô đang ở giữa nhân loại, Ðấng ban cho con người niềm hy vọng đạt tới vinh quang (x. Cl 1,27). Ðức Giêsu muốn cho người môn đệ tiếp tục công cuộc tỏ bày mầu nhiệm cứu độ ấy cho những ai chưa được nghe thấy: "Những điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày, và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng (Mt 10,27). Vì mục đích và sứ mạng rao giảng này, người môn đệ phải vất vả chiến đấu (x. Cl 1,29), nhưng chính Ðức Giêsu Phục Sinh vẫn hằng hoạt động mạnh mẽ nơi người môn đệ, khi họ thi hành sứ mạng được trao. Người môn đệ luôn cảm nhận một sức sống trào dâng nơi đời mình, một sự sống nhiệm mầu được diễn tả bằng câu nói: "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20).

Có Ðấng Phục Sinh đồng hành

Vì có Ðức Kitô Phục Sinh đồng hành trên đường thi hành sứ mạng, nên người môn đệ vẫn hằng cảm thấy niềm vui khi bị bách hại và chịu thử thách trăm bề (x. Cl 1,24). Như Ðức Giêsu, Ðấng hằng vâng ý Cha, lấy ý Cha làm lương thực của mình (x. Ga 4,34), người môn đệ cũng được mọi người tín thác vào tình thương quan phòng của Cha để luôn vâng ý Cha.

Ngắm nhìn vũ trụ bao la, thế giới xinh đẹp, người môn đệ khắc ghi sâu đậm nơi lòng mình tình Cha vẫn hằng ấp ủ đỡ nâng tất cả mọi loài thọ sinh. Tuy là Ðấng có thể tiêu diệt cả xác lẫn hồn, nhưng Cha vẫn mãi mãi là Ðấng rất mực từ nhân. Cha hằng chăm sóc cho từng cánh hoa đồng nội, trang điểm cho đẹp xinh hơn cả vinh hoa tột bậc của vua Salomon quí phái (x. Mt 6,29). Cha giữ gìn từng cánh chim bé bỏng, nuôi chúng no đủ từng ngày (x. Mt 6,26) và không con nào phải rơi xuống đất ngoài ý Cha (Mt 10,29). Riêng đối với những môn đệ của Con Chí Ái, những người thuộc về Cha (x. Ga 17,6), Cha ân cần săn sóc đến nỗi biết đến từng sợi tóc trên đầu họ (x. Mt 10,30). Trong tình thương diệu vời của Cha, người môn đệ có cùng một lòng tri ân, thán phục của tác giả thánh vịnh 138:

"Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
Bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.
Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,
Quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!

Ði mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
Lẫn nơi nào cho khuất Thánh Nhan?

Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,
Nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện
Ðến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
Tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn.
Cánh tay hùng mạnh giữ lấy con (câu 5-9)

Chẳng giết được linh hồn

Hãy noi gương thánh nữ tử đạo Anê Lê Thị Thành. Người phụ nữ này bị bắt chính vì bà đã cho các thừa sai trú ẩn nơi nhà mình. Bà đã hành xử giống như nhóm phụ nữ cùng với Nhóm Mười Hai theo chân Ðức Giêsu và đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ (x. Lc 8,1-3).

Tại Nam Ðịnh, quan toà bắt bà Anê Thành chối đạo, bà đáp: "Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời."

Các quan truyền đánh đòn bà, lúc đầu bằng roi, sau bằng thanh củi lớn quật vào chân bà. Dịp chồng bà đến thăm, bà đã giải thích lý do tại sao bà chịu đựng nổi cơn đánh đập hung bạo đó: "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Ðức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn."

Dã man nhất là màn thả rắn độc vào trong áo bà Thành đang mặc. Họ đã túm lấy tay áo bà, có ý để rắn bị bức xúc sẽ cắn vào người bà. Nhưng bà Thành bình tĩnh lạ thường, không nhúc nhích, nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra.

Người con út của bà Thành là Luxia Nụ tới thăm mẹ và thấy y phục mẹ mình đầy vết máu, nên khóc nức nở. Bà Thành an ủi con: "Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?"

Bà Thành còn nói với cô Nụ: "Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Ðàng."

Trong thời gian ngồi tù, bà Thành không những chịu cực hình tra tấn, chịu đói, chịu khát, mà còn chịu khổ vì bệnh kiết lị hành hạ. Nhưng bà được an ủi nhiều vì có hai nữ tu cùng bị giam, săn sóc và giúp đỡ bà. Các linh mục cũng gởi thuốc, đến thăm và ban bí tích hoà giải, xức dầu .

Cuối cùng bà đã phó linh hồn trong tay Chúa theo gương Thầy Chí Thánh ngày 12 tháng 7, 1841, sau ba tháng bị giam, hưởng thọ 60 tuổi, và được Ðức Gioan Phaolô II phong hiển thánh năm 1998.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn được đánh động nhất về điều gì trong cuộc tử đạo của thánh Anê Lê Thị Thành? Bạn nghĩ thánh Anê Thành nêu gương sáng nào cho người môn đệ Chúa Giêsu?

2. Trong thế giới công nghiệp ta hiện đang sống, bạn thấy người Kitô hữu phải hy sinh từ bỏ đặc biệt về những khía cạnh nào trong cuộc sống để theo chân Chúa Giêsu?

 


Back to Home Page